Đây là hội thảo do Hiệp hội xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam (VFDA) và Hiệp hội Điện ảnh Mỹ (MPA) chủ trì, phối hợp cùng Viện Ngôn ngữ – Quốc tế học (ILACS) thuộc Trường Đại học Kinh tế TP.HCM (UEH) và Trung tâm Sản xuất và Phát triển Nội dung số (VTV Digital), Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức.

lam-gi-de-nen-cong-nghiep-dien-anh-viet-phat-trien-ben-vung
Hội thảo đề cập nhiều vấn đề thiết thực. Ảnh: Minh Khuê

Hội thảo nhằm đưa ra những vấn đề mang lại lợi ích cho điện ảnh Việt Nam và các nhà làm phim quốc tế. Đó là xây dựng năng lực sản xuất, cơ chế ưu đãi sản xuất để làm ra những bộ phim có tiếng vang lớn trong nước và quốc tế; tầm quan trọng của bản quyền và các giải pháp xử lý việc khai thác phim không có bản quyền; cách thức giải quyết những vấn đề tồn tại và góp phần xây dựng nền công nghiệp điện ảnh phát triển, an toàn và bền vững.

Toàn bộ hội thảo chia làm ba phần lớn gồm: Quan điểm của các nhà làm phim; Tư duy toàn cầu; Bảo vệ thành quả.

Tại hội thảo, nhà sản xuất kiêm đạo diễn Charlie Nguyễn cho rằng để điện ảnh Việt phát triển thì nhà làm phim cần kể những câu chuyện của mình hơn là kể lại câu chuyện của người khác thông qua phương pháp Việt hóa.

Vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cần được quan tâm. Điện ảnh Việt đa phần tập hợp những người học từ công việc ra kiểu nghề dạy nghề. Việt Nam chưa có được những trường lớp thực dụng để đào tạo người làm nghề hiệu quả. Ở nước ngoài, họ có nhiều hiệp hội với luật lao động cụ thể, ràng buộc nhau để tạo nên đội ngũ chuyên nghiệp.

“Muốn có sự phát triển bền vững cần một đội ngũ chuyên nghiệp đồng bộ ở tất cả các khâu. Một đoàn phim là sự quy tụ của rất nhiều người với nhiều khâu từ đạo diễn, diễn viên, biên kịch, ánh sáng… Chúng ta đang ở hiện trạng một số khâu thì tốt nhưng một số khâu lại không ổn, nó chưa đồng bộ trong một đoàn phim” – nhà sản xuất kiêm đạo diễn Charlie Nguyễn cho biết.

lam-gi-de-nen-cong-nghiep-dien-anh-viet-phat-trien-ben-vung
Tất cả những góp ý đều nhằm giúp điện ảnh Việt phát triển bền vững. Ảnh: Minh Khuê

Đạo diễn Phan Đăng Di nhận định nên tập trung phát triển nội dung hay, chất lượng giữa thời đại cạnh tranh. Việc đầu tư đúng mức cho kịch bản, làm tốt đào tạo, tăng cường hợp tác sản xuất nước ngoài sẽ giúp điện ảnh Việt phát triển hơn.

Ông Nelson Mok – Giám đốc và Cố vấn Film Group, góp ý để có thể bán được phim Việt ra nước ngoài thì phim Việt phải thành công trong nước trước. Nước ngoài mua phim cũng chọn phim tỉ lệ người xem cao nhất. Việt Nam cần minh bạch số doanh thu của các phim đang chiếu ở thị trường, cập nhật nhanh như cách điện ảnh Hàn Quốc làm được để tạo số liệu tham khảo cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Với vấn đề thu hút các đoàn phim nước ngoài đến hợp tác sản xuất, quay phim tại Việt Nam, nhiều ý kiến được đóng góp.

Trong đó, ông Jay Roewe – Phó chủ tịch cấp cao, phụ trách Sản xuất và ưu đãi, HBO/WarnerMedia cho rằng để tăng tính cạnh tranh với các nước khu vực, Việt Nam cần các chương trình khuyến khích, chính sách hỗ trợ tốt nhất cho các đoàn phim nếu vào quay phim. Tuy nhiên, việc cần làm trước mắt, Việt Nam cần gửi thông điệp đến các nhà làm phim quốc tế rằng họ được chào đón đến đây bằng sự cởi mở, minh bạch. Việc thông qua kịch bản dễ dàng, thuận tiện cũng là một cách bày tỏ sự cởi mở với các nhà làm phim quốc tế.

lam-gi-de-nen-cong-nghiep-dien-anh-viet-phat-trien-ben-vung
“Kong: đảo đầu lâu” là phim nước ngoài quay bối cảnh Việt
lam-gi-de-nen-cong-nghiep-dien-anh-viet-phat-trien-ben-vung
Để thu hút nhiều đoàn phim nước ngoài, Việt Nam cần phải làm nhiều nhưng việc làm ngay là truyền thông điệp chào đón, cởi mở với thế giới

Nhà sản xuất Trinh Hoan cho biết đoàn phim nước ngoài muốn vào Việt Nam họ sẽ quan tâm giấy phép thế nào? Ưu đãi thuế ra sao? Hạ tầng đáp ứng đến đâu?. Về điều kiện kỹ thuật, thị trường điện ảnh Việt vẫn đáp ứng được, không còn quá khó khăn.

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng góp ý tương lai nên bỏ kiểm duyệt. Vấn đề kiểm duyệt luôn khiến nhà làm phim Việt phải tự kiểm duyệt trước tác phẩm mình thể hiện mà việc này lâu dần sẽ thui chột sáng tạo bởi việc lo này, lo kia.

Về vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, một số góp ý đề nghị luật bản quyền trong nước phải cập nhật, mức xử phạt phải mạnh, đủ tính răn đe và nếu cần thiết sử dụng biện pháp chặn trang web lậu, vi phạm luật để bảo vệ tài sản trí tuệ. Những chính sách minh bạch, chặt chẽ, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cũng là yếu tố góp phần để Việt Nam thu hút được các nhà làm phim quốc tế, các nhà đầu tư nước ngoài.

Cũng tại hội thảo, đạo diễn kiêm Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và phát triển tài năng điện ảnh (TPD) Bùi Thạc Chuyên cũng công bố ra mắt Quỹ điện ảnh MPA APSA Academy với 100.000 USA sẽ trao cho 4 người có dự án phim truyện đang ở giai đoạn quan trọng, đạt sự đồng thuận của các giám khảo xét duyệt.

Tiến sĩ Ngô Phương Lan cho rằng công nghiệp điện ảnh Việt vẫn ở giai đoạn manh nha nhưng không thiếu tiềm năng, cần cởi bỏ khó khăn để thu hút nước ngoài. Nhân dịp Luật Điện ảnh sửa đổi, những ý kiến đóng góp sẽ rất cần thiết để cùng góp phần tạo ra một hành lang pháp lý cập nhật, minh bạch và giúp điện ảnh Việt ngày càng phát triển.

Minh Khuê – Ảnh: NSXCC

Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)

 

Link nguồn: https://nld.com.vn/van-nghe/lam-gi-de-nen-cong-nghiep-dien-anh-viet-phat-trien-ben-vung-20210428150357989.htm