Công lý và cứu chuộc
Ở bất cứ đâu, vào bất kỳ lúc nào sự bất công cũng đang diễn ra. Nhưng cùng với sự bất công là những người chính trực ra đời.
Bryan Stevenson là một luật sư da màu, đã dành trọn cuộc đời chống lại sự bất công với người nghèo và người thiểu số trong hệ thống tư pháp hình sự, đặc biệt là trẻ em. Ông đã giúp đạt được các quyết định của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ cấm kết án trẻ em dưới 18 tuổi đến chết hoặc tù chung thân mà không được tha. Stevenson còn là người đã cứu hàng chục tù nhân khỏi án tử hình, biện hộ cho người nghèo. Phần nào những hoạt động đó, được ông thuật lại trong cuốn Nhân từ với quỷ dữ (NXB Đà Nẵng).
Cuốn sách này còn có một tựa phụ: Bàn về công lý và sự cứu chuộc. Công lý là gì? Chiếc khăn bịt mắt nữ thần Công lý vừa là biểu tượng của sự đề kháng trước ngoại cảnh, không bị áp lực ảnh hưởng, nhưng đồng thời bởi không nhìn nên không thấu tỏ. Đọc cuốn sách của Stevenson ta có thể thấy công lý được thực thi rốt ráo, kiệt cùng và nhiều khi bất nhân.
Một người bị giam cầm suốt hàng chục năm trời, vì một tội không làm chết bất kỳ ai từ tuổi thiếu niên. Chưa kể đến người đó có dấu hiệu về thiểu năng trí tuệ và không đi lại được. Hay một người mẹ da đen nghèo khó bị buộc tội cố sát đứa con sơ sinh của mình. Cả hai vụ án này tưởng chừng bị cáo cuối cùng chôn thân cả đời trong ngục tù nếu không có sự giúp đỡ của Stevenson.
Ta sẽ thắc mắc một nền tư pháp hiện đại và nghiêm ngặt như Hoa Kỳ sao lại nhiều vụ án oan đến thế? Nhưng ta phải biết rằng luật pháp nằm trong tay con người, và khi con người biến mình thành những cỗ máy rập khuôn thì chắc chắn nó sẽ đánh mất đi chức năng cứu chuộc những người sa ngã khỏi bàn tay của cái xấu. Và một khi đánh mất điều này, thì tất yếu những vụ án oan, bất công sẽ còn tiếp diễn.
Đầu tháng Tư này, ở Việt Nam lần đầu tiên xuất hiện một cuốn sách của luật sư kể về quá trình minh oan cho thân chủ của mình: Hành trình minh oan cho tử tù Hàn Đức Long của luật sư Ngô Ngọc Trai. Vụ tử tù Hàn Đức Long thoát khỏi bốn án tử hình gây xôn xao dư luận hẳn ai cũng biết. Là câu chuyện đằng sau nhiều năm trời đấu tranh không mệt mỏi với biết bao thất bại của những luật sư đi trước, Ngô Ngọc Trai vẫn không nản lòng để chứng minh những bằng chứng hiện có không đủ kết tội chết Hàn Đức Long, và ông phải được trả tự do.
Cả Bryan Stevenson và Ngô Ngọc Trai đều còn rất trẻ khi dấn thân vào những vụ án khó. Bào chữa hoàn toàn miễn phí bởi thân chủ họ đều nghèo. Nhưng may mắn hơn Stevenson, luật sư Trai đã không phải chứng kiến thân chủ của mình bị hành hình. Điều mâu thuẫn ở đây là cựu tử tù Hàn Đức Long bị kết án tử trong nhiều năm trời, ông được sống vì hệ thống thi hành án ở ta… chậm. Nếu không, việc minh oan cho ông chỉ còn là điều vô nghĩa.
Trong những quyển sách của mình, hai tác giả trong quá trình đòi lại công bằng cho thân chủ đã chỉ ra những lỗ hổng và đi đến một mục đích lớn hơn là kiện toàn bộ máy tư pháp. Phải thay đổi nhận thức chuyển từ “người bị bắt có tội cho đến khi được chứng minh là vô tội” sang “người bị bắt vô tội cho đến khi được chứng minh là có tội”. Vì đằng sau một bản án tưởng chừng giản đơn, là cả một đời người. Rất nhiều trường hợp được ghi nhận trên thế giới, phạm nhân sau khi được phóng thích thường tái phạm để lại đi tù do không thích nghi được với cuộc sống bên ngoài nhà giam. Thậm chí có người còn tự sát, bởi họ hoàn toàn trắng tay, người thân và bè bạn đều mất dấu, không công ăn việc làm, không thể học nghề hay bất cứ điều gì vì đã già và không có cơ hội cạnh tranh với nhân công trẻ hơn khi đi xin việc.
Dĩ nhiên trong quá trình hành nghề của mình, cả hai luật sư không thể thỏa lòng đám đông khi cuối cùng vẫn không tìm ra được hung thủ giết người. Nhưng thế mới chính là công lý của một xã hội văn minh, chứ không phải một thứ công lý báo thù, thà giết lầm chứ không bỏ sót.
Đọc Nhân từ với quỷ dữ và Hành trình minh oan cho tử tù Hàn Đức Long trong sự đối sánh. Để thấy rằng, ở bất cứ đâu, vào bất kỳ lúc nào sự bất công cũng đang diễn ra. Nhưng cùng với sự bất công là những người chính trực ra đời. Họ không phải là thẩm phán, họ không kết án, cũng đừng đòi hỏi họ phải có sự suy luận xuất thần của những nhà điều tra. Họ đơn giản chỉ là những người bảo vệ công lý, khi bước vào một vụ án mới giống như bước vào một đêm đen dày đặc. Nhưng chỉ cần một ánh sáng le lói đâu đó trong vũng đêm kia cũng đủ cho họ hy vọng.
Huỳnh Trọng Khang
Theo Người Đô Thị