Tâm sự của người mẹ không hoàn hảo

Nuôi nấng con trẻ, cùng chúng trưởng thành vốn là việc chẳng hề đơn giản. Đồng hành cùng con, người mẹ nhận ra mình đã thay đổi rất nhiều, trở nên điềm tĩnh và trưởng thành hơn.

Làm mẹ là một nhiệm vụ chồng chất thử thách, cùng muôn vàn khó khăn. Thế nhưng, không có bà mẹ nào có cơ hội “thực tập” trước khi ôm ấp sinh linh bé bỏng trong lòng. Thiên chức cao cả ấy giống như một khóa học đặc biệt. Ở đó, người mẹ vừa học hỏi, vừa tự sửa sai. Con cái có thể vừa là thầy, vừa là bạn của mẹ.

Chẳng có bà mẹ nào là hoàn hảo. Nhưng vì con cái, mỗi người mẹ luôn cố gắng để hoàn thiện bản thân mỗi ngày, nỗ lực để thấu hiểu và yêu thương con trẻ. Tập tản văn Trong vòng tay mẹ của biên tập viên Nguyễn Hoàng Diệu Thủy là tâm sự của một bà mẹ rất đỗi bình thường, vẫn còn nhiều thiếu sót, những luôn cố gắng để trở thành bạn của con.

tam-su-cua-nguoi-me-khong-hoan-hao
Tập tản văn Trong vòng tay mẹ. Ảnh: FB Nguyễn Hoàng Diệu Thủy

Đừng quá tin vào sách vở

Là biên tập viên sách, đã đọc rất nhiều cuốn viết về việc nuôi dạy con cái, tác giả Nguyễn Hoàng Diệu Thủy từng nghĩ rằng sau này mình sẽ chăm con rất nhàn. Cô từng ái ngại khi nhìn những bà mẹ loay hoay cho con ăn, vất vả dỗ dành hàng tiếng đồng hồ. Thế nhưng, khi chăm sóc cô con gái đầu lòng là bé Miu, người mẹ này mới “sáng mắt ra” theo đúng nghĩa đen.

Giờ đây, cô hiểu ra rằng mỗi đứa trẻ là một thực thể sống khác nhau, không thể bê y nguyên những lý thuyết trong sách kỹ năng làm cha mẹ ra để áp dụng một cách máy móc. Giống những bà mẹ bỉm sữa khác, Diệu Thủy đã hăm hở thực hành những gì mình đã học được trong sách vở mong giảm bớt áp lực trong quá trình nuôi con.

Thế nhưng, đôi khi, kết quả lại không như ý. Thậm chí, nếu cứ nhất nhất làm theo lời khuyên của các chuyên gia, đôi lúc người mẹ cảm thấy thêm áp lực mà thôi. Người mẹ trẻ nhận ra phải nuôi con theo cách của chính mình.

Nhưng những gì mà mẹ áp dụng với chị Miu, đôi khi lại không thành công với em Hét. Dù được sinh ra cùng một mẹ, hai chị em vẫn là hai cô bé với tính cách khác nhau. Nếu chị Miu hơi mít ướt và luôn tỏ ra chín chắn thì em Hét lại là một cô bé cá tính và bướng bỉnh.

Con cái càng lớn, mẹ Diệu Thủy bỗng nhận ra rằng đối mặt với những vấn đề sức khỏe của con trẻ như ốm sốt, nôn trớ khiến mẹ lo đến thắt ruột gan.

Trong khi đó, việc làm thế nào để đối phó với sự cứng đầu, ương ngạch và những cơn khủng hoảng tuổi lên hai, lên ba của con cũng khiến mẹ căng thẳng không kém. Có những lúc, mẹ cảm thấy cô đơn và bất lực bởi những lời chỉ trích từ mọi người xung quanh.

