Cổ kính xứ Quảng
Có một Quảng Nam cổ kính, Quảng Nam hay cãi nhưng… không chửi thề. Những dòng nhận xét ấy đã làm thức dậy trong tôi nhiều cảm xúc mỗi khi nghĩ về cốt tính xứ Quảng.
Ồn ào kiểu Quảng
Khi viết lời tựa cho cuốn “Người Quảng Nam” (Lê Minh Quốc, NXB Trẻ, 2012), nhà văn Sơn Nam nhận xét về xứ Quảng: “Một tỉnh cổ kính, sực nhớ nếu Sài Gòn đã 300 năm thì Quảng Nam đã có 500 năm”.
Nhà văn Sơn Nam viết những dòng này hồi tháng 6 năm 2006. Tính kỹ ra, thời điểm đó Quảng Nam cũng không hẳn chỉ có 500 năm tuổi. Và đến năm nay, 2021, kể từ thời điểm danh xưng “Quảng Nam” chính thức ra đời (đạo thừa tuyên Quảng Nam, năm 1471), chúng ta đều biết một phần dải đất “cổ kính” nằm trong vệt dài 3 phủ Thăng Hoa, Tư Nghĩa, Hoài Nhân đã chẵn 550 năm.
Nhưng nhắc lại, không chỉ “đọ” tuổi của Quảng Nam ngày nay (nằm trong thừa tuyên Quảng Nam xưa) mà là để nêu bật một nhận định thú vị của nhà văn Sơn Nam về xứ Quảng. Ông cũng đã rất tinh tế khi viết: “Trong quán ăn bình dân, nói chuyện lắm khi ồn ào, quả là “Quảng Nam hay cãi” nhưng không nghe tiếng chửi thề”.
Có nhiều công trình luận bàn về tính cách “hay cãi” của người Quảng, làm sáng rõ sự bộc trực và nặng về lý trí. Những tưởng nhà văn Sơn Nam chỉ lướt qua khi đưa ra nhận định ấy, nhưng không, ông dường như còn gián tiếp “minh họa” bằng những cá nhân ưu việt của xứ Quảng.
Ông kể giai thoại bà mẹ cụ Tổng đốc Hoàng Diệu gửi trả lại vóc lụa cho người con, kèm theo nhành dâu, tượng trưng cho ngọn roi để… cảnh cáo đứa con đừng nhận quà cáp gì của người dân. Tổng đốc cai quản 2 tỉnh thành, nhưng ở nhà, bà vợ vẫn lam lũ. Bà nghe tin chồng giữ thành Hà Nội và tuẫn tiết khi đang nhổ cỏ ngoài ruộng lúa. Một cách “cãi” của với thói xấu.
Nhà văn Sơn Nam còn nhắc sự kiện chấn động năm 1926: đám tang cụ Phan Châu Trinh ở Sài Gòn, với dòng người trật tự xếp hàng để đưa tiễn. Để rồi sau này khi nghiên cứu về phong trào Duy tân (công trình “Phong trào Duy Tân ở Bắc Trung Nam”, xuất bản lần đầu năm 1975, NXB Đông Phố, Sài Gòn), ông quả quyết cụ Phan là “nhân vật tiêu biểu nhất”. Thêm một cách “cãi” của cụ Phan với lề thói cũ, thông qua một phong trào lớn.
Trong công trình khảo cứu “Phong trào Duy Tân ở Bắc Trung Nam”, ngay trong phần đầu sách viết về danh xưng và bối cảnh, nhà văn Sơn Nam đã “nhắc nhở” về yếu tố địa phương lẫn đánh giá mang tính cá nhân. “Nghiên cứu phong trào Duy Tân ở Việt Nam, ta nên tránh cái nhìn lệch lạc, xem phong trào như một kiểu chánh đảng có quy mô được tổ chức từ 1930 về sau. Đồng thời ta nên từ bỏ óc địa phương, cho rằng địa phương này có công, hăng say cách mạng hơn địa phương kia, hoặc cho phong trào Duy Tân ở Việt Nam được rầm rộ chỉ là do sáng kiến của cá nhân này hoặc cá nhân khác” (Sđd).
