Cái chén cái bát

Có lẽ trên dải đất hình chữ S này, dù giàu nghèo sang hèn, mâm gỗ hay mâm đồng, ăn rau hay ăn thịt… thì bữa ăn của hầu hết các gia đình không thể thiếu cái chén.

Miền Bắc gọi là cái bát, nhưng từ miền Trung trở vào Nam thì thường gọi là cái chén. Tiếng Huế gọi “đơm chén cơm” hay “xới bát cơm” của giọng miền ngoài thì cũng là nó. Dĩ nhiên cái chén không chỉ để ăn cơm, nó là “vật đựng” có thể dùng để ăn nhiều loại thức ăn khác nhau, từ thức ăn khô đến đồ ăn nước. Hay được dùng để uống chén chè xanh. Cái chén là một vật dụng rất đặc biệt trong nhà, ngày nào ta cũng phải đụng đến, nhưng bây giờ vật dụng gia đình dễ mua, dễ có nên cái chén không thường được để ý, sự có mặt của nó như là chuyện đương nhiên.

cai-chen-cai-bat
Những cái chén bên chạn bếp của nhà ngoại tôi.

Ngày xưa nếu vua quan thì dùng chén ngọc chén ngà. Nhiều bộ chén phải đặt tận bên Trung Hoa. Người giàu sang thì dùng chén sứ cao cấp. Dân thường thì dùng chén đất chén sành bình dân, đôi khi sứt mẻ vẫn còn tận dụng. Hồi tôi còn nhỏ, hai từ “chén kiểu” nghe sang trọng lắm, nhà nào có điều kiện mới sắm được vài chục cái chén đẹp cất kỹ trong tủ, trong chạn bếp, ngày lễ tết hay hiếu hỷ mới mang ra dùng. Mà người lớn mới được ăn cái chén đẹp ấy, bọn con nít chúng tôi ít khi được đụng vào do sợ bị vỡ. Chén sứ thì khi đụng đũa phát ra âm thanh tinh nhẹ và trong, cái chén đất thì tiếng phát ra cũng như tiếng của người nông dân mộc mạc. Đến giờ tôi vẫn thích cái chén có hai đường viền xanh dương, một đường viền to ở trên và một đường chỉ viền nhỏ ở dưới, trên nền men màu trắng, loại sứ từ vùng Hải Dương. Vì sao thích thì chính tôi cũng không biết, nhưng cứ thấy ấn tượng hoài.

cai-chen-cai-bat
Đôi khi chén đất cũng cần điệu một chút.

Lúc nhỏ, cha tôi kiếm đâu ra cho tôi và cậu em út được hai cái chén bằng nhôm, ăn uống khỏi lo vỡ chén. Bây giờ mỗi khi nghĩ về kỷ niệm hai cái chén nhôm tôi lại thấy bùi ngùi, những năm tháng khổ cực cùng chung với cả nước, trong chén thường là cơm độn với khoai, sắn.

Cha tôi thường dạy con cái kỹ lưỡng trong bữa ăn. Dạy con ăn coi nồi ngồi coi hướng, ông rất ghét kiểu ngồi ăn mà nghiêng mông hay vừa ăn vừa rung đùi, tối kỵ ăn mà cứ úp mặt vô chén, hay lúc ăn mà gõ chén gõ bát, húp nước canh cũng không nên húp liên tục quá ba lần…

Có những cái chén suốt đời được đựng thịt thà thừa mứa, cũng có cái chén suốt đời chỉ rau dưa. Nhưng cho dù chén gì, ở cái mâm nào, dù mâm cao cỗ đầy trong vương phủ, hay bữa cơm tạm bợ ngoài đồng buổi trưa của người nông dân, chén đũa đặt trên tấm lá chuối dưới bóng cây thì bạn vẫn phải cầm cái chén lên và “ và” để đưa cơm, đưa thức ăn vô miệng, để sống.

cai-chen-cai-bat
Cái chén – đôi khi không nhất thiết chỉ là để ăn cơm.

Bỗng nhớ đến câu ca dao “Hai tay bưng bát cơm đầy…” – người xưa trân trọng hạt lúa hạt gạo, biết ơn từng chén cơm đượm mồ hôi nước mắt, bưng bằng cả hai tay. Ăn cơm không được làm rơi vãi nên khi xới chén cơm cũng quan trọng không kém. Xới chén cơm vừa lưng lưng hai phần chén, có lẽ để khỏi mang tiếng ăn uống phàm phu tục tử. Xới cơm lưng chén khi gắp bỏ thức ăn không bị tràn lên mặt chén, lúc đưa lên miệng lại vừa vặn không sợ cơm dính ở môi mép. Khi chúng ta vừa biết ăn đã phải cầm cái chén và khi nhắm mắt qua đời cũng lại là cái chén cơm đặt trên đầu!

cai-chen-cai-bat
Một kỷ vật không thể thiếu của một thời, nơi cất đựng chén bát.

Người xưa dùng hình ảnh thân thuộc của cái chén để nói về những giá trị cốt lõi, để răn dạy những đạo lý ở đời: chén cơm manh áo, bát cơm sẻ nửa, chén bát trong chạn còn có khi khua… Có lẽ để nhắc nhở những đạo lý này cũng là chuyện đương nhiên phải làm, phải có.

Nhắc đến chuyện chén bát, chuyện cơm nước trong thời gian cách ly dịch bệnh, là ước cầu mọi người được bình an, no đủ, được có chén cơm đầy qua những ngày khốn khó.

Muôn đời nay thì cái chén vẫn lặng lẽ làm tròn phận sự của nó…

 Bài: Lao Thinh – Ảnh: Lao Thinh và Én

Theo ấn phẩm 24h Sống Xanh   

Cùng chuyên mục