Chuyện cây xanh của một siêu đô thị
Sài Gòn bây giờ không có nhiều mảng xanh, mà những mảng xanh này cũng rời rạc, chen chúc một cách chật vật giữa rừng bê tông đô thị mỗi lúc một nhiều…
Sài Gòn, từ nhiều năm nay, luôn phải đối diện với những mối lo đô thị quen thuộc: Tăng diện tích cây xanh và những nơi có cây xanh lại phải lo chuyện ngã đổ trong mùa mưa, ngăn mối nguy hiểm chực chờ.
Tập thể dục ở sân chùa
Bà Hòa, 70 tuổi, ngụ tại P.10, Q.Tân Bình thường cùng với nhiều người trạc tuổi trong xóm hẹn nhau thức dậy thật sớm để vào chùa Giác Viên gần đấy đi bộ tập thể dục. Đây là ngôi chùa cổ không chỉ nổi tiếng về kiến trúc mà còn được biết đến với khuôn viên rộng rãi, trồng nhiều cây. Khuôn viên chùa được xem như mảng xanh hiếm hoi giữa rừng nhà lô xô của Q.Tân Bình và là điểm hẹn tập thể dục mỗi sớm của người dân quanh vùng. Hôm nào dậy trễ sau 6h là đành ở nhà, bởi sau 6h thì không được tập thể dục trong khuôn viên nhà chùa. Bà Hòa nói hơn 10 năm nay bà cũng như những người đồng niên trong xóm đi tập thể dục ở chùa chứ chẳng biết đi đâu để tập, vì chung quanh tuyệt nhiên không có một công viên nào, dù nhỏ. Bà nói bà lớn tuổi, không còn sức để làm như những người trẻ hơn – chạy xe ra công viên của quận khác chỉ để tập thể dục.
Tuy nhiên, bà Hòa còn may mắn vì còn có đất chùa để tập thể dục. Hạnh Nguyễn, cư dân sinh sống ở Q.12 hài hước bảo quận mình ở không có một công viên nào trừ… công viên phần mềm Quang Trung mà đấy thì rõ là không phải công viên cây xanh để vào chơi, thư giãn hay tập thể dục!
Có một thực tế là hầu như công viên chỉ hiện diện chủ yếu ở các quận trung tâm, phần lớn ở Q.1, Q.3, Phú Nhuận…, trong khi các quận huyện ngoại thành lại rất ít dù quỹ đất quy hoạch làm công viên rất lớn.
Theo quy hoạch của TP.HCM, diện tích công viên công cộng được quy hoạch là 11.400 ha, chỉ tiêu bình quân 7m2 mỗi người dân. Nhưng thực tế, diện tích công viên chỉ hơn 500 ha, tương ứng khoảng 0,55m2 mỗi người, bằng 1/16 lần so với Singapore (8m2 công viên, cây xanh cho mỗi người).
Công viên đã ít, phân bố không đồng đều, nhưng nhiều nơi còn “xẻ thịt” cho thuê, làm các công trình xây dựng kiên cố. Đất công viên đã ít, lại thường hay bị xâm thực các kiểu, nhường đất và cả cây xanh cho giao thông. Một phần đường Nguyễn Hữu Cảnh hiện nay vốn là Thảo Cầm Viên. Công viên Gia Định từng một thời gian dài phải xẻ 1.476m2 cho Công ty cổ phần Vận tải hàng không miền Nam thuê làm bãi đậu xe buýt. Đây có lẽ là công viên bị chia xẻ nhiều nhất. Trước kia con đường Hoàng Minh Giám chạy xuyên công viên này từng là đường nội bộ công viên. Sau đó công viên được san sẻ tiếp, một con đường cắt ngang vuông góc với đường Hoàng Minh Giám tiếp tục chia công viên làm đôi. Chưa kể một phần đất công viên vốn rậm rì như khu rừng nay nằm lọt thỏm lẻ loi ngay vòng xoay ngã 5 Chuồng Chó, mà phần xanh của công viên đã là mặt đường Bạch Đằng vào-ra sân bay. Đường Hoàng Minh giám tiếp tục được mở rộng một số đoạn, hẳn nhiên là phải lẹm vào phần đất của công viên Gia Định.
Sự phát triển của đô thị, của hạ tầng giao thông thường đi kèm những hệ lụy mà cây xanh là đối tượng bị ảnh hưởng đầu tiên.
Những con đường nhức mắt
Lâu nay, hễ nói đến chuyện phát triển, chặt cây, là người ta lại nhắc đến con đường Tôn Đức Thắng xưa và nay như một minh họa cụ thể nhất của việc một con đường râm mát thành chang chang nắng như thế nào. Ngoài con đường Tôn Đức Thắng quá “nổi tiếng”, không khó để có thể điểm danh những con đường chỉ có nắng nhức mắt.
