Sống đời của chợ

Chợ có gì để mà viết và nghiên cứu, vừa thiếu vắng sử liệu, vừa thiếu vắng một truyền thống khảo tả dân tộc chí kiểu phương Tây (ethnographie). Chợ có thể làm bất cứ học giả nào e ngại. Nhưng với Nguyễn Mạnh Tiến thì không.

Cuốn Sống đời của chợ là kết quả của hành trình lang thang khắp các xóm làng miền Bắc, những chuyến thực địa vào đến tận xứ Thanh-Nghệ suốt nhiều năm liền của Nguyễn Mạnh Tiến. Hành trình mơ hồ về thành tựu có thể làm nản lòng nhiều người.

Nguyễn Mạnh Tiến cùng người đọc vào chợ với một góc nhìn khác

Bởi chợ, có lẽ là một trường hợp điển hình cho sự phụ bạc của nhận thức về cái quá đỗi quen thuộc. Trong nhận thức, có những điều quá quen thuộc, quá thường ngày, nên dễ bị trượt đi.

Chợ là một cái gì đó, hình như ai cũng biết, nhưng thực chất thì lại chẳng biết bao nhiêu. Chưa có những công trình thực sự cắt nghĩa bản chất của chợ trong đời sống văn hóa Việt.

Nhưng chợ ngoài vai trò là nơi để người ta tìm sinh kế, nơi để hàng hóa lưu thông, chợ là nơi phát triển đạo mậu dịch để thỏa lòng người, chợ còn là nơi để “bêu đầu thị chúng” – thể hiện uy quyền chế độ phong kiến cầm quyền, chợ cũng là nơi giao lưu văn hóa của cả một vùng.

Cái thế giới tinh thần của chợ nó ồn ã ngay trước mắt mỗi người, nhưng lại ẩn chứa một bề dày văn hóa sâu rộng. Người ta muốn bước vào làng, trước tiên phải đi ngang chợ.

Chở Bưởi (Hà Nội) từ xưa đến nay vẫn duy trì thói quen chợ phiên

Chợ là một tổ hợp kinh tế – văn hóa tháo dỡ các không gian khép kín của làng, vượt thoát sự chia cắt địa lý quy định tính cô lập trong cư trú của cư dân Việt Nam. Chợ góp vào kiến tạo một không gian mở. Chợ giống như con đường, dắt người ta bước vào thế giới quan của bản sắc văn hóa.

Mỗi một thân phận chợ cá biệt lại sẽ sống với một số phận riêng biệt mang tính bản địa. Đồng thời, nó vẫn hiển thị những dấu chỉ mang đặc điểm chung của một cái chợ phổ quát.

Sống đời của chợ

Tóm lại, những cái chợ, khi soi mình trong lịch sử riêng, có phần bé mọn và ẩn danh, nó đang kể những câu chuyện nhỏ (tiểu tự sự) mang dấu ấn làng, hay một đôi làng. Nhưng chính ở đó, có thể, ta sẽ có cơ hội hiểu cái tổng thể từ những thân phận bé mọn.

Nguyễn Mạnh Tiến khéo léo dẫn dắt người đọc đến với từng ngóc ngách ở chợ, đến với trung tâm văn hóa – kinh tế của vùng, phân tích kỹ càng sự hình thành chợ, cùng lịch sử những ngôi chợ, giúp người đọc có cái nhìn mới mẻ và toàn diện về chợ – một hình ảnh quá đỗi quen thuộc trong tâm thức mỗi người.

T.Đ.

Cùng chuyên mục