Mượn sắc xanh thiên nhiên tô gam hồng cuộc sống
Từ khi phát kiến thuốc hóa chất tổng hợp với tác dụng đối đầu bệnh nguyên đặc thù theo kiểu ăn miếng trả miếng, từ kháng sinh khổ rộng qua hóa – xạ trị tầm sâu, thầy thuốc ngành y học hiện đại đã có thời gian dài xoa tay mãn nguyện với câu hò “đúng thầy đúng thuốc, có bệnh có thuốc”.
Kẹt ở chỗ thấy vậy mà không phải vậy!
Oái oăm chính ở điểm, sau giai đoạn vàng son kéo dài mấy trăm năm, thầy thuốc từ Đông sang Tây, hiện nay không thể phủ nhận một thực tế phũ phàng, đó là:
Thảm trạng nghịch lý vì bệnh viện tiếp tục quá tải do số bệnh nhân, ngay cả ở các quốc gia tự hào với nền y tế có cấu trúc tiên tiến, tiếp tục tăng với cấp số làm chóng mặt ngành y dược!
Thực tế bẽ bàng vì biến chứng nhiêu khê của nhiều bệnh mãn tính mang tên bệnh thời đại, từ bại liệt do tai biến mạch máu não, đột tử vì nhồi máu cơ tim, mù mắt, đoạn chi, suy thận do bệnh tiểu đường… ngay ở thời điểm kỹ thuật số lên ngôi vẫn chưa hề lùi một bước nhỏ!
Áp lực khó lường trên sức khỏe cộng đồng từ phản ứng phụ nghiêm trọng của nhiều loại thuốc thuộc nhóm “không dùng không được”, như thuốc tim mạch, tiểu đường, thấp khớp…, nguyên nhân vừa làm “xói mòn” kinh phí của bảo hiểm y tế, vừa bào mòn sức đề kháng vốn đã thui chột của bệnh nhân!
Đòn đo ván bất ngờ của nhiều thể dạng bệnh lý mới, tàn độc hơn, tinh vi hơn, nếu so với bệnh kinh điển, vì vận tốc phát tán quá cao và khả năng biến thể quá nhanh so với tiến độ nghiên cứu của ngành y dược khiến thầy thuốc lẫn bệnh nhân chẳng khác nào chỉ còn cách trông mong vào may rủi “trong nhờ đục chịu”! Covid-19 là dẫn chứng điển hình!
Phải có lý do nào đó khiến thuốc ngày nay xịn hơn xưa, thầy giỏi hơn xưa, máy tốt hơn xưa, nhưng bệnh lại đông hơn, bệnh trẻ hơn, bệnh nặng hơn xưa? Chuyên gia y dược đã phơi bày dưới lăng kính y học thực nghiệm. Nguyên nhân rất đơn giản khiến tế bào, đơn vị của sức sống, của tuổi thọ, chợt một ngày tóc trắng như vôi vì cấu trúc bị biến thể thành dị thường, vì chức năng sinh lý bị rối loạn thành bệnh lý, vì di thể xáo trộn khiến tế bào đời con vừa quái dị về ngoại hình vừa ăn hại vì “vô công rỗi nghề”, để bản án tử hình mang tên ung thư trở thành cơn ác mộng triền miên!
Lý do là vì tế bào thoái hóa quá sớm trước mũi dùi công kích không ngừng của chất phá hoại mang tên chất oxy-hóa! Chất này, còn có tên khoa học khó hiểu là Gốc tự do, lang thang khắp nơi trong cơ thể để tìm bất cứ nơi nào có thể ăn bám, bám chặt, để rút tỉa dưỡng chất khiến tế bào khỏe mạnh. Dù gia chủ tuổi đời hãy còn trẻ, nhưng lại chết yểu sau khi sản sinh đợt tế bào không giống tế bào gốc về ngoại hình lẫn chức năng. Khi đó hệ miễn dịch tuy có nhưng như không vì mất khả năng nhận diện bệnh nguyên; cơ thể không tổng hợp kháng thể, nội tiết tố, collagen…; huyết cầu không được tân tạo, nhu mô không được phục hồi… để chủ thể là miếng mồi ngon của siêu vi, vi khuẩn, nấm mốc, chất sinh ung thư… Cuối cùng, gia chủ nhanh chân bắt trớn vào giai đoạn 3 của vòng sinh-lão-bệnh-tử cho dù chưa… lão!
