Du lịch miền Trung – Tây Nguyên tăng tốc: Bắt tay phát triển du lịch vùng

Các địa phương miền Trung – Tây Nguyên sẽ gắn kết, dần xóa bỏ tư duy mạnh ai nấy làm để cùng phát triển du lịch

Giàu tiềm năng, thuận lợi về vị trí. Đó là câu nhận xét không thể bàn cãi để du lịch miền Trung – Tây Nguyên phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, như PGS-TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ Tư vấn Phát triển vùng duyên hải miền Trung (DHMT), nhiều lần khẳng định rằng thế mạnh nhất của dải đất này đó là “mạnh ai nấy làm” đã khiến cho các địa phương cạnh tranh nhau, chỉ biết khai thác những cái có sẵn chứ chưa chuyên sâu, bổ trợ lẫn nhau.

Đi cùng nhau để tiến xa hơn

“Muốn đi nhanh hãy đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau”, đó là câu danh ngôn được ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, đưa ra trong phần mở đầu bài phát biểu của mình tại Hội nghị Phát triển du lịch miền Trung – Tây Nguyên vừa được tổ chức tại TP Huế (Thừa Thiên – Huế). Đó cũng là tâm huyết không những của riêng lãnh đạo Thừa Thiên – Huế mà cả các địa phương ở miền Trung – Tây Nguyên để cùng nhau đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Trong những giải pháp nhằm tạo sự liên kết, sản phẩm chung của vùng để thu hút du lịch được ông Thọ đưa ra có đề xuất cho phép áp dụng cơ chế ưu đãi nhất theo quy định hiện hành để thu hút đầu tư, bảo đảm đến năm 2025 sẽ hoàn chỉnh ít nhất 3 khu du lịch biển, đảo có sức cạnh tranh quốc tế, bao gồm: Chân Mây – Lăng Cô (Thừa Thiên – Huế), Cù Lao Chàm (Quảng Nam) và Bắc Cam Ranh. Xây dựng 3 tổ hợp mua sắm, vui chơi giải trí dành cho du khách. Bên cạnh đó, đầu tư xây dựng giao thông với các tuyến đường ven biển, cao tốc, sân bay, đường sắt kết nối với Tây Nguyên…

Đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) chưa phát triển du lịch tương xứng với tiềm năngẢnh: Tử Trực
Đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) chưa phát triển du lịch tương xứng với tiềm năng. Ảnh: Tử Trực

Thực tế trong nhiều năm qua, các địa phương ở vùng DHMT đã có sự hợp tác để tạo ra những sản phẩm du lịch thu hút du khách. Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi, địa phương này đã ký kết, hợp tác với nhiều tỉnh lân cận, đầu tư cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh phát triển du lịch địa phương. Trong đó, có thể kể đến những dự án đầu tư cơ sở hạ tầng mang tính chất quyết định thúc đẩy phát triển du lịch như mở rộng, nâng cấp tuyến đường từ sân bay Chu Lai (Quảng Nam) đi Dốc Sỏi (Quảng Ngãi).

Ông Đặng Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho biết giữa Quảng Ngãi và Quảng Nam ngoài việc thỏa thuận đầu tư cơ sở hạ tầng còn có rất nhiều chương trình hợp tác, hội nghị nhằm quảng bá du lịch được thực hiện. “Với lợi thế hai tỉnh liền kề, có bờ biển dài và Quảng Ngãi có đảo Lý Sơn, Quảng Nam có Cù Lao Chàm cùng Tam Hải, 2 tỉnh sẽ tiếp tục tập trung khai thác lợi thế này, xây dựng sản phẩm du lịch “2 địa phương 1 sản phẩm”. Chúng tôi sẽ tương hỗ trong việc xây dựng hồ sơ và phát triển du lịch tại Công viên địa chất Lý Sơn và Công viên địa chất Núi Thành, Quảng Nam” – ông Dũng nói.

TP Đà Nẵng cũng tập trung vào liên kết phát triển sản phẩm du lịch, liên kết quảng bá và xúc tiến du lịch, liên kết đào tạo nguồn nhân lực phát triển du lịch bền vững, hợp tác giữa các hiệp hội ngành nghề du lịch giữa các địa phương. Trong định hướng liên kết phát triển du lịch, Đà Nẵng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho liên kết du lịch giữa các tỉnh DHMT, Đà Nẵng sẽ là địa phương kết nối các điểm di sản trong vùng, trung chuyển khách du lịch trên cơ sở khai thác kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch như Quốc lộ 1, sân bay Đà Nẵng, cảng Tiên Sa…

Bên cạnh đó, TP cũng định hướng cho các công ty du lịch hình thành các tour giúp du khách đến Đà Nẵng sẽ đến được các di sản khác và ngược lại. Trong buổi ký kết hợp tác phát triển du lịch với tỉnh Thừa Thiên – Huế mới đây, ông Trương Quang Nghĩa, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, cho rằng giữa 2 địa phương cần phải đổi mới cách làm trong liên kết phát triển du lịch. “Phải tiếp cận, quảng bá du lịch làm sao để du khách đến Huế là sẽ đến Đà Nẵng, Hội An và ngược lại. Nếu chúng ta liên kết tốt thì khách du lịch không chỉ của mỗi địa phương mà đều là của chung. Sân bay Phú Bài được đầu tư mở rộng sẽ là cơ hội san sẻ sự quá tải đối với sân bay Đà Nẵng” – Bí thư Nghĩa khẳng định. Theo Bí thư Đà Nẵng, với cách làm trên, không gian liên kết du lịch không còn bó hẹp giữa từng địa phương mà có sức lan tỏa mạnh mẽ.

