Huỳnh Thúc Kháng từng là… doanh nhân

Huỳnh Thúc Kháng là đại khoa Tiến sĩ Nho học, nhà Duy tân, nhà cách mạng công khai, nhà báo lẫy lừng… thì ai cũng biết nhưng khi gọi ông là doanh nhân thì nhiều người sẽ ngạc nhiên. Nhưng để trở thành một nhà báo lẫy lừng, tiếp tục con đường duy tân, con đường đấu tranh công khai cho dân tộc, thì ông từng làm… doanh nhân, quản lý một công ty hợp doanh!

huynh-thuc-khang-tung-la-doanh-nhan
Trụ sở báo Tiếng Dân, cũng là Hội sở của Công ty Huỳnh Thúc Kháng.

Doanh nhân Huỳnh Thúc Kháng

Từ lâu Huỳnh Thúc Kháng đã có ý muốn ra một tờ báo để làm phương tiện thực hiện chủ trương của Phong trào Duy tân. Cũng thông qua tờ báo nói lên tiếng nói của người dân, chống lại chế độ cai trị hà khắc của Pháp và Nam triều.

Vào thời điểm đó Huỳnh Thúc Kháng quan niệm: “Trăm vạn quân không bằng một tờ báo”. Vì ông cho rằng: “Tôi là nhà cách mạng công khai, tôi đấu tranh cho quyền lợi của dân tộc Việt Nam một cách công khai. Vì đất nước Việt Nam có biên cương và lãnh thổ công khai trên bản đồ thế giới. Cho nên, tôi cũng công khai nói lên tiếng nói của người Việt Nam yêu chuộng hòa bình, độc lập, tự do và tự chủ…” (Báo Tiếng Dân số ngày 1/5/1929).

Trước khi ra báo  Huỳnh Thúc Kháng phát nguyện ba điều: “Quyết mở tờ báo đầu tiên cho xứ Trung Kỳ, giữa kinh đô nước Việt Nam, dầu ra được 5 – 7 số mà chết cũng vui lòng; Theo thuyết chính danh của Khổng Tử, làm đúng như tên Tiếng Dân, thà chết, quyết không để cho cái gì lay chuyển hay lôi kéo đi đường khác; Giữ cái tinh thần phương Đông “quốc hữu” cùng nuôi đốm lửa nhiệt thành ái quốc của các nhà tiên thời trong đống tro tàn, không để đứt mất” (Ý kiến ông Huỳnh Thúc Kháng đối với thời cuộc, Nxb. Tiếng Dân, 1945, tr. 22, 23).

Chỉ sau một phiên họp ngày 7/9/1926 với tư cách Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ, Huỳnh Thúc Kháng đã “bắt đầu  thấy chán” vì chuyện dân chủ chỉ là bánh vẽ. Khẩu hiệu “cho nhân dân có quyền tham gia chính trị” chỉ là chuyện “phỉnh giỡn trẻ con” nên ông có ý định “chuyển sang làm báo”.

Ngày 8/10/1926, ông gửi đơn xin ra báo Tiếng Dân, trụ sở đặt tại Đà Nẵng. Ngày 12/2/1927, Toàn quyền Đông Dương Pasquier mới ký quyết định cho phép báo được ra đời nhưng với những quy định khắc khe và phải dời trụ sở ra Huế.

Tuy là tờ báo tư nhân hoạt động độc lập nhưng về mặt pháp lý vào thời điểm này tờ báo phải do một tổ chức hay một doanh nghiệp đứng tên xin phép. Mặt khác, muốn tờ báo hoạt động độc lập, “Nếu không có quyền nói tất cả những điều mà mình muốn nói, thì ít ra cũng giữ được cái quyền không nói những điều người ta buộc nói”, thì tờ báo phải tự chủ về mặt tài chánh, chủ động trong việc in ấn không bị lệ thuộc vào người Pháp, Nam triều hay một cá nhân, tổ chức nào.

Chính vì lẽ đó, Công ty Huỳnh Thúc Kháng – một công ty cổ phần được thành lập. Huỳnh Thúc Kháng người chủ trương báo Tiếng Dân trong vai trò Chủ nhiệm kiêm Chủ bút cũng lại phải điều hành luôn công ty với tư cách người quản lý.

Ông cho biết: “Kỳ Hội cổ đông lần thứ nhất, các đại biểu đồng thanh đề nghị lập công ty chuyên trách tập cổ, cử tôi chuyên gánh lấy” (Huỳnh Thúc Kháng Niên phổ, NXB VHTT, năm 2000, tr. 63).

Thời thế đã đưa đẩy một đại khoa Tiến sĩ Nho học trở thành một nhà báo tiếng Việt. Để được làm nhà báo ông lại phải làm một doanh nhân!

