‘Anh hùng điểm nóng đa dạng sinh học’ của bán đảo Sơn Trà
Danh sách “10 Anh hùng Điểm nóng đa dạng sinh học” (Hotspot Heroes) năm 2020 của Quỹ đối tác về các Hệ sinh thái trọng yếu (CEPF) có tên Lê Thị Trang, nhờ những nỗ lực của chị trong công tác bảo vệ đa dạng sinh học tại Việt Nam.
1. Bước sang tuổi 34, Lê Thị Trang là người phụ nữ duy nhất của Việt Nam được xướng tên trong danh sách nói trên của CEPF. Đây không phải lần đầu tiên, người đang giữ vai trò Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) được vinh danh toàn cầu. Năm 2015, chị từng được Quỹ Tương lai cho môi trường tự nhiên (Future for Nature) bầu chọn là một trong 10 nhà bảo tồn trẻ xuất sắc nhất thế giới.
Từ nhiều năm về trước, Lê Thị Trang đã được biết đến là một trong những người trẻ năng nổ tham gia tuyên truyền, giới thiệu với cộng đồng về bán đảo Sơn Trà và voọc chà vá chân nâu trên bán đảo. Từ nguồn tư liệu phong phú về đa dạng sinh học trên bán đảo do các thành viên dày công nghiên cứu, Trang và cộng sự ở trung tâm đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền sâu rộng đến cộng đồng để người dân và du khách hiểu hơn về Sơn Trà và những giá trị bên trong (động, thực vật, ý nghĩa tự nhiên…)
Dọc ngang những con phố ở Đà Nẵng, nhiều người dân và du khách đã từng bắt gặp hình ảnh về gia đình voọc chà vá chân nâu ở một số nhà chờ xe buýt. Đã có 5 pa-nô tuyên truyền như thế được GreenViet dựng lên với thông điệp “Cùng chung tay bảo vệ voọc chà vá chân nâu”, thu hút sự quan tâm của mọi người. Để từ đây, hình ảnh của “nữ hoàng linh trưởng” đã đến gần hơn với cộng đồng, để ai cũng biết được rằng “ngay tại Đà Nẵng, ngay trên bán đảo Sơn Trà đang có một loài động vật hoang dã đặc trưng và quý hiếm cần được bảo vệ”.
Bên cạnh đó, chị Trang còn là nòng cốt của nhiều hoạt động bổ ích như các lớp học ngoại khóa cho học sinh cấp 1 và cấp 2 với chủ đề “những nhà khoa học nhí”; nhiều hội thảo và triển lãm ảnh về bảo tồn đa dạng sinh học… “Hạt giống cho việc tuyên truyền về bảo vệ rừng, bảo vệ đa dạng sinh học chính là các em nhỏ”, chị chia sẻ.
Đặc biệt, không thể không kể đến hành trình “Tôi yêu Sơn Trà” được GreenViet triển khai từ năm 2013. Sau 7 năm, hành trình ấy đã thu hút được 500 người tham gia mỗi năm với các hoạt động tìm hiểu về đa dạng sinh học và ngắm voọc, khỉ trên bán đảo Sơn Trà.
Các thành viên GreenViet còn nỗ lực huy động đóng góp từ cộng đồng để xây dựng Trung tâm Giáo dục trải nghiệm thiên nhiên Sơn Trà đầu tiên của Đà Nẵng (tại phường Thọ Quang, quận Sơn Trà), góp phần lan tỏa các thông điệp về đa dạng sinh học đến với hơn 5.000 lượt người dân, du khách mỗi năm…
Từ những kết quả này, chị Trang và các thành viên GreenViet đã “về đích” sớm 3 năm trong chiến dịch tuyên truyền của mình. “Mục tiêu là đến năm 2020, mọi người dân Đà Nẵng đều sẽ hiểu biết và yêu quý bán đảo Sơn Trà, tuy nhiên đến giai đoạn 2016-2017, Sơn Trà và voọc chà vá chân nâu đã trở nên phổ biến rồi”, Trang nói và nhấn mạnh “nữ hoàng linh trưởng” đã trở thành biểu tượng về đa dạng sinh học của Sơn Trà nói riêng, thành phố nói chung, là hình ảnh nhận diện của thành phố trong sự kiện Tuần lễ Cấp cao APEC 2017.
2. Chia sẻ về Trang, ông Jack Tordoff, Giám đốc điều hành CEPF cho hay: “Trang là trung tâm của chiến dịch “cứu” bán đảo Sơn Trà khỏi sự phát triển du lịch không kiểm soát. Cô ấy mang đến sự năng động, sáng tạo và năng lượng vô tận trong công việc. Chính những việc làm của Trang và GreenViet là nguồn cảm hứng đối với riêng tôi”.
Chiến dịch “cứu” bán đảo Sơn Trà khỏi sự phát triển du lịch không kiểm soát như Jack Tordoff đề cập, được GreenViet thực hiện từ sự huy động và kết nối các bên liên quan để bảo vệ môi trường sống trên bán đảo. Từ đây, số lượng đàn voọc chà vá chân nâu có nguy cơ tuyệt chủng đã được bảo vệ. Ý thức người dân và du khách cũng được nâng cao trong phong trào bảo tồn loài linh trưởng này nói riêng, đa dạng sinh học ở bán đảo nói chung. Jack Tordoff nhận xét: “Đó là một trong những câu chuyện thành công về bảo tồn đáng chú ý nhất tại Việt Nam”.
Khi câu chuyện bảo tồn ở Sơn Trà tạm ổn, bước chân chị Trang lại “in dấu” trên từng ngõ rừng, góc núi đâu đó ở Quảng Nam và Kon Tum. Ở đó có loài linh trưởng quý hiểm là voọc chà vá chân xám đang cần được bảo vệ. Hành trình này kêu gọi sự tham gia của người dân trong công tác bảo tồn và hướng đến xây dựng khu bảo tồn thiên nhiên; tuyên truyền người dân không săn bắn động vật hoang dã và tham gia bảo vệ rừng…
“Tôi vẫn đang tiếp tục thực hiện các dự án về giáo dục bảo vệ đa dạng sinh học. Vẫn luôn tin tưởng vào việc chính người dân và cộng đồng sẽ thay đổi thái độ với rừng và sẽ tham gia vào công tác bảo vệ rừng”, chị chia sẻ. Hành trình sắp tới của nữ “anh hùng” đa dạng sinh học này sẽ còn nhiều những dự án, chương trình vì màu xanh thiên nhiên.
CEPF là chương trình toàn cầu do Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên (IUCN) điều phối thực hiện. Cứ 5 năm 1 lần, CEPF lựa chọn ra những cá nhân, tổ chức để vinh danh. Những người được vinh danh là “anh hùng” đều có những đóng góp nổi bật trong việc bảo tồn các điểm nóng. Danh hiệu “Anh hùng điểm nóng đa dạng sinh học” (Hotspot Heroes) năm 2020 được CEPF công bố nhân ngày đa dạng sinh học thế giới cho 10 nhà bảo tồn đến từ các khu vực điểm nóng đa dạng sinh học (gồm Việt Nam, Jamaica, Brazil, Liberia, Fiji, Kenya, Indonesia, Mauritius, Pháp, Colombia). Những anh hùng này được lựa chọn từ hàng trăm tổ chức xã hội tại các vùng điểm nóng đa dạng sinh học toàn cầu. |
Xuân Sơn
Theo Đà Nẵng Online
Link nguồn: https://www.baodanang.vn/nguoi-da-nang/202006/anh-hung-diem-nong-da-dang-sinh-hoc-cua-ban-dao-son-tra-3431870/