Chống sạt lở ở Hội An: Cân bằng thiên nhiên với kè sinh thái

Hai tháng sau khi 8 con lũ đổ bộ liên tiếp vào khu vực Hội An trong tháng 10 và 11 năm 2020, bờ sông Thu Bồn của làng Triêm Tây thuộc thị xã Điện Bàn, Quảng Nam vẫn còn tan hoang. Cánh rừng bần hai tuổi xanh tốt hồi nào đã chết gần hết, để lại những cành cây khô quắt xen lẫn rác từ thượng nguồn đổ về, kèm mùi tanh của cá chết.

“Cây ngâm nước 20 ngày liền không sống nổi”, tiến sỹ quy hoạch cảnh quan Ngô Anh Đào, người đã trồng rừng bần dọc theo bờ dài 650m của Triêm Tây và xã Cẩm Kim bên cạnh từ năm 2018, cho hay. Bà nói, buồn thì buồn thật, nhưng đây là quy luật của tự nhiên.

Cây bần là vật thế thân

Theo TS. Ngô Anh Đào thì “bần là cây tiên phong và vật hi sinh cho thế hệ hậu phương phía đằng sau.” Kết quả là, mặc dù số cây bần chỉ còn lại 1/3 nhưng bờ sông làng Triêm Tây không sạt lở như những năm trước mỗi khi lũ về.

Rừng bần này là lớp ngoài cùng thuộc giải pháp kè mềm sinh thái ứng phó với sạt lở được TS. Anh Đào đưa vào thử nghiệm tại trang trại An Nhiên của chị sau khi cơn lũ lịch sử năm 2017 đã làm sạt 12ha diện tích bờ sông. Trước khi kè được thi công, mỗi lần lũ về, bờ sông Triêm Tây lại lùi sâu thêm hơn chục mét và nhiều dân làng đã xác định sớm muộn họ sẽ phải rời đi.

chong-sat-lo-o-hoi-an
TS. Ngô Anh Đào, người thiết kế ý tưởng bờ kè sinh thái. Ảnh: Yến Dương

Mô hình kè mềm sinh thái là kết quả nhiều năm quan sát và nghiên cứu của TS. Anh Đào về hạ lưu sông Thu Bồn. Chị không coi đây là một phát minh gì mới mà đơn giản chỉ là quá trình phục hồi hệ sinh thái bản địa.

“Đây là một vùng rất nhạy cảm và mong manh,” nữ tiến sỹ quy hoạch cảnh quan cho hay, khi phải chịu áp lực từ con nước đổ về từ dãy núi Trường Sơn, đồng thời áp lực từ sóng biển và bão tố. Chỉ cần so sánh bản đồ lưu vực sông Thu Bồn từ năm 1984 với hiện nay, ai cũng có thể nhận ra sự xuất hiện, phình ra và cả sự biến mất của những cồn nổi. Nếu như cách đây hơn 30 năm, phía trước bờ Triêm Tây có bốn cồn cát to nhỏ, theo thời gian, bên lở bên bồi, nay chúng đã hợp thành một cồn lớn chệch sang hướng bắc khiến dòng chảy từ thượng nguồn đâm thẳng vào bờ làng Triêm Tây và xã Cẩm Kim ngay bên cạnh. Bởi thế mỗi khi lũ về, bờ Triêm Tây lại lở và bờ cồn cát bên kia thì bồi.

Dân làng Triêm Tây dường như đã quá quen với quy luật khắc nghiệt này của tự nhiên. Ở tuổi 54, anh Phạm Được đã phải chuyển nhà tới hai lần dù sinh ra và lớn lên ở chính ngôi làng này. Nhà đầu tiên của anh ở đầu làng nhưng đến tuổi đôi mươi, anh buộc phải chuyển đến giữa làng. Đến năm 2009, chính quyền xã đã vận động anh tiếp tục di rời nhưng vì “nhà ở thoải mái, có vườn, có con gà” mà anh quyết ở lại. Tuy nhiên, sau cơn lũ lịch sử năm 2017, khi nước ngập sâu đến 1.6m, anh mới sợ và quyết định phá nhà, bán đất và rời đến ngôi nhà hiện tại của anh ở cuối làng.

“Tôi muốn làm được nhà để lại cho con cái nên tôi chấp nhận đi,” anh Được kể lại. Mỗi lần chuyển như thế, anh “không buồn” vì “phải chấp nhận thôi.”

Cũng bởi mong muốn giữ được làng, lại có đam mê trồng cây, anh thợ xây dựng này đã bắt tay làm quản gia trang trại của TS. Anh Đào từ năm 2016 trên một mảnh đất ở cuối làng bị bỏ hoang vì một số dân đã lùi vào trong đất liền như anh Được. Một số khác, đặc biệt là lớp trẻ, đã bỏ nghề nông vì đất trồng lúa hoặc là không còn hoặc bị nhiễm mặn, và đi làm du lịch ở Hội An hoặc Đà Nẵng.

