Bấp bênh nghề cá ven bờ – Bài 3: Khó quản lý

Dù đã triển khai các biện pháp nhằm hạn chế nghề khai thác hải sản ven bờ theo kiểu tận diệt nhưng công tác quản lý gặp rất nhiều khó khăn; trong khi đó do vướng cơ chế nên ngư dân khó phát triển các nghề xa bờ để mở rộng ngư trường sản xuất.

>>> Bấp bênh nghề cá ven bờ – Bài 1: Nhỏ lẻ, manh mún

>>> Bấp bênh nghề cá ven bờ – Bài 2: Tận diệt nguồn lợi

Rất khó quản lý tàu cá hành nghề giã cào. 
Rất khó quản lý tàu cá hành nghề giã cào.

Lách quy định

Để khắc phục tình trạng nguồn lợi hải sản bị khai thác tận diệt bởi nghề giã cào đơn, giã cào đôi, UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ quản lý chặt chẽ cho ngành thủy sản và các địa phương ven biển. Theo đó, không cho phát sinh thêm tàu cá hành nghề giã cào, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, xử phạt mạnh nếu đánh bắt hải sản ở những khu vực không được phép hoạt động. Chi cục Thủy sản Quảng Nam không cấp phép nghề giã cào cho các chủ tàu đóng mới, tàu cá cải hoán hoặc tàu cá mua lại.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, nghề giã cào đơn, giã cào đôi vẫn phát sinh thêm trên địa bàn tỉnh. Ngư dân Nguyễn L. (thôn Long Thạnh, xã Tam Tiến, Núi Thành) được Chi cục Thủy sản Quảng Nam cấp phép nghề lưới rê cho tàu cá QNa-90062 có công suất 180CV nhưng khi sản xuất trên biển, tàu cá lại hành nghề giã cào đơn khi chỉ đánh bắt một mình hoặc giã cào đôi nếu kết hợp cùng tàu giã cào khác của ngư dân cùng địa phương.

“Nghề lưới rê sản xuất rất kém hiệu quả vì trữ lượng các loài cá thu ngày càng ít ỏi dần. Tôi hành nghề giã cào để dễ thu được sản lượng hải sản lớn mặc dù trên giấy tờ đăng ký nghề lưới rê. Sản xuất kín vào ban đêm ở những khu vực tàu kiểm ngư ít đến nên khó bị phát hiện, xử phạt” – anh L. nói.

Chủ các tàu công suất nhỏ không thể chuyển sang tàu công suất lớn do Quảng Nam đã hết hạn ngạch cấp cho tàu cá hoạt động ở các vùng biển xa.
Chủ các tàu công suất nhỏ không thể chuyển sang tàu công suất lớn do Quảng Nam đã hết hạn ngạch cấp cho tàu cá hoạt động ở các vùng biển xa.

Nhiều chủ tàu khác trên địa bàn tỉnh đã đăng ký hoạt động các nghề lưới chụp, lưới cản, câu cá hố nhưng thực chất lại chủ yếu sản xuất bằng nghề giã cào. Khi làm thủ tục xuất bến, ngư dân có đầy đủ giấy tờ, vượt qua được kiểm soát của lực lượng biên phòng. Khi ra đến biển, họ lại sản xuất bằng nghề giã cào. Một cán bộ phụ trách ở Đồn biên phòng Cửa Đại (TP.Hội An) cho biết, khi kiểm tra xuất bến, chủ tàu xuất trình đầy đủ giấy tờ thì không có lý do nào để ngăn không cho xuất bến. Khi ra đến biển, ngư dân sản xuất sai phạm thế nào thì trách nhiệm kiểm tra, giám sát, xử phạt thuộc về ngành kiểm ngư.

Bà Phạm Thị Hoàng Tâm – Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho biết, giữa đăng ký nghề sản xuất và thực tế sản xuất trên biển của ngư dân có phần lệch nhau rất lớn. Nhiều chủ tàu đã qua mắt ngành chức năng khi đăng ký nghề khác, còn thực chất là sản xuất nghề giã cào, trong khi biên chế cho lực lượng kiểm ngư không nhiều nên rất khó quản lý. Ngành kiểm ngư chỉ có 1 tàu neo đậu ở cảng Kỳ Hà (Núi Thành), nếu nhận được tin có nghề giã cào hoạt động trái phép ở vùng biển ven bờ thuộc TP.Hội An hay huyện Duy Xuyên thì phải điều tàu rất xa. Có nhiều trường hợp, chủ tàu rình rập lúc lực lượng kiểm ngư đi qua, đi về rồi mới hoạt động.

Ông Nguyễn Văn Khánh – cán bộ kiểm ngư của Chi cục Thủy sản cho biết, quá trình thanh tra, kiểm tra, xử phạt các tàu giã cào gặp vô vàn khó khăn. Nhiều chủ tàu chống trả khi bị phát hiện khai thác trái phép. Tỉnh cũng mới chỉ cho phép lực lượng kiểm ngư thực hiện 10 chuyến tuần tra, kiểm soát trong 1 năm nên nhiều khi không kiểm soát hiệu quả ngư trường ven bờ, đặc biệt là tình trạng khai thác trái phép của phương tiện giã cào.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, lực lượng kiểm ngư cần hoàn thiện lại cơ cấu hoạt động, cả nhân lực lẫn phương tiện, xử lý mạnh tay các trường hợp tận diệt thủy sản bằng nghề giã cào. Ngành thủy sản phải phối hợp chặt chẽ với các lực lượng biên phòng, cảnh sát biển, đặc biệt là các địa phương có nghề cá để kịp thời phát hiện, xử lý mạnh tay đối với các tàu giã cào hủy diệt nguồn lợi hải sản ở khu vực ven bờ.

