Chuyển hướng đầu tư kinh tế rừng

Nhà nước ban hành hàng loạt cơ chế, chính sách phân bổ nguồn lực đầu tư phát triển rừng, chế biến gỗ là thương mại lâm sản nên giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích canh tác rừng không ngừng gia tăng.

Hướng đến trồng rừng gỗ lớn

Các xã Tiên Phong, Tiên Sơn, Tiên Lãnh, Tiên Hiệp (Tiên Phước) đã đưa chỉ tiêu kế hoạch trồng 1.500ha đạt chứng chỉ quốc tế về quản lý rừng bền vững (FSC). Thời điểm này trong số hơn 20.000ha rừng trồng trên địa bàn huyện Tiên Phước, có khoảng 800ha rừng trồng gỗ lớn. Địa phương này hỗ trợ hơn 6 tỷ đồng cho nhân dân tham gia trồng rừng gỗ lớn, chu kỳ trồng và khai thác ít nhất 10 năm trở lên. Nhiều doanh nghiệp mạnh dạn lên vùng cao Phước Sơn hay Hiệp Đức, Đại Lộc thỏa thuận thuê đất của các tổ chức, cá nhân liên kết trồng rừng gỗ lớn kết hợp đạt chứng chỉ FSC.

dau-tu-kinh-te-rung
Nhiều địa phương miền núi, trung du trong tỉnh chuyển hướng từ trồng rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn và đạt chứng chỉ quốc tế về quản lý rừng bền vững. Ảnh: T.H

Công ty CP Đầu tư và phát triển lâm nghiệp Quảng Nam, Hợp tác xã Lâm nghiệp Hiệp Thuận, Tổ chức Agriterra và Công ty CP Gỗ công nghiệp Quảng Nam đã triển khai đầu tư trồng rừng theo hướng này. Thời gian qua, dự án Trường Sơn Xanh đã hỗ trợ xây dựng chuỗi giá trị rừng gỗ lớn, từ đầu tư vườn ươm nuôi cấy mô đến sản phẩm hoàn thiện cuối cùng phân phối đến tay người tiêu dùng. Theo dự án này, đến hết năm 2020, tổng diện tích rừng gỗ lớn theo tiêu chuẩn FSC ước đạt 4.560ha (gồm 2.760ha rừng trồng mới và 1.800ha rừng chuyển đổi từ gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn).

Giai đoạn 2019 – 2020, có 12 huyện của tỉnh (gồm Phước Sơn, Tây Giang, Bắc Trà My, Nam Trà My, Nam Giang, Đông Giang, Tiên Phước, Hiệp Đức, Nông Sơn, Quế Sơn, Phú Ninh và Thăng Bình) sẽ hình thành 10.000ha rừng trồng gỗ lớn và 9.320ha đạt chứng chỉ FSC. Theo Chi cục Kiểm lâm, thời điểm này đã vượt chỉ tiêu trồng rừng đạt chứng chỉ FSC. Tuy nhiên, theo Sở NN&PTNT, khó nhất hiện nay vẫn là cơ chế hợp tác liên kết trồng rừng giữa người dân với hợp tác xã, doanh nghiệp.

Đầu tư liên kết theo chuỗi

Ngành lâm nghiệp nhìn nhận, đầu tư trong lâm nghiệp còn bộc lộ bất cập, như mức đầu tư trồng mới rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, hỗ trợ trồng rừng sản xuất, khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên còn thấp. Nhiều diện tích rừng tự nhiên giao khoán cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư được quản lý, bảo vệ tốt nhưng thiếu chính sách cho các đối tượng này hưởng lợi hoặc mức hưởng lợi, đặc biệt tiền khoán cho công tác bảo vệ rừng hằng năm vẫn còn thấp. Nguồn ngân sách chủ yếu ưu tiên hỗ trợ cho các hoạt động quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ mà chưa quan tâm đúng mức đến rừng sản xuất.

Tại các huyện miền núi, UBND tỉnh tiếp tục bố trí ngân sách để triển khai công tác đo vẽ giải thửa, giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích quy hoạch là rừng sản xuất chưa được giao cho tổ chức, hộ gia đình tham gia trồng rừng gỗ lớn. Đồng thời xác định cụ thể diện tích rừng có thể chuyển từ trồng rừng gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn, diện tích rừng sẽ đến tuổi khai thác có điều kiện lập địa phù hợp có thể trồng rừng gỗ lớn, diện tích đất trống có khả năng đưa vào trồng rừng gỗ lớn.

Các huyện Hiệp Đức, Tiên Phước, Đại Lộc, Phước Sơn… đang tiếp cận xây dựng mô hình liên kết hộ gia đình trồng rừng theo các tổ chức đã có như tổ hợp tác, hợp tác xã… để giảm chi phí đầu tư và cấp chứng chỉ rừng tiêu chuẩn FSC. Ngoài ra, xây dựng mô hình liên kết các doanh nghiệp để đầu tư trồng rừng, giữa hội chủ rừng với các doanh nghiệp gỗ lớn.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho rằng, xu hướng của ngành lâm nghiệp là phát triển các liên kết theo chuỗi để nâng cao chuỗi giá trị trồng, chăm sóc rừng và chế biến gỗ. Do đó các cơ chế, chính sách cho đầu tư, phát triển rừng cũng phải chuyển hướng. Nhà nước đầu tư mạnh cho phát triển rừng đặc dụng để bảo đảm đa dạng sinh học, môi trường sinh thái; đồng thời hỗ trợ người dân tiếp cận các chính sách để nâng cao đời sống gắn với đa dạng sinh học.

“Chúng ta không chỉ chú trọng đến chính sách phát triển thị trường xuất khẩu mà còn quan tâm đến thị trường nội địa, phát triển mạnh cơ chế về lâm sản phụ, bởi lâm sản phụ nhất là cây dược liệu cho giá trị lớn gấp 3 – 4 lần cây gỗ” – ông Tuấn nói.

Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp, tổng nguồn vốn huy động để thực hiện đầu tư, phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2016 – 2020 gần 50.231 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước 8.746 tỷ đồng; vốn ODA và các nguồn khác 41.485 tỷ đồng. Giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng bình quân khoảng 5,73%/năm, năm 2020 dự kiến tăng 5,5%; tổng kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản tăng từ 7,1 tỷ USD năm 2015 lên 11,2 tỷ USD năm 2019, dự kiến năm 2020 đạt 12 tỷ USD.

Trần Hữu

Theo Quảng Nam Online

 

Link nguồn: http://baoquangnam.vn/lam-nghiep/chuyen-huong-dau-tu-kinh-te-rung-94715.html

Cùng chuyên mục