Chiều trên phá Tam Giang
Tôi biết đến phá Tam Giang trước cả Huế ngay từ nhỏ, trong thơ nhạc, trong các câu ca dao dân gian, đặc biệt là từ bài thơ Chiều trên phá Tam Giang của thi sĩ Tô Thùy Yên và bài hát phổ thơ cùng tên của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, để rồi khi có dịp thăm cố đô, luôn giữ cho mình những buổi chiều chạy xe tìm về phá…
Phá Tam Giang chạy dọc duyên hải Thừa Thiên – Huế dài chừng 70 km, theo hướng Tây Tây Bắc – Đông Đông Nam từ cửa sông Ô Lâu đến cửa sông Hương, trải qua 5 huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang và Phú Lộc. Chỉ nói sơ như vậy cũng đã hình dung được phá Tam Giang rộng lớn đến cỡ nào, khi nó chiếm khoảng 11% diện tích đầm phá ven bờ của cả nước. Vùng đầm phá này, đến nay vẫn được xem là nơi có hệ sinh thái độc đáo và phong phú bậc nhất Đông Nam Á.
Từ xa nhìn về phá Tam Giang, dễ thấy ngay hàng hàng lớp lớp cọc bao, lưới giăng bắt cá rất nhiều, đây đó những chòi canh cao lêu nghêu đơn lẻ, tạo thành những điểm nhấn tĩnh trên bức tranh vùng đầm nước mênh mông. Và ở đó, thuyền bè dọc ngang trở thành những điểm nhấn động, khiến bức tranh ấy vừa mang lại cảm giác thanh bình mà không kém phần rộn ràng, đầy sức sống.
Chiều trên phá thênh thang
Các tour du lịch quảng cáo rằng thời gian tham quan thích hợp để tham quan nơi đây là từ sáng sớm đến chiều tối. Nhưng với tôi, thời gian đi chơi phá Tam Giang thích hợp nhất là buổi chiều. Một quãng thời gian lý tưởng trong ngày và cũng để phù hợp với thời tiết Huế mùa này, vốn nắng và rất nóng. Tại sao ta lại phải “cãi” cái khung cảnh đã đi vào thơ, nhạc, và rất nhiều bức ảnh phong cảnh ở nơi đây nhỉ.
Khoảng từ 16h30 tới 17h30, ánh sáng như thể gom cả ba sắc vàng hồng cam điểm chút tím nhuốm màu lên toàn bộ phá tạo nên bức tranh phong cảnh đặc sắc. Tiếng đò máy hối hả đưa lượt khách cuối khách băng qua phá, tiếng sóng vỗ mạn thuyền ì oạp nghe rõ mồn một ở những chiếc đang buông neo. Tiếng khoát nước bằng tay chèo ở mấy con thuyền nghe thong dong mà đều đặn, như thể họ đã nằm lòng cái hành trình hoàng hôn của mình rồi nên không việc gì phải vội. Lúc này, mặt trời đã đủng đỉnh tiến về sau rặng núi mờ xa, kịp cho thấy ánh nắng cuối ngày, càng làm cô đơn thêm mấy con thuyền nhỏ lẻ loi neo đậu. Thời gian như dừng lại giữa không gian tĩnh lặng, chỉ có gió rất nhẹ. Mặt trời đã xuống núi, khuất sau những đám mây nhưng ráng chiều chưa tan hết. Màn đêm loang dần trên mặt phá, phủ bóng mui thuyền nhấp nhô mặt nước, phủ lên chòi canh làm nổi bật chiếc đèn dầu leo lét thắp vội…
Cảnh vật ở đây thực sự thuộc về không gian của tĩnh mịch. Tôi có cảm giác như mình đem cả cái sự u trầm đặc hữu trong cố đô mà để ở đây, giữa đầm phá mênh mông không bóng người này. Có lần, tôi còn được nghe tiếng hò ai đó cất lên sau mạn thuyền, nghe mênh mang và liêu trai quá đỗi.
Câu ca xưa và đường đi nay, cảnh đẹp này
Hẳn ai cũng biết câu ca nổi tiếng: Đường vô xứ Huế quanh quanh, Non xanh nước biếc như tranh họa đồ. Thương em anh cũng muốn vô. Sợ truông Nhà Hồ, sợ phá Tam Giang… Phá Tam Giang với cửa Thuận An và sông Hương là thủy lộ chính lên kinh thành Huế nên ngày xưa ai thượng kinh đều phải vượt phá. Tuy là đầm nhưng vì có sóng, trước kia từng có nước xoáy nên dân gian mới có câu ca dao như vậy.
Nhưng đó là ngày xưa thôi, còn bây giờ, giao thông đến phá Tam Giang chưa bao giờ thuận tiện như thế. Phá Tam Giang cách Huế chỉ 12 km. Từ trung tâm thành phố Huế, đi dọc theo con đường Phạm Văn Đồng rồi vào quốc lộ 49B hướng về biển Thuận An, là đến.
Hơn 15 km chạy dọc theo những con sóng, những cánh đồng, bạn dễ bắt gặp nhiều chùa, đình làng và nhà thờ họ, lăng mộ cầu kỳ nhiều màu sắc. Bên cạnh đó là cảnh sinh hoạt của dân quê vùng ven biển sẽ khiến những ai nhìn thấy cũng có thể cảm nhận được ít nhiều bình yên cho mình. Khi đứng trên cầu Tam Giang (cầu Ca Cút) bắc qua phá, là bạn đã nằm trong vùng đầm phá mênh mông hàng mấy chục cây số này rồi. Khi cây cầu Tam Giang được đưa vào sử dụng, ở đây trở thành một trong những nơi có view ngắm hoàng hôn rơi trên phá đẹp nhất. Quan trọng là bạn muốn đi chỗ nào, dừng chân ở đâu trên diện tích rộng lớn như vậy thôi.
Sẽ thất vọng cho những ai muốn tìm chút gì đó sôi nổi rộn ràng ở đây. Nơi đây không có những điểm vui chơi giải trí nhộn nhịp hay những đền đài thành quách nguy nga. Người ta đến phá Tam Giang còn chủ yếu để thưởng thức các món thủy hải sản, được tiếng là rất ngon. Nhưng với tôi, điều này không quan trọng. Chỉ cần được hưởng trọn vẹn cái khoảnh khắc cuối ngày đầy cảm xúc như thế, để tưởng tượng mình được hòa trong cảm xúc của các thi nhân, nhạc sĩ, là đã đủ. Chờ mặt trời tắt hẳn sau rặng núi, gom hết những vệt sáng cuối cùng trên mặt phá, ngược xe trở về Huế, trong lòng thơ thới vì đã trọn một buổi chiều vui và bình an.
Nay, trong một buổi chiều Sài Gòn, nghe tin thi sĩ Tô Thùy Yên, tác giả bài thơ Chiều trên phá Tam Giang vừa mất. Vậy là người viết bài thơ, người phổ nhạc cho tác phẩm này đều đã ra đi. Vậy là, phá Tam Giang lại có thêm một kỷ niệm để nhớ về!
Bài & ảnh: L.M.Hạ