Sách bản đặc biệt xưa và nay: Nghề chơi cũng lắm công phu

Sách bản đặc biệt như vật báu. Bởi vậy nếu có muốn đọc cuốn sách đó, thì người chơi sách lại tốn thêm tiền ở chỗ, mua luôn hai bản.

Thú chơi sách bản đặc biệt ở nước ta được cho là khi người Pháp sang và du nhập vào đầu thế kỷ 20. Từ đó đến nay, trải bao biến thiên thời cuộc, thú chơi sách bản đặc biệt cũng có những đổi thay.

Trước đây, sách bản đặc biệt chú trọng nội dung

Với những tác phẩm có giá trị, để đáp ứng thị hiếu của một phân khúc những người yêu sách muốn lưu giữ, sách bản đặc biệt được thực hiện bên cạnh những bản thường, hay bản phổ thông. Bản đặc biệt xưa khác bản thường những gì? Có thể tìm hiểu dẫn chứng qua một vài bản đặc biệt để thấy, xưa chú trọng sự khác biệt trọng tâm ở nội dung, và có vẻ, bản đặc biệt giản dị chứ không được đầu tư về hình thức như hiện tại.

Xem Thú chơi sách của cụ Vương Hồng Sển, một tay chơi sách cừ khôi có hạng, ta biết được đôi điều về sách bản đặc biệt dạo xưa. Chẳng hạn trước 1945, cuốn Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân in năm 1943 bởi Thời Đại ở Hà Nội. Bản sách đặc biệt Vang bóng một thời có mấy điểm đặc biệt.

Cụ Vương Hồng Sển có nhiều lời bàn về sách bản đặc biệt. Ảnh tư liệu.

Điểm chú ý ở bản này là kèm phụ bản và minh họa của Nguyễn Đỗ Cung, những đoạn kiểm duyệt bị bỏ trong lần in 1940 được bổ sung, in trên giấy dó. Vậy là bản đặc biệt nội dung, chất giấy có khác; cuốn Bức tranh quê của Anh Thơ do Đời Nay in năm 1941 ngoài bản thường có 65 bản quý (50 cuốn lụa gió, 5 cuốn lụa gió thượng hạng, 10 cuốn Impérial Annam à la cuve) có chữ ký tác giả… Đặc biệt ở đây được nhìn nhận ở chất giấy, chữ ký tác giả và số lượng bản in.

Xem Về chốn thư hiên, ta biết đến sau 1945 những loại sách biên khảo hay có bản đặc biệt, như cuốn Lý Thường Kiệt của Hoàng Xuân Hãn do Sông Nhị xuất bản 1949, in 30 bản đặc biệt; bộ Việt Nam bách khoa từ điển của Đào Đăng Vỹ in 1960-1961 ngoài bản thường còn có 200 bản in giấy láng quý, đánh số, chữ ký, triện son tác giả.

Sau 1975, bản đặc biệt dù có làm, nhưng không thịnh nữa.

Đơn cử như vài bản đặc biệt vừa qua được các những người chơi sách cũ giới thiệu. Cuốn Truyện Kiều của NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp năm 1976 có 10 bản đặc biệt để trong hộp sơn mài với tranh minh họa trên mặt hộp của họa sĩ Trần Văn Cẩn; Ký họa Việt Nam đầu thế kỷ 20 của NXB năm 1989 được in tới 500 bản đặc biệt; cuốn Võ Nguyên Giáp-người yêu nước-người thầy-người lính của NXB Trẻ in 2012 bản đặc biệt bìa bằng da, in thủ công trên giấy dó, đựng trong hộp sơn mài Bình Dương…

Truyện Kiều bản đặc biệt có hộp in năm 1976. Ảnh: Nguyễn Thế Bách.

Bản đặc biệt theo cụ Sển khác bản thường ở chỗ “in giấy đẹp có chữ ký của tác giả thêm đánh số thứ tự hẳn hoi, sách ấy có khi tác giả chừa để tặng thân bằng trí thức, hoặc dành riêng cho hạng chơi sách kén, đã ký quỹ đặt trước. Số in đã ít, giá tiền lại cao”.

Giá tiền bản đặc biệt cao so với bản thường cách biệt như thế nào? Lấy Tập văn họa kỷ niệm Nguyễn Du do Hội Quảng Trị (Huế) xuất bản năm 1942 làm ví dụ. Tập văn được in với bản đặc biệt dừng ở số 5, giá tiền 100 đồng; bản giấy nhiễu số lượng 40, giá 20 đồng; 200 bản giấy lụa T.N. giá 7 đồng; 1.000 bản giấy lụa S.T. giá 5 đồng. Chỉ cần nhìn giá tiền giữa các bản, đã thấy sự cách biệt giữa hòn non bộ với quả đồi rồi.

Giá trị của bản đặc biệt là gì? Vẫn lời Vương Hồng Sển: “Đó là một bảo vật trong văn phòng các tay phong lưu, giấy in tuyệt hảo, chữ rõ rệt đậm đà, người xem không mệt mắt, sở hữu chủ cầm nó trên tay thêm được thú vui mân mê thưởng thức một công trình đến nơi đến chốn của nghề ấn loát, khác nào nhà chơi cổ ngoạn nhồi giỡn với một kỳ trân bảo ngọc”.

Sách bản đặc biệt như vật báu. Bởi vậy nếu có muốn đọc cuốn sách đó, thì người chơi sách lại tốn thêm tiền ở chỗ, mua luôn hai bản. Bản đặc biệt dùng để ngắm nghía, thưởng ngoạn, bản phổ thông muốn đọc hay tra cứu thì cứ việc mở mà xem. Nói vậy, sách bản đặc biệt chẳng khác gì người mẫu tuyển lựa đã ít lại kỹ so với thiếu nữ bình dân gặp đâu cũng thấy.

