Chữ V của hoang tưởng và hoài nghi

“Một cuốn sách rực rỡ và hỗn loạn”, “tiểu thuyết độc đáo số một xuất bản năm 1963”, “không một độc giả nào hoặc một tiểu thuyết nào của Mỹ lại không bị biến đổi hay bị thách thức bởi tác phẩm đáng kinh ngạc này”… đó chỉ là một vài trong số rất nhiều lời thán phục dành cho V. tác phẩm đầu tay của nhà văn Mỹ Thomas Pynchon.

Ra đời khi nhà văn mới là chàng thanh niên 26 tuổi, cuốn sách đồ sộ kiến thức và đa tầng biểu tượng của Thomas Pynchon cho đến lúc này vẫn được hàng triệu học giả và người đọc khắp thế giới nghiên cứu và giải nghĩa.

Tiểu thuyết V. huyền thoại đã có bản tiếng Việt, do Thanh Trúc dịch

Nó kể về Benny Profane, một thanh niên hậu đậu, nay đây mai đó, vừa xuất ngũ hải quân Mỹ đang trong quá trình tái hòa nhập đời sống New York cùng một hội nghệ sĩ lông bông mất gốc; và Herbert Stencil, một nhà phiêu lưu hoang tưởng truy tìm nhân vật bí ẩn tên V. được nhắc tới trong nhật ký của người cha.

Điểm đặc trưng về kết cấu trong các tiểu thuyết của Thomas Pynchon là vô cùng nhập nhằng chồng chéo. Thông thường Pynchon để cốt truyện của mình tự trương nở thành hình xuyên suốt tiểu thuyết thay vì vạch ra một cốt truyện mạch lạc ngay từ đầu.

Thomas Pynchon (sinh năm 1937, người Mỹ) chọn đời sống ẩn dật kể từ thập niên 1960. Đây là một trong vài hình chụp mà người ta tin rằng hình thời trẻ. Nhiều người đồn rằng đây chỉ là một cái bút danh của J. D. Salinger mà thôi. Năm 1997, khi CNN lùng ra số điện thoại nhà, ông chỉ nói ngắn gọn: “Tôi tin rằng ẩn dật là một mật mã do chính các nhà báo nghĩ ra mà thôi, ý nghĩa thật sự của từ này là không thích nói chuyện với cách phóng viên thôi”. Từ đây Thomas Pynchon đổi số điện thoại, chỗ ở và lặn mất. Hiện ít ai biết ông còn sống hay đã mất.

Đường đi diễn tiến của câu chuyện dường như có sự sống riêng, chúng ẩn hay hiện, chúng tẽ nhánh hay tụ hội, chúng bị triệt tiêu hay được tô đậm lên hoàn toàn một cách tình cờ và ngẫu nhiên, buộc người đọc từ bỏ thói quen thông thường khi đọc sách là “cố gắng liên kết dữ kiện để hiểu, thay vào đó hãy thả lỏng cơ quan thần kinh, ngồi vào ghế sau và tận hưởng chuyến tàu lượn siêu tốc mà tác giả cầm lái” (một lời khuyên từ Cẩm nang đọc sách của Thomas Pynchon).

Tuy sống lặng lẽ nhưng Thomas Pynchon có gia tài văn chương đáng nể

Về mặt nội dung, các tiểu thuyết của Thomas Pynchon là hỗn độn những chỉ dấu kì bí, những hình ảnh biểu tượng, những văn bản đa nghĩa khó lý giải. Nhân vật chính trong tiểu thuyết của ông thường mắc chứng “hoang tưởng xã hội” – tức ý thức về “một mạng lưới âm mưu siêu phàm, mờ ám và rộng lớn, tiếp tay cho hành động của một nhân vật quái ác xấu xa nhất”. (định nghĩa của học giả Richard Hofstadter trong The Paranoid Style in American Politics).

Giới nghiên cứu đương thời xem Thomas Pynchon là một tân tiểu thuyết gia bậc thầy

Có thể thấy thời kỳ đầu sáng tác, Thomas Pynchon tận dụng cốt truyện hoang tưởng này khá thường xuyên. Trong Gravity Rainbow (1973), nhân vật Tyrone Slothrop tin rằng tên lửa V-2 và toán điệp viên có ý định trực tiếp tấn công mình. Với The Crying of Lot 49 (1966), nhân vật Oedipa Mass bắt đầu nhìn thấy chỉ dấu của tổ chức bí mật Tristero khắp mọi nơi. Tương tự với V., Herbert Stencil cũng liên tưởng, xâu chuỗi bất kì bằng chứng nào dù ngẫu nhiên nhất về V. mà ông ta có thể tìm thấy để trả lời câu hỏi V. là ai…

Giới độc giả thì đón nhận Thomas Pynchon một cách nồng nhiệt. Đây là một góc tủ sách của người Thomas Pynchon

Đó là cách Thomas Pynchon xây dựng thế giới riêng trong các tiểu thuyết của ông và cũng là cách ông thâu nhận thế giới thực tế bên ngoài: một thế giới nhìn từ góc độ này thì ngập tràn ẩn ý và chỉ dấu đến những âm mưu mờ ám, nhưng từ góc độ khác cũng là một thế giới vô tri chẳng mang ý nghĩa to lớn nào; tại đó, con người ưa tìm kiếm một thứ logic hoang tưởng hơn là chấp nhận một trạng thái trống rỗng.

Tiểu thuyết này giành giải thưởng William Faulkner Foundation Award cho tiểu thuyết ra mắt xuất sắc nhất và được đề cử cho Giải thưởng sách Mỹ National Book Award năm 1964.

Hai cốt truyện xoay quanh hai tình trạng đối lập tột cùng: tình trạng hỗn loạn ngẫu nhiên của hiện tại (Profane) và tình trạng trật tự hoang tưởng cưỡng ép của quá khứ (Stencil).

Hai nhân vật lẫn chức năng của họ, tuy vậy, đều được Thomas Pynchon khắc hoạ một cách mỉa mai, tự trào, đầy tính châm biếm. Hai trạng thái đối lập này dần tịnh tiến về phía nhau và giao thoa tại cuối truyện, khi Stencil và Profane hội ngộ, rồi khởi sự hành trình cuối cùng tìm kiếm

V. là ai? V. mang ý nghĩa gì? Đó là những câu hỏi sẽ không có hai độc giả nào trả lời giống nhau. Lần đầu tiên tác phẩm kinh điển của ngòi bút điêu luyện bậc thầy Thomas Pynchon được NXB Hội Nhà văn liên kết với Sách Tao Đàn xuất bản.

T.Đ.

Cùng chuyên mục