Công ty Huỳnh Thúc Kháng

Nói về việc thành lập công ty, Huỳnh Thúc Kháng cho biết: “Sào Nam tiên sinh cùng đồng nhân muốn tổ chức một chính đảng, đồng thời mở một tờ báo. Đa số tán thành, lại chú vọng vào một vài bậc danh nhân tiên thời ra gánh lấy. Nhưng theo sở kiến của tôi lúc bấy giờ mở một tờ báo ở Trung Kỳ thì cần hơn, còn vấn đề chánh đảng là việc phụ, cho nên đối với chánh đảng thì tôi có vẻ lãnh đạm, thành thử đồng nhân ủy việc ra báo cho tôi. Tôi nói: Không có chuyên trách thì không làm gì xong, đa số đều thuận theo, tôi mới tổ chức công ty chuyên trách tập cổ Huỳnh Thúc Kháng” (Sđd, tr. 62).

Về Hội sở của công ty, lúc đầu định đặt ở Đà Nẵng nhưng Tòa Khâm không chịu nên phải dời ra Huế. Công ty đã mua lại một căn nhà 2 tầng ở số 123 đường Đông Ba (nay là 193 Huỳnh Thúc Kháng). Căn nhà hai mặt tiền này phía đường Đông Ba được dùng làm Trụ sở tòa soạn báo Tiếng Dân, phía mặt sau trên đường Gia Long (Ngã Giữa, nay là đường Phan Đăng Lưu) được dùng làm nhà in.

Về thời gian thành lập, Huỳnh Thúc Kháng cho biết: “Bảo Đại năm thứ hai (Đinh Mão – 1927), Huỳnh Thúc Kháng công ty được thành lập” (Sđd, tr. 62) nhưng trước đó những “người sáng lập” đã  hoạt động tích cực. Đào Duy Anh được cụ Huỳnh phân công chấp bút soạn thảo điều lệ của công ty. Các thành viên cũng tỏa ra khắp nơi để huy động vốn.

“Về việc cổ phần, tôi với Trần Đình Phiên, Đào Duy Anh chia nhau đi các tỉnh Nam, Bắc kêu gọi còn ở Trung có Nguyễn Xương Thái lo liệu. Kể từ tháng 12 năm 1926 bắt đầu kêu gọi, đến tháng 2 năm 1927 đình chỉ việc kêu gọi, cổ đông đã lên tới ba vạn bạc”. (Sđd, tr. 63). Thực ra thì: “Vốn của Công ty là 30.800$00, nhưng thâu mãi cho đến 31.12.1927 mới được 29.085$00, cổ đông còn thiếu đến 1.715$00 chưa góp đủ” (Báo cáo của Hội đồng quản trị trong kỳ Đại hội cổ đông lần thứ  nhất ngày 15/4/1928).

Dựa vào  Báo cáo  ngày 15/4/1928 ta biết được một số hoạt động của công ty. Số vốn ban đầu của công ty được sử dụng vào các khoản sau: Mua trụ sở: 4.322,75 đồng. Xây thêm dãy nhà lầu 2 tầng ở phía đường Gia Long (Ngã Giữa) cho nhà in: 3.500 đồng. Mua máy móc cho nhà in: 15.122,44 đồng. Trang bị phương tiện làm việc: 960,04 đồng. Công ty hoạt động ở hai lãnh vực: Báo Tiếng Dân và Nhà in báo Tiếng Dân.

Nhà in ngoài nhiệm vụ phục vụ việc in ấn cho tờ báo là chính cũng in ấn phục vụ cho nhu cầu thị trường. Vì vậy, Huỳnh Thúc Kháng trên cương vị quản lý công ty (Chủ tịch Hội đồng quản trị) phải quản lý 3 bộ phận hoạt động: Bộ phận biên tập chuyên lo bài vở cho tờ báo, ông là Chủ nhiệm kiêm Chủ bút. Bộ phận ấn loát chuyên lo việc in báo và các loại giấy tờ khác của báo Tiếng Dân và các nhu cầu của thị trường, ông là Giám đốc nhà in. Bộ phận doanh nghiệp chuyên lo việc giao dịch và thương mãi: Bán báo, quảng cáo, ông là Quản lý, có Trần Đình Phiên và Nguyễn Xương Thái phụ tá.

Cũng theo báo cáo của Đại hội cổ đông ta biết dù chỉ mới đi vào hoạt động có hơn 4 tháng (từ số đầu tiên ngày 10/8/1927 đến cuối năm 1927) nhưng Huỳnh Thúc Kháng đã tỏ ra là một nhà quản lý tài năng, quản lý công ty hoạt động hiệu quả: số báo bán được là 152.512 tờ,  tiền lãi cuối năm đạt 1,453,01 đồng.

Và Huỳnh Thúc Kháng đã lãnh đạo công ty hoạt động hiệu quả suốt gần 20 năm. Mãi đến năm 1946, công ty mới giải thể do chiến tranh. Ông quả là một người đa tài, lĩnh vực nào ông cũng tỏ ra hết sức xuất sắc.

Lê Thí

Theo Quảng Nam Online

 

Link nguồn: http://baoquangnam.vn/nhan-vat/huynh-thuc-khang-tung-la-doanh-nhan-110900.html

Cùng chuyên mục