Hai ngôi làng cổ ở Tam Thành

Ở xã Tam Thành, huyện Phú Ninh hiện còn dấu vết hai ngôi làng nổi tiếng từng được ghi tên trong sách Phủ biên tạp lục soạn khoảng năm 1776. Đó là Tú Tràng và Văn Hà. Thông qua tư liệu và di tích, có thể biết nhiều điều về diện mạo hai ngôi làng này.

hai-lang-co-o-tam-thanh
Đình làng Tú Tràng hiện nay.

Làng cổ Tú Tràng

Dân gian nam Quảng Nam thường nhắc câu ca “Thứ nhứt thì có La Qua/ thứ nhì Trà Kiệu, thứ ba Tú Tràng” để nói về Tú Tràng (âm theo giọng Bắc: Tú Chàng) – một làng/xã có diện tích lớn của Dinh Quảng Nam xưa. Dựa vào địa bạ đầu thời Nguyễn còn lưu, nhà nghiên cứu địa bạ Nguyễn Đình Đầu cho biết diện tích của Tú Tràng/Chàng là 947 mẫu 7 sào 9 thước 7 tấc – nhỏ hơn diện tích của làng La Qua (nay thuộc huyện Điện Bàn) khoảng 62 mẫu.

Câu ca trên cũng cho biết: Tú Tràng – đứng sau Trà Kiệu và La Qua là một trong ba vùng đất quan trọng của người Chăm xưa. Sách Đồng Khánh địa dư chí soạn vào thời vua Đồng Khánh (1886 – 1888) cho biết các chi tiết: xã Tú Chàng thuộc tổng Vinh Quý Trung, huyện Hà Đông; phía bắc và tây bắc giáp địa giới huyện Lễ Dương; có đường quan lộ (nay là quốc lộ 1 – NV) chạy qua xã; trên địa phận có một tòa tháp cổ của người Chăm và một tượng nghê đá. Tòa tháp là ba ngọn tháp Chiên Đàn và tượng nghê đá đó xưa nằm ở mé trái ngã ba nối quốc lộ 1 và đường qua xã Tú Tràng lên các làng/xã Khánh Lộc, Khánh Mỹ, Trường Thành, Văn Hà cùng tổng (nay đa số là các thôn thuộc xã Tam Thành, huyện Phú Ninh). Trên tấm bảng gỗ treo trong ngôi cổ miếu “Tướng quân từ” hiện còn ở vùng này có dòng “Gia Thọ ấp thuộc Tú Tràng xã địa phận, cựu danh Cây Dừa. Tiền lâm đại dã. Tả tắc Thạch Nghê, Cổ Tháp ngật lập” (Dịch: ấp Gia Thọ thuộc địa phận xã Tú Tràng, tên nôm cũ là Cây Dừa; trước mặt là cánh đồng rộng; phía tả có tượng nghê đá và tòa tháp cổ vươn cao). Các chi tiết trên cho biết: xã Tú Tràng xưa kéo dài đến dưới quốc lộ 1 – bao gồm ấp Gia Thọ (nay là thôn An Thọ, xã Tam An, huyện Phú Ninh).

hai-lang-co-o-tam-thanh
Nghệ nhân ưu tú Đinh Thạch bên chiếc bàn xoay Văn Hà. Ảnh: PHÚ BÌNH

Địa giới làng Tú Tràng xưa rất rộng. Địa bạ thời Nguyễn “không ghi tứ vi của xã mà ghi tứ vi của 11 xứ đất” – trong đó diện tích ruộng công (có lẽ đó là ruộng đã khai phá, được tiếp quản từ người Chăm bỏ đi – NV) chiếm khoảng một phần năm. Số ruộng tư còn lại đa số là của người trong xã; ruộng của người ở xã khác khoảng 100 mẫu – chiếm gần một phần mười (theo Nguyễn Đình Đầu – Địa bạ dinh Quảng Nam. XB tháng 11 năm 2011). Qua tỷ lệ ruộng đất công/tư trên, có thể thấy được quá trình mở đất của người dân Tú Tràng và lân cận từ ngày tiếp quản vùng đất mới.

Tự dạng Tú Tràng trong các văn bản còn lưu ở địa phương là 繍 幢. Tuy nhiên, trong một nhà cổ ở vùng này có câu đối “Tú lĩnh bản chi trùng thế viễn/ Trường giang tần tảo lịch niên hương” với từ đầu từng mỗi vế là “Tú” (繍) và “Trường” (長)”. Chưa rõ chữ “trường” (còn đọc là “tràng”) này là viết nhầm từ chữ “tràng” của địa danh Tú Tràng hay chỉ nhánh sông dài (trường giang) nằm giữa ấp Gia Thọ – Tú Tràng xưa với làng Thạch Tân (thuộc tổng Hưng Thịnh Hạ, huyện Lễ Dương – nay thuộc xã Tam Thăng, TP.Tam Kỳ) ở phía đông?

