Đầu tư cho con: Những nỗi lo muôn thuở…

Cùng là chuyện nuôi dạy, đầu tư cho con cái, từ lúc học vỡ lòng đến định hướng nghề nghiệp sau này, nhưng mỗi gia đình, mỗi phụ huynh lại có những quan điểm, suy nghĩ không giống nhau. Hãy cùng lắng nghe những chia sẻ của họ.

Đạo diễn, nhiếp ảnh gia Đoàn Minh Tuấn: Có bố mẹ nào mà lại tiếc tay đầu tư cho con…

dau-tu-cho-con

Tôi là một người cha chiều con, nhưng không nuông chiều một cách mù quáng. Con cái được tự do, nhưng phải trong khuôn khổ, có kỷ luật. Văn hóa của mỗi gia đình khác nhau và tôi cũng có những nguyên tắc riêng của mình trong việc quan tâm giáo dục con trẻ.

Chẳng hạn việc chọn trường là điều sẽ chiếm nhiều thời gian nhất của cha mẹ khi con cái tới tuổi đến trường. Ngày xưa thì quá đơn giản, nhưng thời này thì cha mẹ phải tính toán kỹ, khi có khá nhiều chọn lựa. Chẳng hạn, theo hệ giáo dục nhà nước chính thống hay theo cách giáo dục của các trường quốc tế.

Nền tảng văn hóa giáo dục sẽ ảnh hưởng và định hình nhân cách rất nhiều đến tương lai của mỗi đứa trẻ sau này khi trưởng thành. Bởi vậy, với bản thân tôi, chọn phương án và môi trường giáo dục nào sẽ rất quan trọng. Tuy có nhiều lựa chọn, nhưng phải chọn thật đúng theo kế hoạch tương lai và điều kiện kinh tế riêng của mỗi gia đình. Việc học hành luôn là điều quan trọng nhất đối với mỗi đứa trẻ khi đến trường.

Là cha mẹ, mình luôn quan sát sự phát triển và năng lực riêng của mỗi đứa con của mình. Mỗi đứa trẻ đều có những thiên hướng riêng về sở thích và năng khiếu. Tôi là người theo dõi, phát huy những sở thích đó, để những sở thích ấy có thể trở thành năng khiếu được không, hay vẫn chỉ là sở thích thuộc bản năng tự nhiên của mỗi đứa trẻ. Bây giờ còn quá sớm để nói rằng sẽ tham gia định hướng nghề nghiệp cho con. Nhưng tôi luôn trao đổi và bổ sung những kỹ năng từng bộ môn, để con có thể sớm nhận ra năng khiếu tốt nhất của mình. Và hẳn nhiên, khi đã có sự chuẩn bị như thế, có bố mẹ nào mà lại tiếc tay đầu tư cho con, cho dù là có khi vượt quá khả năng của mình một chút.

Ca sĩ Đoan Trang: Không tạo áp lực cho con

dau-tu-cho-con

Muốn cho Sol – con gái Đoan Trang phát triển một cách tự nhiên, nên Trang cũng chưa có hướng bé sẽ theo nghệ thuật, mà để Sol lớn hơn một chút xem bé phát triển theo hướng nào. Tuy nhiên, để biết Sol phù hợp với năng khiếu gì thì Trang đã cho Sol học nhiều môn. Học hát với mẹ, học vẽ với cậu, học đàn piano, học cả nhảy múa, bơi lội…

Sol chỉ mới 6 tuổi thôi, nhưng cũng là thời điểm tốt để Sol bắt đầu. Hiện tại thì cô bé có chút xíu khiếu ở bộ môn thuyết trình, biểu diễn, thời trang. Đây cũng là tín hiệu đáng mừng cho thấy Sol cũng có gen nghệ thuật của gia đình. Theo lẽ tự nhiên nếu đứa trẻ lớn lên và phát triển đúng đam mê của nó thì sẽ làm điều đó tốt nhất, nếu hướng theo ý người lớn thì Trang nghĩ không văn minh cho lắm.

Ba mẹ và gia đình sẽ luôn ở bên cạnh để lo cho Sol. Năm, mười năm nữa đi theo con đường khác thì cũng không sao.

