Bảo tàng lịch sử TP.HCM: 90 năm với những cổ vật quý

Bảo tàng lịch sử TP.HCM vừa kỷ niệm tròn 90 năm ra đời bằng những hiện vật rất giá trị. Đây là một trong những bảo tàng có kiến trúc và không gian đẹp nhất Sài Gòn, được lưu giữ hầu như nguyên vẹn vẻ ban đầu vốn có.

Với tên gọi sau cùng, Bảo tàng lịch sử TP.HCM, vừa tròn đúng 40 năm thành lập (23/8/1979 – 23/8/2019), nhưng tính từ lịch sử khai sinh tòa nhà cổ kính này, thì đến nay, bảo tàng đã tròn 90 năm hiện diện cùng những thăng trầm, biến đổi của thời cuộc. Tòa nhà Bảo tàng lịch sử TP.HCM cũng là một trong những công trình hiếm hoi của Sài Gòn được sử dụng đúng với công năng thiết kế ban đầu cho đến ngày hôm nay.

Hình chụp bảo tàng giai đoạn 1956 – 1975.
Hình chụp bảo tàng giai đoạn 1956 – 1975.

Ở tuổi kỷ niệm 90, bảo tàng này vừa giới thiệu cho công chúng một chuyên đề thú vị với 200 hiện vật tiêu biểu gắn liền với 3 giai đoạn hình thành và phát triển của bảo tàng, mà trong số đó có nhiều hiện vật lần đầu tiên được trưng bày.

Giai đoạn 1: Ký ức – Sứ mệnh (1929 – 1956)

Danh sách quyên góp của tỉnh Sa Đéc để lập Bảo tàng Nam kỳ ngày 14/10/1927. Người ta có thể thấy các tên gọi nghề nghiệp, chức danh nay đã là một phần của ký ức lịch sử.
Danh sách quyên góp của tỉnh Sa Đéc để lập Bảo tàng Nam kỳ ngày 14/10/1927. Người ta có thể thấy các tên gọi nghề nghiệp, chức danh nay đã là một phần của ký ức lịch sử.
Thẻ bài của Hội nghiên cứu Đông Dương.
Thẻ bài của Hội nghiên cứu Đông Dương.
Hình chụp phòng trưng bày giới thiệu bộ sưu tập Holbé, có thể thấy không gian sảnh chính của bảo tàng ngày ấy và bây giờ không có gì thay đổi.
Hình chụp phòng trưng bày giới thiệu bộ sưu tập Holbé, có thể thấy không gian sảnh chính của bảo tàng ngày ấy và bây giờ không có gì thay đổi.

Sứ mệnh được khởi đầu từ lịch sử khai sinh một tòa nhà cổ kính dùng làm trụ sở bảo tàng: Bảo tàng Blanchard de la Brosse với bộ sưu tập hiện vật đầu tiên nhờ cuộc lạc quyên của những người “hiếu cổ”, tạo nên một nền tảng để bảo tàng có thể thực thi sứ mệnh được chính quyền giao phó trong việc bảo tồn các di tích cổ Việt Nam. Ngay từ những năm đầu thành lập, bảo tàng này đã là nơi được tín nhiệm để giới sưu tầm, yêu cổ vật gửi gắm, hội tụ những cổ vật có giá trị.

Sưu tập Holbé, lọ hít bằng gốm, thủy tinh Trung Quốc, thế kỷ 19.
Sưu tập Holbé, lọ hít bằng gốm, thủy tinh Trung Quốc, thế kỷ 19.
Sưu tập Holbé, vật trang trí bằng ngà của Trung Quốc, thế kỷ 19.
Sưu tập Holbé, vật trang trí bằng ngà của Trung Quốc, thế kỷ 19.
Sưu tập Holbé, tượng quan làm bằng kim loại, thế kỷ 19.
Sưu tập Holbé, tượng quan làm bằng kim loại, thế kỷ 19.
Sưu tập Holbé, lư xông trầm hình uyên ương, kim loại, thế kỷ 19.
Sưu tập Holbé, lư xông trầm hình uyên ương, kim loại, thế kỷ 19.

