Chuyển hướng làm du lịch ở nông thôn
Những năm qua, lao động nông nghiệp ở Hội An đã chuyển dần sang lao động phi nông nghiệp, từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Mục tiêu và động lực chủ yếu là gắn kết và phục vụ phát triển du lịch theo hướng sinh thái làng quê.
Phát triển du lịch ở nông thôn
Trong những năm qua, ngành nông nghiệp ở Hội An đã và đang gặp những khó khăn nhất định, tỷ lệ lao động nông nghiệp ngày càng giảm (khoảng 1%/năm), diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp do nhiều nguyên nhân, một phần do quá trình đô thị hóa, một phần do nông dân bỏ ruộng không sản xuất. Ông Nguyễn Thế Hùng – Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An cho biết, diện tích đất lúa bỏ hoang có xu hướng tăng, tập trung ở Cẩm Châu, Cẩm Thanh, Cẩm Hà… Để khắc phục tình trạng này, thành phố chú trọng phát huy các thế mạnh sẵn có như nghề trồng hoa cây cảnh, trồng rau, trồng bắp ở vùng cồn bãi ven sông, các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, nuôi trồng thủy sản ứng dụng khoa học kỹ thuật, bảo đảm an toàn, thân thiện với môi trường… Bên cạnh đó, chính quyền cũng chỉ đạo các ngành chức năng và các địa phương quan tâm hỗ trợ cộng đồng cư dân khai thác các yếu tố, nét đẹp văn hóa bản địa như lễ hội cầu bông, cầu ngư, hội trồng bắp, cúng tế đình làng… để tạo thương hiệu cho các sản phẩm đặc trưng, nâng tầm sản phẩm văn hóa – du lịch.
Chính quyền thành phố cũng vận động, khuyến khích các doanh nghiệp du lịch đầu tư, liên kết, liên doanh với người dân để bao tiêu sản phẩm, khai thác, phát triển các mô hình, tạo điểm đến hấp dẫn, ưa thích đối với du khách gần xa… Mới đây, Công ty TNHH Emic Hospitality được trao giải thưởng ở hạng mục dành cho các công ty lữ hành phát triển tour du lịch sinh thái cộng đồng tiêu biểu do Hiệp hội Du lịch Việt Nam vinh danh vì đã hỗ trợ, phát triển làng rau hữu cơ Thanh Đông (xã Cẩm Thanh) đạt danh hiệu điểm du lịch sinh thái cộng đồng tiêu biểu năm 2018 đã chứng minh điều đó. Mặt khác, những lợi thế trong sản xuất hoa, cây cảnh ở Cẩm Hà, Thanh Hà, Tân An, làng rau truyền thống Trà Quế, nghề trồng bắp nếp ở Cẩm Nam cũng được duy trì và phát huy, ổn định việc làm và thu nhập cho lao động nông thôn. Thêm nữa, xu hướng sản xuất theo các mô hình “nông nghiệp sinh thái”, “nông nghiệp sạch” cũng từng bước được khai thác và đem lại kết quả khả quan, đáp ứng yêu cầu xây dựng “Hội An – thành phố sinh thái, văn hóa và du lịch”.
Hướng đi mới
Các mô hình rau hữu cơ ở Thanh Đông, Võng Nhi (xã Cẩm Thanh), xã Cẩm Kim và An Mỹ (phường Cẩm Châu) từng bước được mở rộng, nhân lên giá trị sản xuất, đồng thời vừa cung cấp sản phẩm nông nghiệp an toàn vừa kết hợp mở rộng không gian, đa dạng hóa sản phẩm phục vụ du lịch. Từ diện tích ban đầu khoảng 6.386m2, đến nay, diện tích sản xuất rau hữu cơ ở làng rau Thanh Đông đã tăng lên 1,1ha. Hiện nhóm sản xuất tại đây có hơn 10 hộ tham gia, đã và đang sản xuất gần 20 chủng loại rau quả khác nhau, được làm quanh năm tùy thuộc vào điều kiện thời tiết, năng suất bình quân đạt 1.000kg/tháng, thu nhập bình quân đạt 4 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, nông dân cũng được tăng thu nhập và nâng cao năng lực từ các hoạt động du lịch trải nghiệm, đào tạo các lớp nấu ăn. Kết hợp điểm giáo dục ngoại khóa về sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường, hằng năm làng rau Thanh Đông đón khoảng 1.500 – 2.000 học sinh, sinh viên. Mỗi tháng đón khoảng 100 – 150 du khách đến tham quan du lịch với các hoạt dộng trải nghiệm nông nghiệp sạch, nông nghiệp truyền thống. Thu nhập tăng thêm từ các hoạt động này đạt 2 – 3 triệu đồng/người/tháng. Các diện tích ruộng đồng, ao hồ sản xuất thuần nông, nuôi trồng thủy sản thuần túy trước đây cũng từng bước được đưa vào khai thác du lịch bằng cách tạo cảnh quan sinh thái để du khách khám phá và trải nghiệm đời sống của người nông dân, người dân vùng sông nước…
Nhờ chuyển hướng làm du lịch ở nông thôn, dù diện tích đất lúa giảm mỗi năm khoảng 0,55% nhưng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp lại tăng 3 – 4%/năm, góp phần bảo đảm đời sống của một bộ phận nhân dân ở vùng nông thôn. Giá trị sản xuất hoa, cây cảnh và rau màu các loại kết hợp các hoạt động du lịch hỗ trợ tăng bình quân 5%/năm. Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp thành phố tiếp tục được phát triển theo hướng phục vụ du lịch và lấy du lịch làm mục tiêu chính. Ông Kiều Cư – Bí thư Thành ủy Hội An nói: “Nghiên cứu phát triển kinh tế nông nghiệp trên quan điểm đặt nông nghiệp và du lịch trong mối quan hệ gắn bó hữu cơ với nhau. Nhà nước quản lý, điều hành bằng các giải pháp hợp lý để nông nghiệp và du lịch có sự tác động hỗ trợ qua lại. Phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp dịch vụ và để phục vụ phát triển du lịch, đồng thời phát triển du lịch để tạo điều kiện cho nông nghiệp được duy trì và phát triển bền vững”.
Đỗ Huấn
Theo Quảng Nam Online