Trong cách giáo dục con cái, hai vợ chồng không phản bác nhau, dù có không thống nhất cũng phải dùng một cách trao đổi nhẹ nhàng trước mặt Sol. Khi nào cần thiết lắm, khi Sol làm điều gì đó sai, mới điều chỉnh, nhưng hạn chế dạy dỗ khi ra ngoài. Làm sao cho bé thấy thoải mái nhất. Nếu không, lớn lên sẽ là áp lực cho bé.

Sẽ có người hỏi rằng Sol ở gần ngoại, cậu, được yêu thương nhiều, điều đó có khó dạy hay không? Ông bà ngoại, dù rất cưng Sol nhưng vẫn để “khoảng không” cho ba mẹ Sol giáo dục Sol. Ba mẹ Trang khá nhất quán trong chuyện giáo dục con cái. Ông xã Trang khác mình hoàn toàn về ngôn ngữ, văn hóa nhưng lại khá là đồng nhất với cách giáo dục con cái của ba mẹ Trang. Trang may mắn khi chồng mình có nhiều kinh nghiệm về các trường học ở Việt Nam, nên anh lãnh trách nhiệm lo lắng trường lớp. Anh ấy nghiên cứu rất kỹ, chọn trường phù hợp nhất cho sự phát triển của Sol, dù học phí có cao đi nữa.

Anh Nguyễn Đình Sơn – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Cửa Gia Hân Window: Cho con cần câu chứ không phải con cá!

dau-tu-cho-con

Cha mẹ làm việc tất cả cũng vì con cái, luôn muốn điều tốt đẹp nhất cho con. Tuy nhiên, không phải lo cho con từ A đến Z, chăm bẵm, ủ con trong lòng mà phải cho con trải nghiệm, học cách tự lực, vươn lên bằng đôi chân của mình. Cho con cần câu chứ không phải con cá. Vì cho nó con cá nó có thể ăn hết mà không biết cách tự kiếm con cá khác để ăn, nhưng khi cho con cái cần con sẽ biết tự đi câu cá về để ăn mà không phụ thuộc cha mẹ. Ngồi không ăn núi cũng lở. Nên giờ, nhà tôi có mua cho con bảo hiểm nhân thọ vừa bảo vệ sức khoẻ, vừa có nguồn vốn cho con sau khi ra trường để con có số vốn có thể lập nghiệp nếu lúc đó mình có vấn đề. Ngoài ra, tôi chọn cho con học trường tốt một chút để con có kỹ năng, kiến thức và năng lực sau này là hành trang vào đời. Tôi không quan niệm để của cải lại cho con mà vun đắp và để lại cho con trí tuệ và sức khoẻ để sau này đủ tuổi có thể ra ngoài tự lập.

Tình yêu của cha mẹ nào cũng dành cho con là vô bờ bến, nhưng mình không thể ở bên cạnh cả ngày, cả đời để có thể chăm sóc cho con. Nếu “ủ” quá con sẽ trở thành những cậu ấm, cô chiêu chỉ biết ăn chơi không biết làm, có khi lại trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Cũng nên hướng con đến với cộng đồng. Hiện nay gia đình tôi hay dẫn con đi chùa, đi làm từ thiện chung. Tiền của con được lì xì, được thưởng do giúp việc nhà, do ngoan sẽ được trích giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là các em nhỏ đồng trang lứa. Giai đoạn nhỏ trẻ con như tờ giấy, nên tôi nghĩ rằng là giai đoạn tốt để dạy con những điều hay lẽ phải. Cha mẹ sinh con trời sinh tính, nhưng tôi nghĩ nhân cách của một người phụ thuộc vào cách giáo dục, truyền thống gia đình.

