Cần Giờ – Một vùng biển cạn…

Nước 2030 là phim điện ảnh Việt duy nhất tính đến thời điểm này, có chủ đề chạm thẳng vào vấn đề biến đổi khí hậu và ảnh hưởng môi trường ở Việt Nam.

Nước 2030 (đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh) là câu chuyện về miền Nam Việt Nam trong một thời khắc ở tương lai gần, năm 2030, với bối cảnh bị xâm nhập mặn và nước dâng cao khiến cho một nửa đất nông nghiệp bị nước nuốt chửng. Để tồn sinh, mọi người phải sống bằng “nhà thuyền” nổi trên nước, và chỉ có thể dựa vào đánh bắt cá với nguồn cung đang cạn kiệt. Các tập đoàn đa quốc gia khổng lồ đã xây dựng các trang trại nổi được trang bị các nhà máy khử mặn, và dùng năng lượng mặt trời để sản xuất các loại rau thường thức đã trở thành hàng hóa có giá cao! Trong bối cảnh ấy Cần Giờ đã được chọn!

can-gio-mot-vung-bien-can

Khi bộ phim về biến đổi khí hậu chọn bối cảnh là một vùng biển cạn

Chọn một vùng biển như Cần Giờ làm phim trường thực địa, cũng là bởi chúng tôi nhắm đến một đặc tính độc đáo và là thuộc tính không lẫn vào đâu được của nơi này: Biển cạn. Một hình ảnh kỳ vĩ bất ngờ tột cùng đối với những ai vẫn nghĩ suy một cách mặc định về biển, rằng đó là nơi mà nước phải luôn mênh mông sóng vỗ. Bởi, có thể nói là hầu như chẳng có mấy bờ biển xứ Việt có kiểu thủy triều phối hợp cùng bờ bãi một cách dị thường như vậy ở Cần Giờ. Hàng ngày biển Cần Giờ có những đợt triều cạn nước ròng sát đáy khi sóng rút ra xa bờ hàng mấy cây số, riêng vào những lúc đỉnh điểm trong năm vào độ cuối tháng 3 sang tháng 4 hàng năm, có lúc thủy triều rút xa đến độ tạo nên một vùng biển cạn chỉ toàn cát lấp xấp nước dưới mắt cá chân, kéo dài trên dưới 5km tính từ bờ. Khi ấy, xe motor các loại của ngư dân địa phương có thể dễ dàng vận chuyển ngư sản với một cung đường dài từ bờ ra sát mép sóng, trên nền cát khá ổn định. Nhiều du khách cũng thả sức đi bộ dặm dài, kiểu tàu thuyền hướng ra khơi “nghênh biển đón sóng” chứ không chỉ đi dọc dài theo bờ như với các bãi biển thông thường. Tuy nhiên, cần lưu ý là thủy triều lên xuống khá nhanh ở vùng biển Cần Giờ, nếu đi bộ ra quá xa bờ biển mà không tính toán lịch thủy triều hoặc quan sát nước lớn thì có khi… không kịp chạy bộ vào bờ lúc triều dâng!

can-gio-mot-vung-bien-can
Mô hình nông thôn mới. Ảnh: Kiều Anh Dũng

Những người làm phim chúng tôi đương nhiên cũng phải canh lịch thủy triều cực kỳ sát sao, theo từng thông báo chuyên ngành cho vùng biển Cần Giờ. Nhưng ngay cả khi đã canh lịch thủy triều, chỉ cần đoàn phim “bể call sheet” (tức bảng phân công công việc và thông báo lịch quay hàng ngày) vì nhiều lý do may rủi của thời tiết ghi hình hoặc sự chuẩn bị của thiết kế bối cảnh gặp trục trặc, mọi sự “bể lịch” kéo theo cũng luôn ảnh hưởng rất kinh hoàng với tiến độ quay phim trên biển, khác với các kiểu “bể lịch” quay thông thường ở các đoàn phim trên bờ. Bởi lẽ, đối phó với tốc độ biến đổi nhanh của thủy triều nơi vùng biển Cần Giờ gần như là bất khả với nhiều cảnh quay bị “sạt lở”, không theo kế hoạch ban đầu trên – lý – thuyết của đoàn phim. Bất kể phần lớn đoàn phim đều đã quen trầm mình dưới mực nước biển đến ngang bụng ngang ngực sau một thời gian ra – biển – làm – phim, trong hầu hết cảnh ghi hình, tốc độ của thủy triều Cần Giờ cũng sẵn sàng “nhấn chìm” không thương tiếc với toàn bộ công sức của quá trình “logistics” (công tác chuẩn bị hậu cần) trước đó, từ tổ thiết kế sản xuất lẫn tổ quay, tổ đạo diễn).

