Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh: “Không điều gì có thể so sánh với quê hương”
Sinh 1955 tại Quảng Nam, từ năm 1973 sống tại TP. HCM. Theo học ngành Sư phạm, tốt nghiệp năm 1976. Từng đi Thanh niên xung phong, dạy học và phụ trách CLB thiếu nhi. Từ 1986 đến về hưu là phóng viên báo Sài Gòn giải phóng. Bên cạnh 5 tập thơ, hơn 30 tập truyện tranh, gần 15 tập kịch bản phim, anh đã xuất bản khoảng 100 đầu sách văn xuôi về đề tài thanh thiếu niên. Ngoài ra, anh còn in 3 tập bình luận thể thao, nhiều tập tản văn và hơn 50 tập tư vấn tình yêu dưới các bút danh khác. Sống chính bằng viết văn, làm báo.
Xa quê nhiều năm, “địa vị” của quê hương trong lòng anh bây giờ như thế nào?
Tôi nghĩ ai đi xa cũng mang theo một quê hương trong lòng mình. Đó là những kỷ niệm mà con người ta không thể nào quên – là con sông hằng ngày ta tắm, con đường làng mỗi bữa ta đi, biết bao gương mặt thân thiết, tiếng nói giọng cười, những buồn vui một thời. Đó là một quê hương đã thuộc về tâm linh. Nói về điều này, nhà thơ Chế Lan Viên có hai câu rất hay: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở / Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn”. Tôi may mắn hơn nhiều người khác là có cơ hội giải tỏa niềm sầu xứ của kẻ tha hương trong những trang viết. Biết bao nhiêu con người và địa danh xứ Quảng đã đi vào trong tác phẩm của tôi như một mạch nguồn cảm xúc không bao giờ cạn.
Nếu phải so sánh quê hương với một điều gì đó, anh sẽ so với?
Tôi nghĩ không điều gì có thể so sánh với quê hương.
Nếu phải so tính cách Quảng với một món ăn nào đó, anh sẽ so với?
So với tất cả các món ăn Quảng. Tuy cách nhau một ngọn đèo, so với Huế thơ mộng và cung đình, Quảng Nam là vùng đất lam lũ của người lao động. Người Huế ăn nói nhỏ nhẹ và du dương bao nhiêu thì người Quảng ăn to nói lớn, ăn sóng nói gió bấy nhiêu. Món ăn Quảng cũng thế. Người Quảng ăn cốt lấy no để ra đồng ra ruộng nên món gì cũng to: đường bát, bánh đúc, bánh xèo, bánh bèo, bát chè xanh… món nào cũng “hoành tráng” hơn thiên hạ. Tóm lại, người Quảng đã ăn là phải ăn cho no, đã ăn chè phải ăn thật ngọt, đã ăn mắm thì phải ăn thật mặn, kiểu ăn uống “cực đoan” đó gọi là “chém to, kho mặn”, bộc lộ tính cách thực tế, thẳng thắn và không kiểu cọ. Nhưng nhờ vậy mà món ăn Quảng có vị đậm đà, ai đã ăn và đã thấy “hợp gu” rồi thì dễ sinh ra nghiện.
Hình như tính cách Quảng cũng khá phù hợp với thơ văn, báo chí và giáo chức, theo cách nhìn của riêng anh là vì sao?
Người Quảng có truyền thống hiếu học từ xưa. Hiện tượng Ngũ Phụng Tề Phi là minh chứng rõ nét cho điều này. Hiếu học gắn với nghị lực và chí tiến thủ (do cố thoát khỏi số phận của một vùng đất không được thiên nhiên ưu đãi chăng?); đồng thời gắn với óc phân tích và thuật tranh biện. Đó là những phẩm chất phù hợp với những ngành nghề liên quan đến chữ nghĩa như nghề viết lách và dạy học.
Anh có hay về quê không? Quê anh cụ thể ở làng xã nào? Điều gì anh hay làm khi về quê?