Trong giai đoạn này, có một số cổ vật tiêu biểu được giới thiệu, nằm trong 3 bộ sưu tập đầu tiên của bảo tàng. Đó là sưu tập Holbé với nhóm hiện vật bằng ngà, hiện vật bằng đá quý, gốm, thủy tinh, nhóm tượng Phật của Nhật, Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam. Bộ sưu tập Gannay với các hiện vật gốm sứ của Việt Nam, Trung Quốc. Sưu tập Malleret qua nhóm hiện vật trang sức của văn hóa Óc Eo: nhẫn và khuyên tai vàng, chuỗi hạt bằng đá quý.

Chuỗi hạt đá màu thuộc sưu tập Louis Malleret. Đây là một nhà khảo cổ học nổi tiếng người Pháp, tên tuổi gắn liền với những cuộc khai quật khảo cổ ở Viễn Đông. Cuộc khai quật ở Óc Eo (An Giang) năm 1944 đã phát hiện ra nền văn minh rực rỡ của một vương quốc đã mất – Phù Nam.
Chuỗi hạt đá màu thuộc sưu tập Louis Malleret. Đây là một nhà khảo cổ học nổi tiếng người Pháp, tên tuổi gắn liền với những cuộc khai quật khảo cổ ở Viễn Đông. Cuộc khai quật ở Óc Eo (An Giang) năm 1944 đã phát hiện ra nền văn minh rực rỡ của một vương quốc đã mất – Phù Nam.
Bộ sưu tập hiện vật của Louis Malleret thể hiện sự độc đáo trong nghệ thuật điêu khắc đá, chạm khắc gỗ và kim hoàn, phản ánh sự phát triển thịnh vượng của nền văn hóa cổ.
Bộ sưu tập hiện vật của Louis Malleret thể hiện sự độc đáo trong nghệ thuật điêu khắc đá, chạm khắc gỗ và kim hoàn, phản ánh sự phát triển thịnh vượng của nền văn hóa cổ.
Đĩa gốm Việt, có niên đại thế kỷ 13, 14, thuộc bộ sưu tập Gannay. Ông là tiến sĩ luật, cựu quản lý Ngân hàng Đông Dương. Trước lúc qua đời năm 1952, ông đã di chúc để lại 727 hiện vật được định giá 134.785 đô la Mỹ cho bảo tàng. Đây là bộ sưu tập hiện vật có số lượng lớn và có giá trị lần đầu tiên bảo tàng được một cá nhân hiến tặng.
Đĩa gốm Việt, có niên đại thế kỷ 13, 14, thuộc bộ sưu tập Gannay. Ông là tiến sĩ luật, cựu quản lý Ngân hàng Đông Dương. Trước lúc qua đời năm 1952, ông đã di chúc để lại 727 hiện vật được định giá 134.785 đô la Mỹ cho bảo tàng. Đây là bộ sưu tập hiện vật có số lượng lớn và có giá trị lần đầu tiên bảo tàng được một cá nhân hiến tặng.

Giai đoạn 2: Ký ức – Chuyển giao (1956 – 1975)

Gương đồng, Trung Quốc, thế kỷ thứ 1, một trong những sưu tập hiện vật của Viện Bảo tàng quốc gia Việt Nam (Sài Gòn, 1956 – 1975). Đây là giai đoạn bảo tàng tiếp tục hoạt động sưu tầm hiện vật trên cơ sở tiếp quản từ Bảo tàng Blanchard de la Brosse.
Gương đồng, Trung Quốc, thế kỷ thứ 1, một trong những sưu tập hiện vật của Viện Bảo tàng quốc gia Việt Nam (Sài Gòn, 1956 – 1975). Đây là giai đoạn bảo tàng tiếp tục hoạt động sưu tầm hiện vật trên cơ sở tiếp quản từ Bảo tàng Blanchard de la Brosse.

