Còn đó một dấu son
Khói súng đã tan nơi thượng nguồn sông Thu, tháng năm phủ vùi những công sự, hố bom bằng màu xanh cây rừng. Nhưng thẳm sâu ký ức, tháng Bảy luôn gợi niềm nhớ trong lòng bao cựu binh lẫn người dân xứ sở về một chiến tích oai hùng bên đỉnh Cà Tang: chiến thắng Nông Sơn – Trung Phước.
Ký ức oai hùng
Nước Thu Bồn thẳm xanh dưới chân cầu Nông Sơn, chầm chậm trôi về xuôi trong nắng vàng tháng Bảy. Chúng tôi đi theo ông Trần Công Chức – Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Nông Sơn ra thắp hương nơi bia tưởng niệm chiến thắng Nông Sơn – Trung Phước. Trong bảng lảng khói nhang, không nghe rõ lời rì rầm cầu khấn của ông Chức, nhưng ngước nhìn lên bia tưởng niệm, không khí trang nghiêm một niềm xúc động. Ông Chức chỉ tay về phía Cà Tang, nơi pháo của ta dội lên trong trận đánh năm xưa; ở đó, sau màu xanh của rừng, vẫn còn dấu tích những hầm hào công sự…
Trước ngày kỷ niệm 45 năm chiến thắng Nông Sơn – Trung Phước, ông Trần Công Chức nhận được bức thư của Đại tá Hoàng Minh Tiến – nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 31, Sư đoàn 2 (Quân khu 5), người trực tiếp tham gia hai trận đánh tại mảnh đất này: trận tháng 10.1966 và trận tháng 7.1974. Từng dòng hồi ức được kể lại qua trí nhớ của vị đại tá. Cụm cứ điểm kiên cố Nông Sơn được xây dựng dựa vào trận địa hầm hào vững chắc ở các điểm cao liên kết, có các hàng rào dây thép gai nhiều tầng, nhiều lớp xen kẽ lớp mìn bảo vệ, lúc nào cũng có một trận địa pháo cối, sở chỉ huy tiểu đoàn và một đại đội Mỹ chốt giữ. Sau năm 1973, Mỹ rút đi, giao lại cho Tiểu đoàn biệt động biên phòng 78 chiếm giữ. Được giao nhiệm vụ đánh chiếm cụm cứ điểm này, anh em cán bộ từng tiểu đoàn, đại đội trinh sát kỹ lưỡng, tính toán bố trí từng khẩu hỏa lực. Trung đoàn rút về Hiệp Đức, đào giao thông hào, dựng hàng rào dây thép giống như ở Trung Phước để tập luyện đánh địch.
“Có một điều bất ngờ diễn ra, không ai lường trước được, là ngày 17, địch đưa Tiểu đoàn 3E51 vào thay Tiểu đoàn 78, khiến lực lượng địch tăng lên. Tuy nhiên, địch mới thay một đại đội và Sở chỉ huy tiểu đoàn, ta đưa các tiểu đoàn vào áp sát để ngày 18 nổ súng nhưng chúng không hề hay biết. Đúng 0 giờ 15 phút ngày 18.7.1974, Đại đội 2 của Tiểu đoàn 15 công binh nổ mìn đánh bộc phá, tiêu diệt chốt Cà Tang, làm hiệu lệnh cho các đơn vị trong Sư đoàn 2 tiêu diệt quân địch từ Khương Quế đến ngã ba Trung Phước. Tiểu đoàn 8 sau đó áp sát điểm cao Nông Sơn, đánh bộc phá cắt hàng rào thép gai, chiếm lô cốt đầu cầu, đánh bật các đợt phản kích của địch. Đến 8 giờ sáng, trời quang mây, các mục tiêu trong cứ điểm lộ rõ từng lô cốt.
Trận địa pháo của ta đồng loạt nổ súng tiêu diệt từng lô cốt một, 38 trong tổng số 41 lô cốt bị tiêu diệt. 16 giờ chiều 18.7.1974, Tiểu đoàn 8 xung phong dùng hỏa lực đi cùng tiêu diệt hết các mục tiêu còn lại” – Đại tá Hoàng Minh Tiến viết trong thư. Đúng 17 giờ 5 phút, lá cờ quyết chiến quyết thắng của Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 mang dòng chữ: “Đoàn dũng cảm đánh hăng, vây lấn điểm cao, tiêu diệt gọn, dứt điểm nhanh, tấn công liên tục” do đồng chí Đoàn Khuê – Phó Chính ủy Quân khu trực tiếp trao cho Trung đoàn 31, đã được cắm trên Sở chỉ huy cứ điểm Nông Sơn. Khoảng 1.000 tên địch bị loại khỏi vòng chiến đấu, với 2 tiểu đoàn chủ lực, 2 đại đội bảo an, 3 trung đội dân vệ, nghĩa quân và toàn bộ bộ máy kìm kẹp của địch. Huyện Nông Sơn cùng với 13.000 người dân được giải phóng.