Trên mảnh đất hoang này, anh Được cùng các người thợ khác đã dựng lên những ngôi nhà gỗ có thiết kế hiện đại, kết hợp kết cấu cao của nhà sàn với nguyên liệu bản địa như tre và lá cỏ. Xen lẫn những ngôi nhà là khu vườn ươm mầm và nghiên cứu của đa dạng loài cây.

Đứng từ khu nhà nhìn ra hướng bờ sông là một rừng tre dân làng trồng vào những năm 1980 để ngăn lũ. “Nhờ rừng tre này, khi lũ đổ về dòng chảy nhỏ đi,” anh Được lý giải. “Giống như khi cho nước chảy qua giỏ ấy.”

Phía trước rừng tre, ven bờ sông chính là bờ kè sinh thái.

Dùng “mềm” chống “cứng”

Khác với kè cứng bằng bê tông được áp dụng phổ biến tại Việt Nam, kè mềm không chống lại sự tàn phá của sóng và lũ cuốn mà lùi lại và đón nhận nó — tương tự với phương châm sống chung với lũ của ngôi làng hơn 200 tuổi này.

“Triết lý phổ biến hiện nay là con người đang chống lại thiên nhiên, chinh phục thiên nhiên bằng giải pháp cứng và bỏ qua sự hiểu biết về hệ sinh thái ven bờ, sự tiếp cận giữa nước và đất”, TS. Anh Đào phân tích. “Tư duy kiểu chinh phục thiên nhiên, dùng cứng chọi lại với sức mạnh của thiên nhiên sẽ rất là kinh khủng vì sức tàn phá của thiên nhiên sẽ càng lớn hơn”.

Nguyên lý TS. Anh Đào đề cập đến là luật bất di bất dịch trong vật lý: lấy tay đấm vào tường sẽ luôn đau hơn nếu dùng cùng lực đó đấm vào chiếc đệm. Và trong bối cảnh cường độ và sức tàn phá của bão lũ ngày một lớn hơn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, những giải pháp ứng phó mới càng trở nên cấp thiết để giảm thiểu thiệt hại từ vỡ đê.

chong-sat-lo-o-hoi-an
Minh họa kè mềm sinh thái ba lớp dùng để ứng phó với sạt lở của TS. Ngô Anh Đào. Minh hoạ: lambinh

Trong thiết kế của kè sinh thái, cây bần được TS. Anh Đào mang về trồng từ Quảng Trị, chính là lớp ngoài cùng của chiếc đệm bảo vệ bờ làng. Bộ rễ của loài cây này gồm hai loại. Rễ chính chọc thẳng xuống, có thể sâu đến cả chục mét. Rễ phụ, còn gọi là rễ phổi, thì lúc non tua tủa ra như bàn chông, mềm và đung đưa theo sóng nước được. Khi cây lớn thì rễ phổi này cứng lại, nhô cao lên khỏi mặt bùn tầm 60-80cm, rất cứng. Bởi thế, cây bần vừa có khả năng tích bùn, giữ đất, vừa làm giảm giảm sức tàn phá của sóng ngầm.

Tiếp sau lớp bần là lớp cỏ, gồm những loài cỏ bản địa như cỏ búa, cỏ dùi có rễ trọc sâu có thể lên đến 3m dưới đất, bên cạnh cây tra là cây hai lá mầm, rễ chọc còn sâu hơn nữa, hơn chục mét. Đó là những cây dễ sống, mọc nhanh và có khả năng giữ đất tốt.

Lớp cuối cùng là dãy cây phi lao trồng từ năm 2017 nay đã cao đến 8m. Ngoài khả năng giữ đất, chiều cao và sự mềm mỏng của lá kim giúp vừa chắn sóng vừa chắn gió.

Ba lớp này cộng lại tạo nên một thảm thực vật xanh được gia cố bằng những lớp “khoá” sinh học bằng tre để hỗ trợ giữ đất trong những năm đầu khi những lớp cây còn non, rễ chưa đủ sâu.

Với những kết quả ban đầu đạt được, TS. Anh Đào tự tin triết lý đằng sau mô hình này là hướng đi đúng đắn cho vùng hạ lưu nhạy cảm đang phải hứng chịu cả thiên tai lẫn nhân tai. Việc xả lũ của hàng chục thuỷ điện ở thượng nguồn; khai thác cát ở lòng sông; nông nghiệp độc canh, khai thác nước ngầm không đúng cách gây sụt lún; kèm phát triển du lịch không tính đến sự mong manh của nền đất nơi đây đều góp phần gia tăng rủi ro sạt lở ở khu vực, tiến sỹ giải thích.