Đình làng Tú Tràng (trùng tu năm 2000) hiện còn ở xã Tam Thành. Ở ba bàn thờ bên trong đình có ba câu đối chép trên tường vôi; hai câu bị mờ, một câu còn đọc được “Công kiến tạo thiên thu hoài tưởng/ Kế thế thừa vạn đại bổn nguyên” có văn phong khá mới – hẳn là do người thời sau sáng tác, không phải là câu đối cổ từng có ở đình này!

Làng mộc Văn Hà

Làng này có tên đầy đủ là Bình An Văn Hà. Địa bạ đầu thời Nguyễn ghi tứ cận của làng/xã này như sau: “Đông giáp xã Tú Chàng, tây giáp xã An Thành, nam giáp xã Phú Mỹ”. Cả ba xã này đều nằm trong một “thuộc” (đơn vị hành chính – NV) rất lớn (gồm 96 làng và 33 đơn vị thôn, phường, giáp, ấp, tộc, trại) có tên “Liêm hộ” thuộc huyện Hà Đông, phủ Thăng Hoa. Phía bắc, Văn Hà giáp xã Khánh Mỹ nằm ở địa bàn “thuộc Liêm Hộ” của huyện Lễ Dương. Đối chiếu với hiện nay, các làng xã giáp giới bốn bên trên đều nằm ở địa bàn các xã Tam Đàn, Tam An và Tam Thành của huyện Phú Ninh.

Trên một số giấy tờ ruộng đất ghi chữ Nho hiện còn ở vùng này và trong sách Đồng Khánh địa dư chí, địa danh Văn Hà được ghi tự dạng 文 河 mang nét nghĩa là “dòng sông êm ả”. Trong danh sách 937 làng xã của “dinh Quảng Nam” xếp theo thứ tự từ làng có diện tích nhỏ đến làng có diện tích lớn thì Bình An Văn Hà với diện tích hơn 91 mẫu được xếp ở vị trí 328/937 (Nguyễn Đình Đầu, sđd, trang 354).

Xưa, phần đông cư dân Văn Hà làm nghề mộc. Thợ mộc làng này nổi tiếng tinh xảo; họ là tác giả của các kiến trúc gỗ đình chùa, miếu vũ, nhà thờ họ tộc, nhà ở và nhiều kiến trúc dân dụng khác trên khắp phía nam của tỉnh Quảng Nam xưa. Theo lời kể của thợ mộc lão luyện – Nghệ nhân ưu tú Đinh Thạch (96 tuổi, ở thôn Vân Hà cũ) thì vào các thế hệ ông cố, ông nội và cha của ông, từng có nhiều thợ cả ở Văn Hà đưa nhiều kíp thợ ra đến kinh đô Huế hành nghề. Ông Thạch cho biết: “Xưa, có nhiều thợ khéo lớp trước từng được ban thưởng và mang về làng nhiều giấy ban khen; nhưng do chiến tranh và thiên tai, các giấy tờ ấy không còn lưu lại được. Từng có nhiều nhà nghiên cứu đến nhờ truy tìm; nhưng đến nay, người làng vẫn chưa tìm được giấy tờ liên quan đến nghề mộc nổi tiếng của làng mình”.

Nhưng dấu tích tài hoa của thợ mộc Văn Hà hiện diện trên rất nhiều kiến trúc xưa ở khắp các vùng Quế Sơn, Thăng Bình, Tiên Phước, Tam Kỳ… đến cả vùng An Tân (nay là Chu Lai – Núi Thành) giáp giới tỉnh Quảng Ngãi. Ở phạm vi trung tâm của phủ Tam Kỳ xưa, các kiến trúc gỗ ở các đình làng Chiên Đàn, Thạnh Mỹ, Tam Kỳ, Mỹ Thạch, Phương Hòa, Thạch Tân… đều do các thợ mộc Văn Hà tạo tác hoặc trùng tu. Cũng theo lời ông Đinh Thạch, các tuyệt tác mộc Văn Hà đa số là kiến trúc nhà cổ của các tư gia ở vùng Tiên Phước. Ở đó, gỗ mít rất nhiều, đốn hạ và di chuyển gần, dễ dàng. Nhiều gia chủ giàu có sẵn sàng “bỏ đi làm lại” các cấu kiện gỗ có chất lượng chưa tốt hoặc mẫu mã chạm khắc chưa vừa ý và sẵn sàng nuôi “độc quyền” nhiều thợ trong nhiều năm. Vì thế, đã có hàng mấy chục ngôi nhà rường Tiên Phước với hàng trăm cấu kiện chạm khắc đủ kiểu trang trí đã được thợ mộc Văn Hà tạo tác từ giữa thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20.

Cùng với “chiếc bàn tự xoay Văn Hà” nổi tiếng nhiều nơi, khá nhiều nhà cổ mang “dấu ấn Văn Hà” hiện còn trên các làng cổ ở huyện Tiên Phước đã tạo nên những giá trị văn hóa, du lịch nổi tiếng khắp cả nước.

Phú Bình

Theo Quảng Nam Online

 

Link nguồn: http://baoquangnam.vn/dat-va-nguoi-xu-quang/hai-ngoi-lang-co-o-tam-thanh-94417.html

Cùng chuyên mục