Nhà nghiên cứu Inrasara: Người Cham ở đâu trong văn hóa Việt Nam?

Thuyết trình, thảo luận vốn là hoạt động bình thường của giới chuyên gia, nhưng chủ đề mà nhà nghiên cứu – nhà thơ Inrasara chọn lại đủ sức gây tò mò với những ai quan tâm đến văn hóa Việt Nam nói chung. Đó là chủ đề “Người Cham đóng góp gì vào nn văn hóa đa dân tc Vit Nam?” – đã và diễn ra tại một số không gian công cộng. Inrasara xem những cuộc thảo luận này như là một sứ mệnh “nhập thế” của người làm nghiên cứu và sáng tạo. Để độc giả xa gần có thể hiểu thêm vài nét căn bản của một dân tộc lớn và nhiều thăng trầm, chúng tôi có cuộc trò chuyện với Inrasara.

“Với tâm hồn vốn ham chơi, ham sáng tạo, nếu biết tiếp nhận truyền thống ông bà, người Cham hôm nay sẽ làm nên nhiều cái mới mẻ và giá trị. Trước 1975, 30 ngàn dân Cham Ninh Thuận đã “đóng góp” 2 khuôn mặt âm nhạc: Chế Linh và Từ Công Phụng. Sau khi đất nước thống nhất, Cham có thêm nhà văn, nhà nghiên cứu… không phải là không đáng kể. Đó là chưa kể đến các đóng góp của những nghệ nhân, những người vô danh, qua các lễ hội, qua phong tục tập quán rất đặc thù”, mở đầu câu chuyện, Inrasara khẳng định.

Inrasara
Inrasara

Câu hỏi cần quyết liệt hơn

* Thưa anh, xin được hỏi ngay, anh dựa trên cơ sở nào để đặt ra chủ đề này?

– “Người Cham có đóng góp gì vào văn hóa dân tộc của Việt Nam?”, là câu hỏi vừa mang tính đánh động cộng đồng, vừa là sự tự vấn của mỗi người Cham còn muốn nghĩ ngợi về thân phận mình. Nói nôm na, nó trí thức và quyết liệt hơn cái tinh thần cam phận, có sao biết vậy. Nó không hiền lành theo hướng “nghiên cứu” mang tính thống kê các thành tố văn hóa Cham, càng không vuốt ve như nhà xã hội có tính an ủi… Tiêu đề hàm ý không nên từ ngoài nhìn vào, trên ngó xuống, mà ý hướng đưa cả diễn giả và thính giả “đi vào trong”, trực diện với vấn đề. Đó đương nhiên cũng là câu hỏi mà chính tôi suốt đời phải tìm kiếm câu trả lời.

* Câu hỏi này có bắt nguồn từ tinh thần sáng tạo của Cham và những thành tựu ở quá khứ?

– Người Cham tiếp nhận văn hóa Ấn giáo, nhấn mạnh vào thần Shiva – thần phá hủy. Cần hiểu phá hủy ở đây là phá hủy để sáng tạo, phá hủy cho sáng tạo, và phá hủy chính là sáng tạo. Tiếp nhận nghệ thuật Ấn Độ, sau đó là Java, Indonesia hay Khmer, người Cham đã biết cách “phá hủy” và làm mới theo kiểu của mình. Hàng trăm ngôi tháp [hiện hữu] với ít nhất bảy phong cách khác nhau nói lên tinh thần đó. Các sử thi [đã được văn bản hóa], các trường ca trữ tình, thơ triết lý, gia huấn ca, ca múa nhạc,… là những thành tựu lớn và độc đáo không thể chối cãi. Đặt vào bối cảnh hiện nay, câu hỏi này chưa mong tìm câu trả lời rốt ráo, mà ít ra, nó có tính nhắc nhớ cộng đồng Cham, đặc biệt giới trẻ, hãy tiếp tục là mình.

Tháp Bằng An nằm tại xã Điện An, Điện Bàn, Quảng Nam ngày nay có chiều cao 21,5m (gồm thân và mái tháp), được xây vào khoảng thế kỷ 12, thờ linga và thần Shiva, một công trình chẳng giống tháp Cham nào còn hiện diện tại Việt Nam
Tháp Bằng An nằm tại xã Điện An, Điện Bàn, Quảng Nam ngày nay có chiều cao 21,5m (gồm thân và mái tháp), được xây vào khoảng thế kỷ 12, thờ linga và thần Shiva, một công trình chẳng giống tháp Cham nào còn hiện diện tại Việt Nam

 

* Nhân anh nói đến giới trẻ, theo anh, dấu ấn văn hóa Cham trên đất Việt nên được nhìn qua các biểu hiệu cụ thể nào?

– Xưa, Champa và Đại Việt chung biên giới, dấu ấn ở trong giao lưu và xung đột; rồi khi Champa tan rã để hòa nhập vào đất Việt, dấu ấn Cham để lại khá đậm nét, suốt từ Bắc vào Nam. Chùa Đinh Xá (ở xã Đinh Xá, huyện Kim Bảng, Hà Nam); “làng có chùa Bà Đanh” – một làng có nguồn gốc lịch sử là của tù binh Cham; tháp Bảo Thiên ở hồ Hoàn Kiếm là do tù binh Cham xây dựng… Rồi dấu ấn chim thần Garuda, mukhalinga rải rác trên điêu khắc Việt. Về âm nhạc, “Chiêm Thành âm” từng làm rúng động triều đình Lý Cao Tông (1202); rồi dân ca quan họ Bắc Ninh; nam bình nam ai; hát bả trạo; bài chòi…, ít nhiều đều chịu ảnh hưởng âm nhạc Cham. Đó là chưa kể ngôn ngữ và văn chương; tôn giáo và tâm linh; tinh thần và quan niệm…; người Cham đã làm giàu thêm kho tàng văn hóa, văn minh Việt Nam không ít.

