Chợ Bình Tây và câu chuyện về một bức tượng lưu lạc…

Từ bao lâu nay, chợ Bình Tây cùng với chợ Bến Thành, chia nhau sự nổi tiếng, bề thế, sầm uất nhất nhì Sài Gòn và là ngôi chợ bán sỉ duy nhất ở phía Nam luôn khiến người ta tò mò tìm tới không chỉ để mua bán.

cho-binh-tay
Mái ngói mới sau đợt trùng tu gần nhất cách đây hai năm khiến ngôi chợ thêm đẹp đẽ, lộng lẫy hơn.

Tôi nhớ hoài cảm giác của một kẻ ở xa khi lần đầu đến tham quan chợ Bình Tây gần 30 năm trước. Quan niệm về chợ thông thường của một kẻ quen nhìn các ngôi chợ hiện đại hay chợ quê, chợ cũ đã mở rộng thêm khi được ngắm ngôi chợ này. Cảm giác này được đồng cảm thêm khi một người dì bà con xa ở miền Tây được tôi dẫn tới tham quan chợ Bình Tây lại tiếp tục thốt lên: Sao chợ hổng giống chợ, nhìn nó bề thế, mái ngói rồng phụng hoa văn giống ngôi miếu hay đền thờ bự quá đa. Gốc quê miền Trung như tôi hay miền Tây như người dì bà con vốn quen với những ngôi chợ, kiểu gì thì cũng không hoành tráng bằng chợ Bình Tây.

Chợ gì không giống… chợ bình thường!

cho-binh-tay
Nếu nhìn từ góc này, chợ Bình Tây không khác gì một đền, miếu hay thậm chí là… cung điện xưa nào đó!
cho-binh-tay
Một góc chợ Bình Tây nhìn ra các dãy nhà phố quanh chợ.

Về mặt kiến trúc, chợ Bình Tây được xây dựng bằng xi măng cốt thép theo kỹ thuật phương Tây nhưng lại mang đậm nét văn hóa Trung Hoa, với mái ngói mang kiểu cách của một ngôi chùa, mặt trước cổng có bức phù điêu khảm sành màu xanh hình “lưỡng long chầu châu”.

cho-binh-tay
Nếu không nói, không biết trước đó, có ai nghĩ đây là một ngôi chợ!

Trước đó, tôi cứ nghĩ chợ Bến Thành với 4 mặt tiền là rộng to đẹp nhất Sài Gòn rồi, đâu ngờ còn có ngôi chợ, cũng 4 mặt tiền (nằm giữa 4 tuyến đường Tháp Mười – Lê Tấn Kế – Phan Văn Khỏe – Trần Bình (Q.6) đẹp không kém và rộng hơn nữa. Diện tích chợ Bến Thành rộng 13.056 m2 còn chợ Bình Tây rộng 25.000 m2.

cho-binh-tay
Lối đi ở chợ khá thông thoáng, tiện lợi.

Chợ tập hợp những thứ tưởng như không liên quan tới nhau. Bên dưới là các gian hàng nhộn nhịp khách, hàng hóa đầy ứ chất chồng, người qua kẻ lại, khuân vác chộn rộn, chào mời ì xèo… Bên trên là những mái ngói, khung cảnh kiến trúc mang dáng vẻ trầm mặc của đền miếu như thong thả ôm lấy ngôi chợ dân tình đang mặc sức bán buôn. Tấc đất tấc vàng, chợ với hàng ngàn sạp hàng lớn nhỏ bày biện san sát nhau, được các tiểu thương gói ghém trình bày thiệt đẹp mắt và làm sao cho đầy đủ nhất tất cả các mặt hàng mình đang bán. Vậy mà còn chơi sang, bốn dãy nhà bao quanh chợ tạo thành một giếng trời khổng lồ ở giữa, khiến chợ trở nên thông thoáng, mát mẻ và không bị… nặng mùi như một số chợ khác. Đã vậy, ở khu vực giếng trời này, còn có một công viên nhỏ với các thảm cỏ, cây xanh, trông thật mát mắt, trang nhã, điều không thể tìm thấy ở các ngôi chợ khác của Sài Gòn.

cho-binh-tay
Cầu thang thoát hiểm ngoài trời trổ xuống giếng trời ở chợ Bình Tây.

