Ống hút từ bã mía của Đài Loan là giải pháp xanh thú vị

Tiếp sau món trà sữa trân châu tạo nên một hiện tượng toàn cầu, Đài Loan mới đây gây chú ý với phiên bản ống hút sinh thái làm từ bã mía đang gia nhập thị trường Mỹ và nhiều nước khác.

Theo khảo sát của Ngân hàng Thế giới, thế giới thải ra đến 242 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm, trong đó 57 triệu tấn có nguồn gốc từ châu Á – Thái Bình Dương, 45 triệu tấn từ châu Âu và Trung Á, và 35 triệu tấn từ Bắc Mỹ. Thống kê cho thấy, mỗi năm trên thế giới có 370 tỷ ống hút nhựa dùng một lần bị vứt vào các bãi rác. Các nhà khoa học đưa ra cảnh báo đại dương sẽ có nhiều rác thải nhựa hơn tôm cá vào năm 2050, nếu không có hành động nào được thực hiện.

ong-hut-tu-ba-mia
Ống hút từ bã mía tận dụng nguồn mía dồi dào ở Đài Loan

Giảm thiểu lượng chất thải nông nghiệp

Bên cạnh đó, các hệ thống tái chế trên khắp thế giới đang gặp khó khăn do chính phủ các nước dồn ngân sách ứng phó với đại dịch Covid-19. Tái chế được cho là không đủ để giảm tác hại môi trường. Một giải pháp sáng tạo hơn là thay thế nhựa. Sau khi món trà sữa trân châu Đài Loan làm mưa làm gió trên thế giới trong những năm gần đây, ống hút thân thiện với môi trường có thể là mặt hàng kế tiếp “made in Taiwan” được thế giới hoan nghênh về đây là sản phẩm xanh.

Ống hút làm từ bã mía được mệnh danh là “cứu tinh cho những người yêu thích trà sữa trân châu” vì Đài Loan đã cấm sử dụng ống hút nhựa từ cuối năm 2019. Nhưng trước đó rất lâu, ống hút bã mía đã được thị trường Canada chào đón. Ngay cả khi giá thành của ống hút bã mía đắt gấp đôi ống hút nhựa, đơn đặt hàng từ Canada vẫn tiếp tục tăng.

“Mía được trồng rất nhiều ở Đài Loan. Vào thời thuộc địa của Nhật, mía là trụ cột của nền kinh tế địa phương. Cho đến tận ngày nay, nhiều người già ở Đài Loan vẫn chia sẻ ký ức tuổi thơ là cùng nhau chia sẻ các khúc mía được bày bán khắp nơi. Vì vậy, chúng tôi đã sản xuất ống hút từ bã mía khi có ống hút làm từ bột ngô, giấy, tre hoặc thép không gỉ,” ông James Chen, CEO công ty PFTA, cho hay.

Ông cho biết một lý do khác mà ông chọn sử dụng bã mía là để giúp giảm thiểu lượng chất thải nông nghiệp. Đài Loan được xem là vương quốc của trái cây và rau quả. Nông sản dồi dào đồng nghĩa với chất thải dồi dào. Vỏ dứa, chuối, đu đủ, hoặc thậm chí bã cà phê có thể là gánh nặng cho môi trường vì chúng tạo ra khí mê-tan trong phân trộn hoặc bãi chôn lấp và làm tăng lượng khí thải CO2 khi đốt.

ong-hut-tu-ba-mia
Ống hút bã mía có thể tái sử dụng và không gây hại cho môi trường

Thiết lập một tương lai không rác thải nhựa

Chính phủ các nước ASEAN cũng hoan nghênh ống hút bã mía vì món trà sữa ngày càng phổ biến ở các nước của họ. Thái Lan là nước đầu tiên áp dụng ống hút bã mía nhập khẩu từ Đài Loan. Malaysia được ghi nhận đã cấm sử dụng ống hút nhựa vào năm 2019, Bali và Jakarta của Indonesia cấm chúng vào năm 2020.

Đến nay, bã mía chỉ là một trong nhiều sản phẩm không chứa nhựa của công ty PFTA. Công ty này tận dụng sợi thực vật tự nhiên (PFP), được ghi nhận là vật liệu xanh để sản xuất các sản phẩm có thể tái sử dụng như ly, đĩa, bát, ống hút, thìa và nĩa dùng một lần, đồ chơi và thậm chí vật liệu xây dựng.

ong-hut-tu-ba-mia
Bã mía và sợi thực vật tự nhiên là nguyên liệu đón đầu xu hướng sản xuất bền vững

Ông Chen chia sẻ thêm: “Khách hàng ngày càng quan tâm hơn đến vật liệu xanh và sản phẩm có khả năng phân hủy sinh học. Điều này có nghĩa là tiềm năng thị trường rất lớn cho các doanh nghiệp chú trọng yếu tố bền vững. Chúng tôi muốn góp phần vào việc thiết lập một tương lai không rác thải nhựa và nền kinh tế tuần hoàn. Đó là một hành trình dài và khó khăn nhưng chúng tôi tự tin vì thấy ngày càng nhiều khách hàng hưởng ứng xu hướng tiêu dùng xanh.”

Thiệu Kiệt

Theo 24hsongxanh.vn/ Sustainability Times

Link nguồn: https://24hsongxanh.vn/ong-hut-tu-ba-mia-cua-dai-loan-la-giai-phap-xanh-thu-vi/

Cùng chuyên mục