Miền Trung cần làm gì để hạn chế sạt lở đất
Sạt lở đất ở miền Trung vừa qua được nhận định do mưa lớn, địa hình dốc, địa chất phong hóa.
Hội thảo “Thiên tai lũ quét, sạt lở đất ở khu vực miền Trung, nguyên nhân và giải pháp giảm thiểu” được Tổng hội Xây dựng Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam được tổ chức sau gần 3 tháng liên tiếp xảy ra khiến 111 người dân miền Trung chết, mất tích và thiệt hại trên 30.000 tỷ đồng.
Tại xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, Quảng Nam trong tháng 10/2020 có 27 ngày mưa, với tổng lượng mưa đạt 1.512 mm. Xã Phước Thành, huyện Phước Sơn trong tháng 10 đã xuất hiện 25 ngày mưa, với tổng lượng mưa đạt 1.305 mm; lượng mưa ngày 28/10/2020 là 342 mm. Tại trạm bảo vệ rừng 67, xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế, lượng mưa từ ngày 6 đến 12/10/2020 khoảng 2.200 mmm.
Lượng mưa rất lớn kéo dài nhiều ngày đã làm cho đất bão hòa nước, mất dần liên kết nên gây sạt lở đất. Những khu vực này địa hình dốc lớn, cộng với địa chất phức tạp dẫn tới tình trạng sạt lở nghiêm trọng.
Ông Nguyễn Văn Vỹ, Chi cục trưởng Phòng chống thiên tai Miền Trung – Tây Nguyên, cho rằng ngoài các yếu tố trên thì lượng mưa vượt lịch sử khiến lũ tập trung nhanh, nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét.
Một yếu tố khác là do nhận thức, mức độ quan tâm của chính quyền và người dân một số nơi còn hạn chế. Những khu vực này chưa tập trung đề ra giải pháp cụ thể cũng như đầu tư thích đáng cho công các tác phòng chống thiên tai. Một số nơi trong quá trình xây dựng hạ tầng, sinh sống, sản xuất còn làm gia tăng rủi ro thiên tai và thiệt hại.
Ông Vỹ đề xuất giải pháp xây dựng bản đồ cảnh báo thiên tai phù hợp với đặc điểm thiên tai, điều kiện từng vùng, miền. Nhà chức trách cũng cần xây dựng, lập các bản đồ cảnh báo nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, lũ ống với tỷ lệ phù hợp làm cơ sở quy hoạch bố trí dân cư, chủ động di dời, tái định cư.
Đồng quan điểm, đại diện Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Quảng Nam đề xuất để giảm thiếu sạt lở, lũ quét ở miền núi cần nâng cao chất lượng quy hoạch, quản lý và thực hiện quy hoạch.
Một giải pháp khác là thực hiện lắp đặt hệ thống quan trắc, cảnh báo sớm tự động tại các khu vực được dự báo có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở đất. Triển khai ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng cơ sở dữ liệu, hệ thống quan trắc, giám sát chuyên dùng, công cụ hỗ trợ trong ứng phó, chỉ đạo điều hành phòng chống thiên tai.
Ông Lưu Đức Cường, Viện trưởng Quy hoạch Đô thị và Nông thôn quốc gia cho rằng để ứng phó lũ quét, sạt lở đất, giảm nhẹ rủi ro thiệt hại cần điều tra, khảo sát, lập các bản đồ cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất đá. Hiện nay mới có bản đồ cảnh báo sạt ở tỷ lệ 1/50.0000 – đây là chỉ là các cảnh báo cấp vĩ mô phục vụ phát triển quy mô vùng.
“Ở mước độ chi tiết, để quy hoạch lựa chọn địa điểm xây dựng các khu dân cư cần có bản đồ cảnh báo khu vực nguy cơ lũ quét, trượt lở đất làm cơ sở lựa chọn địa điểm khu đất xây dựng. Các đồ án quy hoạch cần xây dựng các bản đồ nguy cơ lũ quét, trượt lở đất tỷ lệ chi tiết từ 1/10.000 đến 1/5000”, ông Cường đề xuất.
Ông Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam, cho hay sau hội thảo theo chức năng và nhiệm vụ của mình sẽ tiếp tục cùng với các địa phương, vận dụng các kết quả nghiên cứu trong hội thảo, triển khai công tác phòng, chống mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất. “Tổng Hội sẽ phối hợp với Bộ chuyên ngành xây dựng các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn cụ thể để đầu tư các công trình hạ tầng như đường giao thông, các công sở, nhà ở đảm bảo phù hợp, an toàn trước thiên tai”, ông nói.
Bài & ảnh: Đắc Thành
Theo VnExpress
Link nguồn: https://vnexpress.net/mien-trung-can-lam-gi-de-han-che-sat-lo-dat-4222043.html