Chị Trương Kiều Mi – Phó Tổng Giám đốc – Công ty CP Đầu tư Kinh doanh Địa ốc Cường Thịnh: Ưu tiên đầu tư thời gian cho con, sau đó đến kĩ năng, thể lực rồi mới đến vật chất

dau-tu-cho-con

Một đứa trẻ được yêu thương đúng cách, luôn là một đứa trẻ hạnh phúc và vui vẻ. Sinh ra trong một gia đình không khá giả về vật chất, nhưng từ nhỏ đến lớn tôi chưa bao giờ cảm thấy buồn, chỉ luôn mong sao cố gắng thật nhiều để sau này có điều kiện lo cho gia đình nhiều hơn. Vì vậy, tôi nghĩ rằng ba mẹ đầu tư cho tôi đúng hướng và tôi linh hoạt áp dụng nó cho con mình. Theo tôi, trẻ con thật sự không cần hưởng thụ nhiều, và các con cũng sẽ không biết hưởng thụ là thế nào. Tất nhiên nếu vật chất thật tốt thì cũng là nền tảng hay bệ phóng cho con sau này, nhưng gia đình tôi “ưu tiên đầu tư thời gian bên con” hơn là vật chất, chúng tôi sắp xếp dành thật nhiều thời gian để chia sẻ, vui chơi cùng con, phát triển cảm xúc cho con, vun đắp tình cảm cho con. Hai vợ chồng tranh thủ về nhà sau giờ làm để được gần con từ lúc rất nhỏ. Có lẽ vì vậy con tôi là một cậu bé rất ấm áp và tình cảm.

Tùy khả năng của con mà tôi cân đối để con phát triển kĩ năng, chúng tôi quan sát con mình thật kĩ để xem đâu là điều con hứng thú và phù hợp với con, cố gắng không gắn ước mơ dở dang của mình cho con “thực hiện tiếp”. Chúng tôi cũng không đặt nặng thành tích học tập của con, cũng không ưu tiên chọn trường tốt nhất hay nổi tiếng nhất, mà chọn trường có thể cho con thật nhiều kĩ năng và trải nghiệm. Còn kĩ năng nào phù hợp, có lẽ đến một độ tuổi con tôi sẽ tự chọn lọc được và đề nghị ngược với ba mẹ, tất nhiên gia đình tôi sẽ cùng quan sát để tư vấn cho con. Vợ chồng tôi khuyến khích con nói ra những điều con nghĩ, để hiểu con nhiều hơn. Chúng tôi lên kế hoạch dẫn con đến các mái ấm, trại trẻ mồ côi để con có thể cảm nhận tình yêu thương cuộc sống và học cách chia sẻ, chỉ khi con tự cảm nhận được thì mọi cảm xúc mới tự nhiên, chứ không cố nhồi nhét vào đầu con bất cứ điều gì. Tôi mong tuổi thơ con mình trọn vẹn, không chỉ trôi qua toàn sách vở và cậu bé có thể tự đứng vững bằng chính bản lĩnh của mình cùng tình yêu thương của gia đình.

Vợ chồng anh Nguyễn Anh Đào và chị Dương Tuyền – Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư VietHome: Mình muốn mà con không muốn thì chỉ có gặt “quả đắng”!

dau-tu-cho-con

Cả hai vợ chồng tôi đều nhất quán và suy nghĩ đơn giản lắm! Học hành bình thường, chúng tôi không đè nặng việc học của con. Không như một số gia đình khác là có suy nghĩ cho con học quốc tế hay phải đi du học… Chúng tôi ưu tiên để con phát triển tự nhiên, không bao bọc… Cả hai vợ chồng cũng không định hướng cho con phải học thêm cái này hay cái kia (đàn, vẽ, võ…), chỉ cho con học ở trường và học Anh văn ở trung tâm thôi. Ăn uống của con cũng không theo ba mẹ, không cầu kì, chỉ đơn giản là một bữa cơm đủ chất như một gia đình bình thường vẫn ăn mỗi ngày. Chúng tôi ưu tiên phát triển chiều cao của con, không quan tâm cân nặng, cũng không bổ sung thực phẩm chức năng… Chúng tôi thường để ý xem con có suy nghĩ gì, và tùy theo tính cách từng đứa mà chúng tôi có cách can thiệp nhẹ nhàng. Nếu con xuất sắc, học giỏi, thì ba mẹ cũng nên đầu tư cho con, nhưng nên tôn trọng nguyện vọng của chúng chứ không nên buộc con theo con đường mà ba mẹ chọn. Dạy con cách sống và kĩ năng là điều gia đình tôi chú trọng hơn. Xã hội bây giờ không giống xưa, xưa có cơm ăn là quý chưa nói gì đến việc mặc đẹp. Dù gia đình có điều kiện, nhưng chúng tôi vẫn không theo xu hướng phải tìm mọi cách đầu tư cho con, mà cứ để cho nó giống mình ngày trước, có điều sẽ quan tâm hơn về mọi mặt, ở mức vừa, nếu không nói là bình thường.

