Kỳ 2 – “Thủ lĩnh” sách báo cũ: nhà sưu tập

Không còn nghi ngờ gì nữa, “vận mạng” của sách cũ ở Việt Nam gần trăm năm qua gần như phụ thuộc toàn bộ vào nhà sưu tập tư nhân. Vụ cháy sách của ông Nguyễn Văn Thành (Hà Nội) hồi 3/8/2010 thiêu hơn 10 ngàn cuốn sách được sưu tập trong khoảng 40 năm là một minh chứng đúng và đầy chua xót.

Nhìn vào đội ngũ sưu tập kế cận của Việt Nam hiện nay, có thể nghĩ đến câu thành ngữ “tre già măng mọc”. Họ còn khá trẻ, đông nhất vẫn thuộc 7X, 8X, thậm chí 9X. Trên các diễn đàn liên mạng về sưu tập sách cũ, có những “tân binh” tự nhận mình “đẻ ngang hông”, nghĩa là gia đình chưa từng có tiền lệ về việc này.

Bộ “Đại Nam quấc âm tự vị”, 2 cuốn đóng thành 1, của Huỳnh Tịnh Paulus Của, xuất bản năm 1895-1986 tại Sài Gòn, trên mạng rao bán 100 triệu đồng.
Bộ “Đại Nam quấc âm tự vị”, 2 cuốn đóng thành 1, của Huỳnh Tịnh Paulus Của, xuất bản năm 1895-1986 tại Sài Gòn, trên mạng rao bán 100 triệu đồng.

Ít có kế thừa

Những nhà sưu tập trẻ, không cần kế thừa, xuất hiện từ hai nguyên do: có tiền và có đam mê. Vì thực tế cho thấy, không có khả năng tài chính, khó có thể xây dựng được bộ sưu tập có giá trị. Nói cách khác, rất hiếm khi còn những huyền thoại, kiểu như lục trong đống sách báo cũ của một bà bán đồng nát (ve chai), tìm thấy từ điển Tabert hay tác phẩm của Trương Vĩnh Ký! Những cuốn sách hiếm, quý, cần phải trả tiền rất cao mới có thể “may mắn” mua được!

Chính vì sưu tập sách ở Việt Nam thường ít tính kế thừa nên nhiều tủ sách lớn mới bị xé lẻ, đơn cử như sưu tập của Trần Ngọc Ninh, Nghiêm Thẩm, Đỗ Bằng Đoàn và Đỗ Trọng Huề, Nguyễn Văn Hai, Phạm Tất Đắc, Vương Hồng Sển, Nguyễn Tấn Long, Khai Trí… “Điều này phải chịu thôi, vì chỉ có hai cách bảo tồn nguyên vẹn những kho sách như vậy: hoặc gia đình phải tự lo, hoặc nhà nước phải can thiệp. Cả hai bên đều không quan tâm thì tất yếu sách sẽ bị tản mát, xé lẻ, rơi vào tay các nhà sưu tầm khác. Nên nhớ là các tủ sách lớn luôn nằm trong “tầm ngắm” của giới sưu tầm, điều này theo tôi là lành mạnh” Cao Việt Dũng khẳng định.

Ở đây cũng xin mở ngoặc, Nghiêm Thẩm là nhà nhân loại học lớn của Việt Nam, ông có hơn 5.000 cuốn sách về nhân loại học các thứ tiếng. TS toán học Nguyễn Văn Hai thì có hơn 6.000 cuốn về toán. Không chỉ Sài Gòn, mà các tỉnh Nam bộ thời trước cũng có nhiều tủ sách nổi tiếng như Nguyễn Duy Cần (Mỹ Tho), Nguyễn An Ninh (Củ Chi). Nguyễn Văn Hầu (Long Xuyên), Phan Văn Hùm (Bình Dương), Phan Văn Dật (Huế), dòng tu Thiên An (Huế), Cao Xuân Dục (Nghệ An), Quan Hải tùng thư của Đào Duy Anh (Huế), Phạm Công Thiện (Mỹ Tho)… và cả Hoàng Xuân Hãn (Pháp), Lê Thành Khôi (Pháp)… Thời Pháp thuộc, nhà nào có trên 300 cuốn sách được xem là trí thức, sẽ không bị chính quyền bắt bớ bậy bạ.

Nhà sưu tập Hoàng Minh thì vạch ra nhiều nguyên nhân khiến tủ sách không giữ được: “Chủ nhân không có người kế thừa; bị bệnh tật, vướng vòng lao lý… hay đi định cư nước ngoài, không mang theo được; do chính sách ấu trĩ một thời khiến nhiều tủ sách nổi tiếng phải tan nát; do chiến tranh hay kinh tế khó khăn”.

