Gánh nước chè của cụ Sen

Giữa tiết trời hơn 40 độ, cụ Sen vẫn cần mẫn đong từng bát nước đầy, giúp người uống xua tan bao mệt nhọc, nóng bức.

Gánh nước chè của cụ Sen đã qua hơn 50 năm.
Gánh nước chè của cụ Sen đã qua hơn 50 năm.

Hơn 50 năm qua, góc nhà số 13 đường Bạch Đằng (TP.Hội An) không một ngày vắng bóng bà cụ ngoài 80 với đôi gánh nước chè mặn giọt mồ hôi. Nhà ở khối phố 1 (phường Sơn Phong, Hội An) nhưng sáng nào cũng vậy, từ 5 giờ, cụ bà Nguyễn Thị Sen đã cặm cụi gánh hàng đi bán ở chợ Hội An. Trên đôi vai nhọc nhằn, là gánh nước chè đặc sánh, là những vật dụng cũ kỹ, từ cái nồi dày lớp lọ nghẹ, cái gáo dừa múc nước đến chục chiếc tô men viền xanh đơn điệu…

Cụ Sen cho biết, sau giải phóng năm 1975, cụ đi “buôn nguồn”, phụ chồng gánh bán cá tôm mỗi bận ông đi “rỗi” (biển) về. Nhưng rồi, sức khỏe chồng yếu dần, không bám biển được, gánh nặng đè lên vai, cụ Sen phải tính con đường khác. Lúc ấy, Hội An là thương cảng, người mua kẻ bán nhiều vô số kể, ai cũng làm việc rất vất vả và mệt nhọc. Thấy vậy, bà nấu thử nồi nước chè, cho họ uống.

“Trước là nấu cho bà con hàng xóm, uống giải khát rứa thôi. Ai thương tình thì đưa ít đồng, không thì cười cảm ơn là đủ. Sau rồi nhiều người uống, thương lái tìm đến mua. Thấy được, nên tôi nấu nhiều hơn để bán. Một bát nước hồi đó có 3 hào thôi. Rồi lên 5 đồng, 200 đồng, 500 đồng, đến chừ thì 2.000 đồng. Bán cho cả chợ, cho cả khách du lịch…” – cụ Sen chia sẻ.

Những vật dụng từ xưa vẫn được cụ Sen sử dụng.
Những vật dụng từ xưa vẫn được cụ Sen sử dụng.

Để nồi nước chè thơm ngon, mát lành, kịp cho phiên chợ sớm, mỗi ngày cụ Sen phải lọ mọ dậy từ 3 giờ sáng. Khi mặt trời còn chưa lên khỏi mặt biển, lửa đã đỏ rực nơi chái bếp của bà cụ. Được tầm 5 phút thì nước bắt đầu sôi, hơi nóng tỏa ra khiến người tỉnh táo hẳn. Nấu bằng củi, nước chè sẽ thơm hơn. Chừng hết một tuần hương (khoảng 45 – 60 phút) thì chè cô đặc lại. Chắt lấy nước đầu, khoảng được một ấm nhỏ, rồi cho thêm nước, nấu lại lần hai.

Xong xuôi thì cụ đun thêm ít canh nước để chêm, pha tùy theo khẩu vị của khách hàng. Còn những chiếc bát uống cổ xưa, nhuốm màu thời gian cũ kỹ cũng được cụ Sen tỉ mẩn rửa sạch, úp khô ráo trên quang gánh. Bát uống dùng xen kẽ theo ngày, hôm nay bán xong thì đợi đến ngày mốt mới dùng lại số bát đó. Bởi theo lời cụ Sen, bát uống nước chè dùng xong phải phơi sao cho thật khô, khi dùng lại mới không bị hôi mùi nước cũ.

Hễ có khách đến, cụ Sen múc nước chè qua 3 bận. Đầu tiên múc nước cốt nhất đen đặc, sau đó múc nước cốt thứ hai loãng hơn, cuối cùng là nước trong lấy từ giếng Bá Lễ. Hẳn nhờ cách pha đặc biệt này, mà bát nước chè của cụ luôn thu hút khách hàng. Cụ Sen chia sẻ: “Lá chè này hái từ trên rừng nên có vị thơm ngon lắm. Năm nay nắng gay gắt quá, nên bán được hơn hẳn, mỗi ngày phải hơn 100 bát nước. Uống nước chè vừa giải khát, vừa mát gan, lợi tiểu, lại không chát – khô cổ như các loại nước trà, nước ngọt khác”.

Khách hàng của cụ Sen thường là người lớn tuổi.
Khách hàng của cụ Sen thường là người lớn tuổi.

Chị Huỳnh Thị Nga – tiểu thương bán hàng ở chợ Hội An là khách quen của cụ Sen đã hơn chục năm qua. Mỗi ngày, tầm 9 – 10 giờ, chị Nga mang chai đến gánh hàng cụ Sen để mua nước uống. “Nước chè của cụ Sen vừa sạch, lại thơm ngon. Buôn bán ở chợ nóng nực, có nước này uống cảm giác mát mẻ hẳn” – chị Nga nói.

Trái ngược với những ly nước có ga lạnh tê tay của những hàng những quán hiện đại, bát nước chè của cụ Sen hãy còn bốc hơi nóng, người đi đường, chỉ kịp ghé ngang, nhấp một hơn rồi di chuyển. Thế nhưng, gành hàng của bà cụ vẫn tấp nập người, một phần vì nắng khát, một phần vì cái mát dịu từ bát nước chè xanh, phần còn lại là thói quen, quen với gánh hàng nước đã ở đó hơn nửa thế kỷ qua…

Kiều Ly – Như Trang
Theo Quảng Nam Online

Cùng chuyên mục