Chợ nổi miền Tây, đi ngay kẻo trễ!

Miền Tây có “đặc sản” vào hàng nổi tiếng nhất nhì là chợ nổi. Đây là nét đặc trưng riêng chỉ có ở vùng sông nước này, mà du khách nào cũng đều muốn trải nghiệm một lần. Nhưng…

Đặc trưng sông nước, tập quán sinh hoạt buôn bán của cư dân đồng bằng sông Cửu Long đã khai sinh ra kiểu chợ đặc thù này từ hàng trăm năm nay. Đến mức, chợ nổi gần như là một hình ảnh quảng bá đặc sắc nhất về miền Tây cho du khách.

Có ít nhất trên dưới chục cái chợ nổi lớn nhỏ ở vùng sông nước này. Có thể kể đến như chợ nổi Cái Bè, Cái Răng, Long Xuyên, Phụng Hiệp (hay còn gọi là chợ nổi Ngã Bảy), Châu Đốc, Trà Ôn, Gành Hào…

cho-noi-mien-tay
Một ghe bán nước giải khát trên chợ nổi miền Tây

Đi ngắm những đời thương hồ

Chợ nổi là nơi tụ họp buôn bán nông sản của nông dân vùng bốn bề sông nước. Chợ nổi không chỉ đơn thuần là “chợ”, mà còn là sự độc đáo trong văn hóa kinh tế thương hồ của người xưa ở đất phương Nam.

Khách đi chợ, không chỉ thưởng thức cái thú mua và bán, mà còn là dịp để ngắm nghía những lát cắt khác nhau của nhịp sống dập dềnh trên con nước.

Khách đi chợ, được dịp ngắm hàng chục cái cây bẹo cao thấp khác nhau – một hình thức chào hàng độc đáo chỉ có ở chợ nổi. Người bán loại hàng nông sản nào thì treo đại diện loại hàng đó lên một cây sào nhô cao trên ghe để chào hàng gọi là cây bẹo. Ai đi chợ nổi cũng thích thú về những đặc điểm đặc trưng của nơi này mà tự mình có thể quan sát được từ mũi ghe và những cây bẹo: đó là cái chợ có những thứ không treo mà bán, bán mà không treo, treo cái này bán cái khác hay treo gì bán nấy.

cho-noi-mien-tay
Những phận đời dập dềnh theo con nước

Khách đi chợ, có khi còn gặp được đám cưới thương hồ, nhất là khu vực chợ nổi Long Xuyên, thường chỉ tổ chức trên phà. Hẳn nhiên là phà đi thuê, kéo về cặp mé sông nào đó thuận tiện. Thế là thành “nhà hàng tiệc cưới” nổi. Đời thương hồ gắn bó quanh năm sông nước, ngay cả khi có đại sự, hỉ sự cũng là trên sông nước. Dân thương hồ trong đám cưới, không chúc nhau sớm có nhà, mà chúc cô dâu chú rể trăm năm hạnh phúc, sớm có con và sớm có ghe. Để ra riêng. Từ bao đời nay, luôn có nhiều thế hệ sống cùng trên chiếc ghe, nên câu chúc này càng ý nghĩa.

cho-noi-mien-tay

Chợ nổi của một thời

Mỗi tên chợ thường gắn liền với địa danh, vùng sông nước nơi ấy, mà nổi tiếng và được khai thác du lịch.

Chợ nổi Cái Bè, Tiền Giang có lịch sử lâu đời nhất miền Tây, từ thế kỉ thứ 18. Chợ là nơi giáp ranh của 3 tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang. Khách đến chợ, sẽ được hưởng cảm giác dập dềnh nhè nhẹ theo từng con sóng chao quanh các ghe thuyền xuôi ngược hay neo đậu thong thả ở đây chờ khách đến. Nơi đây thu hút du khách không chỉ ở khung cảnh ghe thuyền tấp nập mà còn là vẻ xinh xắn của thị trấn với những khu vườn nối tiếp vườn. Những dãy phố nằm dọc bên bờ sông, được điểm tô với những hàng dừa nước, rặng bần đặc trưng miền Tây.