Cứ vài ba năm tôi về thăm quê một lần. Tôi ở huyện Thăng Bình, quê nội ở Bình Quế, quê ngoại ở Bình Tú, bà con hiện nay ở rải rác từ Tam Kỳ đến Đà Nẵng. Tôi cũng từng theo học trường Trần Cao Vân – Tam Kỳ và Phan Chu Trinh – Đà Nẵng, nên mỗi lần về quê thường đi nhiều nơi để viếng mộ ông bà, thăm bà con và bạn bè.
Nhìn lại con đường văn chương của cuộc đời mình, từ khi rời xa quê, anh nghĩ điều gì là đáng nói nhất? Điều gì làm cho anh gắn bó với nó sâu đậm đến vậy?
Ngay từ nhỏ, mê đọc sách, tôi mơ ước lớn lên sẽ trở thành nhà văn, mặc dù tôi thi vào Đại học Sư phạm. Trước biến động của lịch sử, tôi trải qua nhiều ngành nghề, nhưng cơ may dun dủi thế nào sau những ngoằn ngoèo của cuộc sống rốt cuộc tôi cũng trở thành người viết văn. Có lẽ đó là điều đáng nói nhất, vì tôi cho rằng một trong những hạnh phúc lớn nhất của đời người là được làm đúng nghề mình yêu thích. Còn sự gắn bó của tôi với nghề văn, có thể giải thích bằng nhiều lý do: được độc giả yêu mến, được cống hiến cho xã hội, được thể hiện mình, v. v… nhưng lý do quan trọng nhất chắc chắn là do tôi “nghiện” viết văn. Tôi tin rằng khi ta làm điều gì đó do ta đam mê nó một cách vô điều kiện chứ không vì bất cứ lý do gì ngoài nó, kể cả những lý do cao đẹp nhất, ta sẽ gắn bó và sống chết với nó suốt đời.
Có sự may mắn trong văn chương không anh?
Có sự may mắn trong cơ hội tiếp cận hoặc thể hiện văn chương chứ không có may mắn trong thành tựu văn chương. Chẳng hạn nếu ta có giao tình với báo chí hoặc nhà xuất bản nào đó, ta sẽ có điều kiện được in sớm hơn hoặc nhiều hơn những người không có thuận lợi tương tự. Cũng không ít trường hợp một số cây bút được các nhà phê bình hoặc đàn anh văn nghệ quen thân đánh bóng, thổi phồng. Nhưng những hiện tượng nhất thời đó chẳng có ý nghĩa gì trong nghề văn, vì cái còn lại là chất lượng văn chương thì không có thế lực nào nâng lên hay hạ xuống được, mà do tài năng của nhà văn quyết định. Trần Đăng Khoa rất chí lý khi nói về sự được-mất trong văn chương: “Cái còn thì sẽ còn nguyên / Cái tan thì tưởng vững bền cũng tan”.
Ngoài các cốt truyện, tình tiết, chi tiết và cách kể chuyện khá hấp dẫn. Điều cốt lõi anh muốn gởi gắm vào các tác phẩm dành cho thanh thiếu niên là gì?
Nhà văn viết cho thanh thiếu niên tự nhiên cũng là nhà giáo dục. Ngoài mục tiêu giúp các em mê đọc sách, làm giàu cảm xúc, từ đó phát sinh tình yêu đối với văn chương, nhà văn viết cho thanh thiếu niên còn là trụ đỡ tinh thần để giúp các em hoàn thiện nhân cách, yên tâm và vui sống. Khi lớn lên, đã cứng cáp về tâm lý và trưởng thành về nhận thức, các em sẽ gặp những nhà văn khác với những câu chuyện khác và mục tiêu khác. Và đó lại là vấn đề khác.
Làm một nhà văn nổi tiếng, lại là thần tượng của nhiều thế hệ độc giả tuổi mới lớn. Anh tự nghĩ sao về mình?
Tôi hài lòng về con đường mình đã đi, công sức mình đã bỏ ra và những gì mình đã đón nhận được.
Có một Nguyễn Nhật Ánh của những bề nổi mà ai cũng biết, và có một Nguyễn Nhật Ánh của bề chìm, đó là thơ. Hình như giữa hai thế giới này khá khác nhau, phải không anh? Mong anh gởi đến độc giả một vài bài thơ mà anh thấy tâm đắc?