Niềm tin son sắt
Chiến thắng Nông Sơn – Trung Phước giải phóng hoàn toàn huyện Nông Sơn đã đập tan “cánh cửa thép” tuyến phòng thủ phía tây nam của địch, gây chấn động tinh thần quân địch trên chiến trường Quảng Nam – Quảng Đà. Chúng tôi về thôn Mậu Long (xã Quế Ninh, Nông Sơn), gặp cựu binh Võ Ngọc Hường. Thời điểm đánh trận Nông Sơn – Trung Phước, ông Hường đang là bộ đội trong biên chế Huyện đội Quế Sơn, được tham gia cùng quân chủ lực chốt chặn tại Khương Quế, chặn đường tháo chạy của địch sau khi bộ đội chính quy đánh chiếm cụm cứ điểm. “Khi tiếng súng vang lên trên Cà Tang, anh em chúng tôi tràn một niềm tin là đánh thắng. Càng tin, càng chắc tay súng, sẵn sàng chốt chặn, tiêu diệt địch khi chúng rút quân.
Chúng tôi bắt được nhiều tù binh, giao cho quân chủ lực” – ông Hường kể. Đã 45 năm, nhắc lại, ánh mắt người cựu binh sáng lên như tìm gặp được một khoảng trời ký ức oai hùng của quê hương, mà mình tự hào được dự phần. Một nhân chứng khác, ông Phan Quang Trị, cũng ở thôn Mậu Long, vốn là thành viên đội công tác địa phương của xã Sơn Ninh, kể lại, sau trận đánh, bà con được đưa đi vào các xã Sơn Viên, Sơn Phước, Sơn Bình, Sơn Tân… “Gia đình tôi là gia đình đầu tiên của xóm dỡ nhà, đưa đồ đạc đi. Cuộc sống lúc bấy giờ còn khổ, nhưng ngập tràn không khí hân hoan sau chiến thắng. Bà con hăng hái tham gia sản xuất, có lương thực, thực phẩm cho chính mình và cả bộ đội. Thanh niên được giải phóng là lực lượng bổ sung cho bộ đội địa phương, thanh niên xung phong…” – ông Trị nhớ lại.
Chiến thắng vang đội Nông Sơn – Trung Phước giáng một đòn chí mạng vào sự tự tin của địch, hoàn thành toàn bộ mục tiêu mà Khu ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 5 và Tỉnh ủy Quảng Nam đặt ra cho chiến dịch: tiêu diệt gọn tập đoàn cứ điểm quân sự kiên cố cùng bộ phận lớn sinh lực địch, giải phóng một vùng rộng lớn, đánh bại kế hoạch xúc tác, dồn dân, mở rộng và củng cố vùng chiếm đóng của địch, xóa sổ các lực lượng chủ lực, bọn bảo an, dân vệ, nghĩa quân và toàn bộ bộ máy kìm kẹp của địch. Chiến thắng này đã tác động đến tinh thần chiến đấu anh dũng của nhân dân ta, cổ vũ quân và dân trên toàn chiến trường nổi dậy, đồng loạt tấn công tiêu diệt địch, hỗ trợ lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang địa phương tiến công quân địch. Bằng ba mũi giáp công, quần chúng liên tục phá các khu đồn địch, truy lùng bọn đầu sỏ ác ôn, diệt các mâm tề điệp. Ta giành quyền chủ động tấn công, vùng giải phóng được mở rộng với thế liên hoàn.
Hiệu ứng “vết dầu loang”
“Thắng lợi của chiến dịch Nông Sơn – Trung Phước được đánh giá đã tác động, ảnh hưởng dây chuyền khoảng thời gian sau đó. Tranh thủ sự rối loạn của địch, Sư đoàn 304 của ta đã nổ súng tấn công chi khu quận lỵ Thượng Đức; tấn công địch ở nhiều vị trí, buộc chúng bỏ chốt hoặc phòng ngự bị động. Bộ đội chủ lực của Quân khu 5, bộ đội địa phương, du kích trong tỉnh đồng loạt tiến công tiêu diệt địch trên khắp chiến trường. Cùng với chiến thắng Thượng Đức (7.8.1974), ta đã chặt đứt hoàn toàn cánh cửa thép bảo vệ vòng ngoài căn cứ quân sự liên hợp Đà Nẵng; thế chủ động chiến trường nghiêng hẳn về phía ta. Sau khi xem xét phân tích các điều kiện và tiền đề, Khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đã đề xuất Bộ Chính trị chủ trương giải phóng Tây Nguyên, Đà Nẵng, qua đó tiến lên giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước trong năm 1975” – ông Nguyễn Văn Hòa – Phó Bí thư Huyện ủy Nông Sơn thông tin.
Sau bao biến thiên của lịch sử, dù đã có nhiều đổi thay, nhưng dấu son của một chiến thắng chói lọi bên đỉnh Cà Tang vẫn còn đó, như một niềm tự hào. Mảnh đất này vẫn đang bước tiếp những bước dài trên đường phát triển, theo bản hùng ca của hoa lửa một thời…
Ghi chép của Thành Công – Phan Vinh
Theo Quảng Nam Online