Chèo ghe bẻ bắp bên sông…
Tuy vậy, mỗi trận lụt đi qua đều mang theo phù sa lớp lớp bồi đắp khắp gành bãi ruộng vườn. Bởi thế, cả một vùng đất mênh mông trù phú trải dài theo đôi bờ dòng sông như làng Đông Châu Tam Phúc của tôi, đất ấy còn được gọi là đất tân bồi, tức là bồi nên đất mới.
Riêng tôi, nỗi niềm quê xứ luôn hiện hữu khi chẳng thể nào quên cái mùi hương phù sa của đất tân bồi, nhớ rõ tên từng xứ đất, từng địa danh làng xóm xa xưa đã khảm khắc in sâu vào vô thức. Ví như nơi này là Đại Hòa, lên đến nỗng trên kia là Bồn Bồn, còn phía cồn xanh kéo rộng ra tận mé nước kia là Nam Giang… Cứ như thế, hết đất bên này sông cho tới đất bên kia sông tôi thông thuộc như người am tri điền bộ, không sót tên một xứ đất nào.
Nhưng tôi đang nói về cái sự lạ đời của bài ca dao: “Chèo ghe bẻ bắp bên sông/Bắp chưa có trái bẻ bông đem về”. Lạ đời là vì sao “bắp chưa có trái bẻ bông đem về”? Vâng, cả một vùng đất trù phú mà tôi vừa nhắc tới không sót một tên nào ấy, tất cả đều nằm lọt trong cái quãng sông “chèo ghe bẻ bắp” này đây. Và bởi nguyên một vùng đất thấp nằm liền kề bên sông, nên đến mùa mưa lụt thì thường bị ngập trước mọi nơi khác.
Thực ra cây bắp không phải là giống cây làm giàu trên xứ đất tân bồi màu mỡ phù sa này. Những gành bãi, cồn cao, nà thấp trải dọc theo đôi bờ của hai con sông Thu Bồn và Vu Gia, hễ vào mùa xuân là mọi người đi ngang qua đều tận mắt nhìn thấy cả triều biển các loại cây trồng: thuốc lá, dưa hồng (dưa hấu), đậu phụng, bạc hà, cây dâu (nuôi tằm)… đua nhau nõn mượt, xanh bạt ngàn tưởng như giáp đến tận chân trời. Chính các giống loài cây trái này đã làm nên tên tuổi người dân đất ba châu một thời nức tiếng làm giàu.
Thế nhưng bắp mới là cây lương thực truyền thống. Từ thời xa xưa thuở mới khai hoang mở đất, nơi đây hầu như chỉ chuyên canh cây bắp. Vụ xuân, hay còn gọi là bắp tháng ba, tiếp đến là bắp tháng năm, và vụ cuối cùng của năm là bắp tháng mười – tức vụ đông, vụ mùa này rơi đúng vào trọng tâm của tháng mưa lụt.
Đã mưa lụt tràn ngập khắp gành bãi thì chuyện “chèo ghe bẻ bắp” là đương nhiên rồi. Không thu hoạch được viên mãn như hai vụ bắp tháng ba và tháng năm, vụ tháng mười thường gặp lũ lụt tràn ngập vào thời điểm bắp còn non, có đám bắp mới xé miệng râu đỏ tươi chưa nên hình trái.
Bởi thế bài ca dao nghe thoáng qua giống như bông đùa, nhưng quả thực từ sâu lắng thì đấy lại là tiếng cười rưng rưng. Vì rằng “bẻ bông” ở đây đích thực là đi tìm cái ăn chờ qua mùa giáp hạt. Chèo chống vượt qua nguy hiểm mưa lụt bốn bề, đói no là thế, cơ cực là thế mà bát ngát hồn hậu một trời ca dao lạc quan nhường ấy…
Nguyễn Nhã Tiên
Theo Quảng Nam Online
Link nguồn: http://baoquangnam.vn/tap-but-tap-van/cheo-ghe-be-bap-ben-song-106273.html