Công viên địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh tự làm khó mình
Các chuyên gia cho rằng Quảng Ngãi đưa khu kinh tế, khu công nghiệp vào công viên địa chất Lý Sơn- Sa Huỳnh là “tự làm khó” mình trên hành trình bảo tồn, phát huy giá trị di sản.
Trong khi các chuyên gia đề xuất đưa khu kinh tế, khu công nghiệp ra ngoài công viên địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh thì lãnh đạo Quảng Ngãi vẫn cho rằng “không có gì lo lắng”.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Minh Trí, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi, cho hay công viên địa chất là vùng rộng lớn, hàm chứa giá trị địa chất quốc tế, giá trị văn hóa, đa dạng sinh học, đặc biệt đời sống xã hội, có hoạt động của con người. Công viên địa chất không có nghĩa là khoanh vùng, giữ nguyên trạng tất cả.
“Quy hoạch ngược” với bảo tồn di sản
“Việc đưa khu kinh tế, khu công nghiệp vào trong công viên làm cho người dân ý thức cao hơn trong việc bảo vệ, gìn giữ môi trường chứ không phải để nó vào gây nguy hại. Bởi lẽ khu kinh tế, khu công nghiệp đã hình thành trước khi có ý tưởng lập hồ sơ công viên địa chất toàn cầu”, ông Trí nhấn mạnh.
Trong khi đó, UNESCO đặt ra mục tiêu cho công viên địa chất toàn cầu theo tiêu chí phát triển bền vững kết hợp của ba yếu tố: Phát triển kinh tế (nhất là tăng trưởng kinh tế), phát triển xã hội (nhất là thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; xóa đói giảm nghèo và giải quyết việc làm) và bảo vệ môi trường (gìn giữ môi trường trong lành, xử lý, khắc phục ô nhiễm).
Ông Nguyễn Trần Trọng (ngụ Quảng Ngãi), chuyên gia quy hoạch nhấn mạnh đưa khu kinh tế, khu công nghiệp vào công viên địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh là “quy hoạch ngược”, tự làm khó trong bài toán phát triển. Thực tế, phát triển công nghiệp tại các khu kinh tế, khu công nghiệp Việt Nam chưa đạt tiêu chí về môi trường và rủi ro ô nhiễm môi trường còn rất lớn.
Theo ông Trọng, các dự án ở khu kinh tế, khu công nghiệp “can thiệp thô bạo” làm thay đổi địa hình, địa mạo thì khó thể bảo tồn di sản. Đó là chưa kể khi doanh nghiệp đầu tư trong công viên địa chất buộc phải tuân thủ quy trình phức tạp, thủ tục đánh giá tác động môi trường nghiêm ngặt. Điều này kéo dài thời gian, đi ngược lại quy định đơn giản hóa thủ tục, cải cách hành chính, gây phiền hà cho doanh nghiệp, ảnh hưởng môi trường đầu tư Quảng Ngãi.
Theo các chuyên gia, các công viên địa chất toàn cầu trên thế giới đều tuân thủ bảo tồn nguyên trạng phần lõi. Khu vực liền kề vùng lõi thì họ ưu tiên phát triển kinh tế du lịch, nhất là du lịch cộng đồng, sinh thái vừa phát huy được giá trị di sản vừa bảo vệ môi trường, tạo điều kiện cho người dân hưởng lợi.
“Đại công trường” dễ phá hỏng công viên địa chất
Tiến sĩ Nguyễn Hoàng, chuyên gia Viện Khoa học và Công nghệ Quốc gia (Nhật Bản), cho hay các khu kinh tế, khu công nghiệp Quảng Ngãi trong giai đoạn tăng tốc đầu tư ví như “đại công trường” đặt vào công viên địa chất thì không ổn.
Nhà máy lọc dầu Dung Quất đang mở rộng giai đoạn 2, Tổ hợp gang thép Hòa Phát cùng với cảng biển nước sâu trong giai đoạn xây dựng cao điểm cùng hàng loạt dự án công nghiệp nặng khác… dễ gây tổn hại công viên địa chất.
“Theo tôi, Quảng Ngãi cần cân nhắc chọn một trong hai giữa phát triển công nghiệp hay là bảo tồn di sản công viên địa chất. Nếu bây giờ sai lầm thì tương lai gần sẽ gánh hậu quả khó cứu vãn”, chuyên gia khuyến cáo.
Sau thời gian dài nghiên cứu, khảo sát, tiến sĩ Guy Martini, Tổng thư ký Mạng lưới công viên địa chất toàn cầu, nhận định công viên địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh có đầy đủ tiềm năng, giá trị di sản để lập hồ sơ trình UNESCO công nhận là công viên toàn cầu.
Tiến sĩ Guy Martini khuyến nghị để biến những tiềm năng thành hiện thực, Quảng Ngãi phải lập đội ngũ cán bộ chuyên trách, có chủ trương, chính sách rõ ràng, xử lý triệt để vấn đề môi trường, phổ biến kiến thức công viên địa chất rộng rãi đến người dân.
“Mục tiêu cuối cùng của công viên địa chất toàn cầu là góp phần phát triển của cộng đồng địa phương. Nếu không đạt điều này thì giấy chứng nhận của UNESCO treo trên tường cũng chẳng có ý nghĩa nữa”, tiến sĩ Guy Martini nói.
Công viên địa chất Lý Sơn ban đầu thành lập rộng hơn 100 km2, bao gồm: Huyện đảo Lý Sơn và vùng phụ cận ven bờ thuộc các xã Bình Châu, Bình Hải (huyện Bình Sơn).
Về sau, công viên được mở rộng lên đến 4.600 km2 bao trùm huyện đảo Lý Sơn, Bình Sơn (cả Khu kinh tế Dung Quất), Sơn Tịnh (KCN VSIP, Tịnh Phong), Trà Bồng, Sơn Hà, TP Quảng Ngãi, các xã ven biển của huyện Tư Nghĩa, Mộ Đức và Đức Phổ. Trong đó, phần diện tích đất liền hơn 2.000 km2, dân số khoảng 900.000 người và hơn 2.600 km2 mặt nước. Đến nay, công viên địa chất Lý Sơn đã được đổi tên thành công viên địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh (Lý Sơn – Sa Huỳnh Geopark).
Hiện Quảng Ngãi đã phê duyệt điều chỉnh đề án và phát triển công viên địa chất Lý Sơn giai đoạn 2018-2021 (chưa kể giai đoạn 2022 trở về sau), với tổng kinh phí gần 67 tỷ đồng.
Minh Hoàng
Theo Zing.vn