Nhà chúng tôi có 3 cháu, nhưng mỗi cháu một tính cách khác nhau, chúng tôi phải rất khéo léo để tìm hiểu và can thiệp trong phạm vi cho phép để có thể hướng cho con những suy nghĩ tích cực hơn. Đứa trẻ 13 tuổi nhà tôi đã có ý nghĩ định hình về thế giới riêng và sợ ba mẹ “xâm phạm đời tư” (cười). Trẻ con mới lớn thường cho rằng mình đúng và ba mẹ sai, nên ngay cả khi không đồng tình chúng tôi cũng không phản bác trực diện mà phải tỉ tê giải thích cho chúng nghe, nhưng “nghe” và “hiểu” là hai vấn đề “hoàn toàn khác nhau”. Tuy tôn trọng nhưng một số trường hợp quá mức chúng tôi vẫn cưỡng chế bằng “đòn roi”…

Là gia đình có truyền thống kinh doanh, chúng tôi cũng định để con lớn một chút nếu chúng thích sẽ cho vào công ty học việc, và đi từ một nhân viên bình thường. Nếu thấy con thích thì phát triển cho con, còn không thì cho con tự do theo ý mình, vì mình muốn mà nó không muốn thì chỉ có “kết quả đắng”.

Mỹ Nguyễn – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần FSmart: “Đầu tư cho mình trước khi đầu tư cho con”

dau-tu-cho-con

Có lẽ là người hoạt động trong lĩnh vực truyền thông marketing, nên tôi khá kĩ lưỡng trong việc nghiên cứu “thị trường” và “hành vi đối tượng” trước khi đầu tư…, vậy mà khi đầu tư cho con, vẫn khiến tôi nhiều phen hú vía (cười)… Mang cái cách làm việc cẩn trọng áp dụng vào gia đình, tôi có kế hoạch đầu tư rõ ràng cho cô công chúa nhỏ của mình.

So về tuổi đời, tuổi “làm mẹ”… tôi còn quá non trẻ để có kinh nghiệm ứng dụng phải làm gì, đầu tư thế nào cho con, nhưng là người chịu quan sát, học hỏi và cầu thị, tôi cũng chọn cho mình được một cách riêng: bắt đầu đầu tư cho con bằng việc “đầu tư cho mình”. (cười)

Có ai đó đã từng nói: “Thời gian là miễn phí, nhưng vô giá, vì thời gian trôi qua rồi chẳng thể quay trở lại được“. Tôi rất đồng tình với quan điểm này, vì vậy tôi trân quý mỗi phút giây bên con, và cố gắng để không bao giờ phải nói “giá như” với con mình. Muốn vậy, tôi phải đầu tư cho mình đủ kiến thức, đủ tinh thần, đủ vật chất, đủ thời gian, tâm lý và bản lĩnh để thực hiện những điều tốt nhất cho con… Còn đủ như thế nào thì tùy thuộc vào hoàn cảnh mỗi giai đoạn mà tôi ứng biến vì vạn sự khó cưỡng cầu, hoàn cảnh có thể thay đổi, điều kiện kinh tế có thể thay đổi… tôi chỉ cố gắng làm tốt nhất với bản năng của một người mẹ.

Tôi bắt đầu lắng nghe, tìm hiểu và dung nạp có chọn lọc rất nhiều kiến thức cho mình thông qua ông bà, ba mẹ, anh chị, bạn bè, sách vở, báo chí, diễn đàn… kể từ khi quyết định trở thành mẹ và vận dụng có kỉ luật.

Cái gì không giỏi là tôi học hết. Đầu tư cho mình mỗi ngày để có thể trở thành một bà mẹ “hiện đại”, hiểu tâm lý và đủ kĩ năng chăm sóc, nuôi dạy con. Tất nhiên, tôi không đầu tư để phục vụ con hay biến con mình thành “ông hoàng, bà hoàng”… mà đầu tư để mình không tụt hậu và có được một lượng thông tin phù hợp về việc nuôi dạy con khoa học, từ đó hỗ trợ hành trình phát triển cho con.

