Nghệ sĩ Ái Như – Hẹn trở lại mùa Thu!
Đạo diễn, diễn viên Ái Như đang trong thời gian thong dong nhất của mình. Chị bị tai nạn khi đang diễn trên sân khấu, phải nằm một chỗ dưỡng bệnh khoảng một tháng rưỡi. Nhưng điều đó lại không làm chị buồn.
Một đêm diễn của vở Hãy khóc đi em, khi hạ màn, khán giả không thấy Ái Như ra chào khán giả cùng các nghệ sĩ khác như thường lệ. Chị được người nhà đưa ra xe vào thẳng bệnh viện cấp cứu sau khi cố diễn cho xong vở.
Nằm nghe yêu thương vây quanh
Năm nay là năm có đủ vui rủi với Ái Như. Vui là nhà chị có hỉ sự. Còn rủi, là không may bị tai nạn trong vở diễn. Chưa kể, trước đó, công sức, tài chính chuẩn bị đầu tư cho việc mở thêm điểm diễn nữa cho sân khấu Hoàng Thái Thanh đã đổ sông đổ biển vào giờ chót, khiến chị và các cộng sự hao tốn bao nhiêu tiền của, sức lực.
“Không ai mong muốn điều xui rủi đến với mình. Quan trọng là sau đó mình đón nhận như thế nào. Trong xui có hên, trong rủi có may. Mình lấy điều đó làm điều tích cực cho mình”. Ái Như chia sẻ: “Mình ngã từ sân khấu cao 1m2 xuống đất trong bóng tối khi sân khấu đang chuyển cảnh, chỉ chệch một chút, ngã khác một chút, thì sẽ bị thương nặng hơn. Như lời bác sĩ nói, mình đã bị thương nhẹ nhất trong trường hợp này.
Với con đường mình đi vào cánh gà trong bóng tối cả 6 năm nay rồi, lại không đi nhanh, mà đi lạc ra để té, cũng lạ. Có lẽ mình là Phật tử nên nghĩ rằng đó là việc mình phải trả trong ngày hôm đó. Trong cái rủi này là mình được cứu vớt, gọi là trong họa có phúc. Có lẽ đó là điều được nhận nhẹ nhất, là Tổ nghiệp thương.”
Với chị, những ngày nằm một chỗ không đi lại được, bất tiện đủ thứ, nhưng trong lòng thấy nhẹ nhàng, thậm chí thấy lạc quan hơn. “Mình không đánh lừa cảm giác đâu, đó là suy nghĩ thực sự của mình. Không tự huyễn hoặc, an ủi mình, mà là chuyện đã qua như một cú hú hồn hú vía, điều này làm mình vui, dễ chịu hơn. Những lúc này, mình được gia đình thương yêu, quan tâm chăm sóc, là lúc cảm nhận nhiều thêm tình thương từ người thân, đồng nghiệp và khán giả”
Ái Như đùa, đây cũng là dịp chị được nghỉ ngơi bảo dưỡng cơ thể đã miệt mài sử dụng bao nhiêu năm qua. “Điều làm mình phải lo lắng không phải là sức khỏe hiện tại, mà lo lắng tương lai mình sẽ phải làm việc thế nào, trước cái tiền đồ của sân khấu với đại dịch thế này. Bởi nhân viên, diễn viên của sân khấu đều trông chờ vào suất diễn mới có thu nhập.” – Chị bày tỏ.
Sân khấu, có lẽ, đang đi vào những ngày tàn?
Nhắc đến tình hình sân khấu, Ái Như không nén được tiếng thở dài. Đôi khi chị nghĩ sân khấu kịch như đang ở cuối con đường vậy.
“Mình nghĩ, sân khấu kịch đang suy tàn. Bên cạnh nhiều lý do khách quan, sự suy tàn đến từ nhiều thứ, trong đó có chính từ những người làm nghệ thuật. Sân khấu không chỉ là một người, mà là cả tập thể. Kịch bản thì khó kiếm những kịch bản tốt. Người viết hay cũng thiếu, tha thiết viết cũng ít. Diễn viên, không có sự khát khao để vươn tới, hoặc là có thể có quá nhiều lựa chọn, nghệ thuật không phải là thứ gì cao xa mà là tầm thường, thò tay là lượm ngay được, chứ không phải với mãi mà không tới. Sự suy tàn trong lòng của chính mình, nhưng lúc nào cũng nghĩ tôi yêu nghệ thuật, yêu sân khấu. Cũng có thể, vì sân khấu không thể nuôi được họ như xưa!” Ái Như nói, mà như tâm sự với chính mình: “Ngày xưa ông bầu bà bầu có quyền lực, nghệ sĩ ký được hợp đồng biểu diễn là phải lo giữ. Phải diễn cho tốt nếu không thì sợ mất vai. Bây giờ, có những diễn viên mà ông bầu bà bầu phải đi năn nỉ để họ diễn cho mình. Tập thì luôn cho phép mình đến trễ giờ, khi bao nhiêu người chờ đợi. Luôn phải thuyết phục, nói ngọt để họ diễn như ý mình mong muốn. Tham gia như sự ban ơn cho bầu sô vậy. Muốn mình phải thế này thế kia cho bằng được dù những cái muốn đó không đại diện cho giá trị nghệ thuật của tác phẩm. Cái kiểu của người đang ở trên đỉnh cao và những lời tôi nói nhất định đúng. Một vũ công trong vở múa, nhạc công trong dàn nhạc không thể nhảy, đàn theo ý mình muốn, mà phải theo đúng những gì đã tập. Thoại kịch thậm chí nói sai lời, và nói tùy tiện. Ca sĩ không được hát sai lời thì sao diễn viên lại như thế được. Những chuyện này làm tổn thương người bầu sô, đạo diễn lắm!”
