Thẩm phán và đao phủ
Trước một cuộc truy tìm án mạng, ta mong muốn tìm ra bản gốc hoặc phiên bản của kẻ sát nhân? Tiểu thuyết Thẩm phán và đao phủ vượt qua định kiến “văn học trinh thám” này được Phạm Hoài Nam, tức nhà văn Phạm Thị Hoài chọn dịch. Sách do Phanbook & NXB Phụ nữ ấn hành.
Một trung úy cảnh sát, đã bị bắn chết vào một đêm sương mù dày đặc, trên con đường vắng ở Bern, Thụy Sĩ. Thanh tra Bärlach vào cuộc điều tra cùng với cộng sự trong thời điểm sức khỏe ông đang tuột dốc.
Một tụ điểm tiệc tùng bí mật của giới nghị sĩ, giới công nghiệp tên tuổi, mà đứng sau là một Gastmann bí ẩn.
Một nhà văn thường xuyên giao du với đám đông đó, anh ta cô đơn nắm giữ bí mật theo một cách khác.
Một con chó bị hạ ở khu vườn bên dưới căn biệt thự trong lúc tiệc tối đang diễn ra…
Hung thủ vụ án mạng là ai? Biết đâu được, có khi là cái bóng đồng hành cùng ta.
Friedrich Dürrenmatt không viết tiểu thuyết hình sự, nhưng với tài năng của mình, ông mượn hình sự như một mô hình tạo nên tính hấp dẫn để làm nên một tác phẩm văn chương có tính triết lý cao.
Cái ác trong con người có thật sự là một phẩm tính đạo đức ổn định, hoặc là mầm mống bất định mà chỉ cần có một điều kiện ngẫu nhiên thọc tay vào, nó lập tức chuyển hóa thành hành vi?
Friedrich Dürrenmatt (1921 – 1990) là tác giả và kịch tác gia người Thụy Sĩ. Ông từng theo học triết học và văn chương Đức vào năm 1941, sau đó chuyển sang ngành khoa học tự nhiên. Năm 1943, ông quyết định bỏ ngang sự nghiệp học hành để trở thành văn sĩ.
Dürrenmatt là người cổ súy cho loại hình sân khấu “epic theatre” (kịch tự sự). Ông nổi tiếng toàn thế giới với hai vở kịch: Der Besuch der alten Dame (Bà lớn về thăm, 1956) và The Physicists (Ba nhà vật lý, 1962). Ngoài kịch, ông còn viết tiểu luận và tiểu thuyết hình sự.
Phan Thư