Nhưng học là một chuyện, áp dụng được hay không lại là chuyện khác. Đầu tư cho con là một quá trình lâu dài, liên tục, bền bỉ và kiên nhẫn, vì ở mọi lứa tuổi, con cái đều cần sự quan tâm chăm sóc của cha mẹ, và không phải đứa trẻ nào cũng giống nhau, không phải giai đoạn nào cũng tâm lý như nhau, nên cần phải quan sát kĩ lưỡng, thấu hiểu và kiên trì. Có người đã nói với tôi rằng: “Mang thai dễ hơn sinh, sinh dễ hơn nuôi, nuôi dễ hơn dạy… từ từ cảm nhận“. Thật vậy, có con mới hiểu. Một số gia đình rất quan tâm tới con khi con còn nhỏ, nhưng lại không duy trì được điều đó lâu dài, vì ham muốn kinh doanh làm giàu hay vòng xoáy công việc đã cuốn họ đi. Vì thế mới có chuyện những ông bố, bà mẹ ngất lên, ngất xuống, không thể tin được rằng, cậu con trai cô con gái mình trước kia là một đứa trẻ ngoan ngoãn là vậy, thế mà bây giờ lại dẫn đầu một nhóm cá độ, chơi đề tới hàng trăm triệu, tụ điểm ăn chơi nào cũng nhẵn mặt… Là một doanh nhân, áp lực công việc nhiều nên tôi đặc biệt lưu ý vấn đề này.

Đầu tư cho con là đầu tư về mọi mặt, giúp con phát triển một cách toàn diện: thể chất, tinh thần, sự nghiệp… trở thành một phiên bản tốt hơn của chính mình mà con thật sự mong muốn. Đó là sứ mệnh tôi tự đặt ra cho mình, mong sao sau này con vui vẻ, khỏe mạnh, an yên, có thể trở thành người tử tế, sống tự tin, bản lĩnh, có tư duy độc lập, biết phân biệt đúng sai để có thể quyết định cuộc sống của chính mình và tự chịu trách nhiệm với nó.

Tôi quan điểm rất rõ rằng đầu tư là cho con một tuổi thơ trọn vẹn, sắp xếp thời gian bên con, chơi cùng con, lắng nghe và chia sẻ với con, trở thành người tin cậy nhất của con, giúp con trang bị phông kiến thức thật rộng, để trong quá trình lớn lên, con sẽ tự tìm ra lĩnh vực, nghề nghiệp, thú vui, bạn bè phù hợp nhất với mình chứ không đặt bất cứ áp lực hay hình mẫu nào lên con. Những điều này có lẽ gia đình nào, dù thu nhập cao hay thấp thì cũng có thể sắp xếp để dành cho con. Còn phương pháp đầu tư thế nào, bằng phương tiện gì thì đó là chuyện dài tập và thật sự phụ thuộc vào hoàn cảnh mỗi gia đình, điều kiện kinh tế từng thời điểm… Chúng ta linh hoạt, vì khó có thể có một công thức chung nào cho mọi gia đình. Tôi biết rằng, phải yêu thương đúng cách con cần, đúng chuẩn mực xã hội và khiến con tiếp nhận thoải mái chứ không phải yêu thương theo cách ba mẹ nghĩ! Nếu con sai, giải thích cho con biết lý do sai, nếu con đúng, khuyến khích con phát huy, dạy con cách tự chịu trách nhiệm với bất kì hành động nào của mình, lắng nghe con nói, quan sát thái độ của con, chỉ khi hiểu được ngọn ngành mọi việc và tự đưa ra quyết định thì con mới thật sự là chính con. Và con nên là chính mình chứ không phải là sản phẩm mong muốn của bất cứ ai. Cứ để con phát triển tự nhiên, thuận theo tự nhiên sẽ vẫn là tốt nhất, chỉ cần bên cạnh, quan sát và đồng hành cùng con.

Theo ấn phẩm 24h Sống Xanh

Cùng chuyên mục