Đây cũng là ngôi chợ, mà nhìn vào bằng mắt thường, cũng có thể thấy ngay sự an toàn về phòng cháy chữa cháy cao hơn nhiều ngôi chợ khác, đặc biệt là các chợ cũ. Nhà lồng thoáng, lối đi rộng, là chợ đầu mối nhưng trong nhà lồng chợ, tiểu thương tuân thủ khá nghiêm việc bày biện hàng và chừa lối đi lại. Chợ gây ấn tượng với các cầu thang thoát hiểm được bắt từ đất lên tầng một rất dễ nhìn thấy và dễ thoát thân khi có sự cố.

Độc đáo một ngôi chợ trăm năm

cho-binh-tay
Chợ Bình Tây năm 1966 – 1967. Ảnh: R. Mahoney.

Theo tài liệu của ban quản lý chợ Bình Tây, thì chợ được khởi công xây dựng trong hai năm, từ năm 1927 đến năm 1929. Sau khi chợ mới khánh thành, chợ Bình Tây cũ giải thể, tập trung hết bạn hàng cùng với bạn hàng Chợ Lớn cũ vào chợ mới được gọi là chợ Bình Tây cho đến nay. Sở dĩ “Chợ Lớn Mới” có được tên này là vì trước đây trong khu vực này đã từng có một chợ, nằm ngay nơi Bưu điện Chợ Lớn hiện tại, chợ đó sau này thường được nhắc đến bằng tên “Chợ Cũ”. Chợ Lớn được xây dựng sau khi Chợ Cũ bị thiêu tàn trong một vụ cháy. Do chợ mới được xây lên rất to lớn vào thời đó, cho nên những người trong khu vực đặt cho được cái tên “Chợ Lớn Mới”. Chợ Bình Tây là ngôi chợ lớn và có kiến trúc đẹp nhất ở TP.HCM. Chợ Bình Tây có hình bát quái, 12 cổng (gồm cả chính lẫn phụ) và được thiết kế theo lối kiến trúc Trung Hoa pha lẫn chút Việt, Pháp.

cho-binh-tay
Chợ Bình Tây trên bưu thiếp cũ.

Điều may mắn là sau khi thi công cải tạo toàn diện, ngôi chợ vẫn giữ được nét kiến trúc cũ với tháp 4 đồng hồ cổ ở 4 hướng, nhiều bức phù điêu rồng, phượng trên mái. Ấn tượng đi cùng là các mái chợ lợp ngói đỏ au, góp phần tăng thêm ấn tượng cho ngôi chợ. Mà bây giờ, ngắm chợ xưa của Sài Gòn còn lợp ngói như chợ Bình Tây thì hiếm lắm. Chợ Bến Thành, Tân Định… đều đã thay tôn từ lâu rồi, tiện dụng hơn nhưng về mặt thẩm mỹ và cảm xúc thì không bằng so với lợp ngói.

cho-binh-tay
Chợ Bình Tây được xem là chợ bán sỉ lớn nhất nước.

Đây cũng là một trong những ngôi chợ lớn nhất Sài Gòn có bà con người Hoa làm ăn mua bán. Tiểu thương người Hoa hiện chiếm tỷ lệ 25% số lượng hộ kinh doanh tại chợ Bình Tây, đa số là người Hoa sinh sống tại các Q.5, Q.6 và Q.11.

Tuy các siêu thị, trung tâm thương mại mọc lên mỗi lúc một nhiều nhưng nơi này vẫn giữ được vị thế của một chợ đầu mối bán buôn lớn hàng đầu ở Sài Gòn. Một cán bộ Chi cục Thuế Q.6 (Cục Thuế TP.HCM) từng cho biết đây là chợ bán buôn lớn nhất cả nước nên số thu cho ngân sách cũng thuộc hàng cao nhất đối với các chợ truyền thống.

cho-binh-tay
Một gian hàng bán đồ khô ở chợ.

Chị Thu Liễu, tiểu thương buôn bán lâu năm ở chợ Bình Tây bảo, buôn bán bây giờ chậm hơn, thấy nhớ nhớ khách, không chỉ là khách mối mần ăn, mà cả khách du lịch. Trước kia khi chưa bị ảnh hưởng dịch Covid-19, ngày nào chợ cũng có các đoàn khách nước ngoài đến tham quan, góp phần cho chợ thêm nhiều màu sắc nhộn nhịp.

cho-binh-tay
Chợ Bình Tây thời nhộn nhịp các đoàn khách nước ngoài tham quan.

