Những tác phẩm đáng chú ý của văn học Việt năm 2020

Biên sử nước, Đi trốn là hai trong số những tác phẩm đáng chú ý của văn học Việt năm 2020.

Nếu Biên sử nước đánh dấu bước ngoặt trong hành trình văn chương Nguyễn Ngọc Tư thì Đi trốn khẳng định tên tuổi Bình Ca. Trong khi đó, Gió bụi đầy trời được đánh giá có chiều sâu tư tưởng.

Gió bụi đầy trời

Sau nhiều năm vắng bóng văn đàn kể từ Đại gia, nhà văn Thiên Sơn có sự trở lại ấn tượng với Gió bụi đầy trời. Sách ra mắt tháng 8, đoạt giải thưởng tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam.

Gió bụi đầy trời là tiểu thuyết lịch sử, đưa người đọc quay lại điểm khởi đầu của cuộc cách mạng mở ra một thời đại: Cách mạng Tháng tám năm 1945.

Trong tác phẩm này xuất hiện những nhân vật lớn nhất ở các xu hướng chính trị khác nhau, có tác động, chi phối tới giai đoạn lịch sử ấy. PGS.TS Phạm Xuân Thạch đánh giá “Gió bụi đầy trời một mình một lối. Nó có một thứ mà từ lâu khá hiếm trong văn chương Việt: Tầm vóc tư tưởng, chiều sâu của những suy nghĩ đa chiều về thực tại”.

nhung-tac-pham-dang-chu-y-cua-van-hoc-viet-nam-2020
Tiểu thuyết lịch sử Gió bụi đầy trời. Ảnh: Y Nguyên

Đốt cỏ ngày đồng

Đốt cỏ ngày đồng được ra mắt hồi tháng 8 trong bộ ba Và khi tro bụi, Tiếng Kiều đồng vọng, Đốt cỏ ngày đồng. Tác phẩm được ví như cơn mưa xoa dịu nỗi mong chờ tác phẩm mới của người hâm mộ Đoàn Minh Phượng.

Tác phẩm được viết theo dòng ý thức, không nêu bối cảnh cụ thể về không gian, thời gian, không rõ cốt truyện. Đó là một hành trình đi sâu vào tâm tưởng, để rồi đọng lại trong bạn đọc là những cảm nhận về nhân sinh, về sự ê chề của kiếp người, sự hoài nghi thực tại, nỗi ám ảnh về sự đổ vỡ.

nhung-tac-pham-dang-chu-y-cua-van-hoc-viet-nam-2020
Sách Đốt cỏ ngày đồng. Ảnh: Tao Đàn

Hà Nội bảo thế là thường

Tập tản văn của tác giả Nguyễn Trương Quý viết về những điều tưởng chừng nhỏ bé như chuyện ăn uống, chuyện đội mũ mặc áo, chuyện ở nhà, chuyện ra phố, chuyện xe kéo, chuyện nhảy đầm…

Qua quan sát tinh tế của nhà văn, những mảnh ghép giản dị ấy hiện lên rõ nét. Những chuyện “bảo thế là thường” ấy không phải chuyện “tầm thường”, mà là nét văn hóa đã trở nên thường nhật của người Hà Nội.

Mỗi trang viết của Nguyễn Trương Quý đều là kết quả của sự khảo cứu tư liệu kỹ lưỡng, những quan sát tỉ mỉ, những liên tưởng từ quá khứ tới hiện tại cùng văn phong luôn ẩn chứa nụ cười hóm hỉnh, ý nhị.

nhung-tac-pham-dang-chu-y-cua-van-hoc-viet-nam-2020
Tập tản văn Hà Nội bảo thế là thường. Ảnh: Sachnhanam

Đi trốn

Khi Quân khu Nam Đồng trở thành hiện tượng vài năm trước, từng có người nghĩ đó là cú ăn may của một “tay mơ” viết sách. Cho đến khi Đi trốn ra mắt tháng đầu 11, sức hút trong ngòi bút Bình Ca được thừa nhận.

Tác phẩm là câu chuyện của 5 đứa trẻ – những đứa con nhà cán bộ nơi thành phố – về quê sơ tán do chiến tranh.

Trong một lần ngẫu hứng nông nổi, chúng đi trốn, nhưng không ngờ không thấy đường về. Chúng buộc phải dấn thân phiêu lưu giữa chốn núi non hang động và sông nước hoang sơ để tìm lối ra.

nhung-tac-pham-dang-chu-y-cua-van-hoc-viet-nam-2020
Sách Đi trốn. Ảnh: Nhã Nam

Vốn sống giàu trải nghiệm, hòa điệu trong lối văn tự nhiên, tiết chế, tốc độ vừa phải, chắc chắn, Bình Ca đã dựng ra được một không khí riêng cho cuốn tiểu thuyết, với màu sắc lịch sử sắc nét, không gian địa lý chân thực, và một thế giới trẻ thơ sống động.

Tác phẩm đọng lại trong lòng độc giả câu chuyện trong trẻo về sự hồn nhiên và sức sống của lũ trẻ. Giữa thiên nhiên hung hiểm và chiến tranh khốc liệt, sức sống ấy là một ẩn dụ về vẻ đẹp và niềm hy vọng.

Biên sử nước

Trên văn đàn hiện nay, rất ít người có được thành công như Nguyễn Ngọc Tư. Tác phẩm của chị vừa được giới chuyên môn đánh giá cao, lại vừa có độ phủ rộng, được đông đảo bạn đọc yêu thích.

Sau thành công của những tập truyện ngắn, truyện dài, Biên sử nước là cuốn tiểu thuyết thứ hai của Nguyễn Ngọc Tư, ra mắt tháng 12.

nhung-tac-pham-dang-chu-y-cua-van-hoc-viet-nam-2020
Tiểu thuyết Biên sử nước. Ảnh: Ngô Vinh

Điểm độc đáo của Biên sử nước chính là đa nhân vật, đa tuyến truyện nhưng có cùng một điểm kết. Chất hư ảo pha lẫn với thực tại đưa thân phận của mỗi nhân vật trong hành trình đi tìm trái tim Đức Ngài được nhập lại thành một.

Tác phẩm đánh dấu bước ngoặt trong ngòi bút Nguyễn Ngọc Tư. Bằng cách kể độc đáo, ý tứ truyện lạ lùng, Biên sử nước cô đọng đến mức độc giả cảm nhận được sự dè sẻn và tiết kiệm từng câu, từ.

Y Nguyên

Theo Zing.vn

 

Link nguồn: https://zingnews.vn/nhung-tac-pham-dang-chu-y-cua-van-hoc-viet-nam-2020-post1166538.html

Cùng chuyên mục