Tôi hỏi Ái Như, rằng chị có thấy, biết đâu nghệ sĩ bây giờ không bị một áp lực mà ngày xưa nhiều người có. Đó là có những lớp khán giả rất thuộc tuồng đến từng câu chữ, lớp lang của vở, nên diễn viên nhất định không thể diễn ẩu, diễn sai hoặc qua loa lời thoại. Ái Như cho biết, công chúng kịch Hoàng Thái Thanh vẫn còn những tuýp khán giả mà không chỉ đến xem một lần để biết nội dung, mà họ còn đến để xem, nghe, phân tích tình huống, đường dây nhân vật.
Chính vì thế, dù nhiều lần mệt mỏi, Ái Như vẫn xác định, đi cho trọn con đường mình đã chọn.
Kịch Hoàng Thái Thanh như tô bún bò Huế
Nghệ sĩ Ái Như có làm gì mới không? Kịch Hoàng Thái Thanh có làm gì mới không? Thế nào là mới, phải thế nào mới là mới, không phải cái mới nào cũng thành công và không phải cái cũ nào cũng thất bại. Ái Như luôn phải đứng trước những câu hỏi như thế, nhưng từ lâu, chị đã xác định rõ con đường mình đi rồi. Một quan điểm nghệ thuật đã xác định.
“Mình chọn những gì mình có thể làm một cách tốt nhất. Nếu chạy theo những cái mới mà mình làm không ra gì, thì mình theo để chi. Việc đầu tiên phải chính mình mong muốn được làm nghề, được làm cái mà mình thấy đẹp nhất theo suy nghĩ của mình. Hoàng Thái Thanh vẫn tiếp tục làm cho đến khi nào không đủ khả năng về tài lực, trí lực, sức khỏe, thì dừng.” – Chị trải lòng.
Một điều khá bất ngờ là gu kịch định hình của sân khấu Hoàng Thái Thanh, một phần là từ sự quyết định của chính khán giả. Như lời Ái Như kể, với khán giả của Hoàng Thái Thanh, gần như họ không muốn thay đổi phong cách kịch mà sân khấu này đã có bao lâu nay. Họ đã quen gu kịch như thế rồi. Nhiều khi muốn thay đổi, gia giảm chỗ này chỗ kia nhẹ nhàng một chút, thì khán giả lại cảm thấy nhẹ quá, hỏi rằng có vở nào mãnh liệt hơn nữa không!
Chị nhận ra điều này khi thực hiện những vở mà Ái Như thấy là nhẹ nhàng nhưng vẫn phải có chút nước mắt, phải có những khổ đau thì khán giả mới chịu. Không có không được. “Thành ra món ăn tinh thần của mình phải là bún bò Huế thôi. Nó phải có đủ cay, nồng, đậm đà mới ra vị, mới đủ đô được.” – Chị cười hài hước ví von.
Cũng vì tô bún bò Huế mà chị và nghệ sĩ Thành Hội, hai đầu tàu của sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh phải gồng gánh cuộc chơi nghệ thuật dài hơn 10 năm qua. “Có năm, hình như là năm thứ 8, nhân viên mừng quá trời khi mình công bố rằng năm nay là năm đầu tiên chỉ lỗ mấy triệu đồng thôi, coi như không lỗ. Ý là đã không khấu hao. Lâu nay, thu được bao nhiêu là bỏ vào đầu tư tiếp. Nghĩa là 10 năm nay chưa lấy lại đồng vốn nào, cũng không tính khấu hao. 10 năm nay, bỏ tiền vô rồi thì… quên nó đi, cứ đợi cuối tháng, cuối năm thì lỗ bao nhiêu để còn tính mà… rót vốn thêm. Chứ cứ từng đêm diễn tính thì mệt đầu. Khi nào đông khách thì để đó, rồi bù qua sớt lại. Như chơi ô quan vậy.”
Chị lấy đó làm vui, để lý giải cho những khó khăn của mình, rằng thay vì người ta đi cờ bạc rượu chè thì mình tốn tiền cho cuộc chơi nghệ thuật. Bù lại mình nhận được những cái không thuộc về vật chất, nhưng mang lại niềm vui cho khán giả, cho chính mình với những giá trị tinh thần giúp mình thêm sự giàu có về tâm hồn.
Chị thừa nhận: “Nhiều khi niềm vui của người nghệ sĩ cũng phù phiếm lắm. Với nhiều người thấy quá lý tưởng, mơ mộng. Nhưng mình thích như vậy rồi, biết sao giờ.” Ái Như may mắn khi có đồng đội là người bạn diễn cùng lý tưởng – Thành Hội. Cả hai lại đều có những hậu phương rất vững chắc, rất hiểu và luôn ủng hộ để cho họ yên tâm làm nghệ thuật.
Cuối tháng này, cái lưng đã đỡ hơn, Ái Như đã có thể ngồi dậy được rồi. Chị sửa soạn tập thể dục để có thể tập ngồi, tập đi, chuẩn bị chụp hình poster cho một vở diễn mới. Đúng hơn là một vở cũ đã lâu được dàn dựng lại. Cũng là vở sẽ đánh dấu chị trở lại sân khấu sau thời gian dài dưỡng bệnh. Nếu không có gì thay đổi, sẽ công diễn vào tháng 9. Ái Như chào từ biệt tôi: “Tình hình dịch bệnh thế này, khiến việc mở màn sân khấu trở lại không có gì là chắc chắn cả. Nhưng mình tin là mọi thứ sẽ ổn. Hẹn gặp lại bạn, mùa Thu này!”
Sơn Trà
Theo ấn phẩm 24h Sống Xanh