can-gio-mot-vung-bien-can
Thu hoạch nghêu. Ảnh: Kiều Anh Dũng

Trong truyện ngắn gốc của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư có đề cập đến loại cá bạc đầu, gắn liền với thân phận tình yêu mùa nước nổi nênh của nhân vật trong câu chuyện. Đó là một loài cá “tiến vua”, theo như truyện viết rằng: Sách “Bi ký” chép lại, năm 813 đã có một làng chài lưới bị tàn sát vì giữ lại cá bạc đầu mà không cống nộp cho vua. Một trăm ba mươi bốn người trong làng đã chết.” Cá bạc đầu trong câu chuyện này không phải là loài cá trùng tên với một loài cá cảnh thời nay, tên là cá sóc (chúng còn được gọi là cá bạc đầu vì trên đầu cá có một cái chấm sáng). Bởi Bi ký cũng là do tác giả – nhà văn tự phóng tác ra, cùng với câu chuyện huyền thuyết liên quan về loài cá bạc đầu trong sáng tác văn học của riêng mình. Thành ra khi làm phim ở Cần Giờ, chúng tôi đã quyết định chọn “hình ảnh đại diện” bằng loài cá lìm kìm (còn gọi là cá kìm) nước lợ ở nơi này. Loài cá này có nhiều phân nhánh, tùy loài mà sống thích nghi ở nước mặn, nước lợ, nước ngọt. Cá lìm kìm trong câu chuyện này là loài sống nước lợ, được ngư dân địa phương ở khu vực cầu Dần Xây (Cần Giờ) giăng lưới từ tờ mờ sáng, “theo yêu cầu” của đoàn phim chứ thông thường họ không đánh bắt, do ít có giá trị kinh tế. Miệng cá lìm kìm rất nhỏ nên không thể bắt cá bằng cách thả mồi câu mà chủ yếu là phải giăng lưới bắt riêng. Đây cũng là loài cá khá hiếm và khó bắt. Với tạo hình tự nhiên luôn óng ánh rất đẹp của mình, cá lìm kìm bản địa Cần Giờ cũng đã góp phần tạo nên hồn cốt cho câu chuyện phim về phương diện hình ảnh, trong bối cảnh nửa thực nửa hư ấy của Nước 2030. Bộ phim cũng đã nhận được tài trợ từ một nguồn Quỹ về Biến đổi Khí hậu của Liên hoan phim Tribeca (Mỹ), và được chọn giới thiệu trình chiếu ra mắt trong đêm khai mạc Toàn cảnh tại Liên hoan phim quốc tế Berlin năm 2014.

can-gio-mot-vung-bien-can
Nuôi hàu giúp phát triển kinh tế xã đảo Thạnh An. Ảnh: Kiều Anh Dũng

