Kinh tế vườn ở Tiên Mỹ

Việc làm vườn, cải tạo vườn tạp, trồng cây ăn quả ở xã Tiên Mỹ (Tiên Phước) trong những năm gần đây phát triển mạnh đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần ổn định đời sống người dân.

Cây măng cụt hơn 70 năm tuổi của gia đình anh Phạm Văn Lục (thôn 6) Tiên Mỹ, mỗi năm cho thu hoạch hơn 300kg quả. Ảnh: N.H
Cây măng cụt hơn 70 năm tuổi của gia đình anh Phạm Văn Lục (thôn 6) Tiên Mỹ, mỗi năm cho thu hoạch hơn 300kg quả. Ảnh: N.H

Vang bóng một thời

Nhắc đến kinh tế vườn ở huyện Tiên Phước, người ta nghĩ ngay đến xã Tiên Mỹ, nơi được xem là vùng trọng điểm của huyện với các loại cây trồng, cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao như quế, cây thơm, cau, măng cụt, lòn bon… Việc bố trí đan xen cây trồng hợp lý, kết hợp với sự cần cù chăm bón các chủ vườn đã tạo nên không gian vườn ba tầng xanh mướt, cho hiệu quả kinh tế cao. Những năm gần đây, xã Tiên Mỹ đã vận động người dân cải tạo vườn tạp, chỉnh trang lại khuôn viên vườn nhà theo hướng xanh – sạch – đẹp, hiệu quả.

Đặc biệt từ năm 2010 đến nay, huyện có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích người dân phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại (KTV- KTTT) đã tạo điều kiện cho người dân Tiên Phước nói chung, Tiên Mỹ nói riêng, mạnh dạn đầu tư vốn phát triển KTV – KTTT. Ông Ngô Minh Hòa, Phó ban Nông nghiệp xã Tiên Mỹ, nói: “Để từng bước khôi phục lại các loại cây trồng, cây ăn quả truyền thống, xã Tiên Mỹ đã hỗ trợ người dân với nhiều cơ chế, chính sách cụ thể thiết thực. Trong đó, hỗ trợ cây giống, kỹ thuật, xây dựng mô hình cây ăn quả theo hướng an toàn, bền vững. Xã chọn 20 khu nhà vườn mẫu áp dụng thí điểm về phát triển cây trồng, cây ăn quả theo hướng xanh, sạch, đẹp, hiệu quả, từ đó nhân rộng trên toàn địa bàn”.

Mở rộng diện tích

Khu vườn của gia đình ông Huỳnh Bá Viên (thôn 7), Tiên Mỹ rộng 3.600m2, trước đây chủ yếu trồng thơm, chè, quế, dó bầu… do bị rớt giá nên hiệu quả kinh tế thấp. Cuối năm 2015, được sự khuyến khích, hỗ trợ của địa phương, ông Viên mạnh dạn đầu tư gần 50 triệu đồng cải tạo vườn, phá bỏ các loại cây trồng kém hiệu quả, trồng tiêu, măng cụt, sầu riêng, lòn bon… Trong đó, ông trồng 100 choái tiêu Tiên Phước, 25 cây măng cụt, 100 cây cau, 20 cây sầu riêng và 100 cây lòn bon. Hiện các loại cây trồng hơn 3 năm tuổi đang lên xanh tốt. Ngoài ông Viên, Tiên Mỹ có 25 hộ khác trồng tiêu với mô hình hơn 100 choái như hộ ông Nguyễn Thành Tâm (thôn 7), trồng khoảng 200 choái tiêu, ông Nguyễn Hồng Phước (thôn 9) trồng 220 choái tiêu, hộ ông Thái Đình Tiên (thôn 1) trồng 120 choái tiêu… Bên cạnh đó, người dân Tiên Mỹ còn tập trung khôi phục lại cây măng cụt, lòn bon, cây cau, thanh trà… để tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.

Dẫn chúng tôi thăm khu vườn rộng chừng 2.500m2, với 11 cây măng cụt được chăm bón kỹ lưỡng, đang lên xanh tốt, anh Phạm Văn Lục (thôn 6) chia sẻ, trước đây thời ông nội tôi đã trồng măng cụt, sau này tôi trồng thêm với suy nghĩ lấy bóng mát và ăn quả cho vui. Những năm gần đây măng cụt được giá nên tôi tập trung chăm bón để cuối vụ cho năng suất cao. Chỉ tay về phía cây măng cụt sum sê nhất khu vườn anh Lục cho biết, cây đó đã hơn 70 năm tuổi, trung bình mỗi năm thu hoạch 300 – 350kg quả. Hiện, mỗi vụ gia đình anh thu khoảng 500 – 600kg quả măng cụt, thu về hơn 60 triệu đồng. Thôn 6 có khoảng 150 hộ dân, hầu hết ai cũng trồng măng cụt, hộ trồng ít dăm ba cây, trồng nhiều lên đến cả 100 cây. Mỗi cân măng cụt có giá dao động 100 – 120 nghìn đồng, nhiều hộ khấm khá lên nhờ vào trồng măng cụt.

Ông Võ Kim Chung – Chủ tịch UBND xã Tiên Mỹ cho biết: “Địa phương khuyến khích người dân phát triển KTV theo hướng xanh, sạch, đẹp, hiệu quả. Trong đó, tập trung khôi phục lại một số cây đặc sản của địa phương như măng cụt, hồ tiêu, lòn bon, thanh trà… Việc phát triển KTV – KTTT không chỉ tăng thu nhập cho người dân, còn giúp địa phương phát triển du lịch sinh thái, nông nghiệp và nông thôn; đồng thời góp phần xây dựng nông thôn mới, phấn đấu về đích đúng hẹn vào năm 2020”.

Nguyễn Hưng

Theo báo Quảng Nam

Cùng chuyên mục