Bốn lần nghe Khánh Ly hát Diễm Xưa

Tôi có dịp nghe Khánh Ly hát nhiều lần ở Việt Nam. Trong số những bài bà thường hát, dễ để lại nhiều cảm xúc nhất cho người nghe, trong những ngày Sài Gòn mưa đuổi nắng thế này, không gì thấm hơn là Diễm Xưa.

Bạn bè đồng nghiệp bảo tôi là một trong những phóng viên chịu đi nghe Khánh Ly hát nhiều nhất, đến 4 live show của bà tại nhiều nơi ở Việt Nam, trong khi sự săn đón tò mò thường lệ của truyền thông, trong đó Khánh Ly, chỉ diễn ra ở lần đầu tiên. Thật ra, tôi đi để muốn nghe, ngấm, cảm một trong những bài hát nổi tiếng nhất của Trịnh Công Sơn, cũng là bài, dù cho chương trình có chủ đề nào, chọn lựa ca khúc ra sao, cũng hiếm khi vắng mặt trong các đêm nhạc của Khánh Ly, đó là Diễm Xưa.

Bốn lần tôi nghe Khánh Ly hát Diễm Xưa với 4 thời điểm khác nhau. Toàn là thời gian để nhớ. Cho cả người trình bày lẫn người nghe.

1. Lần đầu tiên, khi Khánh Ly vừa chính thức về hát ở Việt Nam, với live show thứ 2, tại Đà Nẵng. Nếu như nhiều người mến mộ bà đã không kìm được sự mong muốn gặp gỡ, tìm cách bay từ Sài Gòn ra Hà Nội để nghe trong live show đầu tiên, thì tôi lại có ý đợi Khánh Ly ở live show tiếp theo, tại Đà Nẵng. Nghe được bà ở quê nhà của mình cũng thật là thú vị. Nhất là khi Khánh Ly, như lời bà kể, có khá nhiều kỷ niệm khó mà quên với bạn bè ở xứ Đà.

Đêm ấy, tôi đến live show Khánh Ly với tâm trạng một người đang phải phân một lúc hai vai, khi vừa muốn làm khán giả – lần đầu tiên phải nghe Khánh Ly cất giọng thực ngoài đời bằng xương bằng thịt chứ không chỉ từ băng đĩa mấy chục năm qua, vừa muốn làm tròn phận sự tác nghiệp phóng viên – khi sân khấu đã mở màn mà bên trong hậu đài nhà tổ chức, luật sư, nhạc sĩ Phó Đức Phương và cộng sự đang tranh cãi quyết liệt chuyện trả tiền tác quyền nhạc Trịnh rất lùm xùm lúc bấy giờ. Rồi, giọng Khánh Ly bắt đầu vang lên giữa những tiếng vỗ tay đã chờ đợi từ rất lâu với những câu hát của kỷ niệm: Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ…

2. Lần thứ hai, đó là một mùa Đông ở Biên Hoà. Khánh Ly hát ở một trung tâm hội nghị. Khách không đông lắm. Có lẽ Khánh Ly cũng hơi bất ngờ, nhưng như mọi khi, bà rất giỏi kìm chế cảm xúc của mình. Hẳn nhiên, khách không đông không phải vì Khánh Ly không còn ăn khách, cho dù bà luôn nhận mình là người của kỷ niệm, mà có lẽ còn vì giá vé quá cao lúc ấy, không phải ai cũng sẵn túi bỏ ra 5-7 triệu để có một cặp vé. Trời miền Nam mùa cuối năm vẫn hanh khô, nhiệt độ vẫn ba mươi mấy độ C, dù tháng 12 không khí Noel tràn ngập các xóm đạo ở thành phố này. Đêm ấy, tự nhiên nghe Khánh Ly hát Diễm Xưa, cứ ngỡ như bà đang kéo một cơn mưa kỷ niệm về ngang khán phòng, cho hơn 500 con người nơi ấy, trong đó có tôi, có dịp “phiêu lãng quên mình lãng du” trong cơn mưa hoài niệm, cho khán phòng đêm ấy, vì ít khán giả, thấy mênh mông và sâu hơn.

3. Lần thứ 3, là lần đầu tiên Khánh Ly được chính thức cho phép hát ở Sài Gòn. Ai theo dõi sự kiện Khánh Ly được cấp hép biểu diễn ở Việt Nam cũng sẽ hiểu điều này. Sài Gòn là địa điểm cuối cùng bà thực hiện chuỗi live show  xuyên Việt sau mấy năm, dù là nơi bà luôn chọn bay đến đầu tiên mỗi khi về Việt Nam. Khánh Ly xúc động nhiều lắm, cái cảm giác của một người lâu lắm mới được về quê nhà để hát, ngược xuôi nhiều nơi gần xa trên khắp nước Việt, nhưng mãi đến tháng 9 năm 2017, bà mới chính thức có đêm nhạc tại nơi đã cho bà cái tên. Câu nói đầu tiên trong đêm đó, bà cất tiếng “Xin chào Sài Gòn”, trước khi xin hãy cho mưa qua miền đất rộng, để người phiêu lãng quên mình lãng du. Trời Sài Thành lúc ấy đang mùa mưa.

4. Còn lần này, lần thứ 4 nghe Khánh Ly ở Sài Gòn, trong một đêm nhạc được cho rằng có lẽ là đêm live show cuối cùng của bà ở Việt Nam, cũng diễn ra sau những cơn mưa đầu mùa đến sớm.

Tiết trời tháng 5, Sài Gòn nắng nóng muốn nung người nhưng những hôm bà về tới Sài Gòn, lại hay mưa. Bài Diễm Xưa bà hát với giọng khàn đục hơn trước. Có lẽ vì chuyến về Việt Nam này bà đi liên tục, và hát rất nhiều. Trước live show bà còn tập cả buổi chiều và buổi phúc khảo nữa, trước khi vào đêm diễn chính thức. Hay có lẽ vì bà cũng đã 75 tuổi. Thời gian đi qua, không ai cưỡng lại được. Nhưng giọng hát đã chùng theo thời gian ấy vẫn rất mê hoặc trong không gian hoài niệm của nó, của Diễm Xưa.

Bài này còn ấn tượng với tôi, chỉ vì bà không hát bài này như mười mấy năm qua vẫn hát, mà lần đầu tiên được nghe Khánh Ly hát live một đoạn tiếng Nhật. Hẳn với ai yêu nhạc Trịnh, không biết tiếng Nhật một chữ bẻ đôi cũng sẽ thấy quen khi những thanh âm quen thuộc ngân lên.

Khánh Ly nói, tuổi đời mình không còn dài và tuổi hát có thể tắt bất cứ lúc nào. Một ngày, người trình bày sẽ xa, người viết tác phẩm cũng sẽ rời xa, nhưng tác phẩm thì không. Còn tôi, tiếp tục được sống lại không gian đẹp đẽ của nhạc Trịnh thông qua bài hát này, mỗi khi mùa mưa lại về đầy trên phố, như Sài Gòn chiều nay mưa vẫn mưa bay

L.M.Hạ

Cùng chuyên mục