Còn sông, còn rừng – còn đất trời làm phim

Cần Giờ vốn dĩ bị ngăn cách như một “ốc đảo” với các địa phương khác bởi nhiều sông lớn, đường từ Sài Gòn đến Cần Giờ phải qua phà Bình Khánh. Vậy nên mỗi chuyến đi đi về về Cần Giờ khi “đi scout” của chúng tôi hồi ấy, kể cũng “ngấm nước” đủ đường so với thông thường của việc làm phim. Rồi đến khi đoàn phim chính thức bấm máy ghi hình tại vùng sông – biển giao hòa này, gần như ngày nào chúng tôi cũng “dính nước”, khi thì nước sông lúc nước biển, hoặc kể cả nước lợ. Bởi ngoài các sông Soài Rạp, Lòng Tàu, Giữa, Đồng Tranh là bốn sông chính của tam giác châu ở Cần Giờ, giữa những sông lớn ấy còn có hàng trăm kênh, rạch lớn nhỏ thông thủy với nhau. Có thể kể tên như rạch Ông Nghĩa, Châu Hậu, sông Lôi Giáng, sông Giày Xay, sông Tắc, sông Trậu, rạch Su, rạch Dinh Cậu, tắc Lớn, tắc Cả, rạch Cây Khô, tắc Bà Kiều, tắc Bà Hói, sông Đồng Dinh, tắc Trầu, rạch Mồng Năm, rạch An Thít, tắc Ăn Chè, tắc Lò Vôi… Nhưng tất nhiên là đoàn phim cũng chỉ có thể chốt lại trong một vài bối cảnh ghi hình chủ đạo, không thể dịch chuyển nhiều như lúc “đi scout”. Những lúc được “lên bờ” thì những con đường rợp bóng cây xanh cổ thụ ở thị trấn Cần Thạnh là điểm tựa của đoàn phim, chứ còn ngay cả khi lượn lờ luồn rừng ở khu du lịch sinh thái Vàm Sát (thuộc xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ, Vàm Sát được xem là khu du lịch sinh thái phát triển bền vững nhất của thế giới tại Việt Nam, do tổ chức Du lịch thế giới WTO công nhận), thiệt tình là những tán cùng rễ cây đước mọc dày đặc nơi vùng rừng ngập mặn này chắc khó thể là chốn thanh cảnh gì lắm đối với người phố thị. Nhưng ngẫm nghĩ lại thì cũng là một lẽ tất yếu của tự nhiên, bởi với loài cây được mệnh danh là “vệ sĩ bờ biển vùng ngập mặn”, nếu chỉ đơn thuần mang dáng vẻ yêu kiều “yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu” giống các cây kiểng mong manh chốn thị thành, không trang bị một vẻ ngoài thô ráp gai góc thì sao rừng đước có thể đủ sức ngạo nghễ chống chọi với những cơn xâm thực xói mòn triền miên của biển?

can-gio-mot-vung-bien-can
Thu hoạch muối. Ảnh: Kiều Anh Dũng

Những ngày này dư luận đang quan tâm về một dự án lấn biển Cần Giờ. Người ta lo ngại sẽ có những tác động trực tiếp của con người vào thiên nhiên mà phải mất hàng thế kỷ sau mới có thể đủ sức đánh giá ảnh hưởng liên quan, trong mọi sự đã rồi. Chỉ mong, dự án được đánh giá khoa học và kỹ lưỡng những tác động về môi trường, để không như lời nhân vật trong truyện ngắn Nước như nước mắt (nhà văn Nguyễn Ngọc Tư) – tiền đề cho việc chuyển thể thành kịch bản phim Nước 2030, thốt ra đầy cám cảnh rằng: “Thời thế loạn rồi, đất không còn thì có thứ gì còn”!…

can-gio-mot-vung-bien-can
Thu hoạch hào. Ảnh: Kiều Anh Dũng
Cần Giờ tiếp giáp biển Đông với khoảng 20km bờ biển. Vùng ngập mặn chiếm tới 56,7% diện tích và có khoảng 69 cù lao lớn nhỏ. Nơi đây có Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ (còn gọi là Rừng Sác), được hình thành trên vùng châu thổ rộng lớn của các cửa sông Đồng Nai, sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ. Tổ chức UNESCO đã công nhận đây là Khu dự trữ sinh quyển thế giới vào ngày 21/01/2000, với hệ động thực vật đa dạng độc đáo, điển hình của vùng ngập mặn. Có thể xem Cần Giờ như là một “lá phổi của Sài Gòn”.

Châu Quang Phước

Theo ấn phẩm 24h Sống Xanh

Cùng chuyên mục