Buýt đường sông, sứ mạng không nằm trong mong đợi!

Sau 2 năm 9 tháng đi vào hoạt động, tuyến buýt đường sông đầu tiên của Sài Gòn, hay còn gọi là Water Bus vẫn vất vả trong việc trở thành một phương tiện giao thông công cộng phổ biến của người dân thành phố. Nhưng bất ngờ thay, nó lại trở thành một lựa chọn để đi du lịch sông nước Sài Gòn, khi người ta tìm đến “city tour trên sông”.

buyt-duong-song-su-mang
Khách ở nhà chờ ga đầu tiên của tuyến số 1, bến Bạch Đằng. Bến tàu Bạch Đằng nằm trên đường Tôn Đức Thắng, Q.1. Nhà ga được thiết kế hiện đại với khu mua vé, nhà chờ, dịch vụ cà phê, đồ ăn nhanh. Tuyến buýt này đang sử dụng 4 phương tiện có sức chứa 75 khách/tàu để đưa đón người dân có nhu cầu qua 5 bến gồm: Bạch Đằng, Bình An, Thanh Đa, Hiệp Bình Chánh và Linh Đông.
buyt-duong-song-su-mang
Dự án này có 2 tuyến: tuyến số 1 từ bến Bạch Đằng (Q.1, TP.HCM) đi Q.Thủ Đức (TP.HCM) và tuyến số 2 từ Q.1 (TP.HCM) đi Bình Dương. Hiện chỉ hoạt động tuyến số 1. Tuyến số 1 mỗi ngày chỉ có khoảng 1.000 lượt khách và chỉ có 15 – 20% lượng khách đi lại thường xuyên. Tuyến số 2 mới xây dựng được 7/19 nhà ga, dự kiến đến hết quý 1 năm 2021 hoàn thành số nhà ga còn lại. Trong ảnh là hành khách đang làm thủ tục vào bến lên tàu ở điểm đầu của tuyến 1.
buyt-duong-song-su-mang
Buýt khá hiện đại, sạch sẽ, có tivi và nước uống. Ngoài 72 ghế trong khoang, trên tàu còn một băng ghế phía sau nhằm tạo không gian rộng, thoáng đãng cho hành khách ngắm cảnh, hóng gió. Dưới mỗi ghế ngồi đều có áo phao.
buyt-duong-song-su-mang
Lộ trình Bạch Đằng – Linh Trung (Thủ Đức) khứ hồi trên cùng một tàu mất hai tiếng rưỡi. Hành trình khá thoải mái, tuy nhiên chưa nhiều người dân sử dụng phương tiện buýt sông cho sinh hoạt hàng ngày một phần vì còn mới mẻ và sự nối kết các khu trung tâm chưa thật sự thuận tiện, số bến cho tuyến buýt sông đầu tiên vẫn mới hoàn thành 5 trên tổng số 12.
buyt-duong-song-su-mang
Không ít ý kiến của người làm du lịch cho rằng nếu chỉ chuyên chở hành khách công cộng thì không cần thiết phải đầu tư phương tiện hiện đại, đẹp như tuyến buýt đường sông. Còn nếu để phục vụ du lịch, ngoài việc các phương tiện chưa thực sự đáp ứng thì cảnh quan bên bờ sông Sài Gòn cũng phải được cải thiện. Việc phát triển giao thông gắn với du lịch đường thủy cần có những chính sách cụ thể nhằm mang lại hiệu quả, trước mắt là cho tuyến buýt đường sông.
buyt-duong-song-su-mang
Lịch trình toàn tuyến 1, với mật độ, thời gian vẫn chưa phù hợp, hấp dẫn được người dân thành phố. Tuyến buýt đường sông ít được người dân sử dụng đi lại thường xuyên vì chưa thuận lợi trong kết nối giao thông với đường bộ, tuyến xe buýt đường bộ, taxi, chưa có đủ bãi đậu xe, nhà vệ sinh, nhà chờ…
buyt-duong-song-su-mang
