Bấp bênh nghề cá ven bờ – Bài 1: Nhỏ lẻ, manh mún

Sản xuất chủ yếu với các nghề đặt lờ, lưới kéo, mành đèn, pha xúc…, hơn 3.500 phương tiện khai thác hải sản ven bờ của Quảng Nam đã “góp phần” tận diệt nguồn lợi hải sản nhưng thiếu sự quản lý chặt chẽ. Trong khi đó, hiệu quả sản xuất ven bờ không cao, thiếu ổn định, nên rất cần biện pháp khả thi để khai thác bền vững và chuyển đổi nghề để cải thiện đời sống cho người dân vùng bãi ngang ven biển…

BÀI 1: NHỎ LẺ, MANH MÚN

Ở các xã bãi ngang ven biển, đời sống của ngư dân gặp vô vàn khó khăn do sinh kế bằng nghề cá ven bờ không hiệu quả.

Ngư dân chuẩn bị cho chuyến đánh bắt hải sản ven bờ.
Ngư dân chuẩn bị cho chuyến đánh bắt hải sản ven bờ.

Thiếu bền vững

Ở các vùng bãi ngang ven biển, do phần lớn chỉ đóng được các thuyền công suất nhỏ nên ngư dân miệt mài với những chuyến biển ngắn ngày, chủ yếu từ đêm đến sáng. Ông Ngô Thích Phượng (thôn Phương Tân, xã Bình Nam, Thăng Bình) đi đánh bắt hải sản trên chiếc thuyền thúng gắn máy nhỏ không có số hiệu chỉ với 2 thành viên là ông và người con trai 16 tuổi. “Máy nhỏ lắm, chỉ 15CV, chúng tôi thả lưới bắt ghẹ, tôm, cua, cá, mực. Loài hải sản nào mắc lưới cũng vui, được chăng hay chớ, có còn hơn không. Có đêm, chúng tôi thu được vài trăm nghìn đồng, nhưng chủ yếu khai thác vào mùa biển lặng” – ông Phượng nói.

Người con trai của ông Phượng tên Tuấn kể, cuộc sống của gia đình rất khổ cực nên phải nghỉ học sớm, theo cha đi biển mưu sinh. Trong câu chuyện rời rạc, ông Phượng kể, trước đây làm bạn biển cho các chủ tàu ở Bình Minh (Thăng Bình) và Cửa Đại (TP.Hội An) để câu cá hố. Chừng 5 năm trở lại đây, cá hố suy giảm, sản xuất kém nên nghỉ. Về nhà, ông Phượng đã bàn với vợ, mượn 30 triệu đồng của người thân để đóng thuyền thúng và mua máy cũ 15CV gắn vào đi đánh bắt hải sản ven bờ. Thu nhập thấp, gia đình ông Phượng đắp đổi qua ngày.

Ngư dân Trần Văn Bân bên tàu hành nghề pha xúc.
Ngư dân Trần Văn Bân bên tàu hành nghề pha xúc.

Theo ông Trần Văn Tốt – Chủ tịch UBND xã Bình Nam, trên địa bàn có 177 phương tiện khai thác hải sản thì có đến 175 thuyền thúng sản xuất ven bờ. Nhiều năm qua, số phương tiện này duy trì ổn định, vì các chủ phương tiện không thể chuyển sang đánh bắt xa bờ hoặc lên bờ làm du lịch, dịch vụ, buôn bán nhỏ. “Cuộc sống của ngư dân cứ theo vòng luẩn quẩn đánh bắt hải sản ven bờ thiếu hiệu quả. Đời sống khó khăn, sinh hoạt thiếu thốn. Xã tuyên truyền ngư dân không nên tận diệt nguồn lợi hải sản vì muốn sinh kế của họ ổn định, lâu dài. Có điều, chúng tôi không giám sát được trong quá trình sản xuất trên biển, ngư dân có tận diệt nguồn lợi hay không” – ông Tốt nói.

Pha xúc là nghề đánh bắt ven bờ gây nhiều hiểm họa đến nguồn lợi hải sản vì thâu tóm tất cả cá lớn, cá non, cá đang sinh đẻ. Với nghề này, ngư dân dùng đèn cao áp pha xuống biển để trấn áp đàn cá nổi rồi xúc cá lên. Nếu như vài năm trước đây, các chủ tàu pha xúc thường chỉ dùng dàn đèn có tổng công suất khoảng 2.000W là có thể đánh bắt được các loại cá cơm, cá trích, cá nhỏ thì nay, nhiều ngư dân đã trang bị cả chùm đèn siêu cao áp có nguồn gốc từ Trung Quốc với hơn 10 chiếc, mỗi bóng đèn có công suất lên đến 1.000W để tận diệt các loại cá trong phạm khống chế.

Ngư dân Trần Văn Bân (thôn Long Thạnh, xã Tam Tiến, Núi Thanh) – chủ tàu cá QNa-91340 có công suất 90CV hành nghề pha xúc cho biết, đánh bắt hải sản ngày càng khó khăn nên phải trang bị dàn đèn cao áp lớn, ánh sáng mạnh để khai thác hải sản hiệu quả. “Chi phí chuyến biển ngày càng tăng cao, rất nhiều khi chúng tôi lỗ tổn. Thiếu bạn biển nên chúng tôi chỉ có thể đánh bắt hải sản từ đêm đến sáng. Bắt được cá lớn hay cá bé, chúng tôi cũng mừng” – ông Bân nói.

