Bóng hến soi đời

Tự bao giờ không ai biết rõ, người dân làng Ngân Hà (phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) rủ nhau lặn ngụp dưới đáy sông cào hến mưu sinh. Loài nhuyễn thể nhỏ bé này đã soi cuộc đời họ hết ngày này sang tháng khác, đời con nối tiếp đời cha, cứ thế trở thành nghề…

Ông Nguyễn Hữu Tứ luộc hến trong nồi gang to đặt giữa bếp lò làm bằng đất sét.
Ông Nguyễn Hữu Tứ luộc hến trong nồi gang to đặt giữa bếp lò làm bằng đất sét.

1. Buổi chiều muộn. Nắng vừa tắt. Dọc bờ sông Thu Bồn lại hiện ra khung cảnh nhộn nhịp của kẻ mua người bán. Tất cả mọi ánh mắt đều đổ dồn về phía mấy mẻ hến đen trùi trũi vừa được cào lên khỏi mặt nước. Kẻ trả giá, người cân đong. Tiếng nói cứ thế thưa dần, nhạt dần rồi mất hút theo bóng xe kêu lạch cạch của mấy cô thương lái mua hàng.

Bên tách trà ấm, cụ Võ Hồi ngồi kể về đời hến, phận người. Quanh quẩn ở làng này, cụ Hồi cùng vợ mình là Nguyễn Thị Bảy hiểu rõ tường tận món nghề ăn sâu vào máu thịt dân làng Ngân Hà. Hẳn vì tuổi già làm cho mọi hành động và lời kể của cụ Hồi chậm rãi dần, nhưng nhắc nhớ về ký ức xưa, giọng cụ vẫn rõ mồn một: “Trước kia, hến dưới sông chẳng để làm gì, cứ đến bữa thì xuống cào một ít về rửa sạch nấu canh hoặc nấu cháo. Thời chống Pháp, chống Mỹ không có gạo nấu, đôi khi cả làng rủ nhau ăn hến thay cơm. Sau  này, đất nước giải phóng, chúng tôi mới nghĩ đến việc cào hến mang ra chợ đổi cá thịt về ăn. Dần dà hến trở thành mặt hàng mua bán nên phát triển thành nghề…”.

Theo thời gian, con người bằng xương bằng thịt cứ héo hắt dần đi, nhưng sông thì vẫn còn đó, những con hến vẫn cứ cựa mình. Gắn bó món nghề chỉ biết lặn ngụp theo từng con nước ngót nghét hơn nửa thế kỷ, cụ Hồi dường như thuộc nằm lòng mỗi đường chảy của sông, mỗi đường trôi rồi ngưng lại của hến. Đôi tay, đôi chân của người đàn ông lực điền năm nào, giờ đây đã in hằn bao nhiêu vết chai sần, thô ráp. Vậy mà, khi chúng tôi đề cập những đường cào bắt hến, cụ Hồi lại vui, dưới sợi chỉ xanh nơi đáy mắt của người già bỗng ánh lên niềm tự hào gắn với nụ cười phúc hậu. Không để thuyền trên sông và bến vắng lặng bao giờ, đời con nối tiếp nghề đời cha, khi cụ Hồi đến tuổi nghỉ ngơi, các con của cụ là ông Võ Hồ, Võ Hà tự mình sắm thuyền, sắm thúng và dụng cụ làm nghề. Ông Võ Hồ chia sẻ: “Cả đời cha tôi nặng lòng với sông nước và muốn đưa con hến làng Ngân Hà đi xa. Từ nhỏ, anh em chúng tôi thường theo chân cha đi cào hến mưu sinh rồi quen với nghề cho đến bây giờ. Nghề này cực vô vàn, nhưng đã gắn bó rồi thì khó mà bỏ được”.