Điển hình như ngã tư Phú Nhuận, là “điểm nhấn” cho 4 con đường giao nhau tại đây đều trơ nắng. Hoàng Văn Thụ đoạn từ ngã tư Phú Nhuận đến công viên Hoàng Văn Thụ được hưởng một chút cây xanh quanh công viên rồi tiếp tục chang chang nắng đến ngã tư Bảy Hiền. Tiếp nối đường Lạc Long Quân cũng trơ mình trong nắng. Đường Phan Đăng Lưu, nối tiếp đường Hoàng Văn Thụ ở ngã tư Phú Nhuận cũng rất dễ nhìn thấy đây là con đường thiếu cây xanh. Đường Nguyễn Kiệm từ ngã tư này giống như một sự đối xứng với đường Phan Đình Phùng ở chiều ngược lại. Đường Phan Đình Phùng nổi tiếng là con đường không bóng cây của Phú Nhuận. Hết con đường này, bên kia cầu Kiệu, đường Hai Bà Trưng chạy qua trung tâm Q.1, Q.3 cũng không một bóng cây từ chân cầu Kiệu chạy dài đến ngã tư giao lộ Võ Thị Sáu, nếu không tính vài cây xanh ít ỏi ở tiểu cảnh trước nhà thờ Tân Định!
Đây là những con đường ở các quận trung tâm, nội thành, chưa kể hàng loạt các con đường khác ở các quận ven, quận mới sau này, như Bình Tân chẳng hạn, thì mật độ cây xanh trên những con đường vất vả chen giữa những rừng bê tông nhà cửa. Với tốc độ phát triển chỉ 1,54 ha diện tích công viên mỗi năm như hiện nay, Sài Gòn sẽ mất nhiều thời gian để phủ xanh hàng nghìn ha đất quy hoạch công viên còn lại.
Mùa mưa và mối lo thường niên
Nếu như mùa nắng, ra đường lo thiếu bóng cây xanh, thì mùa mưa, siêu đô thị này của Việt Nam lại đứng trước mối lo lâu năm, về tình trạng cây xanh ngã đổ. Trước đây, người ta vẫn thường hay nhắc nhau cứ mùa mưa về thì hãy tránh đi con đường Trần Quốc Thảo, Q.3. Con đường râm mát này mùa mưa luôn có nguy cơ gãy nhánh, tét nhánh, ngã đổ bất cứ lúc nào nếu có mưa lớn hay giông lốc.
Sài Gòn hiện có khoảng 130.000 cây xanh đường phố các loại và những sự cố cây xanh gãy đổ gây tai nạn, thậm chí tai nạn chết người, đã có trong những mùa mưa qua. Một điều đáng chú ý khác là tình trạng cây xanh gãy đổ dường như xảy ra với tần suất ngày một nhiều hơn trong những năm gần đây. Nhiều ý kiến chuyên môn cho rằng, cây xanh gãy đổ nhiều trong mấy năm gần đây là hệ quả tổng hợp của nhiều yếu tố, trong đó hai nguyên nhân hàng đầu là biến đổi khí hậu và tác động từ quá trình phát triển đô thị hóa. Bên cạnh việc chỉnh trang vỉa hè, các hạng mục hạ tầng kỹ thuật đô thị đã vô tình xâm hại cách này cách khác đến hệ thống cây xanh đường phố, cây xanh nhiều tuyến đường luôn bị nguy cơ lấn đất – bức tử của những người thiếu ý thức. Khoảng vuông đất nhỏ bé quanh gốc cây luôn bị che chắn, hay thậm chí đổ bê tông lên kín hết gốc cây, thậm chí đến từng kẽ gốc cây chỉ để tăng thêm diện tích sử dụng của những người kinh doanh buôn bán, sinh sống quanh những gốc cây ấy. Không ít cây xanh bị bức tử, ngã đổ vì tình trạng này.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng – Thủy văn Quốc gia, từ nay đến cuối năm 2020, sẽ xuất hiện khoảng 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên biển Đông, trong đó có 5-6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền. Bão tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và phía Nam trong những tháng nửa cuối năm 2020.
Sài Gòn đã vào mùa mưa. Những con đường nhiều cây cổ thụ cao vươn bóng mát rất được người dân ưa thích đi lại trong mùa nắng, trở thành mối nguy cơ tiềm tàng rình rập trên đầu mùa mưa. Lại phải nhắc nhau cẩn thận hơn, khi mối lo này vẫn chưa được khắc phục triệt để, từ nhiều năm qua. Nhưng khắc phục cũng không có nghĩa là khi có tai nạn xảy ra, người ta lại tiếp tục bức tử cây xanh…
Sơn Trà
Theo 24hsongxanh.vn
Link nguồn: https://24hsongxanh.vn/chuyen-cay-xanh-cua-mot-sieu-thi/