Chợ nổi Cái Răng, Cần Thơ thuộc phường An Bình, quận Cái Răng, cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 6km. Chợ tấp nập người mua bán với những ghe thuyền đậu san sát nhau ngay từ 3, 4 giờ sáng. Thường thì du khách đến chợ bằng cách đi thuyền ở bến Ninh Kiều, chỉ mất 30 phút là có thể tham gia phiên chợ nổi lớn nhất miền Tây chuyên về nông sản này, thưởng thức những nét văn hóa đậm chất Cần Thơ như quán nhậu nổi, hàng rong nổi, hủ tiếu…

cho-noi-mien-tay

Ngày trước, chợ nổi Ngã Bảy có trên 1.000 ghe tàu lớn nhỏ; dịp cao điểm Tết có khi đến hơn 3.000 chiếc, đò ngang cũng hàng trăm chiếc. Đêm xuống đèn dầu, đèn bình giăng giăng bập bềnh theo sóng nước giữa trời khuya như hội hoa đăng. Chợ nổi Ngã Bảy còn nổi tiếng hơn với bản vọng cổ trứ danh Tình anh bán chiếu của cố soạn giả tài hoa Viễn Châu.

Nhưng hiện tại nhiều năm nay, những hình ảnh này đã không còn đúng với thực tế nữa. Thậm chí rất xa! Chợ nổi miền Tây ngày một thưa vắng dần.

Chợ thì vẫn còn, nhưng…

Cách đây hơn 3 năm, khi xuống chợ nổi Cái Bè vào dịp cuối năm, người viết có gặp anh Bảy, đang neo thuyền bày bán dưa hấu. Trên cây bẹo treo một tấm lá lợp nhà – dấu hiệu cho biết mình chuẩn bị bán ghe. Cái ghe lớn này anh tích góp mua được cũng hơn 4 năm, giờ làm ăn khó khăn không thuận lợi như trước, nên bán, lên bờ kiếm chuyện khác mần. Mà không biết khi nào bán được. Vì bây giờ không còn nhiều người mặn mà với đời thương hồ như vầy nữa. Xưa ghe rao là có người mua ngay. Anh Bảy tâm sự: “Xưa cha tui coi ghe như một cái gia tài, bán gì thì bán chớ kiên quyết không bán ghe. Ổng mà biết tui bán ghe, chắc cũng rầu dữ lắm. Nhưng đành chịu thôi. Có ai níu giữ đời thương hồ này hoài được”.

Cách đây hơn hai chục năm, chợ nổi Cái Răng có khoảng 500 -600 tàu, ghe, đến nay chỉ còn khoảng trên dưới 350 tàu, ghe. Giới am hiểu nhận định, nếu tính lý thuyết, nếu mỗi năm chợ nổi giảm 20 – 30 tàu, ghe thì chừng 15 – 20 năm nữa là chợ nổi Cái Răng sẽ biến mất.

cho-noi-mien-tay cho-noi-mien-tay

cho-noi-mien-tay cho-noi-mien-tay

cho-noi-mien-tay
Cuộc sống thường ngày của người dân ở chợ nổi miền Tây

Chợ nhóm rồi tan cũng là lẽ thường tình. Chợ nổi xuất phát từ nhu cầu của người dân địa phương, họp rồi tàn âu cũng không ngoài quy luật tất yếu của sự thay đổi và phát triển trong đời sống hiện đại. Nhất là khi hệ thống giao thông đường bộ phát triển, đường về miền Tây hầu như đã có đầy đủ các cây cầu vượt sông ở những tuyến huyết mạch. Vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy đã không còn là sự lựa chọn hàng đầu. Người dân không còn phải đi bằng ghe, thuyền ra chợ để bán mà thương lái đến tận nhà cùng xu thế kinh doanh “mua tận gốc, bán tận ngọn” như hiện nay càng góp phần làm chợ nổi eo xèo hơn.