Hai vợ chồng cụ Nguyễn Tấn Phong lấy nghề bán đặc sản hến làm niềm vui tuổi già. Ảnh: NHƯ TRANG
Hai vợ chồng cụ Nguyễn Tấn Phong lấy nghề bán đặc sản hến làm niềm vui tuổi già. Ảnh: NHƯ TRANG

2. Đứng giữa cảnh trời đất bao la, dềnh dàng sóng nước, màu ráng chiều khiến nỗi nhớ ùa về nơi cụ Nguyễn Tấn Phong. Cụ kể về đời cào hến, đời mình và cả duyên chồng vợ dưới con nước ngày xưa. Gặp nhau và yêu nhau từ câu hò trong những chuyến cào hến, cụ Phong cùng vợ là cụ Nguyễn Thị Dễ dựng nhà bên mé sông, lấy nghề cào hến làm kế sinh nhai nuôi cả gia đình. Giờ đây, ở tuổi thất thập, cả hai người lại mở cửa hàng hến có tên Bà Đờn, những mong đưa hương vị hến ngọt lành làng Ngân Hà đi xa. Hơn hết, việc làm ở tuổi xế chiều này cũng giúp các cụ khỏa lấp nỗi nhớ nghề.

Với người dân làng Ngân Hà bây giờ, hình ảnh những “cây đa cây đề” như cụ Hồi, cụ Phong vẫn còn lưu giữ trong tâm trí. Thi thoảng, mọi người tụm năm tụm bảy phía đầu làng bảo nhau nghe chuyện nghề “ăn tới làm lui”. Trước kia công cụ lao động còn thô sơ, mỗi nhà sắm chiếc cào bằng sắt, có gắn lưới, phía trên gắn thanh tre để cầm đi giật lùi tìm hến. Lúc thủy triều hạ, người ta rủ nhau dùng máng để cào, rồi sàng rửa hến, đãi hến. Khoảng vài năm nay, người dân mới nghĩ ra cách chạy ghe máy và chế tạo dụng cụ cào gắn liền trên ghe, để có thể thu hoạch được nhiều, đủ cung ứng cho thị trường TP.Đà Nẵng, TP.Hội An và các huyện lân cận.

Nói về nghề cào hến làng Ngân Hà, bà Nguyễn Thị Sáu – Phó Chủ tịch UBND phường Điện Ngọc cho biết: “Nhiều năm qua, chúng tôi luôn đồng hành và vận động bà con vừa khai thác vừa tìm cách nuôi dưỡng nguồn hến, tránh việc khai thác tận diệt. Có như thế nghề này mới giữ được lâu dài. Rất nhiều hộ dân tại đây đã thoát nghèo, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, con cháu ăn học đàng hoàng nhờ vào nghề cào hến lâu đời”.

Vợ chồng ông Nguyễn Hữu Tứ và bà Hứa Thị Nhung theo nghề cha ông ngót nghét đã 30 năm. Ngày nào cũng vậy, từ 3 giờ sáng đã thức dậy dong thuyền ngược sông rong ruổi cào hến cho đến tận 12 giờ trưa, ghe đầy ắp hến, họ mới trở về lò hến sát cạnh mé sông. Vất vả trăm bề, bởi một nhẽ quanh năm suốt tháng cong lưng soi bóng mình xuống mặt sông, mùa hè nắng cháy rát bỏng, mùa đông lạnh cắt da thịt, nằm chưa kịp làm ấm chăn đã phải dậy ra sông theo đời hến. Vậy mà, trong tiềm thức ông Tứ, ý định từ bỏ nghề chưa bao giờ nhen nhóm, trái lại niềm biết ơn hến, biết ơn nghề cứ lớn dần như việc ông nuôi mấy đứa con ăn học thành tài. Các con của ông Tứ, ai nấy đều học hành tử tế và có công việc ổn định. Riêng em Nguyễn Thị Luận sau khi tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ TP.Đà Nẵng ấp ủ ước mơ phát triển du lịch. Cùng với nghề hến của cha mẹ, và vốn ngoại ngữ sẵn có, Luận từng bước thực hiện hóa kế hoạch những mong góp chút công lao xây dựng quê mình thêm đẹp.

