Con người xứ Quảng trong tiến trình lịch sử
Nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Tương là một trong những hội viên cao niên nhất của Hội Sử học Đà Nẵng. Năm nay, dù đã ngoài 80 tuổi, song hằng ngày ông vẫn cặm cụi nghiên cứu, viết lách một cách cần mẫn; vẫn đạp xe đi tìm bạn tâm giao để trao đổi mọi thứ trên đời, nhất là lịch sử và văn hóa đất Quảng.
Ít ai biết được rằng, người bác sĩ thú y ấy lại là một cây bút gây nhiều ngạc nhiên và phấn khích cho những ai biết ông và đọc các tác phẩm do ông viết trên nhiều lĩnh vực như: môi trường, sinh học, lịch sử, văn học, văn nghệ dân gian… Ở lĩnh vực nào ông cũng có những trải nghiệm, phân tích sắc bén và thú vị. Tôi đã đọc “Tiếng kêu cứu của Trái đất” (tác phẩm độc đáo về môi trường, môi sinh và con người), “Phố cổ êm đềm” (tiểu thuyết) ghi lại những cuộc tình thơ mộng, sự chân chất, mộc mạc của phố cổ Hội An trong biến động của thời chiến tranh, ly loạn, tác động đến từng thân phận con người; hay tập bản thảo “Quần đảo Hoàng Sa không thể chuyển nhượng của Việt Nam” – một tập hợp những nét chính yếu về huyện đảo Hoàng Sa của Đà Nẵng với một giọng văn “tranh tụng” khá hùng hồn… Và, mới đây, ông cho ra mắt tập sách “Xứ Quảng, vùng đất và con người”.(*)
“Xứ Quảng, vùng đất và con người” của tác giả Nguyễn Phước Tương là một tập hợp các bài viết đã được đăng trên nhiều tạp chí khoa học và chuyên ngành về văn hóa, lịch sử của địa phương và Trung ương. Tập sách là tập hợp những khảo cứu công phu, từ nhiều khía cạnh khác nhau về lịch sử, văn hóa, nhân vật… liên quan đến vùng đất Quảng Nam và Đà Nẵng.
Người đọc sẽ thấy ở tập sách này, sự hiển hiện bởi nhiều sắc độ khác nhau của xứ Quảng trên tiến trình “mang gươm đi mở cõi”; từ những gương mặt danh sĩ đất Quảng vang bóng một thời đến các anh hùng, liệt sĩ thời hiện đại; những đóng góp về văn hóa, văn học và các lĩnh vực khác của người Quảng cho quốc gia, xã tắc… Tác giả Nguyễn Phước Tương đã nghiên cứu, sưu tầm, biên khảo, giới thiệu cho chúng ta nhiều sử liệu đáng quý về danh thần Mạc Cảnh Huống – người có công rất lớn với vùng đất Quảng; về quá trình ra đời chữ Quốc ngữ mà xứ Quảng được vinh danh như là một cái nôi của loại chữ viết này; ông cũng dành thời gian để khảo cứu, khảo tả về vị trí dinh trấn Thanh Chiêm – vùng đất đứng chân (lỵ sở) của các chúa Nguyễn trong buổi đầu khai canh, mở đất về phương Nam. Ông cũng dành nhiều trang viết để giới thiệu về vùng đất xứ Quảng – những địa danh đã đi vào lịch sử xứ Quảng và dân tộc như: Cù lao Chàm, về phố Hội, về Bà Nà một chốn danh sơn, hay Sơn Trà, Hải Vân… với bao nét kiêu hùng và bí ẩn. Tất cả đều được tác giả sưu tầm, sắp xếp, phân tích một cách kỹ lưỡng qua cái nhìn đa diện của mình. Có thể nói, tập sách cho ta thấy rõ hơn vị thế, vai trò của vùng đất, con người Xứ Quảng trong tiến trình lịch sử dân tộc. Và hơn hết, nó được viết ra với một tình yêu tha thiết, bởi một người cháu ngoại xứ Quảng là… Nguyễn Phước Tương.
“Xứ Quảng, vùng đất và con người” có lẽ chưa làm hài lòng các nhà nghiên cứu chuyên nghiệp về lịch sử và văn hóa song lại cần thiết đối với tất cả chúng ta – những người yêu mến và khao khát muốn tìm hiểu, khám phá vùng đất, con người của xứ Quảng này.
Lưu Anh Rô
Theo báo Đà Nẵng
(*) NXB Hồng Đức liên kết cùng Hội KHLS thành phố Đà Nẵng, in và phát hành tháng 4-2013.