Thổ cẩm, đâu chỉ để mặc…

Đang cuộc chuyện trò, một người bạn của tôi bỗng chùn giọng xuống. Trước mặt, là hội làng truyền thống, đan xen trong cuộc vui với những chiếc váy, tấm choàng thổ cẩm lung linh màu sắc. Bạn nhìn tôi, nói một vài thổ cẩm mà các thanh niên đang mặc trên người không phải là trang phục truyền thống của đồng bào Cơ Tu…

Bạn tôi nói, việc mặc đồ thổ cẩm không phải trang phục truyền thống Cơ Tu là điều “kỳ lạ” chỉ xuất hiện trong khoảng vài năm trở lại đây khi cuộc sống ngày càng hiện đại. Trước đó, người ta thường rất chỉn chu trong việc khoác lên mình sắc màu truyền thống, như một cách thể hiện sự trân quý với văn hóa cha ông.

tho-cam-khong-chi-de-mac
Những trang phục thổ cẩm Cơ Tu chuẩn được đồng bào mang đến lễ hội tạo không gian lung linh màu sắc truyền thống. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

1. Hôm nọ, tôi về quê đúng nhịp dân làng tổ chức hội đoàn kết. Ở vùng cao, đây được xem là một trong những lễ hội lớn mang tính cố kết cộng đồng. Sẽ không phải bàn thêm chuyện gì nữa nếu như cuộc vui không xuất hiện những thứ lai tạp xấu xí. Ấy là tôi đang nói đến trang phục truyền thống mà đồng bào đang mặc trong lễ hội làng. Chính già làng – người luôn được xem là “linh hồn sống” của cộng đồng vùng cao cũng khoác lên mình một chiếc áo thổ cẩm không mang văn hóa đặc trưng. Chỉ duy nhất, thứ mang dáng dấp Cơ Tu mà ông đang đeo trên người là những chiếc vòng mã não được xâu chuỗi xen kẽ bằng sừng thú.

Tôi ghé sát ông trình bày ý kiến. Nhưng ông dường như phớt lờ khi bảo bộ nào cũng đều như nhau cả. Ông thích màu sặc sỡ của thổ cẩm đó nên hội làng nào cũng đều mặc trên mình. Lần khác, tôi dự đại hội đảng bộ của một huyện miền núi. Tận mắt chứng kiến nhiều đảng viên ưu tú của đồng bào được cử đi dự đại hội mặc trên mình thổ cẩm của dân tộc khác, tôi không khỏi chạnh lòng. Điều đáng buồn là trong số đó, có cả chủ tịch ủy ban nhân dân xã, cán bộ văn hóa xã. Họ giải thích, rằng lâu nay trong nhà họ không cất giữ bộ trang phục truyền thống nào vì giá thành mỗi bộ sắc phục truyền thống khá cao, muốn sắm cũng phải đắn đo.

Năm ngoái, tôi nhìn thấy tấm ảnh một vị già làng vùng cao đang thuyết minh về văn hóa đồng bào Cơ Tu nhưng lại mặc trang phục truyền thống của dân tộc khác. Sau khi tra cứu thì được biết, già làng mặc trang phục của đồng bào Ê Đê. Tôi không khỏi giật mình, chợt nghĩ về hậu quả sau này, khi không ít già làng thiếu chỉn chu trong phục trang truyền thống. Nói như già làng Bh’riu Nga (ở thôn Aliêng, xã A Ting, Đông Giang) thì đó là một sự sai lệch cần chấn chỉnh ngay.

2. Người vùng cao vốn rất coi trọng thổ cẩm truyền thống, xem đây là bảo vật không thể thiếu trong gia đình, như của riêng để dành. Người ta sắp vào bên trong chiếc ché những bộ thổ cẩm rất nhiều loại. Nhà nào có nhiều con gái thì càng phải sắm thật nhiều thổ cẩm. Bởi đây sẽ là tặng phẩm quý giá mà gia đình làm quà cho con gái khi về nhà chồng. Pơloong Plênh – cán bộ Phòng Văn hóa – thông tin huyện Tây Giang nói với tôi như vậy. Tục lệ xưa vẫn giữ, người vùng cao chắt chiu từng đồng để mua lấy thổ cẩm cất giữ trong nhà. Vừa có “của để dành”, vừa bảo lưu được giá trị văn hóa. Nhưng buồn thay, bây giờ nhiều người dân vì sính sắc màu thổ cẩm mới, vì cái nhìn lệch lạc mà chọn mua những thứ không phải của mình.