Liên kết để mở rộng

Theo Ban Điều phối vùng DHMT, liên kết phát triển du lịch nhằm hợp tác, hỗ trợ và phân công giữa các tiểu vùng, các địa phương trong vùng dựa trên những lợi thế so sánh của từng tiểu vùng, từng địa phương. Trong đó, bao gồm hợp tác phân bổ lại nguồn lực, điều chỉnh quy hoạch phát triển phù hợp với thế mạnh của mỗi địa phương trong từng giai đoạn phát triển. Đó là liên kết trong phát triển sản phẩm du lịch, đặc biệt là các sản phẩm đặc thù của nhóm các địa phương, của 2 tiểu vùng hoặc giữa vùng DHMT với vùng kế cận. Liên kết trong quảng bá, thiết lập sự thống nhất về không gian du lịch vùng, đào tạo nhân lực, huy động vốn đầu tư…

Ban Điều phối vùng DHMT kiến nghị khu vực này nên tiếp tục đẩy mạnh liên kết 3 địa phương là Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam trong phát triển sản phẩm “Con đường Di sản miền Trung” đi vào thực chất. Đồng thời, kết nối 3 di sản văn hóa thế giới với các giá trị văn hóa tiêu biểu của vùng là văn hóa Chăm Pa, Sa Huỳnh, văn hóa các dân tộc Đông Trường Sơn và văn hóa cư dân biển. Mở rộng kết nối “Con đường Di sản miền Trung ” với di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình) tham gia vào vùng DHMT.

Trong giai đoạn tiếp theo sẽ mở rộng liên kết vùng DHMT với Tây Nguyên để có sự kết nối giữa các tour du lịch, qua đó mở rộng liên kết với những di sản ở Lào, Campuchia nhằm tạo thành chuỗi sản phẩm du lịch “Con đường Di sản Đông Dương” trong khuôn khổ hợp tác giữa “3 quốc gia, 1 điểm đến”.

Ông Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết trong thời gian qua, Quảng Nam luôn là địa phương chủ động và là thành viên tích cực trong liên kết với các tỉnh, các vùng trong phát triển du lịch. Năm 2006, nhân dịp Năm Du lịch quốc gia tại Quảng Nam, tỉnh đã chủ động đề xuất và ký kết liên kết hợp tác phát triển du lịch với TP Đà Nẵng, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Sau đó, Quảng Nam tiếp tục xúc tiến ký kết phát triển du lịch với hơn 10 tỉnh, TP ở các vùng du lịch trọng điểm như Hà Nội, Cần Thơ, Lâm Đồng và các tỉnh DHMT – Tây Nguyên.

“Sự liên kết đã tập trung và có hiệu quả ở các nội dung như quảng bá, xúc tiến du lịch; luân phiên và hỗ trợ tổ chức các sự kiện du lịch văn hóa tại địa phương; công tác khớp nối quy hoạch và đầu tư hạ tầng giao thông với các địa phương giáp ranh; trao đổi kinh nghiệm và phối hợp công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực như thanh kiểm tra, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho du khách. Nhờ đó, đã góp phần thu hút khách du lịch tăng qua các năm ở các địa phương” – ông Tân cho biết.

Theo ông Tân, Quảng Nam với vai trò Chủ tịch Hội đồng Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung nhiệm kỳ 2019-2020 sẽ cùng với các địa phương trong vùng thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị phát triển du lịch miền Trung – Tây Nguyên vừa diễn ra tại tỉnh Thừa Thiên – Huế. Trong đó, tập trung vào các vấn đề như đề xuất các cơ chế, chính sách để phát triển du lịch miền Trung; phát triển hệ thống hạ tầng giao thông trong vùng như sân bay, đường ven biển, cảng du lịch…; liên kết hợp tác đào tạo du lịch, quảng bá xúc tiến du lịch…

Nên từ bỏ tư duy quy hoạch “mặt tiền”

PGS-TS Trần Đình Thiên đưa ra lời khuyên rằng khu vực miền Trung – Tây Nguyên nên từ bỏ tư duy quy hoạch “mặt tiền”, mở ra tư duy liên kết du lịch “biển, hải đảo – rừng núi” để nối duyên hải với Tây Nguyên. Bên cạnh đó, ưu tiên khai thác tài nguyên du lịch văn hóa – tâm linh chứ không đơn thuần nhấn mạnh khía cạnh di sản lịch sử – chiến tranh để nâng tầm hàng loạt di sản hiện có.

Hãy dành 1 USD/khách quốc tế để quảng bá du lịch

Nhằm nâng cao hình ảnh du lịch miền Trung – Tây Nguyên ra thế giới, ông Phan Ngọc Thọ đã nêu ý tưởng cho phép thực hiện thí điểm thành lập quỹ hỗ trợ phát triển du lịch tại các tỉnh và vùng từ nguồn xã hội hóa doanh nghiệp du lịch. Dự kiến thu thí điểm 1 USD/khách du lịch quốc tế lưu trú tại các địa phương như Huế, Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang, Phan Thiết, Mũi Né, Đà Lạt. Mục đích duy nhất của quỹ là sử dụng cho hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch. “Các địa phương liên kết phải có quỹ chung mới có thể đủ kinh phí quảng bá hình ảnh du lịch của vùng trên các kênh truyền thông nổi tiếng trên thế giới” – ông Thọ khẳng định.

QUANG NHẬT – BÍCH VÂN – TỬ TRỰC – TRẦN THƯỜNG

Theo Nld.com.vn

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Cùng chuyên mục