Một bước ngoặt quan trọng trong thời kỳ này đó là sự chuyển giao giữa người Pháp và người Việt trong cơ cấu hoạt động và tổ chức của bảo tàng. Năm 1956, bảo tàng được đổi tên thành Viện Bảo tàng Quốc gia Việt Nam (Sài Gòn). Bên cạnh những bộ sưu tập sẵn có, bảo tàng tiếp tục hoạt động sưu tầm hiện vật từ những nguồn hiến tặng, chuyển giao, mua để bổ sung cho các bộ sưu tập.

Mô hình bếp lò, đất nung, khoảng từ thế kỷ 1 đến thế kỷ 3.
Mô hình bếp lò, đất nung, khoảng từ thế kỷ 1 đến thế kỷ 3.
Đồ đựng hình thú, gốm, thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ thứ 8.
Đồ đựng hình thú, gốm, thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ thứ 8.

Ở giai đoạn này, chuyên đề giới thiệu các hiện vật do Viện Harvard – Yenching và Bảo tàng Peabody (Washington, Hoa Kỳ) tặng năm 1962 (mảnh gốm, đồ đựng, mô hình bếp lò) và đặc biệt là 2 chiếc mũ đã được phát hiện qua khai quật khảo cổ học từ trước 1975, được xác định là của Đô thống chế Thần sách Lê Văn Phong, em trai tả quân Lê Văn Duyệt và của Thiên vương Thống chế ở Biên Hòa.

Mũ đại triều của Đô Thống chế Thần sách Lê Văn Phong.
Mũ đại triều của Đô Thống chế Thần sách Lê Văn Phong.
Mũ Thiên Vương Thống Chế Chánh Tam Phẩm Võ Ban.
Mũ Thiên Vương Thống Chế Chánh Tam Phẩm Võ Ban.
Thủ bút của quản thủ Viện Bảo tàng quốc gia Việt Nam Vương Hồng Sển năm 1956.
Thủ bút của quản thủ Viện Bảo tàng quốc gia Việt Nam Vương Hồng Sển năm 1956.

Giai đoạn 3: Ký ức – Đổi mới (1975 – 2019)

Năm 1979, UBND TP.HCM đã ra quyết định thành lập bảo tàng lịch sử, chính thức đặt nền móng cho sự ra đời của một bảo tàng lịch sử Việt Nam tại TP.HCM. Đến nay, số lượng hiện vật lưu trữ sưu tầm từ nhiều nguồn lên đến 43.000 hiện vật, trong đó có 12 bảo vật quốc gia.

Con dấu bằng ngà, thế kỷ 19.
Con dấu bằng ngà, thế kỷ 19.
Hiện vật gốm Trung Quốc thế kỷ 17, Bảo tàng Bà Rịa Vũng Tàu chuyển giao năm 1995.
Hiện vật gốm Trung Quốc thế kỷ 17, Bảo tàng Bà Rịa Vũng Tàu chuyển giao năm 1995.
Hũ có nắp, gốm Việt, thế kỷ 15, Bộ VHTT chuyển giao năm 2000.
Hũ có nắp, gốm Việt, thế kỷ 15, Bộ VHTT chuyển giao năm 2000.

Trong giai đoạn này, chuyên đề trưng bày các hiện vật có được từ 4 nguồn: chuyển giao, khai quật khảo cổ, hiến tặng và mua. Bên cạnh đó, có gần 50 tư liệu và hình ảnh quý gắn bó với lịch sử bảo tàng như Nghị định về thành lập bảo tàng Blanchard de la Boresse (1927), danh sách quyên góp xây dựng bảo tàng, các văn bản của Viện bảo tàng Quốc gia Việt Nam tiếp nhận lại các cổ vật Óc Eo do bảo tàng Guimet (Pháp) chuyển trả năm 1959….

Chuyên đề Bảo tàng lịch sử TP.HCM – 90 năm hành trình từ ký ức đang mở cửa phục vụ công chúng đến hết ngày 31/3/2020 tại số 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quận 1, TP.HCM.

Bài & ảnh: Sơn Trà

Theo 24hsongxanh.vn

Cùng chuyên mục