Chỉ đọc thôi, đã nhớ
Sách đã cầm trên tay rồi, mà đọc rất chậm, vì đọc đến đâu là nhớ, là thèm. Cái sự thèm ăn dĩ vãng được miêu tả như bằng cái nhìn của đứa trẻ chừng 12 trong trẻo đến đơn sơ. Ôi đọc nó sướng!
Đứa trẻ trong hình hài nhà báo hôm nay ngắm những khay xôi chè cúng ngoại, ngắm những vạt rau đắng non đi vào đĩa gỏi, tô canh tôm, nuốt nước miếng hồn nhiên chờ nồi cá trích ve kho lá nghệ, và mùi bắp rang ngoài ngã tư phố cổ. Hàng chục món ăn ngon lành dân dã đã đi suốt cuốn sách, tươi rói, kiểu như những đoạn “Mẹ rắc những hạt mè đã rang lên khay xôi đã nén chặt, cẩn thận cất khay xôi ngọt thơm nức vàng ruộm những hạt mè béo mẫm vào chạn”. Kiểu như trẻ con nhà quê xúm quanh nồi cháo lòng của xóm chờ cái phút cùng nhau xì xụp húp vào chiều 30 Tết. Chỉ có con bé con thèm thuồng nuốt nước miếng mới nhìn thấy những hạt mè béo mẫm ấy chứ người lớn chúng ta đã quên mất nó từ lâu rồi.
Mê mải vậy chứ cô bé con trong sách cũng lớn, và ngòi bút cũng như tư duy của Kim Em đã vượt lên nỗi nhớ để cuốn sách cho chúng ta một cái nhìn sâu sắc về không gian văn hóa ẩm thực Hội An và những vùng nông thôn đồng bằng Quảng Nam. Không gian văn hóa ấy không chỉ khắc họa miếng ăn ngon của người Quảng mà được mô tả chi tiết về mảnh đất đẫm phù sa hạ lưu con sông Thu Bồn.
Khi cái nắng tháng Giêng bắt đầu ngọt, các làng biển bắt đầu chộn rộn mùa ruốc đến. Cái thứ hải sản nói đến cũng biết chỉ có người nghèo chuộng, và đó là lúc người phụ nữ trong các gia đình nghèo trổ tài làm mắm, làm món ăn đổi bữa cho những bữa cơm đơn sơ. Từ mâm cơm và món ăn của họ có thể nhìn rộng ra mảnh vườn, bên giếng có vạt rau, nhìn ra phiên chợ quê xanh, nhìn ra cánh đồng, và những quan hệ làng xã với bao nhiêu phong tục tập quán thấp thoáng. Đó gọi là không gian văn hóa của ẩm thực Hội An, với chủ thể những người mẹ khéo tay vì quá nghèo, mà ở đây Kim Em dùng hai chữ lâu lắm mới nghe: “Mẹ tôi tiện tặn”! Đúng từ Quảng Nam!
Viết đến đây tôi bỗng cho phép mình mê cuồng ý tưởng, liệu có nên bảo tồn một di sản “Không gian văn hóa ẩm thực Hội An”, với những bãi bồi ven sông Thu Bồn, làng rau Trà Quế, cánh đồng nơi phụ nữ Phú Chiêm gánh mỳ ra đãi thợ cấy lúa, những giếng cổ gắn kết với cái sự ăn uống, lễ lạt làng tộc và kho tàng hàng trăm món ăn dân gian ấy!
Điều tuyệt vời nhất là “Ăn để nhớ” đã được một ekip các bạn trẻ đang kinh doanh ẩm thực ở Hội An hào hứng đón nhận. Bạn Phạm Xuân Thanh, chủ nhà hàng Cánh Đồng (Cẩm Thanh – Hội An) đã cùng một nhóm “độc giả” đã đọc sách “Ăn để nhớ” và họ thấy thật sự cảm hứng với quá nhiều ý tưởng mới nảy sinh khi đọc cuốn sách. Và họ đã truyền cảm hứng ngược lại cho tác giả cuốn sách khi có ý định xây dựng một sản phẩm du lịch dựa vào không gian văn hóa ẩm thực mà cuốn sách đã mở ra. Các bạn ấy muốn dịch sách ra tiếng Anh để du khách có thể cảm nhận hết những giá trị văn hóa Hội An từng có.
Thế mới thấy “ăn không chỉ để nhớ, mà còn làm được nhiều việc khác nữa”. Và mong rằng “Ăn để nhớ” sẽ đi vào chiều sâu du lịch Hội An!
Bích Hồng
Theo Quảng Nam Online
Link nguồn: http://baoquangnam.vn/tac-gia-tac-pham/chi-doc-thoi-da-nho-94699.html