Cham, cũng nhiều loại

* Với người Việt nói chung, thấy người Cham ở rải rác nhiều nơi, vậy bản sắc và dấu ấn của họ có giống nhau không?

– Suốt chiều dài lịch sử, người Cham thiên di rộng và nhiều lần. Họ tạo lập ít nhất mươi cộng đồng khác nhau, ảnh hưởng các nền văn hóa bản địa khác nhau, qua đó hình thành nên văn hóa cục bộ, từ đó mới có khác biệt nhất định so với nền văn hóa gốc. Nghiên cứu về người Cham, câu hỏi đầu tiên phải được đặt ra là: Cham nào? Cham Bà-la-môn ở Phan Rang hay Cham Bà-ni ở Campuchia? Cham Islam ở Sài Gòn, “Cham” Quảng Nam hay Cham Hroi ở Phú Yên?… Hơn thế nữa, “Cham đang ở đâu?” còn nhắm vào cộng đồng Cham, và nhất là cộng đồng Việt (Kinh) nhìn lại lai lịch mình, qua đó khả thể làm cuộc hóa giải lịch sử và hòa giải dân tộc.

Các tuyển tập Tagalau do Inrasara khởi xướng và từng là chủ biên nhiều số đang là một tiếng nói nhỏ của cộng đồng Cham với độc giả Việt Nam
Các tuyển tập Tagalau do Inrasara khởi xướng và từng là chủ biên nhiều số đang là một tiếng nói nhỏ của cộng đồng Cham với độc giả Việt Nam

* Hình như dòng họ anh thuộc Cham Pangdurangga, tính cách của Cham này có gì đặc biệt?

– Ngang bướng, đó là điểm nổi bật nhất. Một thứ ngang bướng có truyền thống. Suốt lịch sử Champa, nhân dân khu vực này đã từng nổi dậy chống lại chính sách bất công của triều đình trung ương. Hãy tưởng tượng, khi chúa Nguyễn chiếm cả miền Tây rộng lớn, người Cham vẫn còn giữ Pangdurangga, gồm Ninh Thuận và Bình Thuận ngày nay. Tây Sơn, sau đó là nhà Nguyễn vẫn còn dành cho Cham cơ chế tự trị. Khi vua Minh Mạng muốn tóm thâu mọi quyền lực về mình, Cham đã nổi loạn và chiến đấu đến người cuối cùng. Thất bại, họ lẩn vào trong núi. Đến khi vua Thiệu Trị xuống chiếu kêu họ xuống, Cham mới trở lại. Lúc đó người Cham ở Ninh Thuận chỉ còn vỏn vẹn 6.000 người.

* Phải chăng họ được gìn giữ bởi một viền mối tôn giáo chặt chẽ, nên mới thế?

– Bản sắc và cá tính vẫn là chính. Sinh hoạt cộng đồng Cham Pangdurangga bó gọn trong phạm vi palei (làng), mỗi làng có vài dòng họ, mỗi dòng họ có một kut (nghĩa trang tộc mẫu bên Cham Bà-la-môn) hay ghur (Cham Bà-ni). Ba tôn giáo chính của Cham, ngoài Islam tuân thủ chặt chẽ tổ chức, đạo Bà-la-môn và Bà-ni rất lỏng lẻo: không giáo chủ để truyền giáo, không tổ chức giảng giáo lí, giáo luật không rõ ràng và được các chức sắc Cham ứng dụng khá ngẫu hứng, tùy tiện, nên nó thường được cho tín ngưỡng dân gian hơn là một tổ chức tôn giáo đúng nghĩa.

Thân chim thần Garuda tại thánh địa Trà Kiệu (Duy Xuyên, Quảng Nam), khoảng thế kỷ 10 có nhiều ảnh hưởng đến phù điêu, điêu khắc của Việt Nam sau này. Ảnh chụp hiện vật tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam
Thân chim thần Garuda tại thánh địa Trà Kiệu (Duy Xuyên, Quảng Nam), khoảng thế kỷ 10 có nhiều ảnh hưởng đến phù điêu, điêu khắc của Việt Nam sau này. Ảnh chụp hiện vật tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam

* Những thách thức của người Cham hôm nay thuộc về điều gì?

– Thuộc về tinh thần là chính. Qua một thế kỷ, dân số Cham Pangdurangga tăng gấp 10 lần. Dù sống ở miền đất khô cằn, gió nhiều, mưa ít…, cộng đồng này đã vươn lên mạnh mẽ. Thế nhưng, khi môi trường xã hội nông thôn bị phá vỡ, khi những “đứa con của đất” tràn vào thành phố lớn kiếm sống, mỗi lần về quê là mỗi lần họ mang “cái lạ” về làng. Thế là có xung đột. Sau xung đột là mấy hiện tượng tiêu cực mà thế hệ đàn anh đàn chị của họ hãy còn xa lạ.

Xa hơn, khi “10 loại Cham” ngày càng phân tán, tiếp cận với nhiều nền văn hóa khác nhau hơn nữa, điều gì có thể kết hợp họ lại, để họ vẫn có thể nói tiếng mẹ đẻ và nhất là – “không chối mình là Cham”? Đây chính là thách thức, mà vẫn là thách thức về tinh thần.

VĂN BẢY (thực hiện)

Dẫn theo Thể thao và Văn hóa

Cùng chuyên mục