Việc di chuyển cả đi lẫn về bằng buýt sông trong một ngày hành khách sẽ tốn 30.000 đồng, trong một tháng hết 900.000 đồng. Trong khi đó, nếu đi xe buýt, người dân chỉ mất 112.500 – 135.000 đồng. Trong ảnh là nhà chờ ga Linh Đông (Thủ Đức), điểm cuối hiện tại của tuyến số 1.
buyt-duong-song-su-mang
So sánh thời gian di chuyển từ Q.1 đến Q.Thủ Đức, đi xe buýt thường chỉ mất 25 phút, dù trên đường đi xe buýt dừng đón – trả khách khoảng 10 trạm và nhiều lần dừng đèn đỏ, trong khi tuyến buýt đường sông di chuyển từ điểm đầu đến điểm cuối hết gần một tiếng đồng hồ.
buyt-duong-song-su-mang
Đây là cảnh hiếm hoi khi 2 chiếc tàu buýt “gặp nhau” trên sông, trong 2 lộ trình ngược chiều cùng tuyến. Đơn giản vì số lượng tàu, lượt chuyến còn ít ỏi.
buyt-duong-song-su-mang
Hiện nay tuyến buýt số 1 theo kế hoạch có đến 12 cầu cảng, dù đưa vào khai thác hơn 2 năm nhưng mới triển khai được 5 cầu cảng, các bến còn lại vẫn đang tiếp tục hoàn thiện thủ tục pháp lý để xây dựng.
buyt-duong-song-su-mang
Cô gái trẻ này ở Thủ Đức, chờ một tiếng đồng hồ để đi buýt từ bến Linh Trung đến Bạch Đằng. Cô cho biết, mình chỉ đi trải nghiệm khi vào trung tâm Sài Gòn, ghé phố đi bộ Nguyễn Huệ bằng đường sông. Rất nhiều người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng mới mẻ này như một loại hình du lịch mới ít tốn kém.
buyt-duong-song-su-mang
Hành khách đến với Water Bus hiện chủ yếu là khách du lịch.
buyt-duong-song-su-mang
Không ít người nói đùa rằng tuyến số 1 của buýt đường sông là tuyến ngắm tòa nhà cao nhất Việt Nam vì hầu như trên lộ trình toàn tuyến đều có thể ngắm thấy tòa nhà 81 tầng này dưới nhiều góc độ.
buyt-duong-song-su-mang
Đây là dịp người ta nhìn ngắm Sài Gòn từ sông nhìn về phố, nên cảm giác sẽ rất khác. Nếu đã quen chịu đựng những kẹt xe khắp ngả đường, không gian chật chội phố thị hẳn sẽ rất thú vị giữa không gian sông nước thoáng đãng khi đi buýt như thế này.
buyt-duong-song-su-mang
Ụ tàu nổi của xưởng tàu Ba Son, chỉ khi đi buýt đường sông mới có thể dễ dàng thấy.
buyt-duong-song-su-mang
Sài Gòn, may thay hãy còn những khoảng xanh bên bờ sông chứ không hoàn toàn chỉ bê tông.
buyt-duong-song-su-mang
Một điểm thú vị khác. Cạnh bến Linh Trung là bến phà nối với khu Bình Quới – Thanh Đa. Bạn có thể tranh thủ đi phà sang chơi ở khu du lịch Bình Quới trước khi quay về lại đáp tàu về bến Bạch Đằng.
buyt-duong-song-su-mang
Đây cũng là dịp để bạn quan sát nhịp sinh hoạt trên sông Sài Gòn. Trước khi “chạm” đến sứ mạng giảm tải giao thông cho đường bộ thì tuyến buýt đường sông tại TP.HCM vẫn đang được xem là phương tiện ngoạn cảnh, du lịch nội thành siêu tiết kiệm. Cũng thú vị thay!

Bài & ảnh: Sơn Trà

Theo 24hsongxanh.vn

 

Link nguồn: https://24hsongxanh.vn/buyt-duong-song-su-mang-khong-nam-trong-mong-doi/

Cùng chuyên mục