3. Gia tài của người cào hến bao giờ cũng có chiếc ghe kèm dụng cụ cào hến. Ngoài ra, trong gian nhà phải có lò nấu hến bằng đất sét bao quanh nồi gang to đặt ở giữa, theo đó là thúng, nia đựng ruột hến. Thành thông lệ, cứ sáng đi cào hến thì trưa về luộc hến, đãi hến để kịp buổi chiều bán cho thương lái hoặc các nhà hàng, quán ăn. Chồng ra sức chèo chống ghe đi cào ngoài sông, thì vợ và con cái ở nhà nhóm bếp luộc hến. Vợ chồng ông Nguyễn Văn Hưng và bà Phan Thị Tình năm nay đã ngoài tuổi 60, nhưng vẫn còn nặng nợ với nghề lắm. Bởi có “tay” cào hến nên cứ thế ham đi, vụ chính thì mỗi ngày ông Hưng cào được 200 – 300kg hến vỏ bán với giá 20.000 đồng/kg. Còn hến vỏ sau khi đãi lấy ruột bán với giá 80.000 đồng/kg. Ông Hưng cười, bảo với chúng tôi: “Đó là lộc trời ban cho làng, nên người làng chẳng phải vất vả đi tha hương cầu thực kiếm việc làm như người ta. Chúng tôi ăn hến để lớn lên, thì dù vất vả cỡ nào cũng không bạc đãi cái nghề có từ đời ông nội!”.

Tôi chợt nghĩ đến phận người trôi theo tháng, theo ngày nơi dòng sông bất tận. Biết bao nhiêu khó khăn, bất trắc xảy đến nhưng họ vẫn cứ an nhiên sống, an nhiên cười dưới con nước. Bà Phạm Thị Hà nay đã ngoài 50 tuổi, nhà không có ghe thuyền, cũng chẳng có nồi gang to làm lò nấu hến. Yêu nghề, như đứa con yêu quý mỗi điều nhỏ nhất của quê hương, và cùng mong mỏi làm gì đó kiếm kế sinh nhai, bà Hà nhận việc đãi hến thuê cho các lò nấu hến. Có khi chân ngâm nước lâu, hoặc giẫm phải vỏ hến khiến chân mưng mủ, vậy mà bà Hà một lòng bám nghề. Tay đãi hến, miệng bà Hà vẫn không ngớt kể bao chuyện vui buồn của nghề: “Làm việc cực nhọc, có khi muốn sụm lưng. Rứa mà, hễ thấy thuyền hến cập bến, cả làng từ bà già đến đứa trẻ con ùa ra bưng bê, cười nói. Bao nhiêu đó cũng đủ hạnh phúc lắm rồi”.

Để cào được hến, quanh năm người ta bán mặt soi mình dưới sông. Có ai biết được rằng, chính bóng hến đã soi đời họ, soi một tương lai tươi sáng dẫu còn lắm khó khăn, nhọc nhằn. Giờ đây, hến làng Ngân Hà đã đưa mùi thơm và vị ngọt béo đi xa, níu chân thực khách ở lại. Ven dòng sông, cùng với những lũy tre ngát xanh, hàng quán hến tươi ngon mọc lên càng nhiều. Du khách chẳng ngại ngần đường xa tìm về và thưởng thức đặc sản sạch mà dân dã. Làng quê nghèo một thuở, nay đã dần “thay da đổi thịt”, từ nghề hến, mọi nhà đều có của ăn, của để. Nơi ngã ba cầu sắt phía đầu làng, dưới bóng cây xà cừ cổ thụ, giọng cụ Nguyễn Thị Tủng vẫn thường vang lên câu hò như lời nhắc nhớ ân tình: “Nghề hến không đói mà lo/ Cái ruột, cái vỏ, cái tro cũng có tiền”…

Như Trang

Theo Báo Quảng Nam

Cùng chuyên mục