Đó là khi mẹ đã tìm đủ mọi cách để dỗ dành, nhưng con vẫn khóc mãi không chịu nín, mẹ đành để con khóc. Thay vì đồng cảm, an ủi hay động viên, mọi người quay lại trách mẹ không biết dạy con. Đáng buồn hơn, những lời chỉ trích ấy đến từ những người đã làm mẹ.

Nguyễn Hoàng Diệu Thủy chợt nhận ra rằng con gái cô cũng cần thời gian để trưởng thành, giống như mẹ của nó vậy. Việc cô cần làm bây giờ là kiên trì ở bên con, nhẹ nhàng giải thích cho con hiểu. Cứ thế, đợi con khôn lớn, giông bão và khủng hoảng rồi cũng sẽ qua.

tam-su-cua-nguoi-me-khong-hoan-hao
Biên tập viên Nguyễn Hoàng Diệu Thủy đã nhẹ nhà truyền cho con niềm vui đọc sách. Ảnh: FBNV

Nuôi con thời 4.0 chẳng dễ như người ta tưởng

Trong cuốn sách nhỏ của mình, tác giả Diệu Thủy đã bộc bạch những nỗi khổ của các bậc cha mẹ thời hiện đại. Đặc biệt là các bà mẹ đang nuôi con nhỏ ở các đô thị lớn.

Ai cũng biết rằng con trẻ phải được gần gũi với thiên nhiên, vận động nhiều mới tốt cho sức khỏe. Trẻ con phải được chơi với bạn bè cùng tuổi để tăng khả năng giao tiếp và làm việc theo nhóm.

Thế nhưng, để thực hiện những điều đó ở thành phố lớn chẳng dễ dàng. Để con gần gũi với thiên nhiên, bố mẹ phải sắp xếp thời gian đưa con tới công viên. Khi sống trong những khu chung cư “nhà nào biết nhà đó” cơ hội để con chơi với những người bạn cùng tuổi cũng không nhiều. Nếu để con chơi một mình, con rất dễ tìm đến máy tính bảng hay điện thoại thông minh để tìm thú vui.

Nguồn thông tin, hình ảnh trên mạng rất đa dạng, tốt xấu đều có cả. Bố mẹ không thể nào kè kè bên con để kiểm soát những thứ con xem. Thay vì để con làm bạn với những thiết bị điện tử thông minh, mẹ Diệu Thủy cùng con làm bạn với sách. Từ khi hai con còn nhỏ, bố mẹ đã dành một khoảng thời gian cố định mỗi tối để đọc sách cho con nghe.

Sau đó, ba mẹ con cùng nhau thảo luận về câu chuyện vừa đọc, xem hay dở thế nào, tốt xấu ở đâu. Từ đó, cha mẹ có thể rèn luyện cho con tư duy phản biện, sự tự tin khi dám trình bày suy nghĩ của bản thân.

Biên tập viên Nguyễn Hoàng Diệu Thủy cho rằng học tập là quá trình tìm tòi và khám phá suốt đời chứ không dừng lại ở những năm tháng học ở nhà trường. Vì vậy, việc đọc sách có thể rèn luyện cho con tinh thần ham học hỏi, không ngừng tìm tòi khám phá để vượt qua những giới hạn của bản thân.

Trong vòng tay mẹ là cuốn sách được viết bởi một bà mẹ bình thường, để dành tặng bao bà mẹ bình thường khác. Bất cứ ai cũng có thể tìm thấy hình ảnh của mình ở trong đó. Những nụ cười khi thấy con lớn khôn, và có cả những giọt nước mắt, những lần quát mắng con khi mẹ thấy yếu đuối và bất lực.

Làm mẹ giúp người phụ nữ trưởng thành hơn, qua đôi mắt trong veo của con trẻ, chúng ta cũng tìm lại được một phần tuổi thơ của chính mình.

Thụy Oanh

Theo Zing

 

Link nguồn: https://zingnews.vn/tam-su-cua-nguoi-me-khong-hoan-hao-post1213409.html

Cùng chuyên mục