Văn xuôi tôi viết cho đối tượng thanh thiếu niên, đòi hỏi phải sử dụng một cách viết phù hợp, với một hệ thống hình ảnh và từ ngữ thích ứng với trình độ nhận thức và cảm thụ của các em. Còn thơ, tôi viết cho mình, tức là viết cho… người lớn, phong cách tất nhiên có nhiều khác biệt.
VĂN BẢY (thực hiện)
Chùm thơ Nguyễn Nhật Ánh ĐÊM NHỚ BIỂN Bao giờ em mới thôi quấy nhiễu đời anh Người con gái chui ra từ vỏ ốc Anh mọc rêu lên phố xá thị thành Đêm nhớ biển làm sao không bật khóc?
Một bàn chân anh chìm trong sóng nước Bàn chân kia ghế đá những đêm nằm Ngọn sóng ấy còn nguyên màu sữa trắng Đêm có bão bùng giấc mộng anh không?
Ngọn lửa chài không thắp nổi đêm đông Trời xanh kia không vá nổi cánh buồm Em đẹp thế sao không níu người ở lại Anh yêu mọi người sao anh xa em?
Thôi đành nhặt cơn mơ làm điểm tựa Cuộn mùa đông trong một chiếc đuôi mèo Chiếc đinh gỉ nhoi lên từ ký ức Khiến nỗi buồn đã rách lúc mang theo.
NGƯỜI TÌNH TRẺ THƠ Náu mình sau những bệ thờ Uy nghiêm và cổ kính Tôi nhìn thấy em Người tình trẻ thơ
Qua khe hở của các lời răn Tôi nhìn thấy em Người con gái thất lạc những lời reo
Dưới những bảng cấm phù phiếm và bụi bặm Tôi nhìn thấy bằng cách nào Những giấc mơ của em bị đánh cắp
Hỡi người tình trẻ thơ của tôi Người con gái lang thang của tôi Em tìm kiếm gì trên mặt đất Đâm duy nhất một loại chồi
Những khúc tình ca bị thất sủng Những câu thơ bị tróc nã đời đời Em nhặt nhạnh đến bao giờ cho hết Hỡi người tình ngờ nghệch của tôi ơi!
MỘT CON SÓC NHỎ LÀM MỘT BÀI THƠ CHẮC LÀ RẤT DỞ CHO MỘT CON MÈO CON
Rồi sẽ có một ngày Không nhắn gởi không điện thoại không email không fax Không ngân hà không huyền thoại Không tổ chim không bờ sông không đá me không ngón tay đặt trên môi Không thi ca không âm nhạc không sắc màu hội họa Không quán nước không hiệu sách Không Corel Draw không Microsoft Word không Page Maker không Adobe Photoshop
Rồi sẽ có một ngày Không bố trí không trình bày không xếp đặt Không truyện ngắn không truyện tranh không truyện quái dị Không bờ hồ không bờ đê không kem lạnh Không tóc ngắn không ngón chân không khoé môi không đuôi mắt Trên ba lô trên túi xách trên ngực áo trên cầu vai Không vật khước không ngôi sao bản mệnh
Rồi sẽ có một ngày Không hẹn hò Không đánh cược bóng đá Không đánh cược dấu chấm trên đầu chữ I Không đánh cược đỗ hoàng tường Không cầm tay không vuốt tóc không hôn lên má Không rung chuông báo hiệu tình yêu giáng sinh
Rồi sẽ có một ngày Không Beatles không Brahms không Pautovski không Aimatov không Kundera không Kahlil Gibran Không laminate không bánh kem không khăn quàng không áo tắm Không nhức đầu không đau răng không viêm xoang Không té xe không trầy chân không thức khuya Không hai bàn tay vàng như nghệ Gương mặt không trắng như bột mì Nắng không thơm mùi bơ và tỏi Sóng không vỗ vào đêm Không go to bed Không honey không you Không thứ hai không thứ sáu
Có một ngày Không nỗi niềm riêng Không vướng bận Gửi thư vào xa vắng Để không chờ hồi âm? N. N. A.
|