Châu Đăng Khoa viết lúc guitare ngủ
Đó là lúc Châu Đăng Khoa vẽ, những nét vẽ của hội họa và thi ca, thành hình khối và ngôn từ, dựng những chân dung, nói chuyện về cuộc đời.
Không chỉ là một guitarist hàng đầu Việt Nam, Châu Đăng Khoa còn là một cây bút có giọng điệu riêng trên văn đàn. Sau tập thơ “Eo óc cung bậc” (xuất bản năm 2015) và nhiều truyện ngắn đăng trên các báo, đầu năm 2019, Châu Đăng Khoa ra mắt tập thơ “Lúc guitare ngủ” (NXB Hội Nhà văn).
Với Châu Đăng Khoa, cây guitare bất ly thân, theo anh trên những ngả đường thiên lý, lúc thăng hoa 6 dây reo lay động lòng người trong thánh đường nghệ thuật hay khi cùng bước chân gã lãng tử rong ruổi mọi miền, quán nhỏ ngồi cùng bè bạn. Và lúc guitare ngủ là lúc anh… không ngủ, để tình tự với thi ca. Ở đó, một miền tâm tưởng khác, một thế giới khác, một biểu đạt khác của tình yêu cuộc sống theo cách nhìn, cách nghĩ của riêng anh, độc đáo, không trộn lẫn trong đám đông.
Lúc guitare ngủ là lúc Châu Đăng Khoa vẽ, những nét vẽ của hội họa và thi ca, thành hình khối và ngôn từ, dựng những chân dung, nói chuyện về cuộc đời bằng phong thái quen mà lạ, đem đến nhiều thú vị bất ngờ. Anh chia tập thơ làm 2 phần: “Phù du ẩn mật” và “Nhặt”. Thông điệp trong đề từ của “Phù du ẩn mật” qua cách ngắt câu chơi chữ, được đưa ra nhẹ nhàng, rằng đời cũng chỉ chừng đó thôi, ngắn ngủi một đóa phù dung, danh vọng phù hoa rồi cũng hư vô, phù hư, phù phiếm: “Phù dung ghé bến phù du/ tay phù/ hoa phiếm/ chân phù/ hư bay“.
Những chân dung bè bạn của anh, chỉ qua những phác thảo đã hiện lên những đoạn-đời-người cùng những tính cách thân thuộc. Đó là nhà báo – nhạc sĩ Nguyễn Thanh Bình: “Nhạc leng keng khuya sớm/rắc chữ đời cộm cộm buồn vui/ đá phục sinh ý tranh hồn gốm/ ngó lại mình lốm đốm bình minh“; là nhà văn – nhà nghiên cứu Nhật Chiêu: “Thực ra/ tôi không là kẻ khác/ ngó con chữ phù du, phiêu dạt/ ngày kinh dịch/ đời kinh kịch/ tìm quá khứ trang hoàng đời mệt lử“… Là nhà thơ Nguyễn Liên Châu: “Té vô con chữ/ hỗn độn ngày/ nhớ không/ trăng đúng lúc là tròn“; nhà thơ Trần Hữu Dũng: “Phố thị dợm chân mà lục bình biêng biếc/ vọng cổ buồn rơi lả tả/ rượu ngó bóng mình/ đồng bằng đối ẩm“… Với nghệ sĩ tài hoa lãng tử như nhà thơ – nhạc sĩ Vũ Ngọc Giao, anh viết: “Rải ngược cung đời/ guitar oằn như cơn đau bao tử/ nheo mắt soi ngày/ đếm núi mỏi tay/ ở đâu cũng bụi/ phủi áo chi hè“…
Những chân dung đó đều là tâm giao, anh và họ hiểu nhau, thấu cảm những nỗi đời đã trải nên đều được dựng bằng những câu rất đắt. Người đọc sẽ nhớ nhà thơ Nguyễn Quang Tấn “mỉm mỉm cười phất nụ an nhiên”, nhà thơ Phạm Quốc Thăng “gói hết mà minh mông”, nhà thơ Nguyễn Tấn On “bóng ga đời soi bóng đời ga” hay họa sĩ Võ Trịnh Biên “bàn tay thở hương quê”, nhạc sĩ Phạm Ngọc Lai “Lụm cái bông đặt kề chai rượu”, nhạc sĩ Phạm Quang “ngón tay nhểu một cung đời”, nhà thơ – nhạc sĩ Vĩnh Phúc (đã quá cố): “Tạ đời một lạy mênh mông/ tạ em đảnh lễ chênh/ chông nỗi người”…
Với “Nhặt”, Châu Đăng Khoa trưng bày những suy tưởng, tư duy đẩy đến tận cùng, qua lối viết diễu nhại nhẹ nhàng mà thâm thúy. Cái cười vỡ òa ra rồi kịp lắng trong nỗi buồn lưu cữu, sau những thứ anh bày biện ra đó, để tự mỗi người hiểu theo cách riêng như: “Thả dốc/ thắng tuột”; “Sinh nhật/ nến không diêm”; “Tôi đang tìm tôi/ nó rớt tối qua/ kìa kế bên/ đâu?“…
Những bài thơ ngắn và cực ngắn này được anh “nhặt” lúc ý nghĩ lóe lên, ngẫm ngợi qua ngày dài tháng rộng. Là người nặng lòng chữ nghĩa, lại lao động nghệ thuật nghiêm túc, Châu Đăng Khoa viết, sửa nhiều lần nên khi sản phẩm đến tay bạn đọc, sẽ cảm nhận rõ đó là những câu chữ anh lao tâm khổ tứ, gửi tặng cuộc đời. Phải nếm trải đủ cung bậc đời sống mới có thể viết: “Ngày ngắn/ đời nhăn/ ủi hoài không phẳng”; “Chưa xếp giống loài nào/ thú lạ/ ai cũng nói vậy/ nó xếp đời nó vào xó”; “Lá vàng đã từng xanh/ dẫu xanh hay vàng/ vẫn mật hương bất tận/ đời người đau hơn“…
Châu Đăng Khoa tiếp tục làm mới nhiều lớp ngữ nghĩa, từ lưu giữ những ngôn ngữ đời thường một cách chủ ý trong một số trường hợp: “Lụm cái bông”, “đứt bóng”, “minh mông”, “khựi tiếng guitar tòa loe”… đến những tứ, những từ nói nghe bình thường song đặt đúng chỗ thành độc đáo và hay: “Tôi/ thằng đần ông/ em khổ”; “Ba mẹ khuất núi/ bạn dần khuất bóng/ còn sống/ tôi dần khuất mắt em“…
Bên cạnh đó là yếu tố bất ngờ: “Khuya giựt mình/ viết vội câu này/ thức luôn”; “Hương mật đầy trong im lặng/ em à/ anh không thích đường hóa học“; là chữ được dụng công một cách nhẹ nhàng mà đắc ý: “Đi thôi/ nhung nhớ lừng khừng/ bên kia ánh sáng lẩy/ lừng tịnh không”; “Không dám ngồi ngay chỗ cũ/ đàn ủ rũ bóng xưa/ bông trái hây hây mà rụng/ âm vang đâu đâu đau đây/ ừ thôi mây bay mây“…
Nhẹ nhàng như mây mà cuộn sóng ngầm, nở hàm tiếu mà quặn lòng, nỗi đời man mác trên trang thơ. “Lúc guitare ngủ” là lúc người đọc thao thức cùng Châu Đăng Khoa trên niềm chữ đắng đót và dư ba vọng động…
Nguyễn Hoàng Hoa
Theo NLĐ