Vướng cơ chế

Theo tìm hiểu của chúng tôi, để bảo vệ và phát triển nguồn lợi hải sản, đã có một số tỉnh, thành trong cả nước nghiên cứu hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề từ các nghề khai thác hải sản xâm hại sang các nghề khai thác thân thiện với môi trường. Cùng với đó, đào tạo nghề, giúp ngư dân tham gia các hoạt động kinh tế khác như nuôi trồng thủy sản, chế biến thủy sản, dịch vụ hậu cần. Ngoài ra, một số địa phương đã có những chính sách hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề nghiệp như chính sách tín dụng ưu đãi, tạo nguồn thu nhập thay thế, tạo việc làm mới cho ngư dân.

Hiện tại, 3.500 phương tiện sản xuất ven bờ trên địa bàn tỉnh cung cấp đến 70% sản lượng hải sản đánh bắt được. Theo Sở NN&PTNT, phải triển khai tái cơ cấu nghề cá theo hướng giảm bớt số phương tiện sản xuất gần bờ để khai thác bền vững.

Theo đó, tạo điều kiện để ngư dân cải hoán, nâng cấp các phương tiện có công suất nhỏ hoạt động ven bờ thành tàu cá có công suất lớn để vươn khơi sản xuất xa bờ. Hoặc hỗ trợ để các chủ phương tiện sản xuất ven bờ tiếp cận vốn vay, bán đi phương tiện nhỏ, đóng mới tàu công suất lớn để vươn khơi, khai thác hải sản ở các vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Thế nhưng điều này đang gặp vướng ở cơ chế khi Quảng Nam chỉ được Bộ NN&PTNT giao hạn mức tối đa 718 tàu cá hoạt động ở các vùng biển xa. Hiện tại, Quảng Nam đã có 718 tàu cá sản xuất xa bờ nên Chi cục Thủy sản không cấp phép cho các chủ tàu đăng ký sản xuất xa bờ trong thời gian đến.

Khảo sát ở nhiều khu vực bãi ngang ven biển trên địa bàn tỉnh, chúng tôi nhận thấy sự ngạc nhiên, thất vọng của nhiều ngư dân khi được biết ngành chức năng sẽ dừng cấp phép cho các tàu cá sản xuất xa bờ vì hết hạn ngạch được Bộ NN&PTNT cấp. Ngư dân Phan Thế Tấn (thôn An Lương, xã Duy Hải, Duy Xuyên) có thâm niên 15 năm sản xuất ven bờ bằng nghề mành mùng. Đến nay, ông Tấn đã tích cóp được hơn 1,5 tỷ đồng. Ông Tấn có nguyện vọng liên hệ với Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Nam để vay 1,5 tỷ đồng không lãi suất để đóng tàu có công suất 400CV chuyển sang sản xuất bằng nghề lưới chụp. “Tôi chỉ mong đóng được tàu lớn vươn khơi sản xuất xa bờ sau khi đã dành dụm tích cóp 15 năm qua. Lẽ ra, Nhà nước tạo điều kiện để khát vọng vươn khơi xa của chúng tôi thành hiện thực. Không cấp phép cho tàu sản xuất xa bờ thì tôi chỉ có thể tiếp tục với nghề mành mùng” – ông Tấn nói.

Bà Phạm Thị Hoàng Tâm cho rằng, có thể tính đến giải pháp chuyển nghề cho ngư dân bằng cách giúp họ chuyển từ biển lên bờ để sinh kế bằng nghề khác. Tuy nhiên, thực tế khảo sát cho thấy rất khó áp dụng. Độ tuổi của các ngư dân tham gia sản xuất ven bờ trên địa bàn tỉnh từ 41 tuổi trở lên với trình độ học vấn tầm cấp 1 và cấp 2. Khi được hỏi về nguyện vọng chuyển đổi nghề từ sản xuất ven bờ sang lên bờ làm nghề khác, đa số ngư dân trả lời không muốn. Nguyên nhân là vốn đầu tư ban đầu để sản xuất ven bờ ít, thói quen sản xuất sẵn có, ít thua lỗ, tổn thất không đáng kể… Nhu cầu lao động cho chuyến biển không khó, chỉ cần 2 người là đủ.

Trong khi đó, khi chuyển lên lao động ở trên bờ đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn. Nghề mới phải có chuyên môn, nghiệp vụ, ngư dân khó thay đổi để thích ứng với điều kiện sinh sống mới. “Việc chưa sẵn sàng để chuyển đổi nghề của các lao động sản xuất nghề cá ven bờ là nỗi lo. Trong khi đó, nguồn lợi hải sản, môi trường biển, hệ sinh thái biển ngày càng bị biến động nghiêm trọng. Nếu đến lúc ngư dân sản xuất ven bờ phải tự nghỉ thì biển đã cạn kiệt nguồn lợi. Lúc đó chủ trương phát triển nghề cá bền vững của tỉnh cũng thất bại theo” – bà Phạm Thị Hoàng Tâm nói.

Nguyễn Quang Việt
Theo Quảng Nam Online

Cùng chuyên mục