Bộ “Đối diện” gồm 114 số. Với nhiều nhà sưu tập, đủ bộ là tiêu chí ưu tiên để tìm kiếm
Bộ “Đối diện” gồm 114 số. Với nhiều nhà sưu tập, đủ bộ là tiêu chí ưu tiên để tìm kiếm

Riêng các tủ sách bị phân mảnh thì Hoàng Minh nói thêm: “Chủ nhân không có khả năng giữ, buộc phải bán nhưng không tìm được người đủ khả năng mua trọn tủ; con cái lấy trộm bán dần; tủ sách bị mất rồi phát tán theo nhiều đường khác nhau; chủ nhân chủ động bán dần mỗi khi gặp khó khăn”.

Trần Hữu Dũng kể: “Có lần tôi thấy người nhà của chính trị gia HHT bán tống bán tháo tủ sách gia đình cho hiệu sách cũ ở Đinh Tiên Hoàng. Tôi có mua được một số cuốn, vui miệng kể cho anh Đ., tay lái sách cũ ở Võ Văn Tần. Anh Đ. nhanh chóng đến thu gom, mua toàn bộ còn lại, dĩ nhiên giá cả cứ thế mà tăng lên vùn vụt. Kể chuyện này để thấy đây là thảm kịch đau lòng, có hàng trăm bộ sưu tập của các nhà nghiên cứu nổi danh đang thất tán khi họ qua đời. Người nhà họ do nghèo túng về mọi mặt, hay con cái không tiếp bước, nên bộ sưu tầm cả đời khó nhọc được bán rẻ rúng với giá một, hai cây vàng”.

Điểm mặt đặt tên

Sự hình thành các diễn đàn như sachxua.net, đặc biệt là khả năng truy cập thông tin, trao đổi qua mạng đã đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong việc xuất hiện những nhà sưu tập trẻ tuổi.

Những người sưu tập cao tuổi không truy cập được Internet thường chỉ giới hạn ở các mối quan hệ, thông qua truyền miệng. Trong khi những nhà sưu tập trẻ có khả năng giao lưu rộng lớn, tìm hiểu, tự mình học hỏi lẫn nhau và cũng hình thành một thị trường trao đổi, mua bán sách cũ, làm phong phú thêm những bộ sưu tập của mình. Khó có thể kể ra có bao nhiêu nhà sưu tập thuộc giới trẻ, bởi nhiều người quy ẩn giang hồ, không xuất đầu lộ diện trước công chúng cũng như giới truyền thông.

“Đông lắm. Theo tôi thì hiện nay cứ cái gì có màu sắc “chơi” là thu hút những người trẻ tuổi, từ chơi điện tử đến chơi chứng khoán và chơi sách. Thời của thắt lưng buộc bụng đã dần qua, thì điều đó cũng là bình thường. Trong thế giới của sự chơi, nhiều người cũng chỉ lướt qua sách như một đối tượng cho vui. Tất nhiên, lượng người sưu tầm càng lớn thì chất lượng độc giả càng có khả năng tăng lên. Như vậy còn tốt hơn nhiều so với cái thời sách cũ vứt đầy vỉa hè các thành phố mà chẳng mấy ai buồn quan tâm. Thời ấy, tôi mua được rất nhiều sách hay từ hàng giấy vụn, đồng nát, bán theo cân”, Cao Việt Dũng kể.

Theo thông tin từ nhà sưu tập 8X Vũ Hà Tuệ (Sài Gòn) thì ở miền Bắc (Hà Nội, Bắc Ninh…) có những nhà sưu tập nổi bật như 6X có Yên Ba, Nguyễn Bình Phương…; 7X có Tạ Thu Phong, Nguyễn Nhật Anh, Nguyễn Thế Bách…; 8X có Trịnh Hùng Cường, Nguyễn Phát Hà Giang, Cao Việt Dũng… Ở Sài Gòn thì 6X có Trần Văn Chung, Phan Thành Nhơn, Phạm Công Luận…; 7X có Hoàng Minh, Dương Thanh Hoài, Đỗ Cao Lợi, anh Triệu (chỉ nhớ tên, không biết họ)…; 8x có Nguyễn Tuấn Dũng…

Tờ báo Xuân “Ích hữu” phát hành năm 1937, dù không đắt tiền, nhưng cũng được nhiều người lùng kiếm vì vẻ đẹp của nó
Tờ báo Xuân “Ích hữu” phát hành năm 1937, dù không đắt tiền, nhưng cũng được nhiều người lùng kiếm vì vẻ đẹp của nó

Giới trẻ, do có thu nhập và mức độ chịu chơi cao, nhanh nhạy và quyết đoán trong các giao dịch lớn nên nhiều người đã sở hữu được những thứ quý giá mà những bậc cao niên, do hạn chế về tài chính hay thiếu thông tin đã không thể có được.

