Bất ngờ với gánh hàng rong Hà Nội xưa trong tranh “họa sĩ triệu đô” Lê Phổ
Ít ai ngờ, một thế giới sống động của những gánh hàng rong rảo bước khắp các phố phường Hà Nội xưa với những tiếng rao như thể một điệu hát đã từng được hiện diện trong những bộ phác thảo đầu đời của những danh họa như Lê Phổ, Tô Ngọc Vân…
Một tập hợp các phác thảo, tranh vẽ và màu nước được thực hiện bởi mười lăm sinh viên trường mỹ thuật Đông Dương, trong đó có những cái tên mà sau này trở thành các danh họa của Việt Nam như Lê Phổ, Tô Ngọc Vân và thầy giáo của họ – Ferdinand de Fénis – trong khoảng từ năm 1925 đến 1929, sẽ được giới thiệu tới công chúng Việt Nam tại Trung tâm Văn hóa Pháp (24 Tràng Tiền, Hà Nội) từ chiều 13/9, trong triển lãm Gánh hàng rong và những tiếng rao trên đường phố Hà Nội.
Tại triển lãm, các bức phác thảo, tranh vẽ và màu nước này được giới thiệu qua 10 bản in các phác thảo đen trắng trên giấy dó treo trên tường, cùng với một số bức màu nước, tranh vẽ được chiếu trên màn hình.
Bộ sưu tập các bức tranh này từng được giới thiệu tới công chúng Pháp từ năm 2018, qua cuốn sách của Viện Viễn Đông Bác Cổ Paris có tên được tạm dịch: Người bán hàng rong và những tiếng rao trên đường phố Hà Nội.
Trong bộ sưu tập tranh này, công chúng có thể thấy các nghệ sĩ khắc họa một cách tài tình thế giới bé nhỏ của những gánh hàng rong đang rảo bước khắp các con phố thủ đô để bán những thứ quà vặt rất Hà Nội, những gánh rau quả luôn tươi ngon của xứ nhiệt đới…
Các bức vẽ miêu tả đầy hấp dẫn về những món ăn được bày bán khắp các góc phố, cùng những nắm bắt nhạc tính tinh nhạy trong tiếng rao mà người bán sử dụng để mời gọi khách hàng và ghi lại chúng.
Những bức tranh của những tài năng hội họa Việt Nam đầu thế kỷ XX này còn vẽ lên khung cảnh sống động tuyệt vời của đường phố Hà Nội xưa, đôi khi chỉ bằng một vài đường nét phác thảo nhưng gợi lên nhiều tưởng tượng sống động.
Hai trong số những chữ ký trên bộ phác thảo và tranh vẽ này, công chúng có thể dễ dàng nhận ra hai cái tên quen thuộc của làng hội họa Việt là Lê Phổ và Tô Ngọc Vân.
Tại triển lãm sắp đặt Gánh hàng rong và những tiếng rao trên đường phố Hà Nội, 10 bức phác thảo đen trắng được in trên giấy dó, đưa vào trong các hộp có lắp bóng đèn và gắn loa nhỏ để phát những tiếng rao trên đường phố Hà Nội chảy dài qua gần một thế kỷ kể từ lúc ra đời của những bức tranh cho tới nay.
Những tiếng rao này do nghệ sĩ Đàm Quang Minh và các nghệ sĩ trong nhóm Đông Kinh Cổ nhạc của ông thực hiện thu âm.
Ngoài ra triển lãm còn có 27 tác phẩm nhiếp ảnh cùng thời kỳ thuộc bộ sưu tập của Viện Viễn Đông Bác Cổ, được lắp thành một “cây cầu” sẽ tự động thắp sáng khi khán giả bước qua.
Với sắp đặt giàu tính tương tác này, khán giả sẽ được xem ảnh không phải ngang tầm mắt hoặc ngước lên trên tường mà nhìn từ trên xuống, thậm chí có thể ngồi xuống để xem ảnh thật gần dưới chân mình. Nghệ sĩ nhiếp ảnh trẻ Duy Phương làm sắp đặt cho triển lãm này.
Triển lãm còn trưng bày một chiếc xe đạp thực thụ của một người mua đồng nát, đồ điện tử cũ mà Viện Viễn Đông Bác Cổ đã tình cờ mua được.
Triển lãm khai mạc vào 18h ngày 13/9 tại Trung tâm Văn hóa Pháp (L’Espace, 24 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội) và kéo dài tới 31/10.
Một số bức phác thảo, tranh quý giá vẽ gánh hàng rong và tiếng rao trên đường phố Hà Nội xưa:
Bài & ảnh: Thiên Điểu
Theo Tuổi Trẻ Online