Đương đại, những cuộc chơi lớn của sách bản đặc biệt

Bản đặc biệt hiện tại dù trước đó cũng thảng có một vài đơn vị làm nhưng còn lẻ tẻ và không thường xuyên. Nếu để ý, ta thấy hiện nay phong trào làm sách bản đặc biệt trở nên phổ biến từ khoảng năm 2016 và đến 2018 gần như nhà nhà làm bản đặc biệt bên cạnh bản phổ thông cho những cuốn sách hay, tác giả nổi tiếng.

Sách bản đặc biệt, hoặc bản giới hạn tập trung ở mảng sách lịch sử, văn học phần nhiều. Thời gian gần đây mở rộng ra những mảng khác miễn sao tác giả có tên tuổi. Nhưng tiêu chí chung cho những đầu sách bản đặc biệt vẫn tuân thủ nội dung hay, tác giả có tiếng.

Nếu như khi trở lại, bản đặc biệt đơn thuần là in giấy tốt hơn, đóng bìa cứng, rồi bìa cứng đóng hộp thì kể từ cuối 2018, hiện tình đã khác rất nhiều. Nắm bắt được thị hiếu độc giả phân khúc này, cũng như để tăng tính cạnh tranh với các đơn vị bạn, nhiều đơn vị làm sách không ngừng cải tiến phương thức làm bản đặc biệt đa dạng, cao cấp hơn.

Trong cuộc chơi phân khúc sách bản đặc biệt, có nhiều đơn vị tham gia nhưng để tạo dấu ấn thì không nhiều. Thời gian vừa qua ghi nhận một số đầu sách đặc biệt ghi điểm với độc giả, như Nghệ thuật và nghệ nhân vùng kinh thành Huế phiên bản đặc biệt in giấy trúc chỉ; Dòng tranh dân gian Đông Hồ bản đặc biệt nâng cấp ruột và bìa cứng khâu tay, bìa da thuộc nhuộm màu, bụng sách thếp vàng…

Một số bản đặc biệt trong bộ Việt Nam danh tác. Ảnh: Nhã Nam.

Hay mới đây, bộ Việt Nam danh tác (15 cuốn) được Nhã Nam làm bản đặc biệt in giấy village thượng hạng màu kem nhìn rõ vân giấy. Bìa sách làm thủ công bằng da PU chất lượng cao. Phần minh họa và tên sách được ép nhũ và sách đựng trong hộp carton, bồi giấy couche bên ngoài in hình bìa sách gốc. Bụng sách quét nhũ vàng.

Hiện tại nhiều đơn vị đã dày công khi làm bản đặc biệt để thu hút được độc giả như có thêm phụ kiện, quà tặng liên quan. Đơn vị làm sách Tri thức trẻ có cuốn Tiêu Sơn tráng sĩ của Khái Hưng bản giới hạn bìa cứng tặng kèm quạt có tranh minh họa tương ứng; Tam quốc diễn nghĩa bản giới hạn bộ bìa cứng, đóng hộp tặng kèm tượng Quan Công…

Chỉn chu và không ngừng cải tiến để ngày một tiệm cận sự hoàn hảo có thể ghi nhận ở Đông A. Với một chiến lược dài hơi, đơn vị này làm sách bản đặc biệt trong dự án S100 với những đầu sách kinh điển và qua thời gian không lâu, bản đặc biệt càng về sau càng được đầu tư, nâng cấp chất lượng, mẫu mã hơn.

Bản đặc biệt Những cuốn sách thay đổi lịch sử bìa cứng thủ công bằng da cao cấp. Ảnh: FB Kevin Viet Nguyen.

Chẳng nói đâu xa, một số cuốn trong dự án S100 lúc đầu bản đặc biệt có đặc điểm bìa cứng thủ công, in giấy Ford kem Nhật, đánh số, có dấu đỏ Đông A, chữ ký và triện son dịch giả. Còn hiện tại, như bản đặc biệt Những cuốn sách thay đổi lịch sử đã làm bìa cứng thủ công bằng da cao cấp nhập khẩu, ép nhũ với độ sắc nét cao cho bìa, có hộp, ruột in 4 màu trên giấy Ford kem cùng dấu của Đông A, chữ ký của dịch giả.

Giống nhau của bản đặc biệt xưa cũng như nay là giấy in bản đặc biệt chọn lọc, cao cấp; số bản in ít hoặc hạn chế; giá tiền dành cho bản đặc biệt cao hơn bản thường nhiều lần. Nhưng rõ ràng với sự phát triển của văn hóa đọc, của ngành xuất bản và công nghệ in ấn tiệm cận trình độ thế giới, sách bản đặc biệt hiện tại được đầu tư vượt bậc.

Trong cuộc chơi dành cho phân khúc bản đặc biệt ta thấy được sự nhộn nhịp, sôi động của độc giả đón chờ, của các đơn vị xuất bản. Điều đó tạo ra động lực, cũng là yêu cầu các đơn vị làm sách đầu tư cho bản đặc biệt công phu hơn nữa. Nhưng đồng thời cũng cần sự tỉnh táo, không nên để cuộc vui đang xôm lại chóng tàn vì thoái trào khi đến lúc nào đó, độc giả trở nên nhàm nếu sách nào ra đời cũng… đặc biệt.

Trần Đình Ba

Theo Zing.vn

 

Link nguồn: https://zingnews.vn/sach-ban-dac-biet-xua-va-nay-nghe-choi-cung-lam-cong-phu-post1091743.html

Cùng chuyên mục