Thương người xứ Quảng

Tôi có dịp đến với Quảng Nam, từng một lần thả hồn rong chơi trên phố cổ, được ngắm nhìn, được trải nghiệm những gì trước đây tôi chưa từng thấy. Quảng Nam đọng lại trong tôi nhiều thứ… nhưng ấn tượng nhất vẫn là cái “tình người”, một “đặc sản” mà không phải bất kỳ vùng đất nào cũng có được.

Góc phố Hội
Góc phố Hội

Dung dị và rất đời thường

Người Quảng Nam theo tôi là rất giản dị. Giản dị trong cách ăn mặc và đến cả cái nét sinh hoạt cũng rất đỗi đời thường. Hãy thử theo chân các bà các chị một lần ra phố, tôi chắc bạn sẽ không khỏi ngỡ ngàng và thốt lên rằng: “Than ôi, giữa cái cuộc sống hiện đại như thế này mà vẫn còn sót lại một đô thị như thế này sao?”. Đó là những chiếc áo bà ba, là những gánh hàng rong lang thang trên khắp vỉa hè, là vòng quay không mỏi của những bánh xe hàng… cuộc sống nơi đây từ lâu đã là vậy, không hối hả, gấp gáp mà cứ chầm chậm như thế.

Ngồi nhâm nhi tách trà tại một quán cóc vỉa hè lúc xế chiều, tôi chợt thoảng nghe xa xa trong tiếng mái chèo khua nước trên dòng sông Hoài xanh ngắt văng vẳng tiếng hát của một người lái đò: “Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm, rượu Hồng Đào chưa nhấm đã say”. Tiếng hát đã lắng lại trong tâm hồn tôi một cảm xúc thật khó tả.

Con người lao động nơi đây sống lạc quan và yêu quê hương thật sâu nặng biết mấy. Họ mang câu chuyện quê hương đi khắp bốn phương với một niềm tự hào về một mảnh đất Quảng Nam kiên cường trong khói lửa. Họ luôn ý thức về dòng máu mà họ mang trong mình là dòng máu xứ Quảng.

Luôn “vui lòng khách đến…”

Người miền Trung nói chung và người xứ Quảng nói riêng được biết đến với bản chất hiền lành, chân chất nhưng lắm lúc cũng “ăn cục vắt hòn”. Người Quảng Nam rất bộc trực thẳng thắn, thấy gì nói nấy, không che đậy, giấu giếm, nói mọi lúc, mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh. Ấy vậy mà cái cách xã giao ấy lại lấy được rất nhiều thiện cảm từ du khách mỗi khi đặt chân đến đây.

Dừng chân tại một shop quần áo trên đường Trần Phú, tôi nhận được sự đón tiếp rất nhiệt tình của một chị bán hàng. Hơn một tiếng đồng hồ loay hoay trong cửa hàng và được sự tư vấn tận tình của chị, tôi đã tìm được món đồ ưng ý. Rời cửa hàng, hình ảnh của chị với nụ cười đầy duyên ấy đã làm tôi thật sự xao xuyến. “Người xứ Quảng thật đáng yêu”!

Quyết đoán và hay thích “cãi”

Người Quảng Nam luôn quyết đoán trong mọi chuyện, nghĩa là một khi đã làm chuyện gì phải làm cho đến nơi đến chốn, đã quyết là làm. Bản chất quyết đoán này khiến tôi chợt nhớ đến ông Bá Thanh, một người con gốc Quảng, người đã có công lớn trong việc xây dựng thành phố Đà Nẵng như ngày nay. Sự quyết đoán này của ông trở thành bài học lớn cho mọi thế hệ.

Quyết đoán là thế, nhưng đôi lúc cái tôi của người Quảng cũng rất lớn. Vì thế đất dốc, nước chảy xiết và thủy không tụ khiến cho họ hay nóng nảy, ưa lý sự và trong bất cứ vấn đề gì, họ cũng thích cãi, ưa cãi và ham cãi bất kể đó là ai. Bởi họ cho rằng: “Khi cãi thì mọi chuyện sẽ rạch ròi hơn, sáng tỏ hơn”. Hơn nữa, tính hay cãi còn là sự biểu lộ lòng tự tin, ý chí học hỏi và cầu tiến của người Quảng Nam.

Yêu quê hương sâu nặng

Trong trái tim của mỗi người Việt, tình yêu quê hương có lẽ là thứ tình cảm thiêng liêng nhất. Quảng Nam được người đời hay nhắc đến với biệt danh “Ngũ phụng tề phi” hay “Trung dũng kiên cường, đi đầu diệt Mỹ”. Đây là nơi sản sinh ra nhiều vị anh hùng có công với nước với dân, vùng đất từ lâu đã có truyền thống chống giặc ngoại xâm, là quê hương của Mẹ Thứ. Người Quảng Nam luôn tự hào là “con Rồng cháu Tiên”. Dù đi đâu về đâu họ cũng luôn hướng về cội nguồn, nơi quê cha đất tổ.

Biết bao mùa Xuân đã đi qua, lớp bụi của thời gian rồi cũng sẽ khiến mọi vật thay đổi… Quảng Nam vẫn khoác lên mình chiếc áo cũ, không lộng lẫy, kiêu sa nhưng cũng để giữ lòng người lữ khách qua đường mỗi khi bước chân qua đây. Tôi chợt nhớ đến hai câu thơ của Chế Lan Viên:

“Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở

Khi ta đi, đất bỗng hóa tâm hồn”
Trọng Phước
Theo Giác ngộ online

 

 

Cùng chuyên mục