Cũng đã có khá nhiều hội thảo, kế hoạch được tổ chức, bàn luận, thậm chí đã triển khai nhưng tương lai chợ nổi vẫn khá là hên xui. Chẳng hạn như để níu giữ thương hồ, Cần Thơ đã cho miễn phí neo đậu trên sông, miễn giảm học phí cho con em các chủ ghe để họ yên tâm mua bán. Dự định thì nhiều, để có thể phục hồi hoặc giữ cho chợ nổi như xưa, thật không đơn giản. Hoặc có chợ được “phục dựng” lại, thì hồn cốt cũng đã bay đi ít nhiều, chỉ khiến khách từng đến thêm hoài niệm. Chưa kể xưa thương hồ họp chợ bán sỉ, nay bán lẻ cho từng khách thì rõ là mức hấp dẫn doanh thu không thể bằng. Rồi dịch Covid-19, vắng khách, khiến nhà đầu tư dự án phục hồi chợ khó khan.

Đến nay, người ta vẫn chưa rõ được cụ thể chợ nổi có từ khi nào, nhưng ngày chợ tàn, chợ mất, thì có thể đoán được.

Cho nên, nếu có dịp về miền sông nước Cửu Long, bạn hãy tranh thủ đi!

Nỗi nhớ sông nước của một người hướng dẫn

Sơn Lê, một chủ homestay ở Lai Vung, Đồng Tháp kiêm hướng dẫn viên thường xuyên đưa khách đi chợ nổi, đặc biệt là khách nước ngoài. Khi hướng dẫn cho khách đi tour do mình thiết kế, bao giờ anh Sơn cũng có phần tham quan chợ nổi. Bởi đó là một phần ký ức tuổi thơ. “Nhà mình ở Lai Vung, vùng trồng quýt nổi tiếng của miền Tây. Hồi trước, quýt thu hoạch xong muốn bán, đem lên Sài Gòn sẽ rất xa, nên người ta đem tới chợ Mỹ Tho để từ đây phân phối đi khắp nơi cho tiện. Đến mùa, buổi sáng nhà nhà sẽ hái quýt, cho sẵn vào mấy cần xé to để dưới mé bến sông trước nhà. Tầm cuối chiều sẽ có một chiếc ghe trong xóm đi gom từng nhà. Hết mấy tiếng đồng hồ thì gom xong hàng, nổ máy chạy tới Mỹ Tho sẽ là khoảng 3, 4 giờ sáng. Đó là lý do vì sao chợ nổi thường họp từ khuya tới sáng sớm. Tranh thủ bán. Bán xong thì đi về lại Lai Vung cũng kịp cuối chiều hôm sau. Cứ mỗi xóm có một người đại diện lái ghe đi bán, xoay vòng vậy đó cho đến khi nào hết quýt thì thôi. Chủ nhà, chủ vườn có muốn đi theo chủ ghe thì đi, không thì chủ ghe sẽ bán cho mình với giá đã thỏa thuận trước.

Những ngày này, khách du lịch vắng bóng vì dịch Covid-19, anh Sơn càng nhớ và âu lo cho chợ nổi nhiều hơn. Anh Sơn có lý do để lo. Là một người gắn bó lâu, trực tiếp gặp gỡ, làm việc với nhiều thương hồ ở chợ nổi, anh càng thấm thía và sốt ruột cho thực tế không vui của chợ nổi. Bên cạnh tình trạng ô nhiễm môi trường nước, chợ nổi còn đối diện với chuyện kém thu hút khách khi bản thân nó ngày một eo xèo, thưa vắng và khác xưa nhiều hơn.

Bài & ảnh: Hàn Giang

Theo ấn phẩm 24h Sống Xanh

Cùng chuyên mục