Không những thế, khách nước ngoài ghé đến đây còn giúp cho nhiều tiểu thương ở chợ được phát huy vốn ngoại ngữ tiềm ẩn của mình. Tiểu thương ở đây nhiều người không được học hành bài bản, vẫn có thể giao tiếp với khách bằng tiếng Malaysia, tiếng Hoa và tiếng Anh. Đặc biệt là các gian hàng vải, vốn rẻ đẹp nên phụ nữ người Mã tìm đến mua rất nhiều. Đứng đây một lúc bạn sẽ thấy vui tai khi 4 ngôn ngữ Việt, Hoa, Anh, Mã được trộn, chèn tùy ý và quan trọng là người bán lẫn kẻ mua đều hiểu!

cho-binh-tay
Chợ hoạt động nhộn nhịp từ sáng tinh mơ đến tối, cứ thế gần trăm năm qua.

Khi người lập chợ đi… ở nhờ

Điều đáng nói khác, người sáng lập chợ Bình Tây còn được xem như thần tài của chợ. Cũng dễ hiểu khi ông Quách Đàm có xuất xứ cơ hàn từ làng Triều An, Long Khanh, Triều Châu, Trung Quốc sang Việt Nam lập nghiệp, thuở ban đầu đi thu mua ve chai, lông vịt và các loại nguyên liệu phế thải để kiếm sống qua ngày. Nhờ đức tính cần cù chịu khó, lại giỏi tính toán, bán buôn ông Quách Đàm dần trở thành người giàu có.

cho-binh-tay
Một gian hàng bánh kẹo trông rất bắt mắt.

Chính giữa chợ có bia và bàn thờ ông Quách Đàm, người đã bỏ tiền ra xây chợ. Gần đây, do đề nghị của bà con tiểu thương trong chợ, tấm ảnh thờ được thay thế bằng một pho tượng bán thân kích thước khoảng 100cm x 80cm, (1863 – 1927, theo ghi khắc tại bệ đá thờ Ông trong hoa viên của chợ). Nơi đây hương khói quanh năm, bà con tiểu thương, người bán rong hay tạt qua khấn vái xin tài lộc ở người từng là một trong những thương gia giàu có nhất nhì Chợ Lớn xưa.

cho-binh-tay
Tượng ông Quách Đàm hiện đang đứng bên hiên nhà chú Hỏa – tức Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM hiện nay.

Nơi đây xưa kia từng có một bức tượng của ông Quách Đàm, đó là bức tượng toàn thân của một người đàn ông trung niên với tư thế đứng hơi rướn người về phía trước, tay trái ôm những cuộn giấy (có lẽ là những sắc phong), tay phải cầm cuộn giấy đã mở hé một phần, trang phục theo kiểu truyền thống người Hoa được chạm khắc tỉ mỉ đến từng chi tiết: những nếp gấp ở tay áo, gấu áo mềm mại, sinh động, hoa văn li ti phủ khắp mặt áo và cả những tấm huy chương Long Bội tinh, Bắc Đẩu Bội tinh chạm khắc trên ngực áo… Tượng làm bằng đồng, được thuê đúc tận bên Pháp. Sau khi mất, gia đình ông dựng lên vào năm 1930 trên bệ cao, dưới chân tượng có kỳ lân chầu và rồng phun nước.

cho-binh-tay
Pho tượng bán thân ông Quách Đàm mới được thờ ở vị trí tượng cũ vài năm nay.

Một bức tượng thật đẹp, nhiều năm nay khiến du khách ai cũng phải dừng chân tò mò khi đi ngang qua… khuôn viên phía sau nhà chú Hỏa, nay là Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. Mà nếu không hỏi sẽ không biết đó là tượng ông Quách Đàm – Hiệp Thông! Vị trí ông đứng mấy chục năm qua ở bên hiên nhà chú Hỏa cũng khá khuất nẻo, không phải ai cũng biết và biết thì cũng rất lấy làm ngạc nhiên vì nó không liên quan gì đến chủ cũ ngôi nhà và cũng chẳng ăn nhập gì với các nội dung trưng bày trong bảo tàng này. Tượng Quách Đàm đã “ngụ cư” tại đây từ năm 2003, sau một thời gian dài được cất trong Phòng Văn hóa – Thông tin Q.6, kể từ sau 1975.

Có một dạo người ta ngỡ là ông sẽ được “hồi cố chợ” nhưng từ khi có bức tượng bán thân mới của ông đặt ở vị trí cũ, có lẽ định mệnh đã an bài ông ở lại nơi đây…

Bài & ảnh: Lê Minh Hạ

Theo 24hsongxanh.vn

 

Link nguồn: https://24hsongxanh.vn/cho-binh-tay-va-cau-chuyen-ve-mot-buc-tuong-luu-lac/

Cùng chuyên mục