tho-cam-khong-chi-de-mac
Nhiều trang phục truyền thống học sinh miền núi đang mặc là của… đồng bào Tây Nguyên

Pơloong Plênh kể, những năm gần đây, có rất nhiều người từ các vùng miền tìm đến tận những ngôi làng của đồng bào Cơ Tu để bán và trao đổi các mặt hàng thổ cẩm may mặc. Nắm bắt được nhu cầu thị hiếu của bà con, một số người ở huyện vùng cao tỉnh Thừa Thiên Huế đã tìm cách dệt những chiếc thổ cẩm mang dáng dấp hoa văn giống của người Cơ Tu, rồi lại bán ngược những sản phẩm đó cho chính người Cơ Tu ở địa phương. Người am hiểu nhìn vào có thể phân biệt ngay bởi một vài chi tiết của hoa văn và màu sắc thổ cẩm đó có nhiều điểm khác lạ. “Nhưng nhiều bà con mình cứ thấy màu sắc sặc sỡ, lung linh thì cứ tìm mua. Họ đâu biết rằng, những bộ trang phục truyền thống mà mình mang đến lễ hội là của dân tộc khác. Nghĩ mà thấy buồn” – Plênh ngậm ngùi.

3. Mỗi tộc người vùng cao đều có văn hóa trang phục truyền thống riêng biệt. Nhìn vào chất liệu vải, nhìn vào những nét hoa văn được thêu trên nền sắc chàm thổ cẩm là có thể phân biệt tộc người này với tộc người khác.

Người Cơ Tu và một số tộc người khác sinh sống trên dãy Trường Sơn đều có điểm chung màu chủ đạo trong thổ cẩm là đen và đỏ. Nhưng duy nhất thổ cẩm Cơ Tu là có xâu chuỗi hạt cườm thêu hoa văn mang tính đặc trưng, thể hiện biểu tượng hình thoi và vũ điệu da dá truyền thống. Chỉ sau này, đồng bào mới cách tân bằng chất liệu vải và màu sắc khác để đa dạng sản phẩm may mặc. Nhưng, điều đó khiến rất nhiều già làng và những người yêu văn hóa Cơ Tu không mấy hài lòng. Nhiều người nói, nếu đà này cứ tiếp diễn thì chừng khoảng vài ba năm nữa màu chủ đạo trong thổ cẩm ấy sẽ bị biến dạng thật sự. Tới lúc đó, chính người Cơ Tu cũng không thể nhận ra đâu là sản phẩm thật, đâu là mặt hàng “nhái”.

Thổ cẩm xét cho cùng không chỉ để phục vụ cho việc ăn mặc, mà đó còn là cốt lõi của văn hóa cội nguồn, định danh một tộc người riêng biệt. Nói một cách công bằng, tôi vẫn thấy những sắc màu đặc trưng chủ đạo của thổ cẩm nguyên bản thường rất đẹp. Ngày lễ hội, những cô gái, chàng trai xúng xính trong sắc phục truyền thống, vừa tôn vinh cho không gian lễ hội thêm phần ý nghĩa, mà còn nâng cao giá trị vẻ đẹp đặc trưng của từng vùng miền. “Hãy quên đi những thứ không thuộc về mình, như màu của thổ cẩm mới sặc sỡ kia”. Tôi vẫn thường hay nói với nhiều người quê núi như thế, nhất là lớp trẻ vốn rất sính điều mới mẻ, lạ lẫm. Ngay cả những đứa con của tôi, tôi tập cho chúng phân biệt đâu là trang phục Cơ Tu, đâu là trang phục của dân tộc khác. Những mong trong vô vàn nỗi lo “mất gốc” của người trong cuộc, niềm tin vẫn được thắp lên, thầm lặng giữ gìn văn hóa cha ông…

ALăng Ngước

Theo Quảng Nam Online

 

Link nguồn: http://baoquangnam.vn/van-hoa/tho-cam-dau-chi-de-mac-94090.html

Cùng chuyên mục