Ấy vậy mà nhà văn Sơn Nam vẫn không “kìm” được cảm xúc khi tôn vinh cá nhân cụ Phan Châu Trinh trong lần viết lời tựa cho công trình của nhà nghiên cứu Lê Minh Quốc. Thậm chí, khi nhắc cuốn “Phong trào Duy Tân” của nhà văn Nguyễn Văn Xuân, ông còn bình luận thêm rằng nhà văn Nguyễn Văn Xuân đã bắt “trúng mạch” của phong trào này, xuất phát từ Quảng Nam rồi mới lan rộng ra cả nước… Có lẽ nhà văn Sơn Nam thực sự ngưỡng mộ tài năng của những cá nhân kiệt xuất như Phan Châu Trinh, và ít nhiều dành tình cảm yêu mến đối với xứ Quảng.
Tất nhiên, như lời tựa, chúng ta còn thấy nhà văn Sơn Nam tiện thể nhắc lại thời điểm ông ra đời (năm 1926) đúng vào năm cụ Phan Châu Trinh tạ thế. 1926 cũng là năm sinh của 2 người bạn xứ Quảng tài danh không kém của ông: nhà văn Vũ Hạnh và nhà thơ Bùi Giáng.
Giật mình với “cụ già lẩm cẩm”
Nhưng, nhắc đến nét cổ kính xứ Quảng không thể thiếu phố cổ Hội An.
Nhà văn Sơn Nam kể rằng, ông từng “giựt mình” khi bắt gặp nét bút viết tay chữ Hán lừng danh, hiện đại bên cửa một ngôi chùa ở Hội An. Ấy là đôi câu đối: “Đỉnh thiên lập địa/ Kế vãng khai lai” (nghĩa là: Đầu đội trời, chân đạp đất/ Kế thừa quá khứ, khai sáng tương lai). Chủ nhân những nét chữ Hán ấy chính là Vu Hữu Nhậm, người từng để lại vài chữ thần ở Chợ Lớn, “nghe đâu trên nóc đình Minh Hương Gia Thạnh”, Sơn Nam viết.
Có một Hội An “luống tuổi”, như chữ dùng của tác giả Tràng Thiên, trong cuốn tùy bút “Quê hương tôi” (NXB Thời đại, 2012). “Hội An, nó luống tuổi đến nỗi món ăn địa phương riêng biệt của nó cũng mệt mỏi, không có sức đi xa”, Tràng Thiên viết trong bài tùy bút hồi năm 1966 có tựa “Hội An” (sđd, trang 246). Tác giả kể, có nhà văn người Bắc đến thăm Hội An lần đầu tiên đã nhận xét rằng trọn cả thành phố này là một viện bảo tàng. “Nó đến cái tuổi thích ứng khó khăn, không theo kịp cuộc sinh hoạt mới. Đường của nó hẹp quá, nhà của nó xưa cũ quá, mà mỗi sửa sang là động đến những di tích không ai nỡ xóa bỏ” – Tràng Thiên viết.
Trong tùy bút này, Tràng Thiên lại nhắc đến cụ Phan Châu Trinh với những tư tưởng canh tân ươm mầm từ sớm. Tác giả tự luận: “…Những người trí thức sống ngay tại chỗ cửa ra vào của ngoại kiều tứ xứ như Hội An có được một lợi thế lớn lao biết chừng nào. Ở đó đá tảng đá khối người ta còn chở tới được, kể gì sách! Cụ Phan Châu Trinh đề cập tới vấn đề dân quyền sớm hơn các nhà nho khác ở các tỉnh lân cận? Chắc chắn sách của Khang Hữu Vi, của Lương Khải Siêu đến tay cụ trước những bạn hữu của cụ ở Quảng Ngãi, Bình Định khá lâu, lại càng trước những bạn hữu ở Khánh Hòa, Bình Thuận lâu hơn nữa”…
Thế đấy, một người khen “cổ kính”, một người (có lẽ hơi chê) rằng “luống tuổi”. Nhưng không sao, tất cả đều nói đến lớp bụi thời gian đã rắc lên xứ sở này. Và nhất là với phố Hội, chưa hẳn thời gian đã biến nơi chốn này trở thành “một cụ già lẩm cẩm ngày ngày lơ mơ nghiền ngẫm các kỷ niệm cũ và kiểm điểm các kỷ vật xưa” như ý của tác giả Tràng Thiên. Có nghiền ngẫm, có kiểm điểm, nhưng là để chọn một lối ứng xử thích hợp chứ không hẳn bịt chặt các lối ra vào…
Hứa Xuyên Huỳnh
Theo Quảng Nam Online
Link nguồn: http://baoquangnam.vn/van-hoa/co-kinh-xu-quang-111211.html