Nếu tưởng chất này vì có tên oxy gì đó nên là sản phẩm ngoại lai núp kín trong bầu không khí, điều đó tuy đúng phần nào nhưng chưa chính xác! Đúng là chất oxy-hóa ăn theo môi trường ô nhiễm đang chực chờ từng cơ hội nhưng thù ngoài xem vậy không ác, không độc cho bằng giặc trong! Chất oxy-hóa với lực lượng sở dĩ thừa sức tấn công tế bào lành mạnh mỗi ngày cả chục ngàn lần là do được chính gia chủ tiếp tay cho giặc qua nếp sống trái ngược với quy luật của thiên nhiên: chọn stress thay người thân, mang công việc vào giấc ngủ, tự đầu độc với bia bọt, thuốc lá, thực phẩm công nghệ, thuốc hóa chất tổng hợp và nhất là với động cơ tham sân si 24/24; thay vì “tri túc tiện túc hà thời túc” để bộ não, trái tim, lá gan, quả thận, khung ruột… được đối xử công bằng!
Từ khi nắm bắt được cơ chế sinh bệnh của chất oxy-hóa, tất nhiên các nhà nghiên cứu y dược hối hả tìm phương giải cứu. Nếu tưởng lối thoát phức tạp chỉ tìm thấy trên đỉnh Hy Mã Lạp Sơn hay tận đáy biển Thái Bình thì lầm to! Giải pháp an toàn, từa tựa như hạnh phúc, thường khi rất gần trong tầm tay, quá gần trong tầm mắt. Chất oxy-hóa, dù trăm mưu ngàn chước thế nào, vẫn phải bó tay theo đường đào thải nếu cơ thể có sẵn hoạt chất sinh học đóng vai trò chất độn không cho chất oxy-hóa có cơ hội lân la làm quen với màng tế bào.
Lại lầm nếu tưởng phải tìm mặt trăng giữa ban ngày! Cứu tinh mang tên chất kháng oxy-hóa không hề thiếu trong môi trường sống XANH ngát màu thiên nhiên, trong chế độ dinh dưỡng với thực phẩm XANH (rau, củ, quả, hạt) chiếm ưu thế; trong cuộc sống với nếp tư duy đậm màu XANH tình người sao cho “mỗi ngày tôi chọn một niềm vui” nhờ “con tim bỗng vui trở lại” và “từ đó người biết yêu người”!
Theo ngôn ngữ tượng hình của Đông y, “tà chi sở tấu, kỳ khí tất hư” (bệnh chỉ phát tán khi sức đề kháng suy yếu), mặt khác, khó lòng “khu tà” (loại trừ bệnh nguyên) nếu quên “phù chính” (tăng cường sức kháng bệnh). Cũng trong ý nghĩa này mà nhiều thầy thuốc Tây y từ góc nhìn thực nghiệm theo kiểu “chưa bệnh thấy rõ không cần chữa” đã phải chuyển sang quan điểm trị bệnh toàn diện được đề cập rất rõ từ mấy ngàn năm trước trong Nội Kinh, đó là “thầy thuốc giỏi chữa bệnh khi bệnh chưa phát”!
Bệnh không bao giờ chịu giậm chân tại chỗ, nhất là khi thủ phạm tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh phát tán chính là… nạn nhân! Tương tự như trong bóng đá, nếu hàng tiền đạo không bén nhọn như mong muốn thì chỉ còn cách tập trung vào chiến thuật phòng ngự phản công. Ai nắm bắt được nguyên tắc biến XANH thành HỒNG, ai hiểu cách mượn sức kháng bệnh từ cách “dùng thực phẩm như dùng thuốc” (Hippocrates), người đó có sẵn trong tay giải pháp hợp lý để sống vui, trẻ, khỏe, đẹp!
Từ nhận thức nêu trên, nhân dịp một mùa Xuân mới đang về trước ngõ, xin thân chúc độc giả xa gần của 24h Sống Xanh: 365 ngày trước mặt, dù tất bật thế nào, cho dù gian truân cách mấy, cũng đừng quên ngày ngày ươm hạt giống hy vọng cho dù mảnh đất khô cằn ra sao, để cây xanh nghị lực sớm đủ sức bật thành tiềm năng kháng bệnh, để con đường trước mặt, nếu như đang tăm tối bất hạnh, chắc chắn vẫn còn đó ánh sáng cuối đường, chắc chắn vẫn có thế thắp sáng bằng ngọn lửa trong tim. Chỉ cần bấy nhiêu đã đủ để: nếu bóng tối đêm nay có tô đen đoạn buồn trước mặt thì cũng chỉ để tăng phần rực rỡ cho vầng hồng rạng đông của ngày mới đang đến rất gần.
BS Lương Lễ Hoàng – Khoa Điều trị kết hợp Đông Tây y Trung tâm oxy cao áp TP.HCM
Theo Ấn phẩm 24h Sống Xanh