“Về câu hỏi tại sao gần đây các nhà sưu tầm trẻ xuất hiện ở Hà Nội nhiều, cái này liên quan đặc thù văn hóa. Quan sát thị trường cho thấy, từ 1975 đến nay, lượng sách cũ (mảng xã hội là chính) chủ yếu vẫn là từ Nam ra Bắc, tuy tốc độ có chậm dần do nguồn cung cạn đi, nhưng nhu cầu phía Bắc vẫn rất cao. Ngoài lý do dân Hà Nội thích đọc sách nói chung, còn nguyên nhân quan trọng là họ rất quan tâm mảng sách xuất bản trước 1975 ở miền Nam, những thứ ngoài kia rất hiếm. Ngoài ra, những sách thời tiền chiến ở miền Bắc, do nhiều nguyên nhân, hiện rất hiếm, trong khi lại dễ dàng tìm được tại các nhà sách cũ trong Nam”, Hoàng Minh phân tích.

Đổi “sàn” giao dịch

Các tiệm sách cũ ngày nay không còn là nơi giao dịch duy nhất của các nhà sưu tập, mà bù vào đó là điện thoại, Internet… Điều này khiến phần đông tiệm sách cũ lui về bán ở nhà cho tiết kiệm chi phí. Làm cho diện mạo các “thủ lĩnh” sách cũ càng bí ẩn hơn.

Riêng các tiệm còn hiện diện cũng chia thành 2 cấp độ: Tiệm thông thường thì gom hàng từ đủ mọi nguồn: ve chai, mua trong nhà, mua của khách vãng lai… Những sách quý, hiếm được lọc ra bán lại cho tiệm cao cấp. Riêng tiệm cao cấp, ngoài thu mua như tiệm thường, thì sẵn sàng đứng ra bao tiêu những sách quý hiếm có giá trị cao từ các tiệm thông thường. Họ sẵn sàng chôn vốn, chờ thời bán cho đúng khách quan tâm để được giá cao.

“Vào thời điểm hiện tại, những tiệm sách thuộc hàng top ở Sài Gòn gồm có Kinh (Trần Hưng Đạo), Nam (19 Bạch Mã), Gia (Điện Biên Phủ), Kami (không có tiệm), Kỳ Thư (không có tiệm), Minh “em” (Trần Nhân Tôn)… Những hàng kế tiếp có thể kể: Hiếu (không có tiệm), Lợi (không có tiệm), Kim Oanh, Ngọc Phụng, Tín Nghĩa (Trần Nhân Tôn), Quang Huy (Nguyễn Thị Minh Khai)… Cuối cùng là những tiệm còn lại”, Vũ Hà Tuệ kể theo trí nhớ.

“Tại Sài Gòn có vài tiệm như Kỳ Thư, Minh Ngọc…; tại Hà Nội có tiệm ông Cảnh (5 Bát Đàn). Theo cá nhân, tại thời điểm này số tiệm còn trụ được với nghề có thể đếm trên đầu ngón tay, khoảng 5 tiệm”, Hoàng Minh từ tốn.

“Đây không còn là thời của các hiệu sách cũ nữa, mặc dù chúng vẫn tồn tại và không phải không nhộn nhịp. Nhiều nhất nằm ở Sài Gòn, rồi một số nơi khác như Hà Nội, Nha Trang, Đà Nẵng… Internet làm cho bộ mặt thị trường sách cũ thay đổi hẳn, nhất là khả năng vô biên của nó trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho trao đổi giữa các nhà sưu tầm, điều mà trước đây rất ít được thỏa mãn”, Cao Việt Dũng cho biết.

Cũng có ý kiến cho rằng nhà sưu tập/tầm sách cũ Việt Nam tuyệt đại đa số không vươn ra được sách nước ngoài và thị trường nước ngoài. Nhìn vào thì rất sôi động nhưng để hiểu biết về lịch sử và bản thân sách vở vẫn còn rất thiếu. Nhất là thiếu những người ưa viết sách bàn kỹ lưỡng về thuật chơi sách như Vương Hồng Sển, ngày nay chưa xuất hiện.

Cho nên, khi “thủ lĩnh” của sách cũ là những nhà sưu tập cá nhân, thì thêm một vấn đề đặt ra là làm sao để khai thác kho sách cũ ấy, phục vụ mục đích nghiên cứu. Nghe thì dễ vậy thôi, chứ rút được một quyển sách quý từ nhà một người sưu tập có máu mặt cũng không phải là chuyện đơn giản. Nếu làm công việc nghiên cứu, có lẽ chúng ta cần thạo cả kỹ năng tạo lòng tin với các thủ lĩnh này.

NHƯ HÀ

Theo Thể thao và Văn hóa

 

 

 

Cùng chuyên mục