Cơ hội đầu tư cổ phiếu hết room ngoại
Nhóm cổ phiếu hết room ngoại được kỳ vọng sẽ có những diễn biến tích cực trong tháng 9.
Số lượng nhà đầu tư nước ngoài tăng mạnh
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) tại ngày 31.8, trên hệ thống của VSD có hơn 2,564 triệu tài khoản giao dịch trong nước, trong đó chủ yếu là nhà đầu tư cá nhân. Trong tháng 8, có hơn 28.362 tài khoản của nhà đầu tư trong nước được mở mới, chủ yếu là nhà đầu tư cá nhân. Như vậy, so với tháng 7, tốc độ tham gia vào thị trường chứng khoán của nhà đầu tư mới có phần cải thiện, tăng 4,4%.
Một điểm đáng chú ý, số lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư nước ngoài trong tháng 8 đạt mức cao nhất kể từ tháng 2.2020. Cụ thể, trên hệ thống của VSD tại ngày 31.8 có hơn 33.829 tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài, mở mới 229 tài khoản, tăng hơn 11% so với tháng trước.
Về diễn biến của dòng tiền ngoại, 7 tháng kể từ khi bắt đầu đại dịch Covid-19 vào tháng 2, nhà đầu tư nước ngoài vẫn bán ròng không chỉ ở Việt Nam mà còn trên khắp châu Á, từ Hàn Quốc, Đài Loan đến Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Philippines. Mặc dù việc rút vốn đã chậm lại trong tháng 6 và tháng 7, nhưng vẫn chưa có tín hiệu xác thực cho thấy sự trở lại của các nhà đầu tư nước ngoài.
Theo số liệu thống kê của Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam, ngoài 14.700 tỉ đồng mua ròng của khối ngoại trong tháng 6 nhờ dòng tiền 15.900 tỉ đồng mua thỏa thuận cổ phiếu Vinhomes (VHM), khối ngoại tiếp tục rút tiền ra khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam.
“Tuy nhiên, chia nhỏ bức tranh tổng thể thành nhiều mảnh, một số lượng tiền bán ra có thể đã quay trở lại Việt Nam do nhóm này đã tìm ra đường vòng để vào Việt Nam, đặc biệt là vào các cổ phiếu hết room”, KIS nhận xét.
Cụ thể, kể từ khi quỹ SSIAM VN FinLead ETF niêm yết vào tháng 3 và quỹ VFM VN Diamond ETF niêm yết vào tháng 5, khối ngoại đã mua ròng 2.451 tỉ đồng chứng chỉ quỹ của 2 quỹ này, tương đương 40% trên tổng giá trị bán ròng 5.755 tỉ đồng của cổ phiếu và các quỹ ETF khác.
Về tổng quan, các quỹ ETF này được thiết kế để mô phỏng theo chỉ số VN Diamond và VN FinLead, với đặc điểm chính của 2 chỉ số này là bao gồm các cổ phiếu bị giới hạn tỉ lệ sở hữu nước ngoài. Theo đó, VN FinLead bao gồm rổ các cổ phiếu tài chính lớn nhất và có thanh khoản cao nhất, trong đó 96% là cổ phiếu ngân hàng, nhóm chiếm 27% tổng vốn hóa sàn HOSE nhưng thường không còn nhiều room cho nhà đầu tư nước ngoài mới. Trong khi đó, VN Diamond có phạm vi rộng hơn, là rổ cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất và có tính thanh khoản cao nhất, hầu như không còn room ngoại và chỉ số PE không quá cao. Do vấn đề hết room đã tồn tại trong nhiều năm, nên không có gì đáng ngạc nhiên khi các quỹ ETF mô phỏng các chỉ số này đang thu hút được sự chú ý nhiều nhất từ khối ngoại.
Cơ hội đầu tư cổ phiếu hết room
Dựa trên những dữ liệu đã phân tích, KIS đánh giá dòng vốn ngoại đang gián tiếp bơm vào một nhóm cổ phiếu, chiếm 32% tổng vốn hóa sàn HOSE, phần nào hỗ trợ chỉ số chung trong 4 tháng qua. “Chúng tôi vẫn chưa biết khi nào khối ngoại sẽ quay lại mua ròng tại Việt Nam nhưng nếu có, các quỹ ETF này có thể sẽ là lựa chọn hàng đầu của họ”, KIS nhận định.
Ngoài ra, theo ước tính của KIS, dòng tiền ngoại sẽ tiếp tục chảy vào các quỹ ETF này trong các quý tới và AUM có thể đạt khoảng 3.000 tỉ đồng cho mỗi quỹ, tương đương 2% vốn hóa thị trường của các chỉ số tương ứng.
Đánh giá về thị trường chung, KIS cho rằng tháng 9 có thể trở thành tháng sôi động nhất của thị trường chứng khoán Việt Nam trong khoảng thời gian còn lại của năm 2020. Mặc dù nhiều phiên đảo chiều trong ngày cho thấy bên mua có vẻ đuối sức, nhưng bên bán cũng không bán bằng mọi giá.
Ở mặt phân tích kỹ thuật, KIS cho biết các chỉ báo của công ty chứng khoán này vẫn chưa cho tín hiệu thị trường quá mua, và còn quá sớm để dự báo sự đảo chiều của đà tăng hiện tại trong những tuần tới.
Kịch bản tích cực, VN-Index sau khi bứt phá trên ngưỡng 900 điểm sẽ đẩy chỉ số lên vùng kháng cự 950 điểm. Trong khi đó ở kịch bản tiêu cực, nếu sự đảo chiều xảy ra thì ngưỡng 850 điểm sẽ là mức hỗ trợ của VN-Index. Đồng thời, KIS vẫn duy trì mục tiêu của VN-Index trong khoảng 900-1.000 điểm trong cuối năm 2020, với giả thiết lãi suất vẫn thấp và nền kinh tế phục hồi rõ rệt. Trong đó, cổ phiếu hết room có thể là nhóm cổ phiếu tăng giá tốt nhất do dòng vốn ngoại mạnh đồng loạt đổ vào 2 quỹ ETF VFM VN Diamond và SSIAM VN FinLead.
Cân nhắc đến dòng vốn nước ngoài đều đặn đổ vào các quỹ ETF trên, KIS khuyến nghị 5 cổ phiếu hết room là FPT (FPT), Thế Giới Di Động (MWG), Nhà Khang Điền (KDH), Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) và Techcombank (TCB).
* Room nước ngoài là tỉ lệ (%) cổ phiếu mà tổng các nhà đầu tư nước ngoài được phép sở hữu
Vũ Hoài
Theo nhipcaudautu.vn
Link nguồn: https://nhipcaudautu.vn/tai-chinh/co-hoi-dau-tu-co-phieu-het-room-ngoai-3336937/