Giảm trữ lượng

Xã Tam Tiến (Núi Thành) hiện có 311 phương tiện khai thác hải sản ven bờ với các nghề pha xúc, mành đèn và lưới kéo. Ông Nguyễn Tấn Hùng – cán bộ phụ trách hải sản của UBND xã Tam Tiến cho rằng, pha xúc là nghề tận diệt nguồn lợi nhưng do tỉnh, huyện không cấm nên ngư dân vẫn làm. Ngành thủy sản của xã chỉ có thể tuyên truyền vận động ngư dân không nên dùng pha xúc mà chuyển sang nghề khác thân thiện với biển hơn để đánh bắt hải sản.

“Vấn đề nằm ở chỗ thói quen, tập quán sản xuất lâu đời của ngư dân nên họ khó thay thế nghề pha xúc bằng nghề khai thác hải sản khác. Luẩn quẩn lắm, tận diệt nguồn lợi thì đến lúc nào đó ngư dân sẽ không thể đánh bắt được nhiều hải sản nữa” – ông Hùng nói.

Ông Ngô Tấn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, đến thời điểm này, Quảng Nam chưa thể đánh giá toàn diện, chưa có dữ liệu cập nhật chính xác về hiện trạng các loài hải sản có mặt tại các vùng biển ven bờ trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, qua khảo sát và phản ánh của ngư dân thì có thể hiểu được tại sao các loại hải sản quý hiếm và trữ lượng hải sản bị giảm sút nghiêm trọng trong thời gian gần đây.

“Ngư dân tận diệt nguồn lợi thì làm sao các loại cá nhỏ có thể kịp sinh sôi để bổ sung, bù lại các loài hải sản đã bị đánh bắt khốc liệt quá mức. Cá non, cá lớn vào bờ để đẻ đều bị bức hại nên nguồn lợi suy giảm là điều đương nhiên. Cái khó là làm sao có thể giải quyết được vấn nạn trên khi công tác tuyên truyền ngư dân không hiệu quả. Nhiều nội dung tái cơ cấu nghề cá theo hướng giảm dần tỷ trọng khai thác hải sản ven bờ, vươn khơi sản xuất xa bờ thực hiện chưa đạt kỳ vọng trong thời gian qua” – ông Ngô Tấn nói.

Quảng Nam đã thí điểm thành lập các mô hình đồng quản lý nghề cá ven bờ nhưng thất bại. Cộng đồng cư dân các xã Bình Hải (Thăng Bình), Tam Tiến (Núi Thành) đã không thể phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng của tỉnh, chính quyền địa phương ven biển để quản lý, tuần tra, bắt giữ, xử lý các hành vi tận diệt nguồn lợi hải sản ven bờ. Bởi vậy, tại các vùng biển ven bờ, rất dễ bắt gặp cảnh nhiều đội ghe thuyền khai thác nguồn lợi hải sản theo kiểu tận diệt bằng các nghề giã cào, pha xúc, mành đèn, kích điện, thuốc nổ ở các địa phương như Hội An, Duy Xuyên, Điện Bàn hay Thăng Bình, Tam Kỳ, Núi Thành. Cá non hay hải sản trong thời kỳ sinh đẻ bị tóm gọn, nhiều loại bị diệt chủng.

Ông Ngô Văn Định – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho biết, trong khoảng 10 năm trở lại đây, rất hiếm thấy các đàn cá chim, cá sủ, cá thiều trên địa bàn tỉnh. Các đàn cá hồng, cá song không còn thấy xuất hiện nữa mà chỉ còn nhiều cá tạp, cá không rõ nguồn gốc. “Nguồn lợi hải sản ven bờ đang suy giảm trữ lượng thấy rõ. Tình trạng đánh bắt hải sản trái phép bằng các nghề cấm như xung điện, lờ dây, hay ngư cụ có mắt lưới nhỏ hơn quy định còn đang diễn ra ở nhiều vùng biển trên địa bàn tỉnh” – ông Ngô Văn Định nói.

Phải thay đổi nhận thức của ngư dân về nguồn lợi hải sản

Theo Bộ NN&PTNT, các địa phương có nghề cá trong cả nước cần nghiên cứu để áp dụng giải pháp thích hợp chấm dứt tuyệt đối một số nghề khai thác hải sản tận diệt như nghề lờ Trung Quốc hay còn gọi là lồng bẫy bát quái, xung điện, giã cào. Riêng nghề giã cào, thí điểm cấm khai thác 1 tháng sau đó tăng lên từ từ trong thời gian mùa cá sinh sản. Đối với khu vực bảo tồn biển, ngư dân tuyệt đối chấp hành lệnh cấm khai thác. Các cơ quan thực thi pháp luật phải xử lý mạnh, làm sao để nhận thức người dân phải thay đổi để thấy giá trị của nguồn lợi hải sản chính là cuộc sống, sinh kế.

Nguyễn Quang Việt
Theo Quảng Nam Online

Cùng chuyên mục