Cân bằng tự nhiên

Nhận thấy hiệu quả ban đầu của dự án, bên cạnh giá cả phải chăng — chi phí thi công 1m kè sinh thái chỉ bằng 1/5 chi phí làm kè bê tông — chính quyền Hội An dự định kéo dài tiếp 900m bờ kè dọc theo địa phận thôn Phước Thắng thuộc xã Cẩm Kim lân cận, nơi sau lũ năm 2017 bờ đã lở sâu 50m vào đất liền.

Tuy nhiên, không phải kè sinh thái không có rủi ro của nó. “Kè đòi hỏi cây phải phát triển đến mức nhất định nó mới phát huy được tác dụng”, ông Nguyễn Thế Hùng, phó chủ tịch thành phố Hội An cho hay. Đây là một thực tế cần cân nhắc khi chọn thời điểm bắt đầu trồng cây làm kè sinh thái bởi theo kinh nghiệm của người Hội An, cứ ba đến năm năm là một đợt lũ lớn sẽ lặp lại và rừng bần cũng cần chừng ấy năm để có khả năng chống chọi với lũ.

Minh chứng rõ ràng nhất là những thất bại ban đầu trong xây dựng bờ kè sinh thái của TS. Anh Đào. Thực tế, rừng bần chị trồng vào năm 2018 là đợt thử nghiệm thứ hai sau thất bại của năm 2017, khi cơn lũ lịch sử ập đến và giết chết những cây bần còn non nớt mới được một tuổi.

chong-sat-lo-o-hoi-an
Ông Phạm Được, sinh ra và lớn lên tại làng Triêm Tây, đã phải chuyển nhà do tác động của bão lũ và sạt lở. Ảnh chụp ngày 26/1/2021 tại làng Triêm Tây (Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Ảnh: Yến Dương

Bởi thế, mỗi bờ kè sinh thái đều đòi hỏi sự am hiểu sâu sắc về thổ nhưỡng và khí hậu địa phương. Được chính quyền Đắk Nông và Đắk Lắk mời nghiên cứu nhân rộng mô hình kè sinh thái cho bờ sông Krông Nô đang bị sạt lở nghiêm trọng, TS. Anh Đào không thể bê nguyên mô hình từ An Nhiên. Thứ mấu chốt không thay đổi là nguyên lý dùng các biện pháp “mềm, lùi và đón nhận” thay vì “tiến và chinh phục”.

Công việc dọn dẹp sau lũ ở An Nhiên còn tiếp diễn sau Tết. Trong khi đó, rừng bần đã bắt đầu có dấu hiệu hồi sinh. “Có thể mình sẽ để kệ nó, cây bần sẽ tự mọc trở lại, hoặc mình sẽ trồng thêm, tuỳ thuộc vào kinh phí,” TS. Anh Đào nói.

Cái quan trọng theo tiến sỹ là góc nhìn dài hạn. Một khi hệ sinh thái bờ kè được trở về thế cân bằng tự nhiên của nó, những lợi ích khác về kinh tế và xã hội sẽ theo sau.

Từ khi có bờ kè sinh thái, tôm cá, chim chóc, vịt trời, côn trùng về rất nhiều, tạo nên một nguồn sinh kế mới cho làng. Mỗi mùa xuân về, “chim nhiều đến nỗi tối không ngủ được,” anh Được chia sẻ. Bờ kè xanh mướt bên dòng sông trong suốt cũng góp phần thu hút thêm khách du lịch đến thăm làng cổ này.

Nếu như trước năm 2015, đất Triêm Tây được giao bán với giá 1 triệu/m2 cũng không mấy ai mua thì nay, giá đất đã tăng lên gấp 15 lần nhờ các dự án du lịch cộng đồng, resort và niềm tin đất làng sẽ được giữ. Dạo quanh con đường được bao quanh bởi hàng rào cây chè tàu của làng, có thể thấy người dân đang tranh thủ tu sửa và sơn lại nhà cửa cho vững chãi và khang trang hơn. Từ hai năm nay, người trẻ đi làm xa bắt đầu quay về với những kế hoạch làm du lịch và mở quán. Tất cả chỉ chờ đợi dịch bệnh qua đi để sẵn sàng hồi sinh.

Lê Giang Lam

Theo nguoidothi.net.vn

_____________

(Bài viết được sự hỗ trợ của Quỹ Báo chí Rừng Nhiệt đới cùng sự hợp tác của Pulitzer Center)

 

Link nguồn: https://nguoidothi.net.vn/chong-sat-lo-o-hoi-an-can-bang-thien-nhien-voi-ke-sinh-thai-28030.html

Cùng chuyên mục