Bất cập cơ chế gọi đầu tư xử lý rác thải tại Đà Nẵng
Hơn 10 năm qua việc kêu gọi đầu tư xử lý rác thải tại Đà Nẵng vẫn giậm chân tại chỗ do những bất cập trong cơ chế đầu tư.
Với dân số gần 1,2 triệu người, tiềm năng du lịch phong phú, Đà Nẵng được mệnh danh là thành phố đáng sống nhất Việt Nam. Do tỷ lệ cư dân đô thị khá cao lên đến 87,28% cùng với lượng khách du lịch ngày càng tăng nên lượng rác thải đô thị phát sinh cao, mỗi ngày lên đến trên 1.100 tấn, chưa tính đến rác thải công nghiệp.
Hiện Đà Nẵng chỉ có duy nhất bãi rác Khánh Sơn bắt đầu hoạt động từ năm 2007 với diện tích khoảng 32,39 ha, sử dụng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh, đây là công nghệ đã lạc hậu, hiệu suất xử lý không cao, dễ phát sinh mùi hôi thối. Theo tính toán, năm 2020 bãi rác Khánh Sơn sẽ bị lấp đầy, nếu không có những giải pháp hợp lý, kịp thời, nguy cơ quá tải và ô nhiễm môi trường là điều hoàn toàn có thể dự báo trước.
10 năm vẫn giậm chân tại chỗ…
Cách đây hơn chục năm, Đà Nẵng là một trong những thành phố tiên phong trong việc kêu gọi nhà đầu tư xử lý rác thải. Năm 2009, UBND thành phố Đà Nẵng đã phê duyệt cho Công ty Cổ phần Môi trường Việt Nam triển khai đầu tư dự án xử lý rác thải đốt rác phát điện với công suất 200 tấn/ngày. Dự án được bắt đầu triển khai từ năm 2009, qua hơn 6 năm xây dựng, mãi đến cuối tháng 7/2015 giai đoạn 1 mới được đưa vào vận hành.
Theo thống kê thì trong 5 tháng kể từ ngày chính thức vận hành, nhà máy xử lý rác thải của Công ty Môi trường Việt Nam chỉ xử lý được 6.732 tấn rác do công ty Urenco Đà Nẵng cấp sang, đạt công suất bằng 22% công suất thiết kế giai đoạn 1. Đầu năm 2016 dây chuyền chỉ xử lý thêm được 328 tấn, công suất xử lý 25 tấn/ngày.
Sau đó, tháng 12/2015 do dự án hoạt động không hiệu quả, thua lỗ triền miên và phát sinh ô nhiễm, bị người dân Đà Nẵng phản đối nên chủ đầu tư buộc phải cho ngừng toàn bộ hoạt động nhà máy. Kể từ đó đến nay, rác thải của Đà Nẵng được tập kết tại bãi rác Khánh Sơn và vẫn buộc phải xử lý theo hình thức chôn lấp gây ô nhiễm môi trường, người dân vô cùng bức xúc.
Cuối năm 2018, Công ty Cổ phần Môi trường Việt Nam đã đề xuất với UBND thành phố Đà Nẵng xin phép thay đổi công nghệ và kêu gọi liên doanh với một đối tác Hồng Kông là Everbright để thực hiện dự án. Tuy nhiên đến thời điểm này chủ đầu tư vẫn loay hoay trong việc phê duyệt và hoàn thiện dự án mà không biết bao giờ Nhà máy mới mới được hoàn thành và đi vào vận hành.
Trước nguy cơ ô nhiễm môi trường hiện hữu, Đà Nẵng đã quyết định mời gọi đầu tư dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Ngày 12/10, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng và phát triển đô thị Đà Nẵng đã phát đi thông báo mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia lập hồ sơ đề xuất dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại Bãi rác Khánh Sơn. Dự án xử lý 1000 tấn rác thải rắn/ngày có thời gian hoạt động không quá 25 năm kể từ ngày ký kết hợp đồng dự án.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Tô Văn Hùng – Giám đốc Sở TN&MT Đà Nẵng cho biết: Thành phố đã lập ra một Hội đồng xét chọn với các chuyên gia đầu ngành, đại diện các Sở ngành liên quan của thành phố để chấm điểm. Đã có 21 nhà đầu tư nộp hồ sơ tham gia xét chọn, qua vòng 1 chỉ còn 11 doanh nghiệp đạt các điều kiện, sau đó 7 nhà đầu tư lọt vào vòng cuối cùng. Tuy nhiên vòng chung kết đã không có nhà đầu tư nào được lựa chọn.
Khi được hỏi về lý do không có nhà đầu tư nào được lựa chọn, ông Tô Văn Hùng cũng không đưa ra được nguyên nhân chính mà chỉ nói chung chung là hồ sơ của các nhà đầu tư đã không đạt các tiêu chí mà thành phố đề ra, chủ yếu là do công nghệ.
Cũng chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, một số nhà đầu tư cũng tỏ ra khá bức xúc vì không nhận được lời giải thích rõ ràng về lý do không được lựa chọn. “Chúng tôi tham gia trên nguyên tắc đảm bảo các tiêu chí mà thành phố đề ra, chí ít cũng nên cho chúng tôi biết tại sao không đạt, cách trả lời của Sở Tài nguyên& Môi trường Đà Nẵng do không đạt tiêu chí đề ra là khá chung chung và thiếu tính thuyết phục” – vị này nói.
Cần chính sách rõ ràng
Do không lựa chọn được nhà đầu tư dự án xử lý rác 1000 tấn/ ngày của đợt 1, tháng 6/2020, UBND thành phố Đà Nẵng tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư tham gia dự án.
Lần này thành phố Đà Nẵng lựa chọn phương án khác, đó là ngay từ đầu ra đề bài là: “Đề xuất theo hướng Tổ hợp công nghệ xử lý rác thải phân loại từ đầu”, nghĩa là không nhất thiết phải đốt rác phát điện, không nhất thiết phải là xử lý theo phương thức đốt rác lấy dầu…. mà là rác sẽ được phân loại ngay từ đầu sau đó xử lý theo nhiều cách để có thể cho ra các sản phẩm sau xử lý khác nhau.
Ông Tô Văn Hùng – Giám đốc Sở TN&MT thành phố Đà Nẵng cho biết, Sở sẽ chọn một nhà đầu tư trong số những nhà đầu tư nộp hồ sơ đợt 2 này và đề xuất họ sẽ là đơn vị tư vấn dự án. Nghĩa là căn cứ trên “đề bài” mà thành phố đưa ra, nhà đầu tư được lựa chọn sẽ xây dựng các tiêu chí về công nghệ, quy hoạch, kỹ thuật… sau đó trình các cơ quan quản lý Trung ương, thành phố phê duyệt để đưa ra một bộ tiêu chí chuẩn. Sau đó thành phố sẽ căn cứ vào bộ tiêu chí mà doanh nghiệp tư vấn trình để chào thầu. Các nhà thầu tham gia sẽ căn cứ vào đó để nộp hồ sơ và cạnh tranh theo phương thức chấm điểm. Nhà thầu nào được điểm cao nhất sẽ được lựa chọn là nhà đầu tư dự án.
Trả lời câu hỏi liệu việc Đà Nẵng chọn một nhà đầu tư làm tư vấn dự án sau này có được tham gia đấu thầu hay không? Ông Tô Văn Hùng khẳng định là có, và đơn vị tư vấn còn được ưu tiên cộng thêm 5% tổng số điểm khi xét thầu.
Ông Hùng cũng khẳng định thành phố không chỉ phụ thuộc mà là…. rất phụ thuộc vào nhà tư vấn. Nếu nhà tư vấn hoàn thành sớm bộ tiêu chí thì dự án được triển khai sớm, nếu nhà tư vấn bế tắc thì dự án sẽ bị treo không biết đến bao giờ mới được thực hiện. “Việc triển khai dự án sẽ còn là câu chuyện rất dài” – ông Hùng chia sẻ.
Nếu như những gì mà ông Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường thành phố Đà Nẵng chia sẻ với báo giới thì có lẽ câu chuyện kêu gọi đầu tư vào dự án rác thải sẽ còn khá gian truân. Việc thẩm định không kỹ trước đây đã dẫn đến hệ lụy nhà máy xử lý rác thải của Công ty Cổ phần Môi trường Việt Nam chỉ hoạt động 6 tháng rồi án binh bất động nhiều năm, khiến nguy cơ quá tải và ô nhiễm môi trường thành phố đang diễn ra hàng ngày. Các bước xét chọn cho dự án tiếp theo đã thất bại do không được chuẩn bị kỹ càng nên dẫn đến không lựa chọn được nhà đầu tư. Việc kêu gọi lần này lại phụ thuộc quá nhiều vào một nhà đầu tư và còn nhiều điều chưa rõ ràng đang khiến các nhà đầu tư cũng như người dân Đà Nẵng chưa yên tâm.
Thiết nghĩ Đà Nẵng cần phải đưa ra những chính sách cụ thể, rõ ràng, minh bạch để có thể lựa chọn được nhà đầu tư tốt nhất, đưa dự án xử lý rác thải sớm đi vào hoạt động hiệu quả, giúp lấy lại môi trường trong sạch cho vùng đất vốn được mệnh danh là thành phố đáng sống.
Bình An
Theo enternews.vn
Link nguồn: https://enternews.vn/bat-cap-co-che-goi-dau-tu-xu-ly-rac-thai-tai-da-nang-176198.html