Nguyễn Hiến Lê – học giả có tầm và tâm

Bộ sách “Nguyễn Hiến Lê – tác phẩm đăng báo” mang tới cho người đọc cái nhìn toàn diện về những đóng góp của vị học giả trong lĩnh vực báo chí.

Chúng ta đã quen với hình ảnh người đàn ông trung niên, tóc bạc, dáng mảnh khảnh; rỗi cầm sách, ngồi là cầm bút, viết liên tục. Ông cho ra đời hơn trăm tác phẩm hướng đạo thanh niên, đa dạng về đề tài: Ngữ học, lịch sử, văn học và đặc biệt đào sâu cổ học Trung Hoa.

Nhưng ít ai biết, Nguyễn Hiến Lê còn để lại gần 2.000 trang báo, bài nào cũng sục sôi, nhiệt huyết: “đóng góp ý kiến cho nhiều vấn đề cụ thể quan trọng khác, mà vấn đề nào ông cũng đề cập một cách thấu đáo tinh tường, đặc biệt liên quan đến lãnh vực văn hóa giáo dục”.

Chính lẽ đó, nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM vừa xuất bản và giới thiệu bộ sách Nguyễn Hiến Lê – tác phẩm đăng báo, đúc rút khoảng hơn 320 bài báo của học giả này.

nguyen-hien-le-hoc-gia-co-tam-va-tam
Bộ sách Nguyễn Hiến Lê – tác phẩm đăng báo gồm 2 tập.

Phu chữ cần mẫn

Từ trước đến nay, chúng ta đều biết Nguyễn Hiến Lê là một học giả viết không ngừng nghỉ, đâu đâu cũng có thể bắt gặp tác phẩm của ông trên kệ sách. Nhưng có lẽ ít ai tỏ tường những bài báo ông thực hiện, chúng tản mát và chưa được tập hợp, công bố một cách có hệ thống.

Học giả Trần Văn Chánh chia sẻ: “Dường như người ta chỉ chú ý đến Nguyễn Hiến Lê như một học giả, nhân vật có nhiều thành tích xuất sắc về phương diện học thuật, con người của sách vở, mà ít ai nhấn mạnh đầy đủ đến khía cạnh ông là một trí thức đầy trách nhiệm, thể hiện ở thái độ yêu nước thương dân chân thành, lúc nào cũng bận bịu việc đời, trăn trở với những nỗi thăng trầm của dân tộc, cũng như về những vấn nạn của thế giới mà số phận của dân tộc không thể tách rời”.

Các bài báo được đưa vào bộ sách là loạt bài viết có tính chất độc lập bàn về các vấn đề thời sự hoặc những tiểu phẩm, tùy bút, hồi ký thể hiện tâm tư, tình cảm và quan điểm của ông về mọi mặt đời sống.

Sách bao gồm các mục: Dẫn nhập, giới thiệu sơ lược về con người và sự nghiệp Nguyễn Hiến Lê qua tư liệu báo chí, đồng thời lướt qua toàn cảnh báo chí miền Nam trước 1975 và điểm một số tạp chí ông góp bài; Khảo luận về nội dung các tác phẩm đăng báo của ông; cuối cùng là giới thiệu các tác phẩm đăng báo của ông.

Theo nội dung bài báo, bộ sách chia thành hai mảng đề tài chính: Theo dòng thời cuộc, bàn luận về văn hóa; xuất bản; giáo dục; thời đại; Bên lề con chữ, trò chuyện về nghề cầm bút; chuyện ngữ văn; tin điểm sách; hàng tùy bút, tình bạn văn.

nguyen-hien-le-hoc-gia-co-tam-va-tam
Bộ sách cho chúng ta thấy được cái nhìn sâu sắc của học giả Nguyễn Hiến Lê trong nhiều vấn đề của đời sống.

Học giả luôn nặng lòng với thời cuộc

Điểm nổi bật trên các trang báo của Nguyễn Hiến Lê là ông luôn suy tư về thời cuộc. Các vấn đề cuộc sống ông đặt ra luôn kịp thời, sát với tình hình thực tế. Ta cảm giác như đang hít thở bầu không khí thời đại ấy, cảm nhận được những vấn đề nóng hổi trên lĩnh vực văn hóa, giáo dục và thời đại.

Đề tài nào ông cũng phân tích có chứng lý, nêu bật nguyên nhân và luôn đề xuất giải pháp cụ thể.

Về những trang viết về văn hóa của ông, Châu Hải Kỳ nhận xét ông đã nhận định một cách sáng suốt thực trạng suy sụp của nền văn hóa miền Nam, can đảm vạch lên những điều gai mắt chướng tai, nhận lãnh trách nhiệm nói lên điều mà người “thấy nhiệm vụ của mình là nặng” phải nói ra, phải góp ý kiến một cách công nhiên, rành rẽ.

“Ông đã làm việc ấy với tất cả thiện chí và nhiệt tình mà không e ngại uy quyền, không sợ công kích bắt bẻ của số người không ưa lời lẽ bộc trực, ngay thẳng và mặc dầu biết rằng những lời giãi bày của mình rồi cũng chẳng đi tới đâu trước thái độ thờ ơ lãnh đạm của những người có quyền hành”, Châu Hải Kỳ nhận xét.

Để khép lại dòng suy tư về thời cuộc của ông như lời Trần Văn Chánh nhận định, “cách đây hơn 30 năm, chỉ mình ông phát biểu được những lời đó, mãi đến nay hầu như cũng không ai chịu nêu lên những ý kiến tương tự khi bàn về hướng đi của dân tộc Việt Nam. Tôi cho rằng ông Nguyễn Hiến lê là một bậc minh triết có nhiều tiên kiến nhưng hơi bị lạc lõng cô độc giữa chợ đời”.

Học giả Đào Duy Anh, khi mới gặp Nguyễn Hiến Lê, đã coi như bạn thanh khí, mấy lần vào TP.HCM, đều qua nhà ghé thăm ông.

Nguyễn Hiến Lê tự nhận chỉ bỏ ra một phần mười thì giờ để viết báo, nhưng đã để hết tâm tư vào công việc, coi trọng như việc biên khảo, dịch thuật nên dành được nhiều cảm tình của độc giả và bạn văn.

Ông viết: “Danh của tôi nhờ đó tăng lên […], một số nhà văn tư tưởng và chủ trương hoàn toàn khác tôi, cả một vài nhạc sĩ, họa sĩ nữa cũng làm quen với tôi, tặng tác phẩm, không kể nhiều nhà giáo quý tôi, nhiều sinh viên trọng tôi như thầy học”.

Hoàng Nguyên

Theo Zing

 

Link nguồn: https://zingnews.vn/nguyen-hien-le-hoc-gia-